Soạn bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
Soạn bài Phong cách ngôn ngữ sinh hoạt
1. Bài tập a, trang 114, SGK.
Trả lời:
Anh (chị) suy nghĩ dựa vào nội dung cụ thể của từng câu (khuyên người ta cần thận trọng khi nói năng; và quan niệm lời nói là sự thể hiện phẩm chất trí tuệ, tư cách, đạo đức, tình cảm,… của con người).
2. Bài tập b, trang 114, SGK.
Trả lời:
Đoạn trích lời nói của ông Năm Hên thuộc dạng tái hiện ngôn ngữ nói trong sinh hoạt hằng ngày. Nhà văn theo dõi lời nói, ghi lại rồi tái hiện dưới dạng viết trong tác phẩm nghệ thuật, cần chú ý những biểu hiện của ngôn ngữ sinh hoạt:
– Về nội dung, nói về một vấn đề trong cuộc sống hằng ngày: cá sấu và việc bắt cá sấu.
– Về từ ngữ, có một số đặc điểm dễ nhận thấy :
+ Từ xưng hô gần gũi, thân thuộc : tôi , bà con,…
+ Từ ngữ khẩu ngữ: vậy thôi, chẳng qua là, cực lòng,…
+ Nhiều từ ngữ địa phương, nhiều tên riêng cụ thể : ghe xuồng, rượt, ngặt, phú quới, miệt, rạch, Rạch Giá, Cà Mau, Đầu Sấu, Lưng Sấu,…
– Nhiều câu tỉnh lược, dùng phối hợp câu cảm thán, câu hỏi, câu trần thuật,…
3. Đoạn hội thoại sau đây mô phỏng ngôn ngữ sinh hoạt, nhưng có khác với lời thoại hằng ngày. Hãy chỉ ra sự khác biệt và giải thích lí do.
Đăm Săn – Ngươi múa một mình, múa kêu lạch xạch như quả mướp khô. Miếng múa ấy, ngươi học ai vậy ? Ngươi múa chơi đấy phải không, diêng ?
Mtao Mxây – Ta học ai à? Có cậu, ta học cậu. Có bác, ta học bác. Có thần Rồng, ta học thần Rồng.
Đăm Săn – Thế ư ? Ta thì đâu có cậu mà học cậu, đâu có bác mà học bác! Chỉ có hai ta đây, ngươi múa đi ta xem nào!
Mtao Mxây – Thế ngươi không biết ta đây là một tướng đã quen đi đánh thiên hạ, bắt tù binh, đã quen đi xéo nát đất đai thiên hạ hay sao ?
Đăm Săn – Vậy thì ngươi hãy xem ta đây!
(Chiến thắng Mtao Mxây, trích Đăm Săn)
Trả lời:
– Đoạn hội thoại trong Chiến thắng Mtao Mxây giống hội thoại trong sinh hoạt ở chỗ:
+ Có luân phiên lượt lời, có vai nói, vai nghe, có hỏi và đáp.
+ Người nói xưng bằng đại từ ngôi thứ nhất (ta), và gọi người nghe bằng đại từ ngôi thứ hai (ngươi).
+ Dùng các từ tình thái (hô gọi, bộc lộ cảm xúc).
+ Dùng các kiểu câu thông thường: câu hỏi, câu trần thuật, câu cầu khiến,…
– Sự khác biệt so với lời thoại trong ngôn ngữ sinh hoạt:
+ Dùng phép điệp (điệp từ, điệp kết cấu): trong lời Mtao Mxây 1 và Đăm Săn 2.
+ Dùng phép tăng cấp (cậu – bác – thần Rồng).
Những biện pháp nghệ thuật trên đã làm tăng thêm tính chất hùng tráng của sử thi.