Soạn bài Ôn tập văn học trung đại Việt Nam

0

Soạn bài Ôn tập văn học trung đại Việt Nam

1. Hãy cho biết mối quan hệ giữa văn học và cuộc sống được thể hiện qua các tác phẩm văn học đã được học từ thế kỉ XVIII đến hết thế kỉ XIX.
Trả lời: 
Văn học phản ánh hiện thực. Bất cứ tác phẩm văn học nào cũng phản ánh hiện thực xã hội trong đó tác phẩm ra đời. Các tác phẩm văn học trung đại đã được học ở lóp 11 đều phản ánh đời sống hiện thực theo cách riêng, phản ánh những vấn đề quan trọng đặt ra trong đời sống theo quan điểm của tác giả.
– Có tác phẩm phê phán hiện thực xã hội phong kiến bằng việc mô tả cuộc sống xa hoa của phủ chúa Trịnh (Vào phủ chúa Trịnh).
– Chiếu cầu hiền thể hiện mong muốn của vua Quang Trung về sự cộng tác của các nhân tài Bắc Hà nhằm xây dựng đất nước thái bình, thịnh trị.
– Có tác phẩm trực tiếp phản ánh hiện thực đất nước khi bị thực dân Pháp xâm lược và lên án sự bất lực của vua quan nhà Nguyễn trước hiện tình đất nước (Chạy giặc), ca ngợi những người nông dân – nghĩa sĩ dám bỏ mình đánh giặc Tây cứu nước (Văn tế nghĩa sĩ cần Giuộc).
– Bài ca ngắn đi trên bãi cát, Xin lập khoa luật lại phản ánh những vấn đề xã hội và đất nước qua những suy nghĩ về con đường của người trí thức, về đổi mới văn hoá, giáo dục.
– Lòng yêu nước kín đáo trong bối cảnh đất nước bị thực dân Pháp xâm lược được gửi gắm qua các bài thơ Câu cá mùa thu, Bài ca phong cảnh Hương Sơn.
– Trần Tế Xương bày tỏ nỗi phẫn uất trước hiện tình đất nước qua những vần thơ đậm chất trào phúng trong Vịnh khoa thi Hương.
2. Trình bày nội dung chính của khái niệm chủ nghĩa nhân đạo qua các tác phẩm văn học trung đại mà anh (chị) đã học.
Trả lời: 
Khái niệm chủ nghĩa nhân đạo có hàm nghĩa khá rộng, nhưng có thể quy về mấy nội dung lớn sau đây:
a) Phê phán, lên án các thế lực áp bức, chà đạp con người; bênh vực, thông cảm với những người bị áp bức, chà đạp (Nỗi thương mình – trích Truyện Kiều).
b) Ca ngợi, khẳng định quyền sống của con người, kể cả quyền sống vật chất và quyền sống tinh thần ; trong bối cảnh xã hội phong kiến Nho giáo hoá, văn học nhân đạo chủ nghĩa đề cao quyền sống riêng tư như tình yêu, hạnh phúc lứa đôi (trích đoạn Chinh phụ ngâm, thơ Hồ Xuân Hương, Truyện Kiều)
c) Khẳng định con người cá nhân, đề cao bản lĩnh cá nhân (Bài ca ngất ngưởng).
3. Nêu nhận xét về hệ thống thể loại văn học đã được học (chú ý đến nhu cầu cách tân thể loại truyền thống và xây dựng thể loại mới để chuyển tải nội dung mới).
Trả lời: 
Thể loại có quan hệ mật thiết với nội dung của tác phẩm văn học.
– Xét về thơ: Để diễn đạt con người cá nhân, bản lĩnh cá nhân, Nguyễn Công Trứ thường sử dụng thể hát nói có nét tự do, chuyển tải tính chất phóng túng, không gò bó. Nhưng Hồ Xuân Hương lại chọn hướng cách tân thể thơ Đường luật, đưa nhiều từ thuần Việt, cách diễn đạt dân gian, hình ảnh dân gian để thể hiện bản lĩnh cá nhân. Thơ Đường luật của Trần Tế Xương tiếp tục mạch cách tân này ; ông biến cải thể thơ vốn được dùng để diễn đạt chí, đạo rất nghiêm trang thành thể thơ trào phúng bằng cách thông tục hoá nó, đưa nhiều lời ăn tiếng nói dân gian, tiếng chửi, câu nói tục vào thơ.
– Về các thể văn xuôi, do nhu cầu phản ánh hiện thực xã hội phong kiến phức tạp, thể loại văn kí sự ghi chép người thực việc thực như văn phóng sự hiện đại đã rất phổ biến ở thế kỉ XVIII mà Thượng kinh kí sự là điển hình. Thể loại văn điều trần với các lập luận và kiến nghị chặt chẽ, chắc gọn rất cần cho việc trình bày các tư tưởng canh tân, đổi mới của Nguyễn Trường Tộ.
– Cuối thế kỉ XIX, để ghi nhận tình cảm trước sự hi sinh đầy quả cảm của những người nghĩa sĩ chống Pháp nhưng thất bại, tiếng khóc trong thơ ca trở nên rất phổ biến với văn tế và các bài thơ khóc bạn, khóc đồng chí, thơ tuyệt mệnh,…
Hướng phân tích nhấn mạnh sự phù hợp giữa thể loại và nội dung này có thể triển khai tiếp tục trong khi tìm hiểu hệ thống thể loại của văn học hiện đại.

Leave a comment