Soạn bài Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

0

Soạn bài Cách dẫn trực tiếp và cách dẫn gián tiếp

1. Bài tập 1, trang 54, SGK.
Tìm lời dẫn trong những đoạn trích sau (trích từ truyện ngắn Lão Hạc của Nam Cao). Cho biết đó là lời nói hay ý nghĩ được dẫn, là lời dẫn trực tiếp hay lời dẫn gián tiếp.a) Nó cứ làm in như nó trách tôi ; nó kêu ư ử, nhìn tôi, như muốn bảo rằng: “A ! Lão già tệ lắm ! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này à ?”.b) Sau khi thằng con đi, lão tự bảo rằng : “Cái vườn là của con ta. Hồi còn mồ ma mẹ nó, mẹ nó cố thắt lưng buộc bụng, dè sẻn mãi, mới để ra được năm mươi đồng bạc tậu. Hồi ấy, mọi thức còn rẻ cả…”.
Trả lời:
Mục đích của bài tập này là nhận diện lời dẫn và cách dẫn. Em cần xem lại cách nhận biết và cách dùng lời dẫn trong phần Ghi nhớ. Chú ý phân biệt trường hợp dẫn trực tiếp với trường hợp dẫn gián tiếp.
Ví dụ, cách dẫn trong câu ở (a) là dẫn trực tiếp. Trong câu ở (a), lời dẫn bắt đầu từ “A ! Lão già… “. Đây là cách dẫn lời của con vật thông qua sự tưởng tượng của nhân vật (theo kiểu ngôn ngữ nghệ thuật).
2. Bài tập 2, trang 54 – 55, SGK.
Viết một đoạn văn nghị luận có nội dung liên quan đến một trong ba ý kiến dưới đây. Trích dẫn ý kiến đó theo hai cách : dẫn trực tiếp và dẫn gián tiếp.a) Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
(Hồ Chí Minh, Báo cáo Chính trị tại Đại hội
đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng)
b) Giản dị trong đời sống trong tác phong, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chí Minh cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.
(Phạm Văn Đồng, Chủ tịch Hồ Chí Minh,
tinh hoa và khí phách của dân tộc, lương tâm của thời đại)
c) Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình.
(Đặng Thai Mai, Tiếng Việt, một biểu hiện
hùng hồn của sức sống dân tộc)
Trả lời:
Mục đích của bài tập này là giúp em thực hành tạo câu có chứa lời dẫn theo mẫu gợi ý đã cho.
Cần chú ý rằng trong việc chuyển từ cách dẫn trực tiếp sang dẫn gián tiếp, nhiều khi ta phải thay đổi, thêm bớt một vài từ ngữ nhưng không được làm sai lệch ý nghĩa của lời dẫn. Ví dụ :
– Dẫn trực tiếp : Trong “Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nêu rõ : “Chúng ta phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc, vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.”.
– Dẫn gián tiếp : Trong “Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ II của Đảng”, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói rằng người Việt Nam phải ghi nhớ công lao của các vị anh hùng dân tộc vì các vị ấy là tiêu biểu của một dân tộc anh hùng.
Em tự làm tiếp các câu (b) và (c)
3. Bài tập 3, trang 55, SGK.
Hãy thuật lại lời nhân vật Vũ Nương trong đoạn trích sau đây theo cách dẫn gián tiếp.   Hôm sau, Linh Phi lấy một cái túi bằng lụa tía đựng mười hạt minh châu, sai Xích Hỗn sứ giả đưa Phan ra khỏi nước. Vũ Nương cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng mà dặn :   – Nhờ nói hộ với chàng Trương, nếu còn nhớ chút tình xưa, nên lập một đàn giải oan ở bến sông, đốt cây thần đăng chiếu xuống nước, tôi sẽ hiện về.
(Nguyễn Dữ, Chuyện người con gái Nam Xương)
Trả lời:
Mục đích của bài tập này là chuyển lời dẫn trực tiếp thành lời dẫn gián tiếp trong một tình huống giao tiếp có nhiều người tham gia, dễ gây nhầm lẫn. (Xem thêm phần chú ý ở bài tập 2.)
Để thực hiện bài tập này có hiệu quả, cần chú ý các điểm sau đây :
– Phân biệt rõ lời thoại là của ai, người nghe lời nói đó là ai, trong lời thoại đó có phần nào mà người nghe cần chuyển đến người thứ ba và người thứ ba đó là ai.
– Thêm vào trong câu những từ ngừ thích hợp để mạch ý của câu hiện rõ.
Ví dụ : Vũ Nương nhân đó cũng đưa gửi một chiếc hoa vàng và dặn Phan nói hộ với chàng Trương (rằng) nếu…
Em tự làm tiếp cho trọn câu. Em hãy cho biết trong ví dụ này có mấy người và đó là những ai.
4. Câu sau đây của nhà nghiên cứu Đặng Thai Mai :
   Người Việt Nam ngày nay có lí do đầy đủ và vững chắc để tự hào với tiếng nói của mình.
(Đăng Thai Mai,
Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc)
a) Dùng câu trên làm lời dẫn trực tiếp để viết tiếp vào chỗ có dấu ba chấm /…/ trong câu sau :
Trong bài Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, Giáo sư Đặng Thai Mai viết /…/
b) Dùng câu trên làm lời dẫn gián tiếp để viết tiếp vào chỗ có dấu ba châm /…/ trong câu sau :
Trong bài Tiếng Việt, một biểu hiện hùng hồn của sức sống dân tộc, Giáo sư Đặng Thai Mai viết /…/
Trả lời:
Chú ý cách dùng dấu câu khi tạo ra lời dẫn trực tiếp và cách dùng từ đệm rằng khi tạo ra lời dẫn gián tiếp.
5. Đọc đoạn trích sau đây và thực hiện hai nhiệm vụ nêu ở bên dưới :
    Chúng tôi tham dự Hội nghị cấp cao thế giới về trẻ em để cùng nhau cam kết và ra lời kêu gọi khẩn thiết với toàn thể nhân loại : Hãy bảo đảm cho tất cả trẻ em một tương lai tốt đẹp hơn.
(Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ
và phát triển của trẻ em, trong Ngữ văn 9, tập một)
a) Trong đoạn trích trên, phần nào là nội dung lời kêu gọi ?
b) Viết một câu như trong thư gửi bạn, trong đó dùng phần nội dung lời kêu gọi trên đây làm lời dẫn gián tiếp.
Trả lời:
Tham khảo hướng dẫn ở Gợi ý làm bài của bài tập 4 trên đây :
Chú ý : Một trong những cách viết câu của em trước lời dẫn có thể như sau : “Chắc bạn đã biết, trong Tuyên bố về quyền trẻ em, người ta đã đưa ra lời kêu gọi…”.
6*. Đọc đoạn trích sau đây và chuyển lời dẫn trực tiếp của Ngọc Hoàng Thượng đế và Ruồi xanh thành lời dẫn gián tiếp :
Do loài người phát đơn kiện, Ngọc Hoàng Thượng đế mở phiên toà công khai xử tội loài ruồi. Ngọc Hoàng truyền cho vệ sĩ Nhện điệu Ruồi xanh lên điện, đập bàn thị uy :
– Ruồi kia, loài người kiện mi làm hại chúng sinh, mau mau khai ra tên họ, chủng loại và nơi ở !
Ruồi sợ hãi quỳ thưa trước vành móng ngựa :
– Con là Ruồi xanh, thuộc họ côn trùng hai cánh, mắt lưới. Họ hàng con rất đông, gồm Ruồi trâu, Ruồi vàng, Ruồi giấm… Nơi ở là nhà vệ sinh, chuồng lợn, chuồng trâu, nhà ăn, quán vỉa hè…, bất kì chỗ nào có thức ăn mà không đậy điệm con đều lấy làm nơi sinh sống.
(Dẫn theo : Ngọc hoàng xử tội Ruồi xanh,
trong Ngữ văn 9, tập một, tr. 14)
Trả lời:
Trong bài luyện tập này có hai nhân vật, một hỏi và một đáp. Khi dẫn lời của hai nhân vật này, cần chú ý :
– Đổi ngôi nhân xưng thứ hai (Ruồi kia, mi) trong lời hỏi của Ngọc Hoàng bằng từ thích hợp thuộc ngôi thứ ba.
– Đổi ngôi nhân xưng thứ nhất (ba tiếng con) trong lời đáp của Ruồi xanh bằng từ thích hợp thuộc ngôi thứ ba.
Cách đổi giản đơn nhất là nhắc lại tên gọi hai nhân vật này như trong truyện.
Chú ý : Để dễ làm việc, có thể đổi thị uy bằng “ra oai mắng lớn”.

Leave a comment