Soạn bài Phép phân tích và tổng hợp – Luyện tập phân tích và tổng hợp
Soạn bài Phép phân tích và tổng hợp – Luyện tập phân tích và tổng hợp
1. Bài tập 3, trang 10, SGK.
Tác gải đã phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách như thế nào ?
Trả lời:
Phân tích tầm quan trọng của cách đọc sách
– Tác giả nói đến tầm quan trọng của cách đọc sách. Đọc sách là một con đường của học vấn. Tuy nhiên, đặc điểm của thời đại ngàv nay là sách nhiều, làm sao đọc hết được ; thời gian của mỗi người có hạn, đọc thế nào cho bổ ích. Sách nhiều có lợi mà cũng gây khó khăn cho người đọc. Do sách nhiều mà sinh ra cách đọc tham nhiều, đọc không sâu, không ích lợi gì. Vì thế, cần phải biết lựa chọn sách hay, sách có giá trị mà đọc. Khi đọc, cần tập trung, không phân tán, vừa để khỏi phí thời gian vừa thực sư có hiệu quả.
– Đọc sách cần chọn cho tinh, đọc cho kĩ. Đọc ít mà tiêu hoá, biến thành kiến thức của mình hơn là đọc nhiều mà không thu hoạch gì, đầu óc trống rỗng.
– Sách đọc cần phân loại. Sách chuyên môn đọc kĩ, ngoài ra sách kiến thức phổ thông cũng cần đọc, vì các loại kiến thức bổ sung cho nhau.
– Không có cách đọc sách thì không xử lí được việc học tập trước biển sách mênh mông hiện nay. Không có cách đọc sách cũng không xử lí được thời gian có hạn của mỗi người. Không giải quyết được hai khâu ấy thì không mong tiến bộ được.
2. Qua các vấn đề nêu ở bài tập trên, em hiểu phân tích là một phương pháp như thế nào ?
Trả lời:
Qua các vấn đề nêu ở bài tập trên có thể nhận thấy, phân tích gồm hai loại thao tác :
– Một là chia nhỏ đối tượng thành từng phần, từng phương diện để xem xét, rồi sau tổng hợp lại.
– Hai là khám phá nội dung, ý nghĩa ẩn kín của các phần và phương diện ấy bằng nhiều cách cụ thể : so sánh, đối chiếu đối tượng với các đốĩ tượng tương đồng hay khác biệt, xem xét mối liên hệ giữa các bộ phận của đối tượng với nhau, tìm ra nguyên nhân, dự đoán kết quả của nó.
3. Lòng khiêm tốn và sự tự ti.
Trả lời:
Đề bài “Lòng khiêm tôn và sự tự ti” tuy không nói rõ yêu cầu phân tích mà thực chất là một đề bài yêu cầu phân tích : Chỉ ra sự giống nhau và khác nhau giữa lòng khiêm tốn và sự tự ti, cần khiêm tốn nhưng không nên tự ti, khiêm tốn có lợi, còn tự ti có hại. (Xem bài Lòng khiêm tốn của Lâm Ngữ Đường, SGK Ngữ văn 7, tập hai, trang 70 – 71)
4. Lòng dũng cảm và sự liều lĩnh.
Trả lời:
Phương pháp làm bài tương tự như bài tập 3 ở trên. Phân tích bằng cách so sánh hai biểu hiện bề ngoài có vẻ giống nhau mà thực chất là khác nhau, chỉ ra những chỗ khác nhau ây. Chúng ta đề cao lòng dũng cảm mà phê phán sự liều lĩnh.
5. Bài tập 2, trang 12, SGK.
Hiện nay có một số học sinh học qua loa, đối phó, không học thật sự. Em hãy phân tích bản chất của lối học đối phó để nêu lên những tác hại của nó.
Trả lời:
Bài tập nêu lên hai yêu cầu : phân tích bản chất của lối học đối phó và tổng hợp về các tác hại của lối học đó.
Về lối học đối phó, có thể nêu các biểu hiện như :
– Không xem học tập là mục đích, không dành thời gian cho việc học.
– Học một cách thụ động, vội vàng, chỉ nhằm đối phó với việc kiểm tra, thi cử.
– Vì thế không nắm được bản chất của tri thức, thường chỉ học gạo, hời hợt, bề ngoài.
– Kết quả của học đối phó là, vừa mất thời gian, vừa không học được kiến thức.
Tổng hợp về việc học đối phó nêu ở trên, có thể khái quát bằng nhiều cách, chẳng hạn : Học đối phó là hình thức học không lấy việc trau dồi, mở mang hiểu biết làm mục đích chính. Lối học đó chỉ làm cho người học mệt mỏi, không mang lại hứng thú, hiệu quả gì và không tạo ra được nhân tài cho đất nước.
6. Trong đoạn trích sau đây, tác giả lần lượt phân tích những phương diện nào của Truyện Lục Vân Tiên ? Câu nào có thể nói là câu tổng hợp lại vấn đề đã được phân tích ?
“Bây giờ xin nói về Lục Vân Tiên, tác phẩm lớn nhất của Nguyễn Đình Chiểu, rất phổ biến trong dân gian, nhất là ở miền Nam. Phải hiểu đúng Lục Vân Tiên thì mới thấy hết giá trị của bản trường ca này. Đúng, đây là một bản trường ca ca ngợi chính nghĩa, những đạo đức đáng quý trọng ở đời, ca ngợi những người trung nghĩa ! Tất nhiên những giá trị luân lí mà Nguyễn Đình Chiểu ca ngợi, ở thời đại chúng ta, theo quan điểm của chúng ta thì có phần đã lỗi thời. Nhưng Nguyễn Đình Chiểu cũng như nhiều bậc hiền triết ngày xưa ở phương Đông hoặc phương Tây, vẫn để lại cho đời sau những điều giáo huấn đáng quý trọng. Lại thêm Nguyễn Đình Chiểu suốt đời sống trong lòng của quần chúng nhân dân, giữa lúc nhân tình thế thái là sự mỉa mai đối với triết lí Khổng – Mạnh. Chính Nguyễn Đình Chiểu phải viết câu : “Trượng phu có chí ngang tàng !” không thể tự trói mình trong khuôn khổ của đạo lí cổ truyền. Cho nên các nhân vật của Lục Vân Tiên : Lục Vân Tiên, Nguyệt Nga, Tiểu đồng,… là những người đáng kính, đáng yêu, trọng nghĩa, khinh tài, trước sau một lòng, mặc dầu khổ cực, gian nguy, quyết phấn đấu vì nghĩa lớn. Họ là những nhân vật của một thuở đã qua, điều đó không cần phải nói. Nhưng họ là những con người có ruột gan, xương thịt. Họ sống trong một xã hội cũng như biết bao xã hội từ xưa đến nay – có người tốt kẻ xấu, người ngay kẻ gian, có nhiều đau khổ, bất công – họ đã đấu tranh không khoan nhượng chống mọi gian dối, bất công và họ đã thắng. Họ là những tấm gương dũng cảm. Vì những lẽ đó họ gần gũi chúng ta và câu chuyện của họ làm chúng ta cảm xúc và thích thú.
Về văn chương của Lục Vân Tiên, phải để ý đây là một chuyện “kể”, chuyện “nói”. Tác giả cố ý viết một lối văn “nôm na”, dễ hiểu, dễ nhớ, có thể truyền bá rộng rãi trong dân gian. Có người hay hạch những chỗ lời văn không hay lắm ; ở đây phải nhớ rằng Nguyễn Đình Chiểu vì mù nên chỉ có thể đọc cho người khác viết, và như vậy, thật khó sửa chữa và duyệt lại nguyên bản. Lại thêm, đến nay chẳng ai biết nguyên bản ấy là bản nào. Và hiện nay mấy bản sao mà người ta có thể căn cứ đều có chỗ khác nhau ! Dẫu sao đôi chỗ sơ sót về văn chương không thể làm giảm giá trị văn nghệ của bản trường ca thật là hấp dẫn từ đầu đến cuối. Tôi không nhớ tôi đọc Lục Vân Tiên lúc nào, song đến nay tôi còn thuộc lòng nhiều vần thơ rất hay :
Kim Liên ơi hỡi Kim Liên,
Đẩy xe cho chị qua miền Hà Khê.
…
Vân Tiên đầu đội kim khôi
Tay cầm siêu bạc, mình ngồi ngựa ô.
Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe kể Lục Vân Tiên, không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên.”
(Theo Phạm Văn Đồng, Nguyễn Đình Chiểu,
ngôi sao sáng trong văn nghệ của dân tộc,
trong Tạp chí Văn học, tháng 7 – 1963)
Trả lời:
Trong đoạn trích trên, tác giả Phạm Văn Đồng lần lượt phân tích các phương diện tạo nên giá trị của Lục Vân Tiên. Các phương diện đó là :
a) Về nội dung tư tưởng, vì sao các nhân vật của Lục Vân Tiên làm ta cảm động.
b) Về phương diện văn chương, vì sao người ta thuộc và thích đọc Lục Vân Tiên.
Câu tổng hợp các giá trị đó là câu cuối của đoạn văn : “Trong dân gian miền Nam, người ta thích Lục Vân Tiên, người ta say sưa nghe “kể” Lục Vân Tiên không chỉ vì nội dung câu chuyện, còn vì văn hay của Lục Vân Tiên.”.