Cái hay của văn chương muôn hình muôn trạng. Tuy nhiên, xuyên suốt các thời gian, mọi không gian… một trong những chỗ đó nói được cái thực của cuộc sống Việt Nam. Hãy lấy ca dao, dân ca Việt Nam thời cổ đế làm rõ ý kiến trên
Thuở âu thơ, em bồng bềnh đi vào giấc ngủ trong những buổi trưa hè oi ả nhờ tiếng mẹ ru: Gió mùa thu mẹ ru con ngủ… Lớn lên, em bừng tỉnh nhiều lần mỗi khi nhận thấy ai đó chèn ca dao tục ngữ trong câu trò chuyện của mình. Bằng trực giác, em hiểu rằng: Cái hay của văn chương muôn hình, muôn trạng… Tuy nhiên, xuyên suốt các thời gian, mọi không gian… một trong những chỗ đó là nói được cái thực của cuộc sống Việt Nam.
Quả thật, đọc ca dao dân ca, ta thấy cái hay của văn chương bình dân thật là vô tận. Mỗi câu ca dao đều ẩn chứa một nỗi niềm rung cảm của sự yêu thương, xót xa, căm giận… Nó đều muốn nói lên một điều gì đó, miêu tả một sự vật, sự việc nào đó vừa gần gũi thân thuộc, vừa xa xôi, bay bổng. Và lạ thay, như có phép màu, mỗi câu đều lấp lánh ánh sáng diệu kì của Tiếng Việt.
Do được gọt giũa bởi thời gian, bởi trí tuệ và tình cảm của biết bao thế hệ người viết, từ ngữ trong ca dao thật hoàn hảo, giàu tính biểu cảm, thật nhỏ nhẹ, hiền lành, dễ thương: thật duyên dáng và sâu sắc với những từ liu riu, líu ríu, nhỏ xíu, em, anh, thương… trong câu ca dao sông nước Nam Bộ.
Nước chảy liu riu, lục bình trôi líu ríu
Anh thấy em nhỏ xíu anh thương.
Và táo bạo biết bao khi:
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà dối mẹ: qua cầu gió bay…
Cởi áo cho nhau là điều nói thực khi yêu mãnh liệt. Dối mẹ: qua cầu gió bay… xét đến cùng là nói thật với mẹ tình trạng của đôi lứa đang yêu. Mấy ai không hiểu: qua cầu, gió bay là những hoán dụ? Qua cầu yêu, mấy ai không sống hết mình?
Tuy là thể thơ nhưng ca dao, dân ca rất gần với lối nói giàu nhịp điệu, giản dị, chất phác của người Việt Nam. Ngoài thể thơ lục bát quen thuộc, ta có thể bắt gặp các thể thơ lục bát biến thể, song thất lục bát, các thể thơ năm chữ, bốn chữ, ba chữ… hết sức linh hoạt.
Trẻ em có những bài đồng dao dễ nhớ:
Thả cá mè
Đè cá chép
Chân nào đẹp
Đi buôn men
Chân nào xấu
Ở nhà làm chó, làm mèo…
Người trẻ tuổi giọng điệu trữ tình thiết tha trong câu hát giao duyên:
Yêu nhau tam tứ núi cũng trèo
Thất bát sông cũng lội, cửu thập đèo cũng qua.
Hay mộc mạc, chân chất:
Râu tôm nấu với ruột bầu
Chồng chan, vợ húp, gật đầu khen… ngon.
Mộc mạc là thế nhưng ý tưởng trong ca dao dân ca thật sâu sắc và tinh tế.
Thật thú vị với lối ví của anh trai quê khi diễn tả nỗi nhớ người yêu:
Nhớ ai như nhớ thuốc lào
Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên.
Nỗi nhớ ấy, nhiều khi được diễn tả rất chữ nghĩa, văn chương. Cũng là nhớ ai mà ở mỗi chỗ, nghĩa thật khác biệt:
Nhớ ai ra ngẩn vào ngơ
Nhớ ai ai nhớ bây giờ nhớ ai…
Nhìn chung, ý tưởng trong ca dao dân ca thường chứa chan cảm xúc và tâm trạng. Cảm xúc và tâm trạng qua cảnh vật, sự việc… gián tiếp. Nhiều khi nó được nói thẳng ra đến bất ngờ:
Em có yêu anh thì yêu cho chắc
Bằng thì trúc trắc trục trặc cho xong!
Ở đây ta chưa đi sâu vào kho mĩ từ pháp, chưa nói kĩ về lối biểu đạt: phú, tỉ, hứng … của ca dao dân ca. Song cái hay của nó, ta đã thấy là vô cùng tận. Cái hay, thực ra còn tuỳ thuộc vào người đọc, vào thời đại, vào thị hiếu. Có điều là người Việt Nam, ít dám phủ nhận cái hay nhất của ca dao dân ca Việt Nam là nó đã diễn tả cuộc sống thực Việt Nam trọn vẹn. Muốn hiểu thêm về dân tộc trong quá khứ, ta có thể phần nào thấy được qua tấm gương soi ca dao dân ca? Qua đó, ta có thể thấy được cuộc sống vất vả, cực nhọc, đắng cay của cha ông, và cũng thấu được những nét đẹp của tâm hồn Việt Nam.
Trong bài ca dao:
Cày đồng đang buổi ban trưa
Mồ hôi thánh thót như mưa ruộng cày
Ai ơi bưng bát cơm đầy
Dẻo thơm một hạt đắng cay muôn phần.
Hình ảnh giọt mồ hôi, rơi thánh thót gợi lên một thực tế: người nông dân đang làm công việc nặng nhọc nhất của nhà nông (đi cày) trong một hoàn cảnh khắc nghiệt (ban trưa) và tốn rất nhiều công sức (mồ hôi thánh thót). Hình ảnh bát cơm đầy, dẻo thơm được tạo nên bởi đắng cay đủ nói lên sự trân trọng đối với thành quả lao động của họ.
Tuy nhiên, đôi khi ta cũng bắt gặp trong ca dao những cảnh lao động thật thơ mộng:
Hỡi cô tát nước bên đàng
Sao cô múc ánh trăng vàng đổ đi.
Cảnh thật đẹp mà người cũng thật đẹp! Sự thực ở đây là vẻ đẹp tâm hồn người thi nhân dân dã. vẻ đẹp ấy thắm đượm trong cách nhìn những sinh hoạt của người Việt Nam. Đây là hình ảnh cảm động nói về người nông dân nghèo Nam Bộ.
Không xuồng nên phải lội sông
Đói lòng nên phải ăn ròng bẹ môn.
Và đây là tình cảm thương nhau trong cảnh nghèo ở Bắc Bộ:
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Hay:
Đói lòng ăn vả ăn sung
Nước uống cầm chừng để dạ thương anh.
Nghèo về vật chất nhưng giàu có về mặt tâm hồn là một đặc điểm của người Việt. Nói về quê hương đất nước, ca dao đều mang một giọng điệu trìu mến. Trong bài Đồng Đăng có phố Ki Lừa, có nàng Tô Thị có chùa Tam Thanh những địa danh được xướng tên là có thực. Xứ Lạng đẹp đến làm mê mẩn du khách, đến làm quên hết lời em dặn dò cũng là có thực. Thực mà mơ trong:
Gió đưa cành trúc la đà.
Tiếng chuông Trấn Vũ canh gà Thọ Xương
Mịt mù khói toả ngàn sương
Nhịp chày Yên Thái mặt gương Tây Hồ…
Cha ông ta dặn dò:
Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước thì thương nhau cùng.
Hay:
Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau.
Thực chất đều nói về tình đồng bào, tình đoàn kết để cùng sinh tồn và phát triển. Biết bao lời khuyên tâm tình khác đều hướng về truyền thống ân tình của dân tộc:
Công cha như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.
Công cha nghĩa mẹ nặng như vậy nên người con nào đi xa chẳng nhớ thương, lo lắng. Người con gái xa quê lấy chồng nhìn về quê mẹ ruột đau chín chiều là điều thật dễ đồng cảm và dễ hiểu.
Tình yêu đôi lứa trong ca dao được diễn tả thật sinh động. Các cung bậc tình cảm, các sắc thái yêu thương… bao giờ cũng tế nhị, chừng mực duyên dáng.
Người con trai thận trọng, thăm dò đến vòng vo trong bài Tát nước đầu đình, Bây giờ mận mới hỏi đào… Lại có người băn khoăn, hờn dỗi, trách móc trong bài Trèo lên cây bưởi hái hoa… hay sỗ sàng, bộc bạch đến chân quê:
Tiện đây anh nắm cổ tay
Anh hỏi câu này: Có lấy anh không?
Người con gái rụt rè, e lệ dù lòng đã cháy lửa yêu thương:
Ngó anh như ngó mặt trời
Chói chang khó ngỏ trao lời khó trao.
Hoặc khi cũng có khi táo bạo, thẳng thắn, dứt khoát khi chia tay:
Anh đằng anh, tôi đằng tôi
Anh đi lấy vợ cho tôi lấy chống.
Và cũng đẫm nước mắt trước cảnh:
Thò tay bứt một ngọn ngò
Thương anh đứt ruột giả đò làm ngơ…
Thì ra cái hay của ca dao xuất phát từ tâm trạng thật của tấm chân tình. Không chân tình, không thể viết được những vần thơ như thế.
Như vậy, ca dao dân ca làm ta xúc động, ghi nhớ và ta thuộc lòng ngay cả lúc vô thức, bởi tiếng Việt quá hay, quá đẹp, bởi cuộc sống thực Việt Nam vẫn sống trong tâm tình mỗi chúng ta. Ca dao mãi là kho tàng vô giá cho mỗi tâm hồn Việt Nam, và dĩ nhiên nó phải sống cùng dân tộc Việt. Biết vận dụng ca dao dân ca, nhiều thi hào dân tộc như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương… đã bất tử trước thời gian.