Phân tích cơ sở pháp lí mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
ĐOẠN VĂN
Đề bài: Phân tích cơ sở pháp lí mở đầu bản Tuyên ngôn Độc lập của Hồ Chí Minh
Trong lịch sử dân tộc Việt Nam, có những áng văn hùng tráng, còn lại mãi mãi với muôn đời; đó là bài thơ Nam quốc sơn hà của Lí Thường Kiệt, Hịch tướng sĩ của Trần Quốc Tuấn, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi… Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là một áng “thiên cổ hùng văn” như thế. Bản Tuyên ngôn Độc lập được tuyên bố vào sáng 2-9- 1945 tại Quảng trường Ba Đình, mở ra một kỉ nguyên mới cho dân tộc ta – kỉ nguyên độc lập tự do, nhân dân lao động làm chủ đất nước, quyết định vận mệnh của mình.
Các ý chính:
+ Nêu nguyên tắc pháp lí của thế giới (Tuyên ngôn Độc lập của Mĩ 1776, Pháp 1789).
+ Ý nghĩa của cách lập luận (khéo léo, kiên quyết, cái mới, hành động cách mạng táo bạo, tài tình).
—> Khẳng định quyền được hưởng độc lập của dân tộc Việt Nam.
– Trong tranh luận, để bác bỏ luận điểm của một đối thủ nào đó không có gì đích đáng hơn là dùng ngay lí lẽ của chính đối thủ ấy. Người ta gọi đây là kiểu lập luận “Lấy gậy ông đập lưng ông”. Mở đầu bản Tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam, Bác đã nhắc tới hai bản Tuyên ngôn nổi tiếng thế kỉ XVIII, hai bản Tuyên ngôn đánh dấu buổi bình minh của Cách mạng Tư sản và nêu lên thành nguyên tắc pháp lí của những quyền sống cơ bản của con người. Đó là bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của nước Mĩ: “Tất cả mọi người sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được, trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”. Tiếp đó là bản “Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền” năm 1789 của Cách mạng Pháp: “Người ta sinh ra tự do và binh đẳng về quyền lợi, và phải luôn luôn được tự do và bình đẳng về quyền lợi”. Sau khi đã dẫn xong lời của hai bản Tuyên ngôn, Bác đã nhấn mạnh: “Đó là lẽ phải, không ai chối cãi dược”. Như vậy là trên cơ sở xác định những nguyên tắc, những chuẩn mực mang tính chân lí muôn đời, Bác đã ngầm vạch rõ sự sai trái trong mưu toan xâm lược của đế quốc Mĩ và thực dân Pháp đối với nước ta lúc ấy.
– Về ý nghĩa, cách lập luận trên đây của Bác là khéo léo và kiên quyết: Khéo léo bởi vì rất trân trọng những tư tưởng tiến bộ của người Mĩ, người Pháp, cũng là của nhân loại nói chung; kiên quyết vì nhắc nhở người Mĩ, người Pháp nếu họ nhất định xâm lược Việt Nam thì họ đã phản bội tổ tiên của mình, đã làm vấy bẩn lá cờ nhân đạo của những cuộc cách mạng vĩ đại ở nước Mĩ, nước
Pháp. Đáng chú ý là cái mới của bản Tuyên ngôn này: Nếu Tuyên ngôn của Mĩ và Pháp xuất phát từ quyền lực của tự nhiên (tạo hóa) để khẳng định quyền sống của con người thì Bác lại xuất phát từ quyền lực, chủ quyền của mỗi dân tộc để khẳng định quyền lợi của dân tộc đó. “Tất cả các dân tộc trên thể giới đều sinh ra bình đẳng; dân tộc nào cũng có quyền sống, quyền sung sướng và tự do”. Trong hoàn cảnh đương thời, sự phát triển về lập luận như thế là hành động cách mạng táo bạo, tài tình, bởi vì mở đầu Tuyên ngôn của dân tộc Việt Nam mà nhắc tới nguyên tắc Tuyên ngôn của hai nước lớn là Pháp và Mĩ, đồng thời nêu rõ quan điểm tư tưởng của người Việt Nam thì cũng có nghĩa là đặt ba cuộc cách mạng ngang hàng nhau, ba nền độc lập ngang hàng nhau, ba bản Tuyên ngôn ngang hàng nhau. Tóm lại, việc khẳng định chủ quyền của mỗi dân tộc chính là cơ sở pháp lí vững chắc cho Tuyên ngôn Độc lập của Chủ tịch Hồ Chí Minh. (…)