Soạn bài Ánh trăng
Soạn bài Ánh trăng
1. Bài thơ Ánh trăng có dáng dấp một câu chuyện kể. Phân tích sự kết hợp giữa yếu tố trữ tình với yếu tố tự sự trong bài thơ.
Trả lời:
Ánh trăng mang giọng điệu kể. Câu chuyện được kể trong bài thơ diễn biến theo trình tự thời gian, cảm xúc, suy ngẫm của nhân vật trữ tình (nhà thơ) được giãi bày men theo dòng cốt truyện. Phân tích xem quan hệ (thái độ, tình cảm) của nhà thơ với vầng trăng diễn biến qua mấy bước (giai đoạn) cơ bản.
Trong dòng diễn biến theo thời gian, sự việc bất thường ở khổ thơ thứ tư chính là bước ngoặt để từ đó tác giả bộc lộ cảm xúc, thể hiện chủ đề của tác phẩm (chú ý các từ thình lình, vội, đột ngột). Từ đây, hai khổ năm và sáu có sự chuyển đổi giọng điệu (thiết tha rồi trầm lắng cùng xúc cảm và suy tư lặng lẽ).
2. Cảm nhận của em về hình ảnh vầng trăng trong bài thơ Ánh trăng của Nguyễn Duy. So sánh với những trường hợp khác để chỉ rõ nét độc đáo của hình ảnh thơ này.
Trả lời:
Bài tập này yêu cầu phân tích, trình bày cảm nhận về các tầng ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng trong bài thơ. Cần tập trung vào ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh này.
Chú ý tình huống xuất hiện của vầng trăng ở khổ thứ tư.
Căn cứ vào hai khổ thơ đầu để phân tích vẻ đẹp, ý nghĩa biểu tượng của hình ảnh vầng trăng. Chú ý thêm hình ảnh “Trăng cứ tròn vành vạnh” qua thời gian, năm tháng ở khổ cuối.
Tìm hiểu một số bài thơ khác có hình ảnh ánh trăng để so sánh, từ đó chỉ ra nét độc đáo của hình ảnh ánh trăng trong bài thơ này (Trăng thường thể hiện vẻ đẹp thơ mộng, thanh khiết của thiên nhiên, thành người bạn tri âm tri kỉ. Ở bài thơ của Nguyễn Duy, hình ảnh này còn mang ý nghĩa biểu tượng gì gắn với một quãng đời, với hoàn cảnh sống của nhân vật trữ tình ?).
3. Phân tích khổ kết thúc bài thơ :
Trăng cứ tròn vành vạnh
kể chi người vô tình
ánh trăng im phăng phắc
đủ cho ta giật mình
Trả lời:
Khi phân tích khổ thơ kết thúc bài nên suy nghĩ theo các câu hỏi :
– Vị trí của khổ thơ này trong mạch kết cấu của toàn bài ?
– Vẻ đẹp, ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng ở hai câu thứ nhất và thứ ba của khổ thơ ?
– Trăng và người đối lập với nhau như thế nào qua cảm nhận, lời tự kiểm điểm của nhân vật trữ tình ?
– Tại sao nhà thơ lại “giật mình” ? Sự “giật mình” ấy cho ta hiểu gì về nhà thơ, có ý nghĩa gì đối với mỗi người đọc ?
4. Phát biểu ngắn gọn về giá trị tư tưởng của bài thơ Ánh trăng.
Trả lời:
Bài tập này nhằm kiểm tra sự thu hoạch tổng hợp về tác phẩm, khuyến khích phát huy suy nghĩ, cảm nhận cá nhân. Khi phát biểu về giá trị tư tưởng của Ánh trăng cần căn cứ vào vẻ đẹp, ý nghĩa của hình ảnh vầng trăng, về chủ đề của bài thơ, cần gắn với đạo lí, lẽ sống cao đẹp của dân tộc Việt Nam. Từ đây, chúng ta càng nhận ra ý nghĩa nhắc nhở thấm thía của bài thơ.