Giải thích ý nghĩa bài thơ “Độc Tiểu Thanh kí” của Nguyễn Du

0

Tiểu Thanh là tên hiệu của cô gái họ Phùng sống vào đời Minh, Trung Quốc. Nàng làm lẽ, bị vợ cả ghen, bắt ra ở Cô Sơn cạnh Hồ Tây. Vì cô đơn sầu muộn, nàng chết lúc tuổi vừa mười tám, chỉ để lại một tập thơ Tiểu Thanh kí. Đọc phần dư cảo của nàng, Nguyễn Du xúc động làm bài thơ Độc Tiểu Thanh kí:

Tây Hồ cảnh đẹp hoá gò hoang

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn

Son phấn có thần chôn vẫn hận

Văn chương không mệnh đốt còn vương

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi.

Cái án phong lưu khách tự mang.

Nguyễn Du hình dung cảnh Tây Hồ, nơi Tiểu Thanh bị vợ cả bắt ra ở đây, nay đã thành gò hoang, cũng như Nguyễn Du đến với Tiểu Thanh qua mảnh giấy tàn tức là phần dư cảo của nàng.

Gò hoang lạnh chôn cất người tài sắc mà bạc mệnh, thật là đáng thương. Thương cảm nên tưởng niệm, và chỉ biết tưởng niệm người xưa bằng cách đọc những bài thơ cũ còn sót lại của nàng bên song cửa sổ nên thổn thức ngậm ngùi:

Thổn thức bên song mảnh giấy tàn.

Tiểu Thanh là kẻ cô đơn, người viếng cũng là kẻ cô đơn. Hai tâm hồn cô đơn dường như gặp nhau, và người hôm nay cảm thông trọn vẹn nỗi đau đớn của người xưa.

Son phấn có thần chôn vẫn hận,

Văn chương không mệnh đốt còn vương.

Son phấn như có tinh anh, nên người chết rồi mà vẫn xót hận. Văn chương không có số mệnh, sao lại vương vấn luỵ phiền.

Sắc đẹp và văn chương là hai thứ gắn bó với Tiểu Thanh lúc sinh thời của nàng. Son phấn làm gì có thần, nhưng Nguyễn Du đã tạo thần cho để rồi tự hận, để thương hận cho Tiểu Thanh. Văn chương cũng vậy, làm gì có mệnh, nhưng Nguyễn Du cũng gắn mệnh cho để rồi vương vấn xót thương cho Tiểu Thanh.

Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi

Cái án phong lưu khách tự mang.

Từ câu thực, Nguyễn Du đi đến câu luận có tính cách triết lí. Nỗi hờn kim cổ là nỗi hận muôn đời. Nhà thơ như dồn cái hận muôn đời vào niềm thương hận cho số kiếp của Tiểu Thanh. Muốn hỏi trời vì sao có nỗi hận này, không hỏi được lại càng thêm hận.

Còn khác phong lưu lẽ ra đáng được hưởng những thú phong lưu, sao lại phải mang cái án lạ lùng?

Không trả lời được, nhà thơ đành thở than: Ta tự thấy mình là người cùng hội cùng thuyền với kẻ mắc nỗi oan lạ lùng vì nết phong nhã.

Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa

Người đời ai khóc Tố Như chăng?

Tiểu Thanh mất vào thế kỉ XVI thì ba trăm năm sau, vào thế kỉ XIX có một người là Tố Như (tức Nguyễn Du) làm thơ khóc nàng. Nhưng chẵng biết ba trăm năm sau khi Tố Như mất đi, trong thiên hạ ai là người khóc cho?

Một câu hỏi làm não lòng người, thể hiện nỗi bi thương tột độ. Cuộc đời vốn hiếm hoi những tri âm, tri kỉ. Nguyễn Du đang xót thương cho Tiểu Thanh, bỗng quay ra tự thương xót mình. Bởi lẽ Nguyễn Du và Tiểu Thanh cùng chung một số kiếp tài tử giai nhân đầy lận đận.

Tấm lòng nhân đạo cao cả của Nguyễn Du hiện sâu sắc trong các tác phẩm của ông, đặc biệt là bài thơ này. Thương người đang sống (Sở kiến hành), thương người chịu kiếp đoạ đày (Truyện Kiều), thương người bất hạnh (Văn chiêu hồn), còn thương cả người đã khuất (Độc Tiểu Thanh kí). Thật như lời thơ Tố Hữu:

Tấm lòng thơ vẫn tình đời thiết tha.

Leave a comment