Soạn bài Rừng xà nu – Nguyễn Trung Thành
Câu 1:
a. Ý nghĩa nhan đề Rừng xà nu :
– Nhan đề “Rừng xà nu” vừa mang ý nghĩa hiện thực , vừa mang ý nghĩa biểu tượng:
+ Ý nghĩa tả thực: Nhà văn nói về cây xà nu – một loài cây sống thành rừng ở Tây Nguyên. Loài cây này có sức sống mãnh liệt, không chịu khuất phục trước sự thay đổi của thời tiết.Cây xà nu luôn gắn bó mật thiết và quan hệ chiếu ứng với cuộc sống của người dân Tây Nguyên.
+ Ý nghĩa biểu tượng: Qua sức sống mãnh liệt của cây xà nu, rừng xà nu, nhà văn nói đến nỗi đau và sức sống, phẩm chất kiên cường bất khuất của nhân dân Tây Nguyên trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
b. Hình tượng rừng xà nu dưới tầm đại bác.
– Mở đầu tác phẩm, nhà văn tập trung giới thiệu về rừng xà nu, một rừng xà nu cụ thể được xác định đó: “Nằm trong tầm đại bác của đồn giặc”, “hầu hết đại bác đều rơi vào đồi xà nu cạnh con nước lớn”.
– Nguyễn Trung Thành đã phát hiện ra: “cả rừng xà nu hàng vạn cây không cây nào là không bị thương”. Tác giả đã chứng kiến nỗi đau của xà nu: “có những cây bị chặt đứt ngang nửa thân mình đổ ào ào như một trận bão”, “có những cây con vừa lớn ngang tầm ngực người bị đạn đại bác chặt đứt làm đôi, ở những cây đó, nhựa còn trong, chất dầu còn lỏng, vết thương không lành được cứ loét mãi ra, năm mười hôm sau thì cây chết”.
– Sức sống mãnh liệt của cây xà nu: “trong rừng ít có loại cây sinh sôi nảy nở khoẻ như vậy”.
– Xà nu không những tự biết bảo vệ mình mà còn bảo vệ sự sống, bảo vệ làng Xô man: “Cứ thế hai ba năm nay, rừng xà nu ưỡn tấm ngực lớn ra che chở cho làng”.
c.
– Hình ảnh đồi xà nu, rừng xà nu “trông xa xa đến ngút tầm mắt”, “nối tiếp tới chân trời”, lặp đi lặp lại trong truyện gợi ra cảnh rừng xà nu hùng tráng, kiêu dũng và bất diệt, gợi ra sự bất diệt, kiêu dũng và hùng tráng của con người Tây Nguyên nói riêng và con người Việt Nam nói chung trong cuộc kháng chiến chống Mĩ cứu nước vĩ đại. Ấn tượng đọng lại trong kí ức người đọc mãi mãi chính là cái bát ngát của cánh rừng xà nu kiêu dũng đó. Đó là chất sử thi, chất anh hùng về tinh thần quật khởi của đồng bào Tây Nguyên.
– Mở đầu và kết thúc tác phẩm hình ảnh những cây xà nu tít tắp phía chân trời giống như một khúc vĩ thanh đẹp đẽ, âm vang và hào sảng, mang theo lời của hồn thiêng sông núi, vang động mạch sống của đất nước, quê hương.
Câu 2:
a. Những phẩm chất tốt đẹp của Tnú:
* Lúc còn bé Tnú đã là con người gan góc, dũng cảm, mưu trí :
– Dù còn nhỏ, Tnú đã sớm tỏ ra gan góc táo bạo, đầy quả cảm. Bất chấp sự vây lùng khủng bố dã man của kẻ thù chặt đầu những người đi nuôi cán bộ: “chúng treo cổ anh Xút lên gốc cây vả đầu làng; chặt đầu bà Nhan buộc tóc treo đầu súng”. Vượt qua nỗi sợ hãi Tnú đã cùng với Mai xung phong vào rừng bảo vệ anh Quyết, một cán bộ trung kiên của Đảng. Làng Xô man mãi tự hào “Năm năm chưa hề có cán bộ nào bị giặc bắt hoặc bị giết ở trong rừng làng này”.
– Tnú còn là một người có phẩm chất chính trực, trong sáng, thẳng thắn như cây xà nu. Học cái chữ không được lại hay quên. Khi học chữ thua Mai, Tnú giận mình quá “đập bể cái bảng nứa” rồi tự trừng phạt cái tội hay quên của mình bằng cách “cầm hòn đá tự đập vào đầu, chảy máu ròng ròng”. Hành động này có cái gì đó hơi nóng nảy, nông nổi, tự ái nhưng nó biểu lộ ý chí, quyết tâm sắt đá của một con người có chí khí, vì không học được cái chữ nên tự trừng phạt mình cho đau cho nhớ mà cố gắng hơn. Sau khi được anh Quyết khuyên răn, Tnú dẹp bỏ tính tự ái, quyết tâm học cái chữ. Đây chính là một phẩm chất đáng quý để sau này Tnú trở thành một chiến sĩ cách mạng thực thụ.
– Làm liên lạc chuyển thư cho anh Quyết, Tnú có cái đầu sáng lạ lùng. Vốn là con người nhanh trí, có kinh nghiệm rừng núi. Tnú “không bao giờ đi đường mòn”, bị giặc vây các nẻo đường: “Tnú leo lên cây cao nhìn quanh một lượt rồi xé rừng mà đi vượt qua tất cả vòng vây”. Tnú không vượt qua suối những nơi nước cạn dễ đi mà thường băng qua những con thác hiểm như cưỡi lên lưng con cá kình.
– Khi bị giặc bắt, Tnú gan dạ, vững vàng trước kẻ thù: Có lần chuẩn bị vượt qua con thác ở sông Đaknăng, thì họng súng đen ngòm của bọn giặc đã chĩa vào tai lạnh ngắt. Tnú kịp nuốt lá thư của anh Quyết vào bụng để bảo đảm bí mật cách mạng.
* Khi trưởng thành, Tnú có một trái tim yêu thương và sục sôi căm thù giặc. Anh sống rất nghĩa tình và luôn mang trong tim ba mối thù: của bản thân, của gia đình, của buôn làng.
– Tnú và bi kịch gia đình, bi kịch cá nhân: Tnú bị bắt, bị trói. Vợ và con chết cả rồi nhưng Tnú không khóc. Anh ghìm nén nỗi đau, cố gắng vượt qua bi kịch cá nhân để tiếp tục sống và chiến đấu.
– Bị kẻ thù tra tấn tàn bạo nhưng bản lĩnh của người cộng sản trong Tnú lại rất kiên cường, vững chãi: Để uy hiếp tinh thần cách mạng của dân làng Xô Man và uy hiếp tinh thần của Tnú. Giặc dùng giẻ tẩm nhựa xà nu để đốt mười đầu ngón tay của anh. Chúng định dùng lửa để thiêu rụi ý chí đấu tranh của dân làng Xô man. Nhưng chúng đã nhầm. Chính ngọn lửa trên mười đầu ngón tay của Tnú đã thắp lên ngọn lửa đồng khởi, ngọn lửa đấu tranh của dân làng Xô man.
* Tnú vượt qua bi kịch cá nhân, trở thành người chiến sĩ, người cán bộ có tinh thần kỷ luật cao.
– Khi đã trở thành chiến sĩ giải phóng quân, Tnú là một cán bộ có tinh thần kỷ luật cao: tuy nhớ quê hương gia đình, nhưng phải cấp trên cho phép mới về “cấp trên cho về một đêm. Tnú chỉ về một đêm”
=> Nếu A Phủ chỉ được miêu tả bởi cái nhìn bề ngoài thì Tnus còn được tác giả khám phá từ những xung đột, giằng xé nội tâm từ bên trong. Nhân vật không phải là cái loa thuyết minh, phát ngôn cho tư tưởng nhà văn mà cũng có những vận động, diễn biến nội tại của nó.
b. Câu chuyện bi tráng về cuộc đời Tnú: “Tnú không cứu được vợ con”. Cụ Mết nhắc tới bốn lần để khắc sâu bị kịch, nỗi đau của Tnú và cũng như của làng Xô Man, đồng thời nhấn mạnh khi chưa cầm vũ khí, Tnú chỉ có hai bàn tay không thì ngay cả những người thương yêu nhất Tnú cũng không cứu được. Câu nói của cụ Mết muốn khẳng định: chỉ có cầm vũ khí đứng lên mới là con đường sống duy nhất, mới bảo vệ được những gì thân yêu, thiêng liêng nhất; chân lí cách mạng đúc rút từ chính thực tế máu xương, tính mạng của dân tộc, những con người thương yêu nên chân lí ấy phải ghi tạc vào xương cốt, tâm khảm và truyền lại cho thế hệ tiếp nối.
c. Câu chuyện Tnú với dân làng Xô Man nói lên chân lí lớn của thời đại: “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Phải chống lại mọi kẻ thù xâm lược, kể cả phải cầm vũ khí và hi sinh tính mạng.
d. Vai trò của các nhân vật:
– Nhân vật cụ Mết
+ Cụ Mết tiêu biểu cho truyền thống của làng Xô-man. Lịch sử chiến đấu của làng, qua lời kể của cụ Mết, thấm sâu vào tim óc các thế hệ. Cụ là cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, là pho sử sống của làng.
+ Cụ Mết là linh hồn của làng Xô-man. Chính cụ đã lãnh đạo dân làng đồng khởi. Hình ảnh ông cụ mắt sáng và xếch ngược, ngực căng như một cây xà nu lớn, cất tiếng nói vang vang như một mệnh lệnh thôi thúc họ vùng lên tiêu diệt kẻ thù… thật rực rỡ như trong một trang sử thi anh hùng. Từ ngày ấy, làng Xô-man trở thành làng chiến đấu. Đó là phần đóng góp không nhỏ của cụ Mết vào công cuộc giải phóng quê hương bản làng.
– Nhân vật Mai, Dít: tiêu biểu cho những cô gái Tây Nguyên thời chống Mĩ, trưởng thành từ những đau thương và quật khởi của dân làng.
– Nhân vật bé Heng: Nếu cụ Mết xứng đáng với hình ảnh cây xà nu đại thụ giữa rừng xà nu bạt ngàn xanh thẫm, thì bé Heng tượng trưng cho cây xà nu mới lớn ngọn xanh rờn, hình nhọn mũi tên lao thẳng lên bầu trời, sẽ phát triển đến đâu, chưa ai lường được. Bé Heng là thế hệ tiếp nối, kế tục cha anh để đưa cuộc chiến tới thắng lợi cuối cùng.
=> Tác giả tập trung miêu tả các nhân vật trên nhằm khẳng định dân làng Xô Man nói riêng và nhân dân Việt Nam nói chung từ thế hệ này sang thế hệ khác tiếp nối nhau hiên ngang bất khuất, chiến đấu bảo vệ đất nước, quê hương.
Câu 3:
Hình ảnh cánh rừng xa nu và hình tượng nhân vật Tnú gắn kết khăng khít với nhau. Nhà văn muốn dùng rừng xà nu làm biểu tượng cho tinh thần gan góc, dũng cảm, dạn dày, bất khuất, trung kiên … của nhân vật Tnú và dân làng Xô Man.
Câu 4: Nghệ thuật
– Đậm đà chất sử thi hùng tráng. Chất sử thi toát lên qua đề tài, chủ đề, cốt truyện, nhân vật, hình ảnh thiên nhiên, các chi tiết nghệ thuật, giọng điệu, ngôn ngữ của tác phẩm:
– Bức tranh thiên nhiên hùng vĩ, hoành tráng. Rừng xà nu làm nền cho bức tranh về cuộc đấu tranh chống giặc
– Các nhân vật vừa mang đậm dấu ấn con người Tây Nguyên vừa mang phẩm chất của anh hùng thời đại.
– Kết cấu vòng tròn: Mở đầu, kết thúc là hình ảnh của rừng xà nu, cùng với sự trở về của Tnú sau ba năm xa cách.
– Cách trần thuật: Chuyện về sự nổi dậy của dân làng và cuộc đời Tnú được kể lại trong một đêm anh về thăm làng, qua lời cụ Mết, bên bếp lửa bập bùng
– Giọng kể trang trọng như truyền cho thế hệ con cháu những trang sử bi thương và anh hùng của cộng đồng.
Luyện tập
Câu 2:
Đôi bàn tay Tnú có nhiều ý nghĩa:
– Đó là đôi bàn tay của người trung thành, thủy chung với cách mạng: Thoạt đầu, đấy là hai bàn tay lúc còn lành lặn. Đôi bàn tay chú bé mồ côi nắm lấy tay cô bé Mai chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết. Đôi bàn tay Tnú cầm viên phấn bằng đá trắng lấy từ núi Ngọc Linh về tập viết chữ, mở dần cánh cửa cuộc đời để đến với cách mạng. Và cũng chính đôi bàn tay bé nhỏ ấy đã dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần. Bọn giặc bắt được Tnú, tra tấn dã man, hỏi cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng mình và nói: “Ở đây này”. Bàn tay Tnú chỉ rõ và khẳng định lý tưởng cách mạng không ở đâu xa mà ở ngay trong tâm hồn mình. Đây chính là nét đẹp thứ nhất của bàn tay Tnú: bàn tay của sự tín nghĩa, thủy chung.
– Đôi bàn tay của nghĩa tình :
+ Xé tấm vải che cho mẹ con Mai, che chở mẹ con Mai và vốc nước suối, cảm nhận cái tình quê hương.Tnú yêu Mai – cô bạn thuở thiếu thời. Bàn tay ấy cũng đã được Mai nắm chặt mà khóc những giọt nước mắt nóng bỏng yêu thương, đồng cảm khi Tnú vượt ngục trở về.
+ Không bắt được Tnú, chúng bắt Dít rồi tới mẹ con Mai tra tấn dã man bằng gậy sắt hòng để anh ra mặt. “Trận mưa cây sắt mỗi lúc một dồn dập. Không nghe thấy tiếng thét của Mai nữa. Chỉ nghe đứa bé khóc ré lên một tiếng rồi im bặt”. Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, nỗi lo và sự căm hờn. “Hai cánh tay như hai cánh lim chắc của anh ôm chặt lấy mẹ con Mai”. Mười ngón tay nóng bỏng lửa căm thù, thương xót đã truyền sức mạnh vào hai cánh tay. Nhưng mà “Tnú chỉ có tay không giữa quân thù đầy vũ khí.
– Đôi bàn tay là hiện thân của mất mát đau thương, ghi lại chứng tích tội ác mà kẻ thù đã gây ra. Mười đầu ngón tay Tnú đều cụt một đốt. Mẹ con Mai chết còn Tnú thì bị giặc bắt tra tấn. Bọn thằng Dục tàn nhẫn tẩm dầu xà nu vào giẻ rồi quấn giẻ lên mười đầu ngón tay anh, đốt cháy rừng rực.
– Cuối cùng đó là bàn tay cầm vũ khí chiến thắng kẻ thù, đôi bàn tay của ý chí quật cường, tinh thần dũng cảm, bất khuất của người cộng sản.
+ Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên.Lửa hận dâng lên ngút ngàn, đốt cháy tâm can Tnú, truyền từ đôi tay lên đôi mắt “ở chỗ hai con mắt anh bây giờ là hai cục lửa lớn”. Mỗi ngón tay anh như nóng bỏng lên bởi tình thương, và sự căm hờn. “Mười ngón tay đã thành mười ngọn đuốc”. Nhưng “Tnú không thèm, không thèm kêu van”.
+ Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để Tnú lên đường chiến đấu. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, chân lý này giúp người ta ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người. Chính vì thế, Nguyễn Trung Thành đã cẩn thận kể thêm chi tiết Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay quả báo để xiết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú.
=> Có thể nói, bàn tay Tnú biểu tượng cho sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó mạch sống của mảnh đất, rừng cây và sức sống con người. Đó là đôi bàn tay huyền thoại, vô địch trước sức mạnh của mọi kẻ thù.
Giaiaitap.me