Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam – phần 3
Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam – phần 3
Mời các em học sinh tham khảo thêm bài viết:
Đặc trưng thi pháp văn học trung đại Việt Nam – phần 4
C. MỘT THẾ GIỚI NGHỆ THUẬT PHI THỜI GIAN:
1. Quan niệm thời gian:
a. Con người thời cổ đại và trung đại chưa xem thời gian và không gian như những phạm trù trừu tượng. Thời ấy, người ta cảm nhận thời gian bằng sự trực cảm, bằng những tín hiệu không gian, bằng sự vận động của thiên nhiên và sự sống của con người. Bước đi của thời gian được theo dõi bằng thời tiết bốn mùa, bằng thời vụ nông tang, bằng sen tàn, cúc nở, bằng oanh vàng liễu biếc hay tiếng Đỗ quyên kêu.
Thuở đăng đồ mai chưa dạn gió Hỏi ngày về chỉ độ đào bông.
Hay:
Thuở lâm hành oanh chưa bén liễu Hỏi ngày về ước nẻo quyên ca. (Chinh phụ ngâm – Đặng Trần Côn)
b. Từ kinh nghiệm trực cảm, người xưa có hai nhận thức về thời gian:
– Quan sát cận cảnh hằng ngày, nhận thức thời gian tuyến tính một đi không trở lại. Thời gian tuyến tính vận động mau lẹ, đầy hình ảnh, đầy màu sắc cụ thể và giàu chất sống. Thời gian tuyến tính là thời gian của thế giới phàm tục. – Quan sát thế giới từ xa, nhận thức thời gian tuần hòan qua sự tuần hòan của vũ trụ. Đây là quan niệm thời gian chu kỷ, thời gian quay tròn không đi mất, động mà tĩnh, ngưng đọng, phi thời gian. Thời gian chu kỷ là thời gian của cõi trời, cõi tiên, của thế giới thanh cao bất tử.
Trong hai quan niệm thời gian này, người xưa chủ yếu hướng về thời gian chu kỷ, họ cho rằng thời gian tuyến tính phục tùng thời gian chu kỷ. Vì vậy, cảnh trong thơ xưa nhìn chung là cảnh ngưng đọng, phi thời gian, màu sắc đạm bạc giàu ý nghĩa biểu tượng triết lý hơn là hiện thực.
2. Thời gian nghệ thuật:
a. Trong truyện cổ, do cảm giác thời gian tuyến tính và chu kỷ song hành, nên cốt truyện thường có mô-típ: con người từ cõi trần lên cõi tiên, rồi từ cõi tiên trở lại cõi trần, từ thời gian tuyến tính đi lên thời gian chu ky rồi quay về thời gian tuyến tính. Truyện Từ Thức lên tiên sống với thế giới phi thời gian, sau đó trở về lại cõi trần và thấy trăm năm đã trôi qua.
b. Trong thơ ca cổ điển, các nhà thơ cũng cấu tứ theo hai ý niệm thời gian như thế. Bài Hoàng Hạc lâu của Thôi Hiệu khẳng định điều đó:
Hạc vàng ai cưỡi đi đâu Mà nay Hòang hạc riêng lầu còn trơ Hạc vàng bay mất từ xưa Ngàn năm mây trắng bây giờ còn bay (Tản Đà dịch)
Trong thơ Nguyễn Bỉnh Khiêm thời gian chu kỷ ngưng đọng biểu đạt lối sống nhàn tản, bất hòa với cõi nhân gian thế thái:
Thu ăn măng trúc đông ăn giá Xuân tắm hồ sen hạ tắm ao
Hoặc:
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ Người khôn người đến chốn lao xao
Trong thơ Nguyễn Khuyến, thời gian hầu như tĩnh tại đồng hiện, con người như đóng khung trong thời gian lắm sắc màu lòe lọet, nhịp điệu trì trệ ấy mà cảm nghe sự bất lực của một kẻ sĩ vong quốc:
Năm gian nhà cỏ thấp le te
Ngõ tối đêm sâu đóm lập lòe
Lưng giậu phất phơ màu khói nhạt
Làn ao lóng lánh bóng trăng loe (Thu ẩm)