Soạn bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và sự phát triển của trẻ em

0

Soạn bài Tuyên bố thế giới về sự sống còn, quyền được bảo vệ và sự phát triển của trẻ em

1. Nhận xét về bố cục của văn bản lời tuyên bố (phần trích trong SGK).
Trả lời:
Sau hai đoạn đầu khẳng định quyền được sống, quyền được phát triển của mọi trẻ em trên thế giới và kêu gọi khẩn thiết toàn nhân loại hãy quan tâm đến vấn đề này; phần chính của văn bản gồm có ba phần :
– Phần Sự thách thức : Cuộc sống khổ cực trên nhiều mặt, tình trạng bị rơi vào hiểm hoạ của nhiều trẻ em trên thế giới hiện nay qua những thực tế, những con số cụ thể.
– Phần Cơ hội : Khẳng định những điều kiện thuận lợi cơ bản để cộng đồng quốc tế có thể đẩy mạnh việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em.
– Phần Nhiệm vụ : Xác định những nhiệm vụ cụ thể mà từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế cần làm vì sự sống còn, phát triển của trẻ em.
Chú ý phân tích mối liên hệ giữa các phần trên để khẳng định tính chặt chẽ, hợp lí của văn bản.
2. Tại sao cộng đồng quốc tế phải ra tuyên bố về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em ?
Trả lời:
Giải thích vì sao cộng đồng quốc tế phải ra tuyên bố về sự sống còn, quyền được bảo vệ và phát triển của trẻ em, nên tập trung phân tích các lí do sau :
– Trẻ em là tương lai của một dân tộc, của nhân loại, là lực lượng xây dựng xã hội mai sau.
– “Được sống trong vui tươi, thanh bình, được chơi, được học và phát triển” là quyền lợi tất nhiên của mọi trẻ em. “Tất cả trẻ em trên thế giới đều trong trắng, dễ bị tổn thương và còn phụ thuộc” nên rất cần được bảo vệ, chăm sóc.
– Vậy mà thực tế cuộc sống của nhiều trẻ em trên thế giới đang bị đe doạ từ nhiều phía, đang rơi vào những hiểm hoạ (ý này cần làm sáng tỏ qua phần Sự thách thức trong văn bản).
3. Phần Nhiệm vụ trong bản tuyên bố (từ mục 10 đến mục 17), theo em, như vậy đã đầy đủ chưa ? Muốn thực hiện được những nhiệm vụ ấy, cần phải như thế nào ?
Trả lời:
Khi làm bài tập này cần đọc kĩ văn bản từ mục 10 đến mục 17. Suy nghĩ xem các mục ấy đã lần lượt nói tới những phương diện nào trong nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ trẻ em. Từ đây, khẳng định tính chất toàn diện, thiết thực của các nhiệm vụ mà bản tuyên bố đã nêu lên.
Để thực hiện các nhiệm vụ này, từng quốc gia và cả cộng đồng quốc tế cần có những nỗ lực liên tục và sự phối hợp chặt chẽ (chú ý mục 17 trong văn bản).
4. Phát biểu suy nghĩ của em về vấn đề bảo vệ, chăm sóc trẻ em trên đất nước ta hiện nay.
Trả lời:
Để làm bài tập này, em cần có những hiểu biết về chủ trương, đường lối, về các hoạt động cụ thể đốĩ với việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em ở nước ta hiện nay, cần phát huy ý kiến riêng. Có thể phát biểu suy nghĩ theo các hướng :
– Sự quan tâm của Đảng, của Nhà nước, của các tổ chức xã hội đối với vấn đề chăm sóc, bảo vệ trẻ em (Việt Nam là một trong những nước đầu tiên kí Công ước về quyền trẻ em của Liên hợp quốc năm 1989 ; Quốc hội cũng đã thông qua Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em ; có nhiều cơ quan, tổ chức cùng quan tâm đến việc chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em,…).
– Các hoạt động, các kết quả cụ thể trong việc chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong cả nước và ở địa phương em.
– Ở nước ta hiện nay, không ít trẻ em đang chịu những thiệt thòi, sớm phải lao động vất vả, đang là nạn nhân của tình trạng bạo lực. Đó là một vấn đề nhức nhối của xã hội.
 – Suy nghĩ về những điều thiết thực cần phải làm hiện nay trong hoạt động bảo vệ, chăm lo sự phát triển của trẻ em. 

Leave a comment