Hãy giải thích câu ca dao: Bầu oi thương lấy bí cùng, Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn
Các nhà nghiên cứu văn chương truyền khẩu đều cho rằng tục ngừ là kho tàng trí tuệ, đúc kết kinh nghiệm sống của tổ tiên bao đời, còn ca dao chính là những khúc ca, câu hát trữ tình phong phú nhất của dân tộc. Con có bao nhiêu hoàn cảnh sống đều có bấy nhiêu bài, còn nhiều hơn là khác. Lao động mệt nhọc ư? – Đã có khúc hát hò dô, hát ví, hát đối… Công cha nghĩa mẹ – Không thiếu? Không thiếu trong biểu đạt tình cảm riêng tư, và không thiếu cả trong tình thương của cộng đồng người khác màu da, chủng tộc trên cùng một vùng đất. Không lúc nào chúng ta không nghe điệp khúc:
Bầu ơi thương lấy bí cùng,
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Về nghĩa đen thì hai câu ca dao không có lấy một từ Hán – Việt. Bầu – thương – bí – giống – giàn là những từ gợi hình giữ nhiệm vụ chính cũng không xa lạ gì với người đọc. Bầu bí là hai loại thực vật, khác nhau về cây, lá, trái nhưng cùng họ dây leo nên người miền quê thường gọi là dây bầu, dây bí. Khác với dưa hấu, bí ngô bò sát đất, bầu và bí cùng phát triển trên một cái dàn làm bằng thân, cành gỗ, tre… gồm những chiếc cột và nhũng thân gác ngang tạo thành những ô vuông nhỏ. Dù đơn sơ hay vừng chắc, thấp hay cao thì mặt giàn cũng phải cách mặt đất đủ khoảng trống cho trái bầu, trái bí treo lủng lẳng, đong đưa… Như vậy, dù gốc – giống có khác nhau nhưng xét cho cùng cả bầu lẫn bí đều có những điểm chung. Nếu có cảm xúc, có tri giác thì bầu – bí kêu gọi thương yêu nhau cũng là lẽ thường tình.
Đứng lẻ loi, một mình thì bầu, bí là những từ mang tính hiển ngôn. Nhưng khi có động từ thương tham dự vào thì chúng còn mang đặc tính hàm ngôn. Bầu – bí trong hai câu ca dao tượng trưng cho những sắc dân nào đó cùng sống chung một giàn, một quê hương – Tổ quốc.
Tìm về cội nguồn dân tộc trong kho tàng truyện thần thoại, truyện cổ…, chúng ta lại càng hiểu rõ hơn nghĩa là hai câu ca dao trên. Cuộc tình của Cha – Mẹ thuở xưa đúng là khác giống đã nẩy sinh trên vùng đất Lạc Việt. Lạc Long Quân nòi Rồng sống ở vùng biển, Âu Cơ thuộc dòng dõi Thần Nông ở miền núi vì yêu thương nên cùng nhau chung sống, hai người sinh được trăm con, sau này năm mươi con theo cha về biển, năm mươi con theo mẹ lên ngàn chia nhau cai quản mỗi người một phương, cùng hứa hẹn lúc cần kíp thì kêu gọi để giúp đỡ lẫn nhau.
Truyện cổ của Ba Na cũng mang ý nghĩa tương tự. Người cha đã giận đứa con út vô tình nên đã đuổi anh ra khỏi nhà. Người anh vội vàng báo cho vợ của người em biết. Nàng vào rừng sâu, núi cao tìm gặp chồng. Họ cùng phá nước làm rẫy xây dựng buôn làng để thành người Ba Na. Còn người anh vẫn ở cùng cha ở đồng bằng để trở thành người Kinh.
Qua hai truyện cổ trên, xem ra các dân tộc trên dải đất hình chữ s này không chỉ cùng giàn mà cùng gốc, nhưng vì hoàn cảnh nên phải sống xa nhau, và hình thể bên ngoài phong cách sống cũng biến đổi dần theo công việc, theo phong thổ.
Giờ đây, trên vùng đất được xem như cái bao lớn trông ra Thái Bình Dương này tập hợp trên 60 sắc dân: Tày, Dao, Nùng, Mường, Thái, K’hor,… làm phong phú thêm sắc thái của người dân Việt.
Phải công nhận rằng tổ tiên đã sớm nhận ra tâm lí thường ngày của con người trong cuộc sống. Đời sống riêng tư của một người, của gia đình, dòng họ nhiều lúc làm con người quên mất đời sống của người khác. Con người chỉ biết vun vén, xây dựng hạnh phúc riêng nên quên mất hạnh phúc chung, quên mất tình thương đối với những người cùng chung đất nước đang lâm vào hoàn cảnh ngặt nghèo đói cơm thiếu áo bởi nạn binh đạo, bởi thiên nhiên khắc nghiệt.
Quá khứ giúp chúng ta nhận ra rằng dân tộc chúng ta luôn bị nạn ngoại xâm đe doạ. Mỗi lần quân giặc tràn qua, người dân vùng biên giới lại phải hứng chịu cảnh tan cửa nát nhà. Họ đang ở tuyến đầu nên phải cầm gươm súng chống giặc, chẳng có thì giờ để cầm cuốc cầm cày, chẳng có thì giờ để vào xí nghiệp… Nơi nào có bóng dáng của chiến tranh thì nơi ấy chịu cảnh tiêu điều, tang thương. Từ thuở Hùng Vương dựng nước đến nay đã bao lần người dân ở vùng biên giới phương Bắc lại lâm vào cảnh đói cơm, thiếu áo …?! Từ cậu bé là Gióng cưỡi ngựa sắt xông ra mặt trận chống lại giặc Ân, Hai Bà Trưng cất binh chống lại nhà Đông Hán, rồi Lê Hoàn, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Quang Trung… và ngay cả vào năm 1979 khi súng vừa im ở biên giới Tây Nam thì đạn lại nổ ở chân trời phía Bắc. Những làng mạc sát gần biên giới Campuchia từ Quảng Tín đến Hà Tiên đã làm mồi cho ngọn lửa bạo tàn của bè lũ Pôn Pốt. Thành phố, làng mạc chạy dọc theo biên giới sáu Tỉnh miền Bắc bị đốt cháy, nghiền nát bởi đại bác và xe tăng chẳng khác gì cảnh đổ nát, tang thương của những tháng năm giặc Nguyên, giặc Minh, Thanh sang xâm lược.
Những lúc vận mệnh đất nước lâm vào nguy khốn ấy thì lại xuất hiện bọn gian tà bán nước cầu vinh như Nguyễn Trãi đã tường trình trong Bình Ngô đại cáo, hay như cụ Phan Bội Châu đã nhận định:
Sống trong nước mỗi người một khác
Vốn cùng nhau xung khắc bất hoà
Những là ta lại hại ta
Cầu thân dị chủng mà xa đồng bào.
Nhưng nếu có số ít người phản bội ấy thì cũng không thiếu triệu triệu tấm lòng đồng thanh kêu gọi:
Bầu ơi thương lấy bí cùng
Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn.
Tình thương đã tỏ ra thì mọi người đoàn kết lại, lửa căm hờn sôi sục tạo nên sức mạnh thiêu sạch quân thù!
Chúng ta cũng cần nhớ đất nước thân yêu ở vào vùng nhiệt đới, kéo dài gần 2000 cây số theo đường chim bay, là cái bao lớn trông ra Thái Bình Dương, địa thế thuận lợi giao thương nhưng luôn luôn bị đe doạ bởi thiên tai. Truyện cổ Sơn Tinh – Thuỷ Tinh luôn là bài học cảnh giác. Cả ba miền Bắc – Trung – Nam nào cũng hứng chịu bão lụt, nhất là người dân miền Bắc và miền Trung. Miền Trung. Miền Bắc nếu có lưu vực sông Hồng đất đai màu mỡ, miền Nam với vùng châu thổ sông Cửu Long, có đồng ruộng sải cánh cò bay, cá tôm phong phú, vùng duyên hải vừa có đồng ruộng vừa phong phú hải sản thì cũng có lắm vùng như lời thơ Chính Hữu:
Quê hương anh nước mặn đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
Đất nghèo chất dinh dưỡng, bão lụt, hạn hán thường xuyên ập đến, khiến những người dân ở vùng ngập mặn, nhiều phen phải luôn chịu cuộc sống chua – đắng, người dân ở vùng đất cày lên sỏi đá phải dốc hết sức lực nhưng cái đói vẫn không buông tha. Tổ tiên của chúng ta không quên đồng bào ở những vùng đất ấy. Mỗi lần thiên tai ập đến là mỗi lần có lời kêu gọi tha thiết cất lên:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Mưa đá, gió lốc ở Cao Bắc Lạng, bão lụt ở Quảng Nam – Đà Nẵng, nước ngập ở vùng Đồng Tháp – Hậu Giang, và mới đây vùng Phú Yên mất trắng… Và lời kêu gọi vang lên nhắc nhở mọi người đừng quên tinh thần tương trợ.
Bất cứ thời đại nào người Việt dù sống ở nơi đâu, mỗi khi biết đồng bào gặp hoàn cảnh khó khăn thì họ lại nhắc câu hát Bầu ơi… đã có tự bao giờ!