Tóm tắt sử thi “Đẻ đất đẻ nước ” văn 10
Ở bài viết này chúng tôi sẽ hướng dẫn các em tóm tắt sử thi “Đẻ đất đẻ nước ” ngữ văn 10 ngắn gọn hay nhất. Ngoài ra ở cuối bài viết này còn có chuyên mục bài viết liên quan. Các em có thể kéo xuống bên dưới để xem thêm các bài viết phân tích, lập dàn ý hay nhất của tác phẩm đẻ đất đẻ nước.
… Thuở ấy, khi đất còn pạc lạc (xơ xác, rời rạc), nước còn pời lời (bùng nhùng), trời còn puổng luổng (mung lung), bỗng “mưa dầm mưa dãi”, nước ngập bao la núi đồi, 50 ngày nước mới rút, tự nhiên mọc lên một cây xanh có 90 cành, có một cành chọc trời, biến thành ông Thu Tha, bà Thu Thiên.
Hai thần truyền lệnh làm ra đất, trời và muôn vật. Nhưng sau đó, trời nắng dữ đội 12 năm liền làm cho xơ xác. Thần Pổng Pêu ao ước có một trận mưa lớn. Tức thì mưa to gió lớn chín mười ngày đêm, nước ngập bao la. Bảy tháng sau, nước rút. Một cây si khổng lồ mọc lên có 1919 cành. Trời sai con sâu gang khoét rỗng ruột cây si. Cây đổ, mỗi cành hóa ra một bản mường:
“… Một cành đổ về đất Sạp
Nên mường Sạp,
Một cành đổ về đất Giạp
Nên mường Giạp,
Một cành ngã về đất Bi, đất Lỗ
Nên mường Bi, mường Lỗ
Một cành đổ về đất Ông, đất Sà,
Nên mường Ông, mường Sà…”
Có một cành si hóa ra mụ Dạ Dần, mụ đẻ ra 2 cái trứng vô cùng kì dị nở ra cun Bướm Bạc và cun Bướm Bờ. Cun Bướm Bạc vừa mới nở đã ăn hết 9 chõ cơm, cun Bướm Bờ mới sinh đã ăn hết 5 chõ xôi:
“… Cun Bướm Bạc, cun Bướm Bờ
Lớn cao hơn đụn chín, đụn mười
Tiếng cười như tiếng trống cái
Tiếng nói như tiếng sấm vang
Xương vai dài tám mươi lóng
Xương sống dài bảy trăm gang…”
Rồi một thiên diễm tình đã xảy ra. Vua Trời cho 10 nàng tiên xuống trần gian du ngoạn. Cun Bướm Bạc và cun Bướm Bờ cưỡi ngựa bạc, vác ná đi săn lợn rừng, gặp các nàng tiên “lưng ong, tóc mượt”. Tự tình và say mê. Hai nàng tiên quên đường về trời. Họ nên vợ nên chồng. Sau 12 năm, 9 tháng, 2 nàng tiên sinh ra một bầy con, mà “Trống chim Tùng, mái chim Tót là con út, con yêu”. Đôi chim thần sau “9 ngày, 9 đêm, 9 tháng” đẻ ra 1919 chiếc trứng, nở ra Thần Chớp, Thần Mây, nở ra chuột, lợn, voi, cá, thú dữ… Đôi chim lại đẻ lứa thứ hai “Được một trứng đen đen bốn khúc, Trứng bầu dục bốn khuông, Mặt vuông, mặt tròn, chín cạnh, Rành rành mười hai quai…” Mụ Dạ Dần phải nhờ chim chiền chiện ấp. Trứng nở ra một bầy con, mỗi đứa nói một thứ tiếng: tiếng Lào, tiếng Kinh, tiếng Mọn, tiếng Siên quan (Mường), tiếng Thái, Mán, Mẹo, v.v… Có trứng nở ra anh em nhà lang: ông Dit Dáng, ông Lang Tà Cái, ông Lang Cun Cần, bố Bướm Khang, ông Sang Si, nàng Vạ Hai Chiếng… Loài người có từ đấy. Bộ tộc Mường có từ đấy.
Thần Cuông Minh Vàng Rậm, nàng ả Sấm Trời đúc 9 mặt trời, đúc được 12 mặt sáng (trăng). Đất trời chói chang, gay gắt. Họ nhà Ngao (thần Nỏ) dùng cung tên bắn rụng hết, chỉ để lại một mặt trời, một mặt trăng cho mường nước. Rồi ông Thu Tha, bà Thu Thiên làm ra năm tháng, ngày đêm, bốn mùa cho con người theo đó làm ăn sinh sống.
Người Mường chưa có thủ lĩnh. Mường nước mời ông Dịt Dáng, rồi mời ông Lang Tà Cái ra “cẩm binh cầm mường”. Nhưng cả hai đều bất tài nên đã bị ma đón đường, bị thuồng luồng xanh, rồng vàng ngăn ngõ. Mường nước men Lang Cun Cần ra tiễu trừ ma quỷ, thú dữ:
“.. Ma chạy từng bầy trốn vào trong núi
Ma rồng sợ Láng Cun Cần trói
Thuồng luồng sợ Lang Cun Cần chật
Ma Trời, ma Đất cùng chạy nhanh nhanh… ”
Lang Cun Cần trở thành thủ lĩnh từ đó. Rùa thần giúp Lang dựng nhà cửa to đẹp. Tà Gắm Cọt (thần Lửa) cho Cun Cần lửa. Nàng Tiến Tiên Mái Lúa (thần trồng trót) giúp Lang nhiều hạt giống để cấy trồng. Lang Khấm Dậm bày cho cách làm men ủ rượu cần. Mụ La, mụ Hung (thần chăn nuôi) dạy cho mường nước nuôi gia súc, gia cầm. Mường nước có trâu bò cày ruộng làm nương.
Hai chương 17, 18 với 1263 câu thơ kể chuyện Lang Cun Cần lấy vợ. Lần thứ nhất, lạng lấy nàng Vạ Hai Chiếng là em gái của mình, bị làng bản coi khinh, bị vua Trời sai cun Sấm nàng Sét xuống trừng phạt may mà thoát chết. Sau đó Lang Cun Cần phải đưa nàng Vạ Hai Chiếng bỏ vào rừng. Lần thứ hai, Lang sai người đi khắp mọi nơi, mang theo lễ vật để đi tìm gái đẹp con dòng. Lang lấy được nhiều vợ: có vợ là còn gái vua Trời, có vợ là con gái thần tiên, có vợ là con gái mường nước. Lang Cun Cần có một bầy con:
“… Nàng Vậm Đầu Đất
Đẻ được Cun Tồi, cái sang
Nàng Vậm Đầu Nước
Đẻ ra Cun Tàng, cái lớn
Nàng Ả Sao, Ả Sáng
Ả Rạng nhà ông vua Trời
Đẻ được Lang Cun Khương
Ả gái nuôi trong mường
Đẻ ra chàng Toong-ín… ”
Con cái trưởng thành, lang chia đất cho các con. Anh em sinh ra bất hoà. Toóng-ín vu cho Lang Cun Khương làm giặc để cướp đất của anh. Lang Cun Khương phải chạy trốn lên Trời, nhờ ông ngoại che chỏ. Trời giáng hoạ, làm ra lụt lôi, ép anh em nhà lang phải giết Toóng-ín. Từ đó Lang Cun Khương trở nên một thủ Ba giàu có, đầy uy quyền.
Tôi tớ của Lang là Tậm Tạch tìm được cây Chu đồng (cây thần), lấy được “bông thau – quả thiếc” mà trở nên giàu có. Anh em Lang Cun Khương lập mưu chuốc rượu cho Tâm Tạch, lừa lấy được “bông thau – quả thiếc”. Rồi Lang đưa cả mường nước đi chặt cây chu kéo vẻ làm nhà chu. Tậm Tạch bị Lang giết. Rùa thần lại giúp Lang làm nhà chu “Sáng cả mường, kinh kì ké chợ…” “rạng trời rạng đất…” Lang giết 10 voi ngà, 30 trâu mộng, 9 bò, 700 gà sao, nấu 1000 vò rượu, để ăn mừng. Lang Cun Cần ban thưởng cho các con nhiều vằng bạc quý giá.
Con của Tậm Tạch lập mưu đốt cháy nhà chu để báo thù. Chúng bị Lang giết, máu hoá thành côn Moong dữ phá quấy bản mường, gây ra tai họa khủng khiếp. Mường nước phải theo Lang đi săn Moong-Lồ trải qua bao gian khổ n hiểm mới giết được. Moong được giết thịt, người Lào, người Thái, người Tày nguời Mường nhanh chân lấy được da Moong vằn vộn mà học được cách thêu thùa dêt vải rất đẹp. Người Kinh đến sau, lấy được thịt và mỡ Moong từ đấy biết nấu nhiều món ăn ngon. Người “Mường-ngoài” (Hòa Bình) đến quá muộn, chẳng lấy được thứ gì, chỉ nhìn thấy đống tro thú Moong. Chẳng may, gió táp tro bay dính vào môi nên môi người Mường ngoài đen từ đó.
Tai hoạ còn nhiều. Chó ăn phải phổi Moong lồ thành chó điên. Chó điên bị giết, xác bị quẳng xuống sông, cá ăn vào cá biến thành điên, cá dữ. Cun Khương cùng mường nước lại đi săn. Cá điên bị giết, bầy quạ ăn phải thịt cá điên biến thành quạ điên. Săn lùng mãi, Lang Cun Khương mới bắn trúng tướng quạ, cả bầy hoảng sợ bay trốn vào rừng sâu.
Nhưng rồi hồn Toóng-ín lại biến thành Ma Ruộng, đưa bầy rắn “mỏ vàng, mỏ đỏ” lên đánh 3 anh em Lang Cun Khương. Quân hai bên kịch chiến suốt ngày. Đánh nhau giữa ruộng, quần nhau trên đồi gianh, đuổi nhau trong rừng sến, hôn chiến bên sông Rồng… Toóng-ín thất thế chạy xuống Thủy phủ Long Vương ân náu và xin cầu viện. Long vương cho hồn Toóng-ín làm Ma-May, Ma-Lang. Hắn đưa binh mã gồm thuồng luồng, ba ba, cá ngao… dâng nước làm lũ lụt, dìm chết được Lang Cun Tàng. Lang Cun Khương cùng mường nước nổi chiêng cổng, đem giáo mác, cung nỏ, lưới… vây các ngả sông đón đánh. Giặc Ma May, Ma Lang đại bại, bỏ lại trên bãi chiến trường bao xác rồng vằn vện, làm thối cả bản mường…
Từ đó mường nước được sống trong hòa bình, yên vui, thịnh vượng. Trẻ già, trai gái nô nức lo xống áo, lo kiệu lo ngai, rước vua về “Đồng chì tam quan kẻ chợ”.