Soạn bài Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)
Soạn bài Chiếu cầu hiền (Cầu hiền chiếu)
1. Hãy cho biết mục đích và đối tượng của bài Chiếu cầu hiền. Nội dung bài chiếu có phù hợp với mục đích và đối tượng ấy không ?
Trả lời:
– Mục đích và đối tượng của bài chiếu : Thuyết phục người hiền, thực chất là các trí thức, nho sĩ Bắc Hà, hợp tác, tham gia chính sự với triều Tây Sơn. cần lưu ý là khi nhà Tây Sơn được thành lập, nhiều trí thức Bắc Hà đã ra cộng tác với triều đại mới, nhưng cũng có không ít trí thức, quan lại cũ của triều Lê – Trịnh đã có thái độ bất hợp tác, thậm chí chống lại Tây Sơn nên việc kêu gọi họ hợp tác với triều đại mới là việc làm cần thiết. Khi một triều đại mới thành lập, để thu hút hiền tài cộng tác, các vị đế vương thường xuống chiếu cầu hiền. Chẳng hạn năm 1429, Lê Lợi đã ban chiếu, hạ lệnh cho các đại thần tiến cử hiền tài cần nhớ lại trích đoạn văn bia Hiền tài là nguyên khí của quốc gia do Thân Nhân Trung soạn năm 1484 (Ngữ văn 10, tập hai) để nắm được ý thức tôn trọng nhân tài của các triều đại xưa.
– Theo tác giả bài chiếu, do những biến cố loạn lạc mà nhiều hiền tài đã giấu mình ẩn tiếng, không tham gia chính sự. Nhưng nay đất nước thanh bình, rất cần đến sự đóng góp trí tuệ, tài năng của họ. Tác giả, ở đây phải hiểu là vua Quang Trung, đã thể hiện là một người khiêm tốn, thực sự chân thành mong đợi sự cộng tác của các bậc hiền tài. Vì vậy mà trong bài chiếu, tác giả đề cao vai trò của hiền tài, không hề nhắc đến sự bất hợp tác có thể có ở một số người, nêu sự cần thiết cấp bách của người hiền tài đối với giai đoạn lịch sử mới, kêu gọi sự tự nguyện hoặc sự tiến cử, hứa hẹn ban thưởng. Nhìn chung, bài chiếu đã hướng đến mục tiêu và đối tượng bằng hệ thống các lập luận khá toàn diện, thái độ khiêm nhường, khéo léo, phù hợp vói mục đích và đối tượng.
2. Nhận xét về ngôn ngữ được sử dụng trong bài chiếu. Tại sao tác giả lại sử dụng nhiều điển tích, điển cô như vậy ?
Trả lời:
Đối tượng thuyết phục quy định ngôn ngữ của bài chiếu. Có thể nêu một số đặc điểm đáng chú ý về ngôn ngữ như sau :
– Tác giả sử dụng nhiều điển tích, điển cô Hán học vốn quen thuộc với mỗi trí thức thời xưa và do đó, giúp cho việc trình bày tư tưởng dễ dàng, súc tích hơn. (Có thể dễ đàng tìm các điển cố, điển tích trong bài chiếu và đọc các chú thích để hiểu)
– Sử dụng nhiều từ ngữ nói về nhân dân, đất nước, triều chính, tròi đất tạo nên một không gian gây ấn tượng trang nghiêm, hệ trọng, nhấn mạnh ý nghĩa xã hội cao cả và tầm vóc vũ trụ thiêng liêng của sự nghiệp dựng nước đang yêu cầu có sự cộng tác của người hiền tài.
3. Nhận xét về tình cảm, tư tưởng, nhân cách của Quang Trung thể hiện qua bài chiếu.
Trả lời:
Tình cảm, tư tưởng, nhân cách của Quang Trung : Vua Quang Trung, qua bài chiếu, hiện ra như một vị lãnh tụ có trí tuệ, khiêm tốn, chân thành, tha thiết và lo lắng cho sự nghiệp xây dựng đất nước. Vì sự nghiệp chung, ông hướng về tương lai, không gợi lại quá khứ khi mà có một số sĩ phu Bắc Hà không cộng tác với Tây Sơn.