Soạn bài Bánh chưng, bánh giầy

0

Câu 1: Vua Hùng chọn người nối ngôi trong hoàn cảnh nào, với ý định ra sao và bằng hình thức gì?

Hoàn cảnh vua Hùng chọn người nối ngôi đó là vì giặc ngoài đã yên, vua có thể tập trung lo cho dân cuộc sống ấm no mặt khác vua cũng đã già và muốn chọn người nối ngôi.

Theo truyền thuyết thời Hùng Vương, khi vua cha chết thì ngôi được truyền cho con trưởng. Tuy nhiên, trong truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”, ý định của vua Hùng khi chọn người nối ngôi lại có phần khác biệt đó là phải “nối được chí của ta, không nhất thiết phải là con trưởng”. Ý định của vua là phải chọn được người tài, giúp cuộc sống của nhân dân ấm no và hạnh phúc. Bởi vì, trước đó giặc Ân đã nhiều lần xâm lược bờ cõi, nhân dân ta đã phải chịu cực quá nhiều. Chính vì thế, ý định chọn ngôi của vua Hùng là một quyết định đúng đắn và phù hợp với sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.

Hình thức chọn người nối ngôi của vua Hùng dường như là một câu đố thử tài các lang: “Năm nay, nhân lễ Tiên vương, ai làm vừa ý ta, ta sẽ truyền ngôi cho, có Tiên vương chứng giám”. Đây có thể nói là một hình thức lựa chọn sáng suốt, ai làm vừa lòng và hiểu được “chí” của ta thì sẽ có ngôi báu.

Câu 2: Vì sao trong các con vua, chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ?

Trong các con vua chỉ có Lang Liêu được thần giúp đỡ là vì: Lang Liêu là người thiệt thòi nhất: nghèo, mẹ chàng thì bị vua cha ghẻ lạnh, ốm rồi chết, chàng chỉ làm việc đồng áng, trồng lúa, trồng khoai. Hơn nữa, Lang Liêu mặc dù là con vua nhưng rất gần gũi với dân thường. Quan trọng, chàng là người hiểu được ý thần  “Trong trời đất không có gì quý bằng hạt gạo […]Các thứ tuy ngon, nhưng hiếm, mà người không làm ra được […]. Hãy lấy gạo làm bánh mà lễ Tiên vương”. Lang Liêu hiểu ý của thần đã biết lấy gạo nếp đem vo thật sạch, lấy đậu xanh, thịt lợn làm nhân, dùng lá dong trong vườn gói thành hình vuông rồi đem nấu một ngày một đêm cho chín. Ngoài ra, cùng với nguyên liệu đó chàng đã đem giã nhuyễn, nặn thành hình tròn. Có thể nói: Lang Liêu là một người sáng tạo dùng những chất liệu có sẵn của nhà nông để làm ra hai loại bánh thơm ngon. Còn các lang khác chỉ biết mang sơn hào hải vị mà những món ăn ấy con người không trồng và làm ra được.

Câu 3: Vì sao hai thứ bánh của Lang Liêu được vua cha chọn để tế Trời, Đất, Tiên vương và Lang Liêu được chọn nối ngôi vua?

Trong vô vàn các món sơn hào hải vị của các lang và chồng bánh giản dị của người con mồ côi thiệt thòi, vua Hùng đã chọn hai loại bánh dân dã đó để cúng Tổ tiên là bởi vì Hùng Vương đã hiểu được ý nghĩa sâu sắc của hai thứ bánh ấy. Trước hết, Lang Liêu là người biết quý trọng hạt gạo, biết dùng những thứ so bàn tay mình làm ra để lễ Tiên vương. Nó thể hiện được sự tôn kính, kính trọng trời, đất, tổ tiên. Mặt khác, nguyên liệu làm ra thứ bánh đó ai cũng có thể kiếm và tự tay mình trồng ra được. Hơn nữa, việc gói hai thứ bánh ấy lại rất dễ làm nên bất kể người giàu hay người nghèo đều có thể làm hai thứ bánh ngon này dâng lên lễ Tổ tiên để thể hiện tấm lòng của mình. Chính vì ý vua cha hiểu được ý nghĩa sâu xa của hai loại bánh đó nên đã chọn Lang Liêu là người nối ngôi.

Câu 4: Hãy nêu ý nghĩa của truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy”?

Truyền thuyết “Bánh chưng, bánh giầy” giải thích nguồn gốc của bánh chưng, bánh giầy đồng thời tái hiện hình ảnh con người trong công cuộc dựng nước qua hình ảnh vua Hùng trong người tài đức nối được chí vua, không nhất thiết phải là con trưởng. Lang Liêu là người có tài năng, đức độ thông minh, hiếu thảo, trân trọng những người sinh thành ra mình. Ngoài ra, truyện còn phản ánh thành tựu văn minh nông nghiệp ở buổi đầu dựng nước với thái độ đề cao lao động, đề cao nghề nông và thể hiện sự thờ kính Trời, Đất và tổ tiên của nhân dân ta.

II. LUYỆN TẬP:

Câu 1: Ý nghĩa của phong tục ngày Tết nhân dân ta làm bánh chưng, bánh giầy?

Từ xưa đến nay, Việt Nam là một nước nông nghiệp trồng lúa nước. Chính vì vậy, trong phong tục ngày Tết nhân dân ta luôn làm bánh chưng và bánh giầy để đề cao nghề làm nông có từ thời xa xưa. Hơn nữa, đây là một nét đẹp văn hóa truyền thống của người Việt và cũng là phong tục cổ truyền của nước ta. Bởi mỗi lần Tết đến xuân về gia đình sẽ được đoàn tụ và cùng nhau gói, trông nồi bánh chưng, bánh giầy. Phong tục gói bánh chưng, bánh giầy giúp cho con cháu nhớ về tổ tiên và thể hiện lòng kính trọng với người sinh thành và nuôi dưỡng mình.

Câu 2: Đọc truyện này, em thích nhất chi tiết nào? Vì sao?

Em thích nhất chi tiết Lang Liêu gặp được thần bởi vì:

Đây là một chi tiết rất truyền thuyết và cổ tích làm cho câu chuyện có phần lý thú. Nhưng điều thú vị ở đây là ở chỗ thần không làm hộ , thần chỉ mách bảo và gợi ý. Hơn nữa, chi tiết gặp thần sẽ cho ta thấy được thần không phải ai cũng sẽ giúp mà sẽ giúp những người có hoàn cảnh éo le hơn những người khác, người đó phải có tài, tâm và đức. Ngoài ra, người được thần giúp phải hiểu được ý thần bởi thần ở đây chính là đại diện cho nhân dân – người nhân dân tin tưởng, biết lo và xây dựng được đất nước của nhân dân.

Giaibaitap.me

Leave a comment