Phân tích bài ca dao sau đây: Chim khôn kêu tiếng rảnh rang, Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe. Bóng trăng ngã lộn bóng tre, Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề. Vườn đào, vườn mận, vườn lê, Con ong hút mật, con bướm kia ra ngoài. Chàng về nghĩ lại mà co

0

Bây giờ mận mới hỏi đào

Đường lên cổ tích lối vào ca dao

Hỏi đâu trúc mọc bờ ao?

Ai xinh ai đứng nơi nào cũng xinh?

Hỏi đâu táo rụng đầu đình?

Sầu ai đong đấu cho mình đến vay?

(Hỏi lối vào ca dao)

Hỏi đâu… Hỏi đâu… Hỏi người, hay hỏi chính những câu ca dao, dân ca duyên dáng, ý nhị, dịu dàng và kín đáo ấy, ơi tác giả đoạn thơ?

Ngọt ngào, thắm thiết đến lạ lùng những tình cảm tinh tế mà tác giả dân gian đã gửi gắm trong từng lời ca, điệu hát. Đọc một bài ca dao trữ tình, có khi nào ta cảm thấy khao khát muốn tìm lối vào những tình cảm tuyệt đẹp ấy?

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Bóng trăng ngã lộn bóng tre,

Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề

Vườn đào, vườn mận, vườn lê,

Con ong hút mật, con bướm kia ra ngoài.

Chàng về nghĩ lại mà coi

Tấm lòng em ở gương soi nào bằng.

Lắng lòng lại để thực sự cảm nhận được sự rạo rực của những lòng tâm tư đang dào dạt chảy trong những mạch ngầm tình cảm, ta sẽ tìm thấy lối vào ca dao trải qua từng câu, từng chữ.

Đọc câu đầu tiên, ta bắt gặp một hình ảnh quen thuộc mà như thật lạ:

Chim khôn kêu tiếng rảnh rang.

Tiếng rảnh ranh là như thế nào? Có phải là tiếng hót trong trẻo, thanh thản, vui tươi, biểu hiện của một trạng thái hồ hở, thoải mái, không hề vướng bận bởi một lo toan nào? Còn chim khôn, đâu có phải chỉ nói về một loài chim. Cách mở đầu xa xôi như vậy ta thường gặp trong ca dao, nhất là trong những câu ca dao tình yêu đôi lứa, ví dụ như:

Chim khôn ăn trái nhãn lồng

Lia thìa quen chậu, vợ chồng quen hơi.

Trèo lên cây bưởi hái hoa

Bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân…

Hay:

Trên trời có đám mây xanh

Ở giữa mây trắng chung quanh mây vàng

Ước gì anh cưới được nàng…

Ở đây cũng vậy, từ hình ảnh chim khôn, tác giả dân gian đã khéo léo ướm lời:

Người khôn nói tiếng dịu dàng dễ nghe.

Người khôn ở đây có thể là một cô gái thông minh, biết nết ăn nết ở và rất dịu dàng trong cách cư xử, ăn nói . Một thương tóc bỏ đuôi gà, hai thương ăn nói mặn mà có duyên kia mà! Nhất là khi người nghe nào đó đã cảm thấy dễ nghe rồi, thì cũng có thể cảm thấy dễ thương lắm chứ! Thật ý nhị mà cũng thật duyên dáng, sâu sắc, đó là cách nói về tình cảm đôi lứa trong ca dao, dễ khiến lòng ta cứ mãi xao xuyến…

Bóng trăng ngã lộn bóng tre.

Hình ảnh độc đáo và thật mới lạ! Bóng trăng, bóng tre, dù rất quen thuộc đối với chúng ta, nhưng khi đọc câu thơ này ta tự nhiên thấy thú vị bởi một hai chữ ngã lộn. Chỉ là bóng thôi thì làm sao có thể ngã lộn một cách mạnh mẽ như vậy được. Trước hết, qua câu thơ, ta cảm thấy cảnh vật sao thật đẹp, đẹp một cách giao hoà, quấn quýt, và hình như trong đó có cả con người – con người với tình cảm nồng nhiệt, mạnh mẽ trào dâng trong trái tim.

Nhưng đó chỉ là cảm nhận chủ quan của người đọc. Đến câu thứ tư, con người mới thực sự xuất hiện, mà xuất hiện một cách lạ lùng:

Chàng ơi đứng lại mà nghe em thề

Thế có nghĩa đây là lời của một cô gái, nhưng cách xưng hô ấy, lời nói ấy hoàn toàn xa lạ đối với đạo đức phong kiến. Một cô gái mà có thể nói năng một cách mạnh mẽ như thế đối với người khác phái ư? Còn đâu cái ngôn, hạnh phong kiến nữa?

Nhưng hãy nhìn bài ca dao bằng cái nhìn của người dân lao động. Cô gái nói như vậy là biểu hiện của tình cảm thành thật, nồng nhiệt tự trái tim mình. Tấm lòng cô gái được bộc lộ sau câu nói đó: tâm hồn trong sáng, khao khát tình yêu và hạnh phúc, biết tự giãi bày tình cảm chính đáng của mình. Ta chợt nhớ tới những câu ca dao với những cô gái trong sáng và tràn đầy mơ ước tình yêu như thế:

Phải chi miếu ở gần sông

Em thề một tiếng kẻo lòng anh nghi.

Trong câu ca dao này, cô gái này không hề quanh co, bóng gió. Cô nói thẳng, nhưng lời nói của cô vẫn có gì rất nữ tính, rất dịu dàng dễ nghe, và do đó, cũng rất dễ thương:

Vườn đào y vườn mận, vườn lê

Con ong kia hút mật, con bướm kia ra ngoài.

Hình ảnh vườn đào nhiều lần đã bắt gặp trong văn học dân gian: Bây giờ mận mới hỏi đào

Những khu vườn, những con ong, con bướm… Cảnh vật bình dị, dân dã mà vẫn tươi tắn, tràn đầy sức sống và tình tứ nữa. Chẳng phải trong Truyện Kiều và trong văn học nói chung, ong bướm vẫn thường được dùng để chỉ tình yêu đôi lứa, điều cấm kị trong xã hội phong kiến đó sao:

Êm đềm trướng rủ màn che

Tường đông ong bướm đi về mặc ai.

Huống gì trong ca dao, vườn đào, vườn lựu, vườn lê, ong bướm tất cả như đang giao hoà trong một sức sống trào dâng, mãnh liệt.

Và đến hai câu cuối cùng, cô gái như thầm thì, nhắn nhủ:

Chàng về nghĩ lại mà coi

Tấm lòng em ở gương soi nào bằng.

Em trong sáng, tinh khiết hơn gương soi, tâm hồn em đấy, đang chờ đợi, đang khao khát tình yêu, hạnh phúc. Cô gái như muốn bày tỏ, phân trần, như muốn người ấy hiểu cho cô, tin cô, tin ở tấm lòng trong sáng của cô. bài ca dao khép lại với hình ảnh tấm lòng em ở gương soi nào bằng. Không hiểu sao, đọc đến câu cuối này, bản thân em cũng muôn thanh minh cho cô gái, lời thề của cô đáng tin lắm chứ, bởi vì tâm hồn cô trong trắng biết nhường nào.

Bài ca dao ấy đã và sẽ sống mãi trong kho tàng văn học dân. gian vô giá của dân tộc ta. Muôn đời tình yêu đôi lứa chân thực, chân chính sè là một trong những tình cảm đẹp nhất của con người, cũng như cay đời mãi mãi xanh tươi…

Leave a comment