Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người
Đề bài: Có ý kiến cho rằng: “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người”.Viết bài văn nghị luận bàn về ý kiến trên.
Bài Làm
1. Mở bài
– Thế giới những năm gần đây nhờ sự phát triển của công nghệ đang thay đổi diện mạo.
– Có ý kiến cho rằng: “Con người từng ngày thay đổi công nghệ nhưng chính công nghệ cũng đang thay đổi cuộc sống của con người”. Vấn đề đó có ý nghĩa không chỉ trong cuộc sống hôm nay mà còn nhiều năm tiếp theo, định hướng hành vi, thói quen không chỉ của cá nhân mà còn cả cộng đồng, nhiều thế hệ.
2. Thân bài
a) Giải thích
– Thuật ngữ công nghệ có nguồn gốc từ tiếng Hi Lạp, hàm nghĩa về các công cụ, kĩ năng và mưu mẹo của con người trong các hoạt động sống. Ngày nay, công nghệ được xem là hệ thống các phương pháp, công cụ và năng lực giải quyết vấn đề, hay quy trình tạo ra sản phẩm.
– Vấn đề đặt ra: con người đang ngày càng phát triển công nghệ nhưng cũng đồng thời lệ thuộc vào nó, bị nó chi phối. Vấn đề này được đặt ra một cách thiết thực đối với chúng ta.
b) Bàn luận
(1) Thực trạng của vấn đề
– Công nghệ không phải là thuật ngữ mới, mà ngay từ khi loài người xuất hiện đã xuất hiện công nghệ. Công nghệ gắn với những thời đại cụ thể, và vì thế nó luôn biến đổi. Việc phát triển, biến đổi công nghệ là một quy luật tất yếu, khi con người chủ động thay thế phần quan trọng hay toàn bộ công nghệ đang sử dụng bằng một công nghệ khác tiên tiến hơn, nhằm phục vụ cho cuộc sống con người tốt hơn.
– Thế kỉ XXI – thế kỉ của công nghệ và thông tin bùng nổ. Chúng ta không thể phủ nhận những lợi ích mà công nghệ mang lại khiến thế giới tưởng chừng như quá xa vời lại gần trong gang tấc, đồng thời mọi việc được thực hiện dễ dàng hơn. Chỉ một cú click chuộc, vài tiếng lách cách gõ bàn phím là ta có thể biết được mọi sự việc đang diễn ra trên thế giới này.
– Công nghệ hiện diện trong mọi lĩnh vực của đời sống như: thư điện tử, máy giặt, nồi cơm điện… ra đời thay thế cho chim bồ câu đưa thư, giặt tay, bếp rơm, bếp củi. Sự có mặt của con người ở các nhà máy sản xuất ít hơn vì đa phần đều được tự động hóa, thành phần sản xuất ra đều chỉn chu và đẹp. Khi internet xuất hiện, công nghệ bùng nổ thì thông tin cũng từ đó mà bùng nổ theo. Hàng loạt các website, các trang báo điện tử… xuất hiện ngày càng nhiều (khoảng 634 triệu website đang hoạt động trên toàn cầu tính đến 1272012). Người dùng internet cũng ngày một nhiều hơn (khoảng 2,4 tỉ người sử dụng internet trên toàn cầu tính đến năm 2012).
(2) Hệ quả tác động
– Tích cực: Con người được hưởng lợi từ sự phát triển công nghệ: hưởng thụ các sản phẩm tốt hơn, tiện ích hơn, tiết kiệm sức lao động, đặc biệt là ở các công việc nguy hiểm, ô nhiễm; đời sống con người được nâng cao.
– Tiêu cực: Công nghệ tác động không tốt đến đời sống con người: sự lệ thuộc vào công nghệ, con người trở nên lười suy nghĩ, lười vận động; những mối liên hệ thường ngày như trò chuyện, quan tâm, chăm sóc trở nên lỏng lẻo. Từng con người trở nên khô cứng, ít quan tâm đến nhau, ít biểu đạt tình cảm…
– Thế giới công nghệ, thông tin đem đến cho con người những ảo tưởng, đặc biệt là bộ phận giới trẻ chìm đắm vào thế giới ảo (nghiện game online, mạng xã hội…) dẫn đến những hiện tượng xấu, không kiểm soát được bản thân, dẫn tới hành động sai trái, nguy hại.
(3) Giải pháp
– Trong thời đại ngày nay, vẫn cần thiết phát triển công nghệ. Tuy nhiên, việc sử dụng công nghệ cần tiết chế, phù hợp.
– Ở tầm vĩ mô là sự tăng cường quản lí, sử dụng công nghệ để phục vụ cho mục đích lành mạnh, phục vụ cộng đồng.
– Với các cá nhân, cần cân bằng giữa việc sử dụng công nghệ và thực hiện những trách nhiệm với cộng đồng, gia đình, tạo ra các diễn đàn, sân chơi lành mạnh, gắn kết cá nhân trong gia đình và xã hội.
c) Bài học nhận thức và hành động – Nhận thức được vai trò quan trọng của công nghệ trong cuộc sống hiện đại, văn minh của con người và những hệ lụy từ việc lạm dụng công nghệ. – Bài học hành động: Chăm lo học tập, tiếp thu những công nghệ hiện đại nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống của bản thân, đồng thời luôn ý thức được mục đích sử dụng; bản lĩnh trước sức hấp dẫn của công nghệ đối với cá nhân; xác định lý tưởng sống, mục tiêu và phấn đấu nhằm đạt được mục tiêu đó.3. Kết bài Công nghệ là sản phẩm của tài năng và trí tuệ vượt trội của con người. Do vậy, hãy để công nghệ là công cụ hữu ích phục vụ và nâng cao chất lượng sống của con người. Chúng ta hãy là những ông chủ thông minh, tỉnh táo và bản lĩnh của công nghệ.