Tiếng khóc của Nguyễn Du trong bài thơ Độc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí)
Đau đớn, xót thương cho mọi số kiếp khổ đau trong nhân gian là tình cảm lớn, xuyên suốt hầu hết sáng tác của đại thi hào Nguyễn Du. Từ tập đại thành Truyện Kiều đến Văn tế thập loại chúng sinh, Phản Chiêu hồn, Sở hiến hành, Long Thành cầm giả ca, Độc Tiểu Thanh ki…, ở văn bản nào, chúng ta cũng.được chứng kiến nỗi niềm đau đáu khôn nguôi của người nghệ sĩ có con mắt trông thấu sáu cõi và tấm lòng nghĩ suốt nghìn đời (Mộng Liên Đường chủ nhân). Lo đời, thương người, nên suốt đời thơ Nguyễn Du là tiếng khóc nhân sinh đau đớn:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư,
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kỉ oan ngã tự cư.
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Có thể thấy ở hầu hết các sáng tác, Nguyễn Du luôn dành tiếng khóc lớn cho những người phụ nữ khốn khổ, những cô gái tài hoa bạc mệnh. Họ là Thuý Kiều, Đạm Tiên (Truyện Kiều), là người con gái đánh đàn ở đất Long Thành (Long Thành cầm giả ca), là người mẹ nghèo khổ của bầy con nheo nhóc (Sở kiến hành)… Với Độc Tiểu Thanh kí, Nguyễn Du lại thêm một lần nức nở vì người con gái mang tên Tiểu Thanh. Tiểu Thanh là cô gái sống ở đầu đời Minh (Trung Quốc), tên thật là Phùng Huyền Huyền. Nàng nổi tiếng tài hoa, xinh đẹp nhưng sớm phải đem than đi làm lẽ họ Phùng. Cuộc đời nàng mang nhiều bi kịch. Tiểu Thanh luôn bị người vợ cả của chồng ghen tị. Nàng bị bắt dọn ra núi Cô Sơn để ở. Tiểu Thanh mất khi mới mười tám tuổi. Mọi tư trang, thư tịch của nàng bị người vợ cả đốt hết để hả lòng ghen giận. Nhan đề Độc Tiểu Thanh kí có thể hiểu là đọc những ghi éhép về Tiểu Thanh hoặc đọc tiểu truyện về Tiểu Thanh sau đó ghi lại cảm xúc. Như vậy, có thể hiểu các ghi chép hay tiểu truyện ấy chính là nguyên cớ khiến nhà thơ của chúng ta đau đớn cất lên tiếng thơ ai động đất trời (Tố Hữu).
Đọc bài thơ, bất cứ ai cũng nhận thấy tiếng khóc Nguyễn Du trước hết hướng tới số phận bi kịch của nàng Tiểu Thanh với nỗi niềm cảm thương dào dạt:
Tây Hồ hoa uyển tẫn thành khư
Tây Hồ vốn là một cảnh đẹp thuộc tỉnh Chiết Giang – Trung Quốc, trước đây vốn là nơi huy hoàng, thịnh vượng (hiểu theo cách giải nghĩa cửa Từ hải từ nguyên về hai chữ hoa uyển). Câu thơ đầu thể hiện triêt lí, sự nhìn nhận khái quát về thời cuộc: sự suy tàn, đổ nát của thời đại (xưa là vườn hoa đẹp, nay thành gò hoang trơ trụi, tiêu điều, tang thương). Sự đổi thay của thiên nhiên, cảnh vật được diễn đạt triệt để thông qua từ tẫn. (nghĩa là hết, cùng), nó nhấn mạnh qui luật biến thiên dâu bể. Viết câu thơ này, chắc chắn Nguyễn Du không chỉ thổn thức trước vẻ đẹp của quá khứ bị tiêu tan, tàn lụi trước năm tháng thời gian.
Dường như nhà thơ còn ngầm ý muốn đặt bi kịch, số phận của người con gái trong mối quan hệ gắn kết với sự tàn lụi của thời đại. Điều này được triển khai cụ thể hơn ở các dòng tiếp theo:
Độc điếu song tiền nhất chỉ thư.
Tiếng khóc Nguyễn Du khởi phát từ nhất chỉ thư, (mảnh giấy). Mảnh giấy là vật chứng lưu kí bao tâm sự của một con người. “Mảnh giấy” khác với “quyển”. Mảnh giấy tàn trước cửa sổ ám chỉ số phận chóng tàn, mong manh, khái quát về số phận, giá trị tinh thần bị huỷ hoại, quên lãng, vùi dập, đương nhiên, trong đó có Tiểu Thánh, Người nghệ sĩ đa mang không khóc thương cho những cái trọn vẹn, đầy đặn mà lại xúc động trước cái mong manh, dở dang gắn liền với số phận của con người bạc mệnh. Điều đặc biệt là không có ai khóc cùng Nguyễn Du. Chữ độc đứng đầu dòng thơ nhấn mạnh tâm thế của tác giả – đó là tâm thế xót thương trong nỗi cô đơn. Chỉ riêng một mình nhà thơ thấm thìa về cuộc đời, thân phận mong manh của con người. Suy cho rộng, Tiểu Thanh chính là cái cớ để Nguyễn Du thể hiện triết lí của mình về “tài mệnh tương đô’” Nói như vậy cũng có nghĩa Nguyễn Du không chỉ khóc thương riêng người con gái họ Phùng mà còn khóc cho biết bao thân phận phụ nữ khác:
Đau đớn thay phận đàn bà
Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung
(Truyện Kiều)
Nếu như dòng thơ đầu khái quát về sự hoang tàn, đổ nát của thời đại thì dòng thơ thứ hai nói lên thân phận của con người trong thời đại ấy. Đó chính là mối tương liên giữa số phận, cuộc đời người con gái này với cuộc biến thiên dâu bế. Từ qui luật mang tầm khái quát, lớn lao, Nguyễn Du đã đi vào trường hợp cụ thể là cuộc đời nàng:
Chi phấn hữu thần liên tử hậu,
Văn chương vô mệnh lụy phần dư.
Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh hướng tới hai giá trị cụ thể là chi phấn (son phấn) và văn chương biểu trưng cho vẻ đẹp hình sắc và cái đẹp tâm hồn. Điều này không khó lí giải bởi lẽ ai cũng biết Tiểu Thanh là người con gái có nhan sắc và hết sức tài hoa. Son phấn có thần nên vẫn phải ôm hận kể cả sau khi chết, văn chương không có thân mệnh cụ thể nhưng phải chịu sự hành hạ, phải mang lụy. Đó là cách chúng ta diễn giải để hiểu rõ hơn về hai dòng thơ này. Tiến sĩ Hán Nôm Hà Minh đã khái quát như sau: Son phấn là thân xác, nó phải chịu nỗi đau tinh thần sau khi chết, văn chương là tinh thần nhưng lại phải chịu nỗi đau thể xác. Như vậy, cái đẹp nói chung đều phải chịu sự chà đạp. Nỗi đau thể xác và bi kịch tinh thần được đồng nhất trong số phận oan nghiệt của một cuộc đời. Lời thơ đong đầy nỗi niềm tiếc thương, xót xa, đau đớn. Nhan sắc ấy, tài năng ấy có lẽ đâu lại phải chịu đựng, sự chà đạp phũ phàng nhường vậy? Phép đối dọc (chi phấn hữu thần – văn chương vô mệnh, liên tử hậu – lụy phần dư) càng khiến nỗi đau trở nên dai dẳng, mang ý nghĩa nhân loại. Nguyễn Du đã khóc cho bao nhiêu người con gái như Tiểu Thanh, đã nhỏ lệ cho bao nhiêu sô’ phận cay đắng như nàng? Thật khó để kể cho hết. Nhưng có thể hiểu rằng, trước bất kì sự lụi tàn, đau đớn của một nhan sắc, một tài hoa – nghệ sĩ nào, nước mắt nhà thơ cũng tuôn rơi đầy xót thương và hết sức chân thành. Tiếng khóc Nguyễn Du dành cho Tiểu Thanh cũng chính là tiếng khóc nhà thơ dành cho những số kiếp “tài hoa bạc mệnh” như nàng. Sức khái quát của lời thơ, tình yêụ thương mênh mông Nguyễn Du dành cho những số kiếp ấy không chỉ dừng lại ở đó:
Cổ kim hận sự thiên nan vấn,
Phong vận kì oan ngã tự cư.
Cổ kim hận sự là nỗi hờn về sự bất công của số phận. Nhà thơ nhận thức về qui luật tài hoa bạc mệnh, tài tử đa cùng, người có tài hoa, trí tuệ thì số phận long đong. Đó là nỗi bất công ngự trị từ xưa đến nay, là bi kịch đã được khái quát hoá, được đồng nhất. Mặt khác, chúng ta có thể nhận thấy từ cuộc đời của một người con gái, nhà thơ muốn hỏi cho rõ nguyên nhân gây nên bi kịch nói chung của thời đại chứ không riêng của dân tộc, thân phận cụ thể nào. Đến đây, có thể cảm nhận rất rõ rằng: tiếng khóc của Nguyễn Du trong Độc Tiểu Thanh kí không chỉ hướng tới cuộc đời, số phận cụ thể là nàng Tiểu Thanh mà còn hướng tới tất cả những người tài hoa, phong nhã, không phân biệt nam hay nữ (những kẻ phong vận).Tiếng khóc ấy không chỉ chan chứa yêu thương mà còn rất chân thành, xúc động bởi lẽ tác giả đã tự đặt mình vào thế giới của những kẻ phong vận kia. Điều đó chứng tỏ người nghệ sĩ của chúng ta ý thức rất rõ về bản thân mình, ông nhận mình cũng là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh: Tráng niên ngã diệc, vi tài tủ (Thời trẻ ta cũng là người có tài). Không phắi Nguyễn Du tự ngạo nhưng quả thật đúng như vậy. số phận của Nguyễn Du, Tiểu Thanh đều bất hạnh như nhau. Tự nhận là người cùng hội cùng thuyền cung có nghĩa là nhà thơ thừa nhận sự tri âm, đồng điệu giữa bản thân mình và người thiên cổ đã đạt đến mức độ tuyệt đối. Đó là sự tri âm, đồng điệu giữa những eon người tài hoa, bạc mệnh. Vậy nên tiếng khóc của Nguyễn Du không phải là tiếng khóc của đấng tu mi nam tử đoái thương cho số phận người đàn bà mà là tiếng khóc của người trong cuộc, của những người cùng một lứa bên trời lận đận (Long Thành cầm giả ca). Chưa ai trả lời cho Nguyễn Du được nguyên nhân của bi kịch đó để rồi khóc cho người thiên cổ, nhà thơ lại đoái thương cho chính bản thân mình:
Bất tri tam bách dư niên hậu,
Thiên hạ hà nhân khấp Tố Như?
Từ hiện tại, Nguyễn Du khóc thương cho quá khứ, cho người trong quá khứ. Và bất chợt nhà thơ tự hỏi ba trăm năm sau sẽ ai khóc thương mình. Thương người, ngẫm bi kịch của người, khóc cho người rồi thương chính bản thần mình, điều đó cho thấy nhà thơ đã tự đặt mình vào số phận chung của những tấn bi kịch. Tiểu Thanh mệnh bạc nhưng ba trăm năm sau cũng có người cùng hội cùng thuyền là Nguyễn Du thương xót. Nỗi đau của nàng đã được xoa dịu một chút nơi chín suối. Nhưng liệu rằng điều đó có lặp lại với ông? Ba trăm năm chỉ là con số ước lệ. Tri âm, tri kỉ đâu cần đến ba trăm năm mới xuất hiện? Đọc thơ văn Nguyễn Du, cảm nhận sâu sắc tấm lòng vị than, đa mang của nhà thơ trước cuộc đời, trước con người, bất cứ ai chẳng đồng điệu, chẳng muốn tri âm với ông. Câu hỏi của Nguyễn Du hướng tới tương lai chứ không đặt câu hỏi cho hiện tại, có thể vì ông không tìm thấỳ sự đồng cảm trong hiện tại. Đó là nỗi buồn sâu lắng về cuộc đời cũng là một triết lí về thuyết tài mệnh tương đố. Ông thương cho người xưa, thương cho chính mình và thương cho cả người sau phải khóc mình. Sẽ còn có những trái tim đa cảm như Nguyễn Du, sẽ còn những giọt nước mắt khóc cho những số phận cay đắng của người nghệ sĩ tài hoa mà mệnh bạc.
Độc Tiểu Thanh kí là bài thơ xúc động. Người đọc được lắng nghe một tiếng khóc đầy đớn đau, nhức nhối, được chứng kiến một tấm lòng nhân đạo hết sức cao cả của người nghệ sĩ tài hoa đa truân. Nguyễn Du đâu chỉ khóc cho Tiểu Thanh, ông còn khóc cho bao sôố kiếp hồng nhan bạc mệnh, tài tử đa cùng như nàng, khóc cho quá khứ, hiện tại, tương lai, và khóc cho chính bản thân mình. Trái tim người nghệ sĩ đa cảm này dường như cả cuộc đời chỉ biết đập cho người khác vậy.