Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay

0

Đề bài: Suy nghĩ về lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay – văn mẫu lớp 9

1. Mở bài

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận: lối sống lai căng của giới trẻ hiện nay.

2. Thân bài

a. Thực trạng

Nhiều bạn học sinh có những ngôn ngữ không phù hợp với lứa tuổi (nói tục, chửi bậy) để thể hiện cá tính và nghĩ rằng người khác sẽ sợ sệt mình. Có những bạn nhuộm tóc xanh đỏ, ăn mặc phản cảm để thể hiện độ “chịu chơi” của mình.

Nhiều người coi thường nội quy trường lớp, hay luôn tạo ra những trào lưu vô bổ, gây ảnh hưởng xấu tới thầy cô, bạn bè, hút thuốc lá, uống rượu bia,… sa đà vào các tệ nạn xã hội khác.

c. Nguyên nhân

Chủ quan: do sự thay đổi tâm sinh lí của các bạn, do bản chất hiếu thắng, ham muốn thể hiện mình, muốn mình hơn người khác.

Khách quan; do các bạn không được dạy dỗ chu đáo, sự thiếu quan tâm của các bậc phụ huynh dành cho con em mình; do môi trường xung quanh nhiều kẻ xấu tác động vào quá trình hình thành tính cách;…

d. Hậu quả

Những việc làm để thể hiện mình một cách tiêu cực như thế thì không những gây ảnh hưởng xấu tới trường lớp, bạn bè, thầy cô mà còn gây sự thiếu thiện cảm trong mắt mọi người, đang dần biến mình trở thành người xấu, người vô văn hóa.

Những thói quen, những sự “thích thể hiện” đó lâu dần sẽ trở thành tính cách của người đó, biến người đó thành người xấu, đi ngược với những phẩm chất tốt đẹp của xã hội.

e. Giải pháp

Mỗi người tự hướng bản thân mình đến những điều tích cực, tốt đẹp, học tập theo những tấm gương sáng, tránh xa những điều xấu.

Gia đình cần quan tâm nhiều hơn đến con em mình, dạy dỗ con em mình theo con đường đúng đắn, trở thành một người tốt.

Nhà trường cần có những biện pháp giáo dục, răn đe những học sinh có suy nghĩ và hành động lệch lạc đồng thời giáo dục các em những điều hay lẽ phải.

f. Bình luận

Mỗi con người được tự lựa chọn cho mình cách sống, hãy sống và thể hiện mình theo hướng tích cực, truyền cảm hứng cho người khác và lan tỏa những điều tích cực cho xã hội; tránh xa những thói hư tật xấu.

3. Kết bài

Khái quát lại vấn đề nghị luận: lối sống của giới trẻ hiện nay; đồng thời rút ra bài học và liên hệ bản thân.

Trong khi đất nước đang ngày càng hội nhập và phát triển với tiêu chí: “Hòa nhập nhưng không hòa tan” thì rất nhiều bạn trẻ lại để cho văn hóa ngoại quốc qua xâm nhập vào suy nghĩ, lối sống của bản thân. Điều này gây ra nhiều hậu quả xấu cho tương lai của đất nước, gây ra hiện tượng lai căng ngày một lan tràn.

Lai căng là cách chỉ những người bắt chước các loại văn hóa nước ngoài một cách lố lăng, đi ngược lại thuần phong mĩ tục cũng như làm méo mó, xói mòn đi các nét đẹp văn hóa truyền thống.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng chưa xót viết rằng:

“Một nghìn năm nô lệ giặc Tàu
Một trăm năm nô lệ giặc Tây
Hai mươi năm nội chiến từng ngày
Gia tài của mẹ, một bọn lai căng
Gia tài của mẹ, một lũ bội tình”

Thật vậy, từ ngàn năm Bắc Thuộc đến đế quốc, ngoại xâm, chúng luôn có mong muốn đồng hóa dân tộc ta, biến chúng ta trở thành những kẻ lai căng. Điều tất yếu là dù dân tộc ta có quật cường, kiên định chống lại thù trong giặc ngoài nhưng vẫn sẽ có một bộ phận những người bị “đồng hóa”, bị những thứ văn hóa ngoại lai kia làm cho mù quáng, biến chất. Đặc biệt là ở thời điểm hiện tại, giới trẻ được tiếp xúc với rất nhiều thứ văn hóa khác nhau gây ra tình trạng “bội thực” văn hóa, lai căng văn hóa ngày một rộng.

Ngày nay, hiện tượng lai căng ngày một lan rộng trên nhiều phương diện khác nhau. Thứ nhất là việc lai căng trong ngôn ngữ, tiếng nói. Điểm hình là việc các bạn trẻ sử dụng những từ ngữ với những kí tự không theo chuẩn quy tắc chung, từ “teen code”, hoặc sử dụng các loại ngoại ngữ chêm xen vào với Tiếng việt, khiến chúng mất đi sự trong sáng vốn có. Ví dụ như một số kí tự tiếng việt bị chuyển thành số như chữ “o” thành số “0” (ví dụ “không” thành “kh0ng”, “trong” thành “tr0ng”,…) chữ “e” thành số “3” (ví dụ “em” thành “3m”, “trên” thành “tr3n”,…) hay chữ “a” thành số 4 (ví dụ “anh” thành “4nh”, “xanh” thành “x4nh”…)… Hoặc hiện tượng chêm xen các từ nước ngoài vào trong lời nói. Đơn giản nhất như trong cách giao tiếp hàng ngày, họ thay từ “xin chào” bằng các từ ngoại như “hi”, “hello” hay thậm chí những câu nói có ý nghĩa tương đương cũng được thay như “cái gì” bằng “what”, “bạn” thành “you”… Điều này không chỉ trở thành thói quen xấu cho các bạn trẻ mà còn làm mất đi sự trong sáng của Tiếng Việt, làm tiếng mẹ đẻ bị mai một, méo mó.

Thứ hai là sự lai căng trong cách ăn mặc. Hàng loạt những loại “mốt tân thời” được du nhập vào nước ta và được các bạn trẻ “bắt sóng” rất nhanh. Những thứ quần áo lố lăng, rách rưới, lòe loẹt hay ngắn cũn cỡn lại trở thành những thứ “mốt” thời thượng được nhiều người săn đón. Chúng biến những người mặc trở thành những kẻ dị hợm, kệch cỡm….

Tiếp theo là những lai căng trong chính cách sinh hoạt. Điển hình là những ngày lễ nước ngoài lại dần trở thành những ngày lễ chính và được rất nhiều người quan tâm, đón chờ. Ví dụ như Noel hay valentine là những ngày lễ của nước ngoài nhưng lại được các bạn trẻ hưởng ứng nhiệt tình. Họ chuyển bị quà cáp, chúc tụng, vui chơi rộn ràng. Tuy nhiên, khi nhắc đến những ngày lễ của Việt Nam như Tết Đoan Ngọ, Rằm tháng bảy… thì nhiều bạn trẻ lại ngỡ ngàng, không biết…

Bên cạnh đó, lai căng còn được biểu hiện qua nhiều khía cạnh khác như phim ảnh, nghệ thuật…

Nhìn nhận theo nhiều khía cạnh khác nhau thì hiện tượng lai căng ở 1 bộ phận giới trẻ hiện nay là do sự phát triển chóng mặt của khoa học – công nghệ cho tới những thứ đơn giản được “nhập” từ phương Tây vào nước ta một cách mất kiểm soát. Trong khi đó, giới trẻ Việt lại thiếu nhận thức sâu sắc về văn hóa bản địa cũng như tâm lí sính ngoại, thích thể hiện cái tôi. Thậm chí, nhiều người còn coi văn hóa ngoại lai như một thứ trang sức trưng diện hư ảo.

Sự lan tràn của hiện tượng lai căng như hồi chuông cảnh tỉnh với tất cả mọi người. Chúng ta cần đưa ra những biện pháp nhằm khắc phục và đẩy lùi hiện tượng này. Trước hết, cần chỉ ra những tác hại nghiêm trọng của việc lai căng. Cùng với đó, cần giáo dục một cách đúng đắn cho giới trẻ nhận thấy được vai trò và giá trị của văn hóa bản địa. Hơn hết, mỗi người cần có ý thức đối với chính cuộc sống cũng như văn hóa của dân tộc mình.

Văn hóa lai căng cũng giống như một loại axit ăn mòn đi sự phát triển chung của cả xã hội. Hãy biết cách giữ gìn sự trong sáng của văn hóa dân tộc như bảo vệ chính sự trong sáng, lành mạnh của bản thân.

Leave a comment