Văn mẫu lớp 9: Miệng quan trôn trẻ
Dân gian đã sáng tạo nên những câu tục ngữ, ca dao hóm hỉnh nhằm chế giễu bộ mặt xấu xa thối nát của bọn vua quan trong xã hội cũ. Trong lúc bọn chúng tự xưng là “thiên tử’, “bậc chí tôn”, “quan phụ mẫu,v.v… thì nhân dân coi họ bằng nửa con mắt!
Ngày xưa, quan là đại diện của vua, làm việc cho triều đình, hoặc cai trị một vùng nào, địa phương nào. Trong hơn một nghìn năm chế độ phong kiến ở nước ta, từ Đinh, Lý, Trần, Lê, Tây Sơn, nhà Nguyễn đã có những bậc minh quân, những ông vua anh hùng, cũng có nhiều ông quan, vị đại thần có tài kinh bang tế thế, nổi tiếng thanh liêm lưu danh sử sách như Chu Văn An, Trần Quốc Tuấn, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm,v.v… Có những vị đại thần mà công đức gắn liền với những con kênh, dòng sông như Vĩnh Tế, Thọai Ngọc Hầu,v.v… Lịch sử và nhân dân rất công bằng. Thời Lê – Trịnh, thời Nguyễn sau này, tệ mua quan bán tước diễn ra, bộ máy quan trường vô cùng hủ bại, thối nát. Đặc biệt dưới thời Pháp thuộc, bọn quan lại, phần đông chỉ là tay sai của thực dân, làm quan để vinh thân phì gia. Do đó, bọn quan lại đã bị nhân dân đả kích, khinh bỉ và lên án.
Câu tục ngữ “Miệng quan trôn trẻ” xuất hiện trong hoàn cảnh xã hội ấy. Nó đã trở thành “bia miệng” thế gian. “Miệng quan có gang có thép” thế mà bị dân đen đem so sánh với “trôn trẻ”. “Miệng quan” và “trốn trẻ” là hai bộ phận của cơ thể con người, đã trở thành hai hoán dụ nghệ thuật trong mối quan hệ so sánh làm bật ra một tiếng cười giễu cợt châm biếm sâu cay.
“Miệng quan” thì ghê gớm lắm! Nắm quyền lực trong tay, quyền sinh quyền sát trong tay, muốn nói thế nào mà chẳng được! “Công lí” đo quan định đoạt, tha hồ đổi trắng thay đen, dân chúng chỉ biết cúi đầu răm rắp tuân theo! Ai dám cãi, dám chống lại “bậc cha mẹ của dân”? Bởi vậy, dân gian mới mỉa mai châm biếm: “Muôn nói gian làm quan mà nói”, hoặc: “Quan cứ lệnh, lính cứ truyền”.
“Miệng quan” là thế. Còn “trôn trẻ” thì sao? Trẻ được nói ở đây là trẻ sơ sinh. Trôn trẻ sơ sinh bài tiết vô chừng, diễn ra nhiều lần trong ngày đêm, rất tùy tiện khó mà biết trước được. Trẻ dầm dề suốt ngày. “Miệng quan” và “trôn trẻ”, hai bộ phận thượng, hạ khác nhau, của hai lứa tuổi, hai đối tượng khác nhau, nhưng lại có sự tương đồng về sự tùy tiện trong họat động, tùy tiện về phán xét, tùy tiện về bài tiết. Thật là thâm thúy! Qua sự so sánh “Miệng quan (như) trôn trẻ”, nhân dân đã vạch trần bản chất xấu xa của bọn quan lại như hông hách, lộng hành bất chấp công lí, dùng công quyền để áp chế dân lành, để ăn bẩn! “Miệng quan” (cái cao sang) được so sánh với “trôn trẻ” (bẩn), nhân dân đã hạ nhục các “quan phụ mẫu” với tất cả sự khinh bỉ!
Câu tục ngữ “Miệng quan trôn trẻ” còn mang một hàm ý châm biếm sâu cay, đả kích thậm tệ cái thói “ăn bẩn”, lòng tham vô đáy, thủ đoạn vơ vét của bọn tham quan ô lại. Với chúng, công lí chỉ là cái bánh vẽ, “đồng bạc đâm toạc tờ giây”. Dân đen chẳng may bị trát quan đòi là gặp phải đại họa. Bởi lẽ “Của vào quan như than vào lò”, “Quan thấy kiện như kiến thấy mỡ”. Nguyễn Công Hoan, nhà văn hiện thực xuất sắc đã sáng tạo nên chân dung biếm họa, đả kích sâu cay bọn quan lại “sâu mọt” của dân trong thời Pháp thuộc. Tên huyện Hĩnh “ăn bẩn” một đồng hào của mẹ Nuôi (“Đồng hào có ma”). Tên quan phụ mẫu, trước mặt lúc nào cũng có cái đĩa, chốc chốc hắn lại đưa tay ra vét. Hắn hỏi anh Pha: “Tiền đâu?”. Hắn giải thích việc ăn hốì lộ như giải thích một chân lí: “Vào quan không có lôi nói bằng nước dãi!” (Tiểu thuyết “Bước đường cùng”). Trong ý nghĩ và kinh nghiệm của dân gian, bọn quan lại chỉ là lũ cướp ngày:
“Con ơi nhớ lấy câu này,
Cướp đêm là giặc, cướp ngày là quan”.
Ở nước ta, Cách mạng tháng Tám thành công, một chế độ mới tốt đẹp ra đời. Đại bộ phận cán bộ là công bộc của dân, nêu cao “cần, kiệm, liêm chính, chí công vô tư’. Tuy nhiên, còn có một bộ phận cán bộ biến chất. Những “ông quan cách mạng” ấy rất hống hách, cửa quyền, tham ô, trụy lạc,… đã bị nhân dân và luật pháp nghiêm khắc lên án. Có nơi, có lúc nhân dân nhắc lại câu tục ngữ “Miệng quan trôn trẻ” để đả kích chúng. Con sâu làm rầu nồi canh. Thời nào cũng vậy, tham ô là quốc nạn!
Ra đời trong xã hội cũ, câu tục ngữ “Miệng quan trôn trẻ” đã vạch trần bản chất xấu xa của bọn quan lại như cậy quyền thế, tham lam vô độ, áp bức bóc lột nhân dân đến tận xương tủy. Nhân nhân đã “ném” vào chúng biết bao khinh bỉ và căm thù!
Cách nói, cách nghĩ của nhân dân thật vô cùng hóm hỉnh, sâu cay! Chỉ có bốn chữ, câu tục ngữ “Miệng quan trôn trẻ” đã kết tinh trí tuệ dân gian, tính chiến đấu của dân gian. Nó là một cú đánh hiểm của nhân dân vào tệ nạn quan trường, bất cứ ở đâu, bất cứ thời nào!