Bài văn mẫu Phân tích nhân vật Ra-ma và Xi-ta hay nhất
Bài văn mẫu
Tác phẩm Ra-ma-ya-na có ảnh hưởng sâu rộng tới nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là khu vực Đông Nam Á. Đây là một trong những bộ sử thi vĩ đại nhất của Ấn Độ nói riêng và của thế giới nói chung. Đoạn trích Ra-ma buộc tội nằm ở khúc ca thứ 6 chương 79 với tình huống truyện hết sức đặc sắc qua đó thể hiện được những phẩm chất, tính cách của hai nhân vật chính là Ra-ma và Xi-ta.
Ra-ma hiện lên là một người anh hùng, kiên cường, dũng cảm đã đánh bại quỷ vương để cứu người vợ thân yêu của mình trở về. Trong đoạn trích, Ra-ma còn hiện lên với những phẩm chất, tính cách khác mà trước hết là tình yêu với vợ. Tình yêu đó được thể hiện ở quyết tâm đi cứu vợ khỏi quỷ vương Ra-va-na. Vợ rơi vào tay kẻ thù chắc chắn một người chồng sẽ đi cứu vợ và Ra-ma cũng không phải một ngoại lệ. Chàng cứu được Xi-ta vừa vui, vừa lo âu, buồn bã. Tình yêu còn được thể hiện trong sự ghen tuông rất đỗi đời thường, vợ rơi vào tay một người đàn ông khác lâu như vậy, nếu yêu vợ chẳng có ai lại không ghen, lời nói, hành động ruồng bỏ của Ra-ma cũng là vì lẽ ghen tuông ấy mà ra. Ngoài ra, tình yêu của chàng với Xi-ta còn được thể hiện ở nỗi lòng của Ra-ma khi phải buộc tội vợ, lòng chàng đau như cắt, mỗi lời chàng nói ra như có trăm ngàn vết dao cứa vào tim. Nhưng chàng không thể làm điều gì khác ngoài lời buộc tội ấy, bởi ngoài tư cách là một người chồng, chàng còn là vị quân vương tương lai sau này.
Những bên cạnh đó, Ra-ma còn hiện lên với tư cách công dân, vị quân vương tương lai, trọng danh dự, nhân phẩm. Bởi vậy dẫn đến hành động quyết liệt từ bỏ vợ. Hành động của Ra-ma cho thấy chàng luôn luôn đứng trên quyền lợi của cộng đồng để ra quyết định, điều đó cho thấy Ra-ma là người biết nhìn xa trông rộng, bởi lẽ yêu thương luôn đi liền với danh dự, bỏ mất danh dự tình yêu thương chỉ còn là sự thương hại. Điều này khiến cho trong Ra-ma nảy sinh mẫu thuẫn một mặt muốn yêu thương, bảo vệ Xi-ta mặt khác lại muốn bảo vệ danh dự dòng dõi. Tuy có xung đột như vậy nhưng quyết định cuối cùng vẫn phải trên lập trường nhân vật, cộng đồng. Đây chính là vẻ đẹp nói chung của các vị anh hùng trong sử thi, đặt quyền lợi cá nhân sau quyền lợi cộng đồng, kiên quyết bảo vệ danh dự đến cùng.
Về phía Xi-a nàng cũng mang trong mình nhiều phẩm chất tốt đẹp. Đầu tiên phải kể đến là tình yêu, sự thủy chung của nàng với Ra-ma. Trong những ngày bị quỷ vương bắt nàng luôn giữ gìn tiết hạnh, không cho quỷ vương động đến người mình, bởi cả thể xác và tâm hồn nàng đều thuộc về Ra-ma. Khi Ra-ma đánh thắng quỷ vương, nhận được tin đó Xi-ta nóng lòng muốn gặp lại ngay người chồng yêu thương của mình. Nàng bỏ cả điểm trang, nàng bỏ qua tục lệ tắm rửa vì muốn đến gặp chồng cho nhanh. Việc làm đó chứng tỏ tình yêu nồng nhiệt, cháy bỏng Xi-ta giành cho chồng.
Nhưng đồng thời nàng cũng là một phụ nữ hết sức thông minh, hành động kiên quyết để chứng minh phẩm giá, sự trong sạch của bản thân. Khi gặp chồng nàng phải đứng trước không gian cộng đồng, ngay lập tức nàng đã hiểu ý nghĩa cuộc gặp gỡ này, nàng tỏ ra vô cùng khiêm nhường trước Ra-ma. Bị Ra-ma đặt vào tình thế bất ngờ, từ niềm mong mỏi được gặp chồng nàng bỗng bị đặt trước những lời phán xét cay nghiệt của chính người mà mình yêu thương, nàng đã đưa ra những lí lẽ để chứng minh sự trong sạch của bản thân.
Lập luận của nàng hết sức chặt chẽ, có trước có sau, giọng điệu từ tốn mà vô cùng kiên quyết. Nàng trách Ra-ma đã không suy xetsm đánh đồng nàng với những phụ nữ tầm thường: “giống như kẻ thấp hèn chửi mắng một con mụ thấp hèn”. Và nàng khẳng định phẩm hạnh, tư cách của mình, với những lời lẽ thanh minh hết sức sắc sảo “Ra-va-na đã đụng đến thiếp khi mà thiếp đang chết ngất đi, làm thế nào tránh được”, còn khi nàng tình táo, nằm trong tầm kiểm soát thì “trái tim thiếp đây, là thuộc về chàng”. Những lập luận đanh thép vừa cho thấy tình yêu với Ra-ma vừa cho khẳng định sự trong sạch của Xi-ta. Xi-ta thay đổi cách xưng hô, khi gọi Ra-ma là chàng tự xưng mình là thiếp, khi lại gọi Ra-ma là đức vua. Không chỉ vậy, lời thoại của nàng còn hướng đến những người xung quanh, như một cách để thanh minh, bào chữa cho chính mình.
Nhưng lời bào chữa cũng không thể lấy được niềm tin của Ra-ma, nàng đi đến một hành động kiên quyết, đặt cược cả mạng sống của mình bằng cách tự thiêu, nhờ thần lửa A-nhi chứng minh cho sự trong sạch của bản thân. Nàng bước lên tự tin, không chút sợ hãi, bởi nàng trong trắng, vô tội nên các vị thần linh sẽ chứng giám cho sự trong trắng toàn vẹn của nàng. Với hành động đó, Xi-ta vừa chứng minh được trước toàn thể cộng đồng sự trong sạch, nhân phẩm cao quý của mình, vừa loại bỏ mọi sự ghen tuông đang ngùn ngụt trong lòng Ra-ma. Hành động của Xi-ta còn cho thấy, tự bản thân nàng cũng ý thức được trách nhiệm công dân của mình trong cộng đồng. Bởi vậy nàng phải tìm mọi cách để chứng minh, bảo vệ danh dự cá nhân, danh dự cộng đồng. Ý thức về danh dự, nhân phẩm chính là yếu tố qua trọng nhất ở cả Ra-ma và Xi-ta.
Để tạo nên thành công trong việc xây dựng hai nhân vật ta cần phải kể đến nghệ thuật xây dựng tình huống truyện đặc sắc, giúp các nhân vật bộc lộ phẩm chất bản thân. Ngôn ngữ nhân vật tài tình, tinh tế giúp diễn tả được tâm trạng nhân vật. Ngôn ngữ thường tập trung thuyết giảng đạo đức dựa trên lí tưởng cộng đồng. Nghệ thuật so sánh được vận dụng linh hoạt, giúp tái hiện tâm lí nhân vật.
Với tình thế, thử thách ngặt nghèo đặt ra cho cả Ra-ma và Xi-ta tác giả đã giúp người đọc khám phá những nét tính cách đẹp đẽ trong hai nhân vật. Đó là tình yêu tha thiết, sâu nặng, là ý thức về vai trò của bản thân trong tập thể, cộng đồng. Hai nhân vật là đại diện tiêu biểu cho vẻ đẹp của người Ấn Độ.