Cảm nhận về tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 (Phần 1)
Cảm nhận về tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 (Phần 1)
Cảm nhận về tình yêu đôi lứa trong thơ 1945 -1975 (Phần 2)
Nếu cho tôi được nói về một đề tài trong thơ ca thì tôi sẽ chọn nói về tình yêu đôi lứa. Đơn giản là vì trên cuộc đời này ai sống cũng cần có tình yêu, đúng như “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu đã nói:
“Làm sao sống được mà không yêuKhông nhớ không thương một kẻ nào”
Cuộc sống có hoa hồng và nước mắt thì tất nhiên tình yêu cũng có đắng cay và ngọt bùi. Nhưng không ai phủ nhận rằng tình yêu chân chính luôn đem đến cho con người niềm tin, sức mạnh để vượt qua gian khó trên đường đời. Và tình yêu đôi lứa trong thơ giai đoạn 1945-1975, giai đoạn máu lửa của đất nước, càng toả sáng lung linh như những ánh sao soi đường cho bao trái tim Việt vượt qua lửa đạn hung tàn, vượt lên đau thương mất mát của cuộc chiến đấu sống còn cùng kẻ thù sừng sỏ nhất. Ai có trái tim biết yêu thương đều không khỏi rung cảm và cúi đầu ngưỡng vọng trước những tình yêu tuyệt vời của một thời như thế.
Giữa hoàn cảnh đất nước ly loạn, vẫn có những bài thơ về tình yêu đầy cảm xúc, sâu lắng và tha thiết. Dù số lượng những bài thơ tình trọn vẹn như thế không nhiều nhưng vẫn để lại trong lòng người đọc biết bao sự bâng khuâng, lắng đọng:
Váy Đình Bảng buông chùng cửa võngChị thẩn thơ đi tìmĐồng chiều cuống rạChị bảo đứa nào tìm được Lá Diêu Bôngtừ nay ta gọi là chồng.
(Lá Diêu Bông-Hoàng Cầm)
Tình yêu đôi lứa trong thơ thời kháng chiến chống Pháp thường được cụ thể hoá thành nỗi nhớ, nỗi nhớ thiết tha về một dáng hình yêu kiều, một ai đó rất gần mà cũng rất xa xăm:
Nhớ ôi Tây Tiến cơm lên khóiMai Châu mùa em thơm nếp xôiDoanh trại bừng lên hội đuốc hoaKìa em xiêm áo tự bao giờKhèn lên man điệu nàng e ấpNhạc về Viên Chăn xây hồn thơ.
(Tây Tiến-Quang Dũng)
Người lính sau phút giây gian khó hiểm nguy trên đường hành quân lại được đắm mình trong đêm hội đuốc hoa đầy chất lãng mạn bên cô kiều nữ xứ núi rừng. Đó sẽ là nỗi nhớ day dứt trong lòng người vượt thác lên đường vì nghĩa lớn. Thơ Quang Dũng nhiều lần nhắc đến nỗi nhớ, nhớ vì phải cách xa nhau, người ở quê nhà người nơi tiền tuyến:
Rét mướt mùa sau chừng sắp ngựBên này em có nhớ bên kiaGiăng giăng mưa bụi qua phòng tuyếnQuạnh vắng chiều sông lạnh bến Tề
(Đôi bờ-Quang Dũng)
Đó không chỉ là nỗi nhớ của tình yêu lứa đôi mà con người còn gửi gắm cả nỗi niềm cho quê hương xứ sở, bởi tình người luôn gắn liền với tình đất thiết tha:
Vầng trán em mang trời quê hươngMắt em dìu dịu buồn Tây PhươngTôi nhớ xứ Đoài mây trắng lắmEm có bao giờ em nhớ thương?
(Đôi mắt người Sơn Tây- Quang Dũng)
Dù đi đến bất cứ nơi đâu, nhìn thấy bất cứ điều gì thì nỗi nhớ về “em” đều hiện hữu trong trái tim anh:
Em mất quê rồi anh mất emVừa khi tóc trắng rụng bên thềmHôm nay chợt thấy làn rêu lạIn đẫm hình em vách láng giềng
(Hình rêu bóng nhớ-Hoàng Cầm)
Quê hương bị quân thù tàn phá, người lính trẻ ôm súng lên đường với lòng căm thù giặc, lòng nung nấu quyết tâm cứu nước nhưng trái tim anh không làm bằng thép, anh cũng có giây phút nhớ người yêu “bổi hổi bồi hồi” như tình cảm trong ca dao xưa:
Ôi những cánh đồng quê chảy máuDây thép gai đâm nát trời chiềuNhững đêm dài hành quân nung nấuBỗng bồn chồn nhớ mắt người yêu
(Đất nước-Nguyễn Đình Thi)
Đã có một thời nỗi nhớ người yêu ấy bị lên án gay gắt, bị cho là “buồn rớt” “mộng rớt” của lớp chiến sĩ trí thức Hà Thành. Nhưng thời gian đã trả lại cho họ sự đánh giá công bằng, bởi nỗi nhớ người yêu ấy đâu làm người lính giảm đi quyết tâm giết giặc, bởi tình yêu đất nước còn bao gồm cả tình yêu lứa đôi:
Anh yêu em như yêu đất nướcVất vả đau thương tươi thắm vô ngầnAnh nhớ em mỗi bước đường anh bướcMỗi tối anh nằm mỗi bữa anh ăn.
(Nhớ- Nguyễn Đình Thi)
“Em” cũng mang một phần của đất nước, tình yêu và nỗi nhớ “em” làm “anh” vững vàng trên mỗi chặn hành quân, “anh” không đơn độc lẻ loi vì luôn có nỗi nhớ theo cùng trên suốt quãng đường gian lao.
Không chỉ nói về tình yêu của người “ra đi” dành cho người ở lại mà thơ trong giai đoạn này đôi khi còn dành những bài rất đẹp ca ngợi những mối tình của những con người “đồng chí”, họ không chỉ yêu nhau mà còn yêu quê hương và cùng chiến đấu cho màu xanh hoà bình trên đất mẹ:
Bảy năm về trước em mười bảyAnh mới đôi mươi trẻ nhất làng!Xuân Dục, Đoài Đông hai cánh lúaBữa thì em tới bữa anh sang………………Ai viết tên em thành liệt sĩBên những hàng bia trắng giữa đồngNhớ nhau, anh gọi: em, đồng chí|Một tấm lòng trong vạn tấm lòngAnh đi bộ đội-sao trên mũMãi mãi là sao sáng dẫn đườngEm sẽ là hoa trên đỉnh núiBốn mùa thơm mãi cánh hoa thơm.
(Núi đôi-Vũ Cao)
Tình yêu ấy trong sáng và cao quý biết bao! Yêu nhau, con người không chỉ nhìn nhau mà còn cùng nhìn về một hướng cho lý tưởng, dù có hy sinh dù có mất mát nhưng tình yêu đã được chắp cánh bay vào trang sử Việt hào hùng.
Có lẽ những năm tháng đấu tranh khắc nghiệt này đã khiến các nhà thơ tạm gác lại những bài thơ tình rực cháy. Tình yêu đôi lứa thường ít được dành trọn vẹn cho một bài mà thường chỉ chiếm một hoặc vài khổ trong bài thơ. Tình yêu đôi lứa ấy luôn được đề cập bên cạnh tình yêu nước, tình thần chiến đấu, tình yêu quê hương…Và các nhân vật trữ tình trong các bài
thơ thường là “em”, một cô gái trong tâm tưởng ít được miêu tả cụ thể rõ ràng, “em” có thể là một người có thật cũng có thể là bất cứ ai để qua đó nhà thơ bộc lộ tâm sự của mình. Như Hoàng Cầm, khi viết về tình yêu quê hương cũng mượn hình tượng em để diễn đạt:
Em ơi buồn làm chiAnh đưa em về sống ĐuốngNgày xưa cát trắng phẳng lì”
(Bên kia sông Đuống-Hoàng Cầm)
Rõ ràng cuộc sống và thi ca đều không thể vắng bóng tình yêu được.
Đến khi miền Bắc bước vào công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, hoài tưởng về những tháng năm chiến đấu đầy máu lửa, thơ ca cũng mang hình tượng “em” với nỗi nhớ về tình yêu đôi lứa rất đẹp:
Anh bỗng nhớ em như đông về nhớ rétTình yêu ta như cánh kiến hoa vàngNhư xuân đến chim rừng lông trở biếcTình yêu làm đất lạ hoá quê hương
(Tiếng hát con tàu-Chế Lan Viên)
Đây là khổ thơ tình rất tuyệt của Chế Lan Viên mang đậm hơi thở của miền Tây Bắc anh hùng. Tình yêu không chỉ cho con người thêm sức mạnh mà còn giúp con người gắn bó với “đất thiêng” hơn. Tình yêu đôi lứa vẫn chiếm một vị trí khá khiêm tốn bên cạnh tình yêu quê hương đất nước và quyết tâm xây dựng cuộc đời mới nhưng không phải là kém phần quan trọng.