Soạn bài Viết bài làm văn số 7: văn nghị luận
Soạn bài Viết bài làm văn số 7: văn nghị luận
1. Đề bài 1, trang 136, SGK.
Dân tộc ta có truyền thống Tôn sư trọng đạo. Theo anh (chị), truyền thống ấy được nối tiếp như thế nào trong thực tế cuộc sống hiện nay ?
Trả lời:
Có thể tham khảo dàn bài sau :
(1) Mở bài :
– Nước ta có nền văn hiến, có lịch sử lâu đời, có nhiều truyền thống tốt đẹp.
– Tôn sư trọng đạo là một truyền thống tốt đẹp đã có từ nghìn năm.
– Thái độ của chúng ta hôm nay đối với truyền thống ấy như thế nào.
(2) Thân bài :
a) Giải thích truyền thống Tôn sư trọng đạo :
– Tôn sư là thế nào ?
+ Kính trọng thầy, quý mến thầy.
+ Theo quan niệm xưa : Nghe lời thầy dạy bảo, nhớ ơn thầy, chăm lo khi thầy già yếu, cúng giỗ sau khi thầy qua đời.
+ Thầy ở đây trước hết là thầy dạy chữ, nhưng nhân dân ta còn mở rộng ý nghĩa : thầy dạy nghề. Từ đó những người thợ thủ công có vị tổ của nghề mình, có bàn thờ tổ, thờ người thầy đầu tiên của nghề.
– Đạo là gì ?
+ Trước hết là đạo Nho (theo nghĩa gốc thòi phong kiến).
+ Mở rộng, đó là việc học hành, là chữ nghĩa, kiến thức.
+ Đạo còn là đạo đức, đạo lí của con người.
– Vì sao phải trọng đạo ?
+ Học đạo thì phải trọng đạo. Có trọng đạo mới học được đạo, mở mang được tâm hồn, trí tuệ.
+ Có trọng đạo thì con người mới trở nên tốt đẹp, gia đình mới hoà thuận, xã hội mới yên ổn, đất nước mới thịnh vượng.
+ Không trọng đạo, con người thành xấu xa, gia đình rối loạn, xã hội sa đoạ, đất nước suy vong.
– Tôn sư và trọng đạo.
+ Trọng đạo thì phải tôn sư, đó là lòng biết ơn phải có đối với người có công. Bởi vậy ngày xưa, từ người dân thường đến bậc vua chúa đều tôn kính thầy dạy học của con:
Muốn sang thì bắc cầu kiều
Muốn con hay chữ thì yêu lấy thầy.
+ Thầy không chỉ dạy chữ nghĩa, kiến thức, mà còn dạy đạo lí. Thầy giáo cũng thường là mẫu mực về đạo đức (Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Đình Chiểu,…). Tôn sư là trọng đạo của thầy.
+ Tôn sư thì phải trọng đạo : Kính thầy thì phải chăm lo học hành, giữ cái đạo mà thầy dạy, mở mang cái đạo của thầy, làm vẻ vang cho thầy.
b) Phần bình luận :
– Tôn sư trọng đạo là một truyền thống.
+ Từ xưa, nhân dân ta rất quý trọng việc học hành. Người dân cho con đi học nhiều khi không vì mục đích tiến thân mà cho con “có dăm ba chữ để làm người”.
+ Thầy giáo được cả xã hội quý trọng, được đặt vào một trong những vị trí cao nhất : Quân – Sư – Phụ.
+ Qua các thời kì lịch sử, nhân dân ta sẵn sàng chịu cực khổ, thậm chí hi sinh tính mạng để trọng đạo. Tôn sư trọng đạo đã trở thành một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta.
– Truyền thống ấy cần gìn giữ nhưng có bổ sung.
+ Phải hiểu đạo theo nghĩa rộng : Kiến thức và đạo lí của con người đối với Tổ quốc, nhân dân. Trọng đạo bây giờ là phải chăm học, nắm vững kiến thức đồng thời tu dưỡng đạo đức để phục vụ Tổ quốc, nhân dân.
+ Không câu nệ đến mức thầy bảo sao chỉ biết làm vậy, nhưng phải biết vâng lời dạy dỗ, tôn trọng thầy ở trong lớp cũng như ở ngoài nhà trường, biết ơn thầy và cách đền ơn tốt nhất là trở thành người có tài có đức.
+ Truyền thống quý báu trên càng cần được đặc biệt đề cao lúc này vì người đi học chưa thực sự coi trọng việc học, những lợi ích vật chất làm xói mòn đạo đức của nhiều người; vị trí xã hội của người thầy bị giảm sút; những thái độ sai đối với thầy giáo vẫn đang còn.
(3) Kết bài:
– Sự sa sút của truyền thống Tôn sư trọng đạo chỉ là một khủng hoảng nhất thời.
– Truyền thống đó sẽ được khôi phục một cách đúng đắn, có tác động tích cực, thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Mỗi người phải có ý thức góp phần khôi phục truyền thống đó.
2. Đề bài 4, trang 136, SGK.
Học bài thơ Thuật hoài của Phạm Ngũ Lão, có bạn cho rằng : Sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Ngược lại, có bạn ngợi ca và cho rằng đó là biểu hiện một hoài bão lớn lao của người thanh niên yêu nước.
Hãy cho biết ý kiến của anh (chị).
Trả lời:
Tham khảo dàn bài sau :
(1) Mở bài:
– Phạm Ngũ Lão xuất thân từ dân thường, đã nổi lên thành một tướng tài trong lịch sử chống giặc Mông – Nguyên, bên cạnh những tên tuổi vẻ vang của các tướng lĩnh thuộc dòng dõi quý tộc thời Trần.
– Bài thơ Tỏ lòng nổi tiếng của ông được lưu truyền, vì đó là một trong số ít tác phẩm của nền văn học viết buổi đầu, và vì nó đã nói lên được mơ ước của trang nam nhi trong xã hội phong kiến: sống là phải trả xong món nợ đối với công danh :
Nam nhi vị liễu công danh trái,
Tu thính nhân gian thuyết Vũ hầu.
(2) Thân bài:
a) Hai cách nhìn nhận khác nhau về sự hổ thẹn của Phạm Ngũ Lão :
– Ý kiến chê cho rằng sự hổ thẹn của tác giả là thái quá, kiêu kì. Lí do :
+ Vũ hầu là ai ? Là Gia Cát Lượng (tức Khổng Minh), nhân vật nổi tiếng thời Tam quốc, vị quân sư, người cố vấn tài ba của Lưu Bị. Đó là con người toàn vẹn hiếm thấy : giỏi quân sự, mưu lược, tinh thông văn học, địa lí, lịch sử,… giúp Lưu Bị đánh bạt bao đối thủ tài giỏi khác.
+ Mơ ước vươn tới là đúng. Nhưng hổ thẹn vì mình không được như Khổng Minh là không tự biết mình.
– Ý kiến bảo vệ :
+ Đúng là không phải ai cũng có thể trở thành Khổng Minh, nhưng Khổng Minh là con người, không phải là thần linh, ai cũng có thể cố gắng để noi gương.
+ Noi gương Khổng Minh là thế nào ? Là trung quân, ái quốc ; là lập công giúp vua, giúp nước. Đấy cũng là lí tưởng của những đấng nam nhi thời bấy giờ.
b) Ý kiến của bản thân :
– Đối với bài thơ Tỏ lòng:
+ Nếu hiểu bài thơ chỉ qua những từ ngữ bên ngoài thì những từ ngữ nợ công danh, Vũ hầu không đáng được đề cao : có vẻ cá nhân, tự tôn quá đáng.
+ Cần hiểu nợ công danh là khát vọng muốn lập công giúp vua, giúp nước. Thời đại Phạm Ngũ Lão sống, chế độ phong kiến Việt Nam đang trên đà xây dựng, lợi ích của giai cấp phong kiến về cơ bản phù hợp với lợi ích dân tộc ; công là công lao, danh là danh tiếng; nợ công danh là khát vọng lập công, lập danh ; trả được nợ công danh cũng có nghĩa là hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước. Khát vọng hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước lúc ấy là tốt đẹp, nhất là giữa lúc có giặc ngoại xâm, khát vọng ấy còn có nghĩa là luôn sẵn sàng chiến đấu, hi sinh vì đất nước.
+ Nghĩ đến Vũ hầu lúc này là ước muốn trở thành người có tài cao, chí lớn, đắc lực trong việc giúp vua, giúp nước. Nghĩ đến con người toàn diện để cố gắng vươn lên là tốt. Ý nghĩa tích cực của các danh nhân xưa cũng như nay, ngoài tác động khi họ còn sống, còn có tác dụng nêu gương cho các thế hệ sau.
+ Phạm Ngũ Lão không hề nói suông, ông có hoài bão lớn và đã cố gắng thực hiện hoài bão. Từ một chàng trai không tiếng tăm nơi thôn xóm, ông trở thành một tướng tài, trả xong nợ công danh đối với lịch sử. Lịch sử đã ghi tên ông. Các thế hệ truyền tụng bài Tỏ lòng.
– Ý nghĩa tích cực của bài thơ đối với thế hệ thanh niên ngày nay:
+ Sống phải có mơ ước và biết mơ ước điều lớn lao. Nói như Đi-đơ-rô : “Không có khát vọng lớn thì cũng không có sự nghiệp lớn”.
+ Gắn khát vọng của bản thân với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân, với tiến bộ của nhân loại.
+ Phải biết cố gắng để thực hiện hoài bão : rèn luyện đạo đức và tài năng, vượt qua gian khổ thiếu thốn, kiên trì mục đích.
(3) Kết bài:
– Tỏ lòng là một bài thơ trữ tình có tác dụng giáo dục về nhân sinh quan, về lẽ sống đối với thanh niên.
– Khi lẽ sống thiết tha đến mức trở thành tình cảm, người ta sẽ thực hiện được mơ ước của mình cho dù khó khăn đến đâu.
3. “Đường đi khó, không khó vì ngăn sông cách núi, mà khó vì lòng người ngại núi e sông” (Nguyễn Bá Học).
Anh (chị) hãy giải thích và bình luận ý kiến trên.
Trả lời:
– Giải thích: Đi từ nghĩa đen của câu nói, ngăn sông cách núi là khó khăn khách quan, lòng người ngại núi e sông là khó khăn chủ quan do con người sợ khó. Câu nói của Nguyễn Bá Học có ý đề cao tinh thần vượt khó của con người. Quyết vượt khó thì người ta có thể vượt qua mọi khó khăn để đi đến thành công.
– Bình luận : Trước hết khẳng định ý kiến trên là đúng. Sợ khó, con người không dám đi, không dám nghĩ nên không tìm cách vượt khó. Có quyết tâm, con người sẽ có sức mạnh, có sáng kiến, có nghị lực.
– Mở rộng : Vận dụng tư tưởng này vào việc học tập hiện nay và việc lao động, công tác, chiến đấu mai sau.
Trong phần bình luận, anh (chị) nên minh hoạ cho ý kiến của mình bằng một sô dẫn chứng về tinh thần vượt khó.