Rửa nhục
Thế kỉ XX đã kết thúc! Một sự kết thúc thật sự đẹp đẽ: anh hùng nở rộ như hoa đào mùa xuân, mừng cho nước nhà được độc lập và thống nhất sau ngót một thế kỉ gian khổ đấu tranh. Cũng như Nguyễn Trãi, chúng ta có thể tự hào: “Giang sơn từ đây đổi mới… Ngàn năm, vết nhục nhã sạch làu!”.
Thế nhưng khác với thời Nguyễn Trãi, rửa xong nhục mất nước, chúng ta còn cái nhục to lớn nữa: nước ta vẫn còn là một nước nông nghiệp tiền tư bản chủ nghĩa, đứng trong hàng các nước nghèo của thế giới! Cái nhục này không thể đem gậy tầm vong, giáo mác, súng ống, hoặc hi sinh xương máu mà có thế rửa được! Thế hệ các anh hùng của thế kỉ này cũng không còn làm gì hơn được nữa.
Trách nhiệm rửa cái nhục to lớn này đè nặng trĩu trên vai các bạn thanh niên đang lao động trên các công trường xí nghiệp hoặc đang học tập, nghiên cứu trong các trường học và các phòng thí nghiệm. Nếu chỉ chăm chỉ, thi đỗ lấy mảnh bằng rồi ra đời kiếm một cái nghề có đồng lương kha khá để sinh sống một cách lương thiện thì đứng về phía cá nhân bạn, cũng đã giải quyết được cái đích của bạn hoặc sự gửi gắm của cha mẹ bạn. Như thế bạn cũng có thể đáp ứng được khẩu hiệu mà Đoàn đã đề ra: Học để lập nghiệp! Nhưng nếu chỉ thế thôi thì đất nước mong gì rửa được cái nhục nghèo nàn và lạc hậu. Vâng, cá nhân bạn có thể thành đạt, cá nhân bạn có thể có ô tô nhà lầu, vợ đẹp con khôn, nhưng nếu đất nước vẫn nghèo nàn lạc hậu mà bạn không thấy xấu hổ thì xin lỗi: Bạn xoàng quá, nói chuyện việc nước với bạn phỏng có ích gì!
Tôi đề nghị Trung ương Đoàn nên bổ sung thêm mục đích rèn luyện và học tập: Học để làm giàu cho mình và cho đất nước, rửa cái nhục nước ta còn nghèo và lạc hậu, thua kém các nước khác quanh ta.
Muốn rửa được cái nhục lớn, nghèo nàn và lạc hậu, phải có nhân tài và hào kiệt! Mặc dầu Nguyễn Trãi từng nói nước ta “vốn xưng nền văn hiến đã lâu… hào kiệt đời nào cũng có!”, xong hiện nay nếu anh hùng nở rộ như hoa đào mùa xuân, kẻ tham nhũng bất tài và cơ hội cũng không đáng kể xiết thì tiếc thay hào kiệt vẫn “như sao buổi sớm”, nhân tài “như lá mùa thu”!
Chắc rằng câu nói của Nguyễn Trãi không thể sai, vì thời nay vẫn có hào kiệt của thời nay, nhưng nếu ta thây hầu như vắng bóng, có lẽ vì những nhân tài ấy chưa được phát hiện và sử dụng đúng. Song về phần chủ quan các bạn thanh niên và sinh viên hiện nay cũng có phần trách nhiệm, các bạn hãy mài cho sắc tài năng và bản lĩnh của mình bởi mũi nhọn tất nhiên phải lòi ra khỏi túi. Nếu các bạn không cảm thấy đau khổ nhức nhối, xấu hồ khi thây Hàn Quốc cách đây 40 năm cũng nghèo như mình mà nay giàu mạnh gấp chục lần nước mình, khi thấy Thái Lan 30 năm trước thua mình mà nay phải mấy chục năm nữa chưa chắc mình đã đuổi kịp, thì làm sao nuôi được cái chí, cái quyết tâm, cái ý muốn mãnh liệt, cái ham muốn tột bật trở thành nhân tài cho đất nước! Vâng, cần có cái ham muốn tột bật đó thì bạn mới có thể thành nhân tài cho đất nước! Và đất nước đâu chỉ cần nhân tài trên các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, khoa học và công nghệ, văn học nghệ thuật, mà còn rất nhiều, vâng, rất nhiều nhà doanh nghiệp, nhà kinh doanh, buôn bán giỏi, có năng lực cạnh tranh trên thị trường thế giới.
Mà đã là nhà doanh nghiệp giỏi thì các bạn đâu có cần trở thành một công chức nằm yên vị trong biên chế của một cơ quan nhà nước. Muốn trở thành nhân tài, chúng ta có rất nhiều gương sáng. Ví như anh sinh viên Phạm Quang Lễ khi học ở Pa-ri suy nghĩ rằng muốn giải phóng đất nước nếu chỉ có tinh thần dũng cảm thôi không đủ, mà phải có vũ khí. Nhưng vũ khí thì nhà trường thực dân đâu có dạy sách vở về chế tạo vũ khí và đạn dược đâu có cho phép đọc công khai. Nhưng vì nuôi chí lớn, anh Lễ đã cạy cục tìm mọi cách để mượn bằng được và đọc ngấu nghiến các sách đó và tích lũy được những hiểu biết về chế tạo vũ khí. Anh đã theo Bác Hồ trở về nước phục vụ hai cuộc kháng chiến và được Bác đặt tên cho là Trần Đại Nghĩa. Anh Lê Hữu Phước từ miền Nam ra Hà Nội để học ngành Y, nhưng với bầu nhiệt huyết đã sáng tác những bản nhạc thúc giục thanh niên lên đường tranh đấu và trở thành một nhạc sĩ lớn suốt đời đấu tranh trên mặt trận văn hóa. Còn anh chị em chúng ta, ai có ham muốn tột bậc phục vụ đất nước, chọn hướng đi thích hợp, suốt đời rèn luyện và học tập thì đều có thể trở thành những nhân tài tương lai của Tổ quốc.