Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích có tám câu cuối nhà thơ đã rất tài hoa trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Mỗi cảnh vật như nói với ta một nỗi buồn khác nhau và nỗi buồn đó ngày càng mãnh liệt hơn… Phân tích đoạn trích để làm rõ nội dung đó

0

Đề bài:

Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều – Nguyễn Du) có tám câu cuối nhà thơ đã rất tài hoa trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Mỗi cảnh vật như nói với ta một nỗi buồn khác nhau và nỗi buồn đó ngày càng mãnh liệt hơn, ghê gớm hơn.

Phân tích đoạn trích để làm rõ nội dung đó.

Bài làm:

Tuyệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du thành công trước hết ở những đoạn thơ tả cảnh tả tình tuyệt bút. Đó là những đoạn thơ “tả cảnh ngụ tình” đầy sức gợi. Trong đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích (Truyện Kiều), Nguyễn Du đã có tám câu thơ cuối rất tài hoa trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Mỗi cảnh vật như nói với ta một nỗi buồn khác nhau và nỗi buồn đó ngày càng mãnh liệt hơn, ghê gớm hơn:

“Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu?

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

Nghệ thuật tả cảnh ngụ tình là mượn cảnh vật để gửi gắm (ngụ) tâm trạng. Cảnh được miêu tả không đơn thuần là bức tranh thiên nhiên mà còn là bức tranh tâm trạng. Cảnh là phương tiện miêu tả còn tình là đích của sự miêu tả. Đoạn trích Kiều ở lầu Ngưng Bích là một trong những đoạn trích tiêu biểu cho nghệ thuật ấy, nhất là sự vận dụng thành công trong tám câu thơ cuốì đoạn Trong sáu câu thơ đầu, khung cảnh thiên nhiên trước lầu Ngưng Bích với không gian, thời gian được nhìn qua con mắt của nhân vật, bộc lộ hoàn cảnh tâm trạng cô đơn, tội nghiệp của Thuý Kiều:

Trước lầu Ngưng Bích khoá xuân

Vẻ non xa tấm trăng gần ở chung

Bốn bề bát ngát xa trông

Cát vàng cồn nọ bụi hồng dặm kia

Bẽ bàng mây sớm đèn khuya

Nửa tình nửa cảnh như chia tấm lòng

Lầu Ngưng Bích nơi Kiều bị giam lỏng được gọi là nơi khoá xuân. Đó có nghĩa là nơi khoá giữ tuổi trẻ, ước mơ và hoài bão của đời thiếu nữ. Không gian nơi ấy mênh mông, chồng chềnh làm sao: non xa, trăng gần, bốn bềbát ngát xa trông, … vẻ xa xôi, mênh mông của thiên nhiên càng tô đậm tình cảnh cô đơn, trơ trọi của Kiều. “Mây sớm đèn khuya” chỉ một mình nàng “bẽ bàng” vào ra hôm sớm. Hình ảnh trăng, mây sớm đèn khuya biểu đạt sự quay vòng của thời gian. Cùng với những hình ảnh gợi tả không gian, sự tuần hoàn đều đặn của.thời gian càng nhấn đậm thêm tình cảnh cô đơn, buồn bã của Kiều. Đúng là nửa tinh nửa cảnh như chia tấm lòng.

Bơ vơ nơi chân trời góc bể ấy, tấm lòng Kiều hướng cả về quê hương xứ sở cùng những người thân yêu nhất của mình.

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ

Chân trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai

Xót người tựa cửa hôm mai

Quạt nồng ấp lạnh biết ai đó giờ

Sân Lai cách mấy nắng mưa

Có khi gốc tử đã vừa người ôm”.

Trước hết, nàng nhớ tới Kim Trọng – mối tình đầu trong trẻo, say đắm của mình. Kiều tưởng tượng ra cảnh chàng Kim cũng đang nhớ về mình, mong ngóng mà vẫn bặt tin:

“Tưởng người dưới nguyệt chén đồng

Tin sương luống những rày trông mai chờ”.

Nghĩ đến đó, tâm trạng Kiều đau đớn, xót xa, tủi phận:

“Bên trời góc bể bơ vơ

Tấm son gột rửa bao giờ cho phai”.

Nàng nhớ đến cha mẹ, thương cha mẹ ngày ngày tựa cửa ngóng tin con “xót người tựa cửa hôm mai”, ngậm ngùi vì tuổi già trước sự khắc nghiệt của thời gian “sân Lai cách mấy nắng mưa – Có khi gốc tử đã vừa người ôm”, day dứt vì mình không được ở bên để báo đáp công ơn sinh thành “quạt nồng ấp lạnh biết ai đó giờ”,

Nguyễn Du để Kiều nhớ tới Kim Trọng trước là hoàn toàn phù hợp với diễn biến tâm lí của nhân vật trong cảnh ngộ cụ thể, đảm bảo tính chân thực cho hình tượng. Trong tình cảnh bị Mã Giám Sinh làm nhục, lại ép tiếp khách làng chơi nên hiện trạng tâm lí Kiều là nỗi đau đớn về “tấm son gột rửa bao giờ cho phai”, là nỗi buồn nhớ người yêu, nuối tiếc mốì tình đầu đẹp đẽ. Kiều đã hi sinh thân mình vì đạo hiếu, khi lâm vào tình cảnh đáng thương, nàng lại một lòng nhớ đến Kim Trọng, nhớ thương cha mẹ, quên cả cảnh ngộ của mình. Trong đoạn trích này, Kiều hiện ra với đức vị tha cao đẹp.

Càng nhớ người yêu, càng nhớ cha mẹ, Kiều càng đau xót cho số phận và hoàn cảnh buồn khổ của mình. Tâm trạng ấy của nàng tập trung vào tám câu thơ cuối đoạn trích. Tại đó, Nguyễn Du đã cho thấy một bút pháp tả cảnh ngụ tình đặc sắc. Cảnh vật được miêu tả qua tâm trạng, tâm trạng nhuốm lên cảnh vật, cảnh vật thế hiện tâm trạng, sắc thái của bức tranh thiên nhiên thể hiện từng trạng thái tình cảm của Thuý Kiều.

Buồn, trông cửa bể chiều hôm,

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa.

Buổi chiều tà thường gợi nỗi nhớ về quê hương xứ sở. Ca dao từng có câu:

“Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều”.

Huống gì cảnh chiều hôm lại đứng trước biển trời bao la. Khung cảnh rợn ngợp ấy gọi nỗi cô đơn không gì khoả lấp. Kiều thấy cả những cánh buồm “thấp thoáng”, những cánh buồm chợt ẩn, chợt hiện không rõ ràng phía chân trời chứng tỏ nàng đã ngóng trông đau đáu đến nhường nào. Trong những cánh buồm đi về nơi tổ ấm nơi xa kia, liệu có cánh buồm nào đưa Kiều về với quê mẹ của nàng?

Lại đây nữa, thêm cảnh là lại thêm buồn:

Buồn trông ngọn nước mới sa,

Hoa trôi man mác biết là về đâu.

Nhìn cánh hoa rơi bị cuốn theo dòng nước, nàng nghĩ đến thân phận trôi dạt, vô định của mình, chẳng biết rồi mình sẽ đi đâu về đâu. Những động từ, tính từ trong câu thơ tất thảy đều gợi sự dạt trôi, vô định đến vô tình của tạo hoá: “sa”, “man mác”. Điều đó khiến cho không phải bản thân cánh hoa mà trong sự “trôi” của cánh hoa đã phảng phất nỗi buồn “man mác” tủi hờn. Nó cùng giống như những chuỗi ngày nhạt nhẽo vô vị Kiều phải giam mình nơi lầu xanh ô nhục và đơn độc này:

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

“Rầu rầu” gợi dáng vẻ rũ xuống, lả đi. Nếu như “nội cỏ rầu rầu” thì cái sắc “xanh xanh” liền chân mây mặt đất kia hẳn không phải sắc xanh của tuổi trẻ, hi vọng và tình yêu. Nó là màu xanh cỏ úa héo hon rầu rĩ. Nó chẳng khác nào nỗi lòng đang tan ra vì buồn tủi của Thuý Kiều.

Đáng sợ hơn, nơi lầu Ngưng Bích bơ vơ tứ bề biển cả, Kiều còn mang một dự cảm hãi hùng về tương lai đầy sóng gió:

Buồn trông gió cuốn mặt duềnh

Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi.

“Gió cuốn mặt duềnh” để báo trước một đợt giông bão của biển cả và cũng là báo trước những giông bão của cuộc đời. Vậy là bi kịch của đời Kiều chưa dừng lại. Con tạo còn muốn đánh ghen đến “dập liễu vùi hoa tơi bời” mới thoả. Nghe trong tiếng “ầm ầm” của sóng bể có tiếng bước chân của những bầy Khuyến Ưng hung hãn và vô nhân tính.

Từng chi tiết, hình ảnh khung cảnh thiên nhiên đều mang đậm trạng thái tình cảm của Thuý Kiều. Mỗi cảnh là mỗi tình, song tất cả đều buồn thương, đúng là: “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”. Đặc biệt, cụm từ buồn trông lặp lại bốn lần trong tám câu thơ như những đợt sóng lòng trùng điệp, càng khiến nỗi buồn dằng dặc, mênh mông, kết hợp với cái nhìn từ xa đến gần, thu hẹp dần vào nội cảm con người đế đến cuối đoạn thì tâm trạng cô đơn, sầu nhớ, cảm giác đau đớn trào lên. Sóng gió nổi lên như sự báo về những đau khổ ê chề rồi đây sẽ xảy ra đối với Kiều, là dự cảm cho một đoạn đời “thanh lâu hai lượt, thanh y hai lần.”.

Đoạn trích “Kiều ở lầu Ngưng Bích” (trích “Truyện Kiều”) đã thể hiện tâm trạng cô đơn, buồn nhớ và đặc biệt là những biến động dữ dội trong tâm trạng Thuý Kiều khi ở nơi “góc bể chân trời” bơ vơ, buồn tủi. Đoạn trích đã khẳng sự kì tài của Nguyễn Du trong việc miêu tả nội tâm nhân vật bằng bút pháp “tả cảnh ngụ tình” đặc sắc.

Leave a comment