Tóm tắt truyện Cố hương – Lỗ Tấn – Ngắn gọn

0

Đề bài: Tóm tắt truyện ngắn “Cố hương” của Lỗ Tấn

Bài văn mẫu

Sau 20 năm trời đi xa, tôi phải vượt qua hai nghìn dặm về thăm quê. Đang độ giữa đông, trời lạnh giá. Gió lùa khoang thuyền vi vu. Gần về đến làng cũ, trời càng u ám, xa gần thấp thoáng xóm thôn tiêu điều, hoang vắng… im lìm nằm dưới vòm trời vàng úa. Lòng tôi se lại.

Có phải làng cũ tôi không? Làng cũ tôi đẹp hơn kia! về thăm chuyến này, lòng mình vốn không vui, nên tôi mới thấy thê lương như vậy. Về thăm chuyến này là để từ giã ngôi nhà cũ nơi cả đại gia đình chúng tôi đời đời ở chung với nhau, vĩnh biệt ngôi nhà cũ đã bán cho người ta rồi, từ giã làng cũ thân yêu đem gia đình đến sinh sống nơi đất khách quê người.

Tinh mơ sáng hôm sau, tôi về tới cổng nhà. Tôi vừa bước vào gian nhà cũ yêu dấu thì mẹ tôi và cháu Hoàng mới lên 8 tuổi chạy ra đón. Mẹ rất mừng rỡ, nhưng nét mặt vẫn ẩn một nỗi buồn thầm kín. Mẹ bảo tôi ngồi xuồng nghỉ ngơi, uống trà. Cháu Hoàng đứng đằng xa, nhìn tôi chòng chọc.

Sau đó, mẹ và tôi bàn đến chuyện dọn nhà bán đồ đạc. Mẹ nhắc tôi nghỉ ngơi vài hôm rồi đi thăm bà con trước lúc lên đường. Mẹ nhắc đến anh Nhuận Thổ, mẹ đã nhắn lên, có lẽ anh ấy cũng sắp đến. Câu chuyện mẹ nói làm hiện lên trong ký ức tôi hình ảnh một đứa bé trạc mười một, mười hai tuổi, cổ đeo vòng bạc, tay cầm đinh ba, đang cố sức đâm theo một con “tra”… Đứa bé ấy chính là Nhuận Thổ, quê ở vùng biển. Cách đây khoảng chừng 20 năm, tháng giêng năm ấy đến lượt nhà tôi lo giỗ tổ. Giỗ to, lễ vật nhiều, đồ tế rất sang, người đến lễ rất đông. Người ở quá bận, xin thầy tôi cho gọi thằng con là Nhuận Thổ đến để nó trông coi các thứ đồ lễ cho.

Gần Tết thì Nhuận Thổ đến. Đã bao ngày đêm tôi mong vì nghe nói hắn bẫy chim sẻ tài lắm. Hắn đứng trong bếp, khuôn mặt tròn trĩnh, nước da bánh mật, đầu đội mũ lông chiên bé tí tẹo, cổ đeo vòng bạc sáng loáng. Hắn bẽn lẽn. Khi vắng người hắn nói chuyện với tôi. Chỉ nửa ngày, chúng tôi đã thân nhau. Hắn bảo lên tỉnh hắn được trông thấy bao nhiêu điều mới lạ. Hôm sau, tôi rủ Nhuận Thổ đi bẫy chim. Hắn bảo phải tuyết xuống mới bẫy chim được. Hắn nói với tôi cách bẫy chim: sẻ đồng, chào mào, sẻ xanh lưng…

Nhuận Thổ mời tôi đến mùa hè xuống chơi vùng biển, quê hắn, đi nhặt vỏ sò, màu đỏ có, màu xanh có, đủ cả. Còn có cả sò “mặt quỷ”, sò “tay phật” lạ lắm. Hắn kể chuyện những đêm trăng đi canh dưa hấu, cầm đinh ba để đâm con “tra”. Con vật này ăn dưa tinh khôn lắm, lông và da trơn như mỡ. Hắn kể chuyện vùng biển, hắn biết nhiều chuyện lạ lùng mà bạn bè tôi không ai biết cả. Hết tháng giêng năm ấy, Nhuận Thổ về quê. Sau đó, hắn gửi cho tôi một bọc vỏ sò và mấy thứ lông chim rất đẹp. Tôi cũng có vài lần gửi cho hắn ít quà. Nhưng từ đấy chúng tôi không hề gặp nhau nữa. Bây giờ nghe mẹ tôi nhắc đến, ký ức tôi bỗng sáng bừng lên trong chốc lát, tôi cảm thấy tìm được quê hương tôi đẹp ở chỗ nào rồi. Tôi hỏi mẹ về Nhuận Thổ hiện nay, mẹ bảo tình cảnh anh ta cũng chẳng ra gì.

Đang dở câu chuyện thì thím Hai Dương đến, một người đàn bà trên dưới năm mươi tuổi, môi mỏng dính, lưỡng quyền nhô ra… Tôi không nhận ra được, một lúc sau nghe mẹ nói đó là thím Hai Dương bán đậu phụ ở xế cửa nhà tôi, hồi đó, người ta vẫn gọi là “nàng Tây Thi đậu phụ”. Thím ta trách tôi, khích bác tôi là bây giờ làm quan, có nàng hầu, đã giàu có lại không dám rời một đồng xu. Cuối cùng thím Hai Dương giật đôi bít tất tay của mẹ tôi, rồi quay gót, cút thẳng.

Sau 3, 4 ngày vừa tiếp khách đến thăm vừa sửa soạn hành lí, một hôm trời rét lắm, vào lúc quá trưa, Nhuận Thổ đến. Tôi nhận ra ngay, nhưng không phải là Nhuận Thổ trong kí ức tôi. Mặt vàng xạm, thêm những nếp nhăn sâu hóm, mí mắt viền đỏ húp mọng lên. Anh đội một cái mũ lông chiên rách tươm, mặc một chiếc áo bông mỏng dính, người co ro cúm rúm. Bàn tay thô kệch, nặng nề, nứt nẻ như cỏ cây thông. Lâu ngày gặp tôi, anh vừa hớn hở, thê lương, mấp máy mãi rồi cung kính chào: “Bẩm ông!”. Tôi điếng người đi. Giữa chúng tôi đã có một bức tường ngăn cách. Thật là bi đát, tôi cũng nói không nên lời. Tiếp đó, Nhuận Thổ gọi một đứa bé lại và bảo: “Thủy Sinh. Con không lạy ông đi kìa”. Mẹ tôi và cháu Hoàng từ trên gác nghe tiếng đi xuống. Nhuận Thổ cất liếng cung kính chào mẹ tôi, rồi nói: “biết ông về chơi, thật mừng quá!” Mẹ tôi nhẹ nhàng bảo: “Sao lại phải khách sáo thế, trước kia vẫn gọi nhau bằng anh em cơ mà?… ” Thủy Sinh rụt rè nhưng sau đó đã chơi thân với cháu Hoàng.

Mẹ tôi và tôi hỏi thăm gia đình Nhuận Thổ. Anh than thở: “Bẩm, vất vả lắm! Nhà vẫn không đủ ăn, lại có được sống yên ổn đâu! Chỗ nào cũng hỏi tiền, chẳng có luật lệ gì cả. Mùa lại mất”. Trông anh phảng phất như một pho tượng đá. Anh xuống bếp rang cơm ăn. Mẹ tôi và tôi đều cám cảnh cho gia đình anh: con đông, mùa mất, thuế nặng, lính tráng, trộm cướp, quan lại, thân hào đày đọa thân anh khiến anh trở thành đần độn, mụ mẫm đi! Mẹ tôi bảo tôi: cái gì không cần chở đi thi cho anh ta hết, tùy ý chọn, lấy cái nào thì lấy. Anh chọn xin mấy thứ: 2 cái bàn dài, một bộ tam sự, một cái cân, xin một đống tro để về bón ruộng.

Chín ngày sau, chúng tôi lên đường. Khách đến tiễn và lấy đồ rất đông. Gần tối, chúng tôi xuống thuyền thì tất cả đồ đạc trong ngôi nhà cũ, hư hỏng, to nhỏ, xấu tốt đều mang đi sạch trơn như quét. Ngồi tựa mạn thuyền, bỗng cháu Hoàng hỏi bao giờ trở về vì Thủy Sinh đã hẹn đến nhà nó chơi. Mẹ tôi buồn nhắc đến Nhuận Thổ, nhắc đến chị Hai Dương, lùn, chân bé tí tẹo thế mà cũng chạy nhanh đáo để.

Ngôi nhà cũ xa dần, phong cảnh làng cũ cũng mờ dần. Lòng tôi ảo não.

Nằm trong thuyền nghe nước chảy róc rách vỗ vào mạn thuyền, biết là tôi đang đi theo con đường của tôi. Tôi nghĩ đến Nhuận Thổ, đến Thủy Sinh và cháu Hoàng. Tôi nghĩ đến “thứ tượng gỗ”, mọi hy vọng, đâu là thực là hư. Nghĩ đến những con đường trên mặt đất: kỳ thực trên mặt đất vốn làm gì có đường. Người ta đi mãi thì thành đường thôi.

Leave a comment