Hướng dẫn soạn bài: Tác giả Nguyễn Đình Chiểu
Soạn bài tác giả Nguyễn Đình Chiểu
I. KIẾN THỨC CƠ BẢN
Nguyễn Đình Chiểu là ngôi sao sáng trên bầu trời văn học Việt Nam. Điều đáng trân trọng và làm nên giá trị đặc sắc cho tác phẩm của ông là một tấm lòng luôn thiết tha tình đời, tình người và lòng yêu nước thương dân sâu sắc. Văn chương của Nguyễn Đình Chiểu là văn chương chở đạo với nghệ thuật viết mộc mạc, đơn giản, chất phác nhưng dễ làm rung động lòng người bởi sự chân thành.
Nguyễn Đình Chiểu là một nhà nho có tấm lòng yêu nước, gắn bó tha thiết với quê hương, với nhân dân. Ông đã có những đóng góp rất lớn cho nên văn học dân tộc: văn học chữ Nôm đạt được nhiều thành tựu, hình tượng người nông dân được đưa vào văn học ở một vị trí trang trọng, tư tưởng nho gia truyền thống thống nhất với quyền lợi nhân dân lao động.
II. RÈN KĨ NĂNG
1. Nguyễn Đình Chiểu (1822 – 1888) tên tự là Mạnh Trạch, hiệu Trọng Phủ. Ông sinh tại quê mẹ, làng Tân Thới, phủ Tân Bình, huyện Bình Dương, tỉnh Gia Định. Thân phụ ông là Nguyễn Đình Huy, người Thừa Thiên. Mẹ là Trương Thị Thiệt.
Năm 1833, Nguyễn Đình Chiểu được cha đưa ra Huế ăn học. Năm 1849, ra Huế thi thì được tin mẹ mất. Ông trở về chịu tang mẹ, ông vừa ốm nặng vừa thương khó mẹ nên bị mù cả hai mắt. Chi tiết này để lại dấu ấn ở nhân vật Lục Vân Tiên. Ông chuyển sang học thuốc. Năm 1859, giặc Pháp tràn vào sông Bến Nghé, Nguyễn Đình Chiểu về Cần Giuộc, rồi Bến Tre. Đó là thời gian ông viết Chạy giặc, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc. Ông luôn giữ thái độ kiên trung, không hợp tác với giặc.
Những sự kiện lớn trong cuộc đời đều ảnh hưởng rất lớn và để lại dấu ấn đậm nét trong các tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu.
2. Nguyễn Đình Chiểu quan niệm văn chương có nhiệm vụ đề cao và chiến đấu vì chính nghĩa, phải ngụ ý khen chê công bằng. Văn chương là những sáng tạo nghệ thuật quý báu, tao nhã để phát huy các giá tinh thần. Trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu tập trung ủng hộ và ca ngợi các tấm gương người tốt. Đó là những con người có phẩm chất tiêu biểu cho quan niệm đạo đức truyền thống như trung nghĩa, thuỷ chung, dũng cảm. Sau khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu tập trung lên án quân xâm lược, phê phán triều đình nhu nhược, ca ngợi tinh thần nghĩa khí và những tấm gương chiến đấu của nhân dân.
Tác phẩm chính: Truyện Lục Vân Tiên, Dương Từ – Hà Mậu, Ngư Tiều y thuật vấn đáp, Văn tế nghĩa sĩ càn Giuộc, Văn tế Trương Định, Văn tế nghĩa sĩ trận vong Lục tỉnhvà một số bài thơ Đường luật.
3. Hình tượng người nghĩa sĩ nông dân là hình tượng thành công nổi bật trong sự nghiệp sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu ở cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Trước Nguyễn Đình Chiểu chưa có nhà văn nào viết riêng về người nông dân. Các nhà văn nhà thơ trung đại chỉ tập trung vào xây dựng các hình tượng các anh hùng dân tộc là các bậc quân thần với các chiến công lẫy lừng. Người nông dân xuất hiện rất mờ nhạt trong các tác phẩm của các nhà văn thời phong kiến và chưa bao giờ họ trở thành hình tượng nghệ thuật chính của tác phẩm. Nhưng đến Nguyễn Đình Chiểu, người nông dân trở thành hình tượng nghệ thuật voiư snhững phẩm chất cao đẹp của những người anh hùng.
Tác giả xây dựng một hình tượng nghệ thuật hoàn chỉnh, từ nguồn gốc xuất thân, hình thức bề ngoài, nội tâm, lí tưởng, hành động…
Người nghĩa sĩ xuất thân là những người nông dân hiền lành, chỉ biết chăm chỉ với công việc đồng áng, họ “cui cút làm ăn, toan lo nghèo khó”, họ sống an phận sau lũy tre làng bình yên. Chưa bao giờ họ ngó đến việc quân sự. Thê nhưng khi “súng giặc đất rền”, những người nông dân vốn hiền lành an phận ấy lại là người đầu tiên đứng lên đánh giặc. Họ đánh giặc bằng những thứ vũ khí mộc mạc, đơn giản mà họ có được. Nhưng tinh thần quả cảm, lòng yêu nước đã tạo nên sức mạnh để họ từng chiến thắng kẻ thù.
Thế giặc mạnh, sức người có hạn, nên dù rất anh dũng, dù đã làm chi giặc khiếp sợ những họ vẫn không thể đánh đuổi được kẻ xâm lăng. Nhưng dù thất bại, những người nghĩa sĩ quả cảm ấy đã cho kẻ thù thấy tinh thần bất khuất và lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần trách nhiệm đối với đất nước của nhân dân lao động. Họ ra đi để lại niềm tiếc thương vô hạn cho gia đình, người thân và cả dân tộc song họ đã mang đến niềm tự hào dân tộc cho thế hệ sau.
Nguyễn Đình Chiểu đã mang đến cho văn học Việt Nam một hình tượng đẹp về lòng yêu nước của nhân dân Việt Nam. Đó là minh chứng hùng hồn cho tinh thần và sức mạnh Việt Nam.
5. Giá trị thơ văn Nguyễn Đình Chiểu
Dù là thơ Đường luật, văn tế hay truyện thơ, nghệ sáng tác của Nguyễn Đình Chiểu đều có các đặc điểm nổi bật về nội dung là ca ngợi các phẩm chất đạo đức truyền thống theo quan điểm của nhà nho như trung nghĩa, thủy chung và thể hiện lòng yêu nước sâu sắc. Sáng tác của ông thể hiện trách nhiệm của một công dân đối với dân tộc. Do hoàn cảnh, ông không thể đứng lên trực tiếp cầm vũ khí đánh giặc, nhưng những trang văn của cụ đồ Chiểu có một sức chiến đấu mạnh mẽ. Tấm lòng tha thiết với nhân dân đất nước của ông đãđánh thức lòng yêu nước trong biết bao người dân Việt Nam khi họ soi mình vào trang văn của nhà nho Nguyễn Đình Chiểu.
Về giá trị nghệ thuật: ngôn ngữ và cách diễn đạt bình dị, mộc mạc, gần gũi với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân; kết hợp tính cổ điển với tính dân gian, bút pháp lý tưởng hoá với tả thực; đậm đà bản sắc dân tộc, đặc biệt là bản sắc địa phương Nam Bộ.
III. TƯ LIỆU THAM KHẢO “Con người ta nếu có giáo dục khá thì thường được hướng dẫn trong sự xử thế bởi những nguyên tắc đạo đức nhất định. Nhưng, thường hơn hết là, trong sự xử thế, ta được hướng dẫn bởi những mẫu người mà ta chọn trong tâm trí của ta. Cụ Nguyễn Đình Chiểu là một trong những mẫu người đầu tiên mà tôi chọn để trong tâm trí của tôi không biết từ hồi nào. Học giỏi, thi đỗ, không có gì đáng phục. Đáng phục là đã đui mù rồi mà không thối trí nản lòng, không cầu an tọa lạc, mà lại quyết tâm học thuốc thật giỏi, không phải để sinh sống mà để giúp đời, kiên trì viết sách, không phải để lấy tiếng mà để truyền bá nhân nghĩa và cổ động lòng ưu quốc vị dân. Chí ấy quý lắm. Đáng phục hơn nữa là, đã mang tật đui mù rồi mà còn tích cực tham gia cuộc đấu tranh chống kể xâm lăng. Chắc không ai nỡ trách móc một người mù lòa hoặc ở tại nhà, hoặc tị địa rất xa, một khi giặc Pháp giẫm chân lên thành Phụng. Nhưng Đồ Chiểu của chúng ta đã không ở lại mà cũng không lánh xa; Đồ Chiểu về với đốc binh là cầm đầu nghĩa quân Cần Giuộc và giúp sức Trương Định dựng cờ khởi nghĩa tại Tân Hòa. Cái dũng ấy của người mù là một tấm gương xử thế trong sáng, khiến mỗi người trai máu nóng không thể nào điềm nhiên tọa thị trước cảnh ngựa mình người ta cưỡi, dân tộc mình lũ quỷ giày xéo. Thua cuộc rồi, Nguyễn Đình Chiểu lưng vẫn thẳng, đầu vẫn cao, ngay kẻ thù cũng phải kính nể. Pháp định trả lại đất nhà của cụ ở Gia Định chăng? Cụ rằng: nước chung đã mất, nhà riêng còn đâu! Pháp toan kế đưa tiền cho cụ chăng, lấy danh nghĩa lạc quyên giúp nhà thơ cơn túng thiếu, hoặc lấy cớ trả tiền nhuận bút bản quyền, cụ rằng không cần thiết vì đã sống đầy đủ và vinh dự trong lòng thương của môn đệ và đồng bào! Tiết ấy, ai hơn? Suốt đời áo vải, tuy Gia Định, Ba Tri là những xứ nuôi tằm dệt lụa nhưng mỗi lúc giảng kinh truyện thì- khăn áo chỉnh tề. Trong nhà, thư sinh chen vai. Ngoài ngõ, nối nhau người đến xem mạnh bốc thuốc. Đồ Chiểu là lương y của cả thể xác và tâm hồn. Mù lòa, cụ không ngại đến tận nhà con bệnh. Nếu về sau có thầy thuốc nổi tiếng dán câu đối trước cửa “Đau tiếc thân, lành tiếc của, thói đời là thế; Mất lòng trước, được lòng sau, trả tiền mới hốt” thì trái lại, Nguyễn Đình Chiểu là người lấy âm đức làm mục đích, quên cái đau khổ riêng của mình để chữa cái đau chung của thiên hạ. Đứa ăn mày cũng trời sinh, Bệnh còn cứu đặng thuốc dành cho không. Vì vậy, cụ xem việc chữa bệnh như một cuộc chiến đấu: Trận đồ tám quẻ còn roi dấu Binh pháp năm mùi sẵn cỏ cây. Quý thay lòng Đồ Chiểu! Cho nên ngày đưa linh cụ, một cánh đồng Ba Tri rợp trắng những khăn tang; môn đệ, bệnh nhân, đồng bào vĩnh biệt một con người mà cuộc đời trọn vẹn là tấm gương chí công mài sắt, phục vụ không điều kiện, phò đời cứu dân, tấm gương tiết nghĩa, dũng cảm!… Biết bao văn sĩ, ta chỉ thích họ trong văn chương, mà chưa được phục họ trong đời sống. Còn với thầy Nguyễn Đình Chiểu, văn với đời là một, chỉ là một”. Trần Văn Giàu (Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu? Mấy vấn đề về cuộc đời và thơ văn Nguyễn Đình Chiểu, Sđd) “Chủ nghĩa yêu nước trong văn chương thời kỳ lịch sử cận và hiện đại bắt đầu với Nguyễn Đình Chiểu. Có người bảo: đúng Nguyễn Đình Chiểu khai sáng văn chương yêu nước; nhưng sau cụ còn biết bao nhiêu nhà văn yêu nước khác, thì chủ nghĩa yêu nước của cụ có những nét riêng biệt nào? – Ở Nguyễn Đình Chiểu, yêu nước, trước hết là thương dân. Nguyễn Đình Chiểu nói nhiều đến nhân dân, ít khi nói đến xã tắc. Ông Quán nói về thương ghét thì bao giờ cũng đối lập vua ác với dân lành: Ghét đời Kiệt, Trụ mê dâm Để dân đến nỗi sa hầm sẩy hang, Ghét đời U, Lệ đa đoan, Khiến dân luống chịu lầm than muôn phần. Ghét đời Ngũ Bá phân vân, Chuộng bề dối trá làm dân nhọc nhằn. Tử Trực khen rằng chùa đất Phật vàng và hỏi ông Quán Thương dân sao chẳng lập thân? Nói một cách khác, việc lập thân của Tử Trực, Vân Tiên, Hớn Minh đều vì lẽ “thương dân” vậy. Trong tác phẩm của Nguyễn Đình Chiểu, “dân” chiếm một miếng đất khá lớn. Mà “dân” thì đáng chú ý nhất là dân đen, dân nghèo, dân ấp, dân lân. Ta chưa hề thấy ở đâu trong văn chương Việt Nam trước Nguyễn Đình Chiểu, nói đến người dân, người dân nghèo với một lòng yêu mến, khâm phục như trong văn chương của Nguyễn Đình Chiểu; ta chưa hề thấy ai như Nguyễn Đình Chiểu xem dân ấp, dân lân như những người tiêu biểu nhất cho tinh thần yêu nước, cho ý chí quật cường của đất nước trong cơn khói lửa. Đặc điểm nổi bật của chủ nghĩa yêu nước trong văn chương Nguyễn Đình Chiểu là ở đó. Mấy ai vượt khỏi điều kiện lịch sử? Cho nên Nguyễn Đình Chiểu vẫn nói đến chúa, mong ở vua. Nhưng, Nguyễn Đình Chiểu dường như có đặt điều kiện cho việc trung quân: phải là vua hiền, vua kháng chiến thì mới được cụ tôn kính. Hãy nhớ những cái ghét của ông Quán. Hãy nhớ rằng, thuở ấy, hết lời ca tụng một vị tướng không nghe chiếu thiên tử mà thuận theo bụng nhân dân, là một thái độ can đảm phi thường. Tấm lòng yêu nước thiết tha của Nguyễn Đình Chiểu, hễ có dịp thì bộc lộ rất cảm động. Ngư Tiều vừa gặp nhau đã than thở vì nước nhà bị xâm lăng, chia cắt: U, Yên mấy quận, cắt bồi Khiết Đan. Ngư, Tiều, Đường, Chu, bốn người bạn gặp nhau vui mừng là vui mừng vì thấy cả bốn đều trong sạch, không chịu phò quân cướp nước. Câu chuyện này hẳn là không nhất thiết phải có để mở đầu cho việc trình bày y thuật, nhưng tác giả Ngư Tiều y thuật vấn đáp là người chiến sĩ yêu nước, cho nên không tách rời dầu một phút “chuyên môn” ra khỏi “chính trị”. Mà làm như thế có gượng gạo gì đâu? Trái lại hết sức tự nhiên như thuyền chài trên nước. Lục Vân Tiên là Nguyễn Đình Chiểu trước 1859. Nhân Sư là Nguyễn Đình Chiểu sau 1867. Vân Tiên mù vì khóc mẹ. Nhân Sư mù vì quyết giữ tiết tháo với non sông, để cho lòng đạo tròn gương.”
Trần Văn Giàu (Vì sao tôi thích đọc Nguyễn Đình Chiểu? Sđd, tr.58- 60)