Soạn bài Vượt thác
Soạn bài Vượt thác
Bài tập
1. Bài văn miêu tả cuộc vượt thác theo trình tự nào ? Trình tự miêu tả ấy có tác dụng như thế nào ?
2. Qua sự miêu tả trong bài văn, em hình dung được quang cảnh dòng sông Thu Bồn và hai bên bờ biến đổi như thế nào theo từng chặng trên hành trình của con thuyền ?
3. Hình ảnh nhân vật dượng Hương Thư trong cuộc vượt thác được miêu tả như thế nào ? Tìm những chi tiết miêu tả ngoại hình, động tác của nhân vật này. Những cách so sánh nào đã được sử dụng ?
Hình ảnh so sánh “Dượng Hương Thư… như một hiệp sĩ của Trường Sơn oai linh hùng vĩ” gợi tả được vẻ đẹp gì của nhân vật này ?
4. Bài văn sử dụng thành công phép so sánh trong miêu tả. Hãy thống kê các so sánh trong bài và nêu giá trị của một số hình ảnh so sánh mà em cho là đặc sắc hơn cả. Nêu sự cảm nhận của em về hai hình ảnh so sánh, nhân hoá những chòm cổ thụ trên bờ sông ở đoạn đầu và đoạn cuối bài.
Gợi ý làm bài
1. Bài văn này miêu tả cảnh dòng sông và hai bên bờ cùng với hoạt động của các nhân vật trên thuyền theo hành trình ngược dòng sông vượt thác. Chọn trình tự miêu tả như vậy, tác giả giúp cho người đọc có thể hình dung cụ thể được quang cảnh của dòng sông Thu Bồn suốt một tuyến dài từ hạ lưu ở đồng bằng qua những ghềnh thác giữa vùng núi non hiểm trở rồi lại tới quãng tương đối phẳng lặng. Miêu tả theo trình tự này, cảnh vật hiện ra vừa phong phú vừa luôn biến đổi, tự nhiên, tạo hứng thú cho người đọc.
Dòng sông đoạn ở vùng đồng bằng thì êm đềm, hiền hoà, thơ mộng, thuyền bè tấp nập. Ở đoạn ấy, quang cảnh hai bên bờ thật rộng rãi, trù phú với những bãi dâu trải ra bạt ngàn, sắp đến đoạn có nhiều thác ghềnh thì cảnh vật hai bên bờ sông cũng thay đổi : vườn tược càng um tùm, những chòm cổ thụ đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước, rồi núi cao đột ngột hiện ra như chắn ngang trước mặt. Ở đoạn sông có nhiều thác dữ, tác giả chỉ tả một hình ảnh về dòng nước : “Nước từ trên cao phóng giữa hai vách đá dựng đứng chảy đứt đuôi rắn”, nhưng sự hiểm trở và dữ dội của dòng sông vẫn hiện lên khá rõ qua việc miêu tả những động tác dũng mãnh của dượng Hương Thư và mọi người khi chống thuyền vượt thác. Ở đoạn cuối, dòng sông vân chảy quanh co giữa những núi cao, nhưng dường như đã bớt hiểm trở và đột ngột mở ra một vùng ruộng đồng khá bằng phẳng như để chào đón con người sau cuộc vượt thác thắng lợi.
3. Nhân vật dượng Hương Thư được tác giả tập trung khắc hoạ nổi bật trong cuộc vượt thác với vẻ đẹp dũng mãnh. Dượng Hương Thư vừa là người đứng mũi chịu sào quả cảm lại vừa là người chỉ huy dày dạn kinh nghiệm. Nhân vật được tập trung miêu tả ở các động tác, tư thế và ngoại hình với nhiều hình ảnh so sánh vừa khái quát vừa gợi cảm. (Tìm và ghi lại các chi tiết miêu tả động tác, tư thế và ngoại hình của nhân vật trong cảnh vượt thác.)
4. Dựa vào những hiểu biết về phép so sánh trong bài học này, tìm và thống kê các so sánh trong bài văn, nêu giá trị đặc sắc của một số hình ảnh so sánh.
Lưu ý hai hình ảnh so sánh, nhân hoá những chòm cổ thụ trên bờ sông ở đoạn đầu và đoạn cuối bài: Ở đoạn đầu, khi con thuyền đã qua đoạn sông êm ả, sắp đến khúc sông có nhiều ghềnh thác thì phong cảnh hai bên bờ cũng đổi khác và “những chòm cổ thụ dáng mãnh liệt đứng trầm ngâm lặng nhìn xuống nước” vừa như báo trước về một khúc sông dữ hiểm, vừa như mách bảo con người dồn nén sức mạnh chuẩn bị vượt thác. Còn ở đoạn cuối, hình ảnh những chòm cổ thụ hiện ra trên bờ khi con thuyền đã vượt qua nhiều thác dữ, thì lại “mọc giữa những bụi lúp xúp nom xa như những cụ già vung tay hô đám con cháu tiến về phía trước”. Hình ảnh so sánh ở đây vừa thích hợp với tương quan giữa những cây to với các bụi cây lúp xúp xung quanh, lại vừa biểu hiện được tâm trạng hào hứng, phấn chấn và mạnh mẽ của con người vừa vượt qua nhiều ghềnh thác nguy hiểm, tiếp tục đưa con thuyền vượt lên phía trước.