Bình giảng bài “Tát nước đầu đình”
Hôm qua tát nước đầu đình là một trong những khúc nhạc dạo đầu của bản tình ca trong ca dao. Gọi tên mộc mạc nó ra là bài ca dao tỏ tình. Vạn sự khởi đầu nan vậy đây là khâu mở đầu khó nhất mà cái khó nhất trong khâu này là tìm cho được một cái cớ gì. Có thể là trong lao động, trong sinh hoạt, họ đã để ý nhau, gặp nhau nơi cuối mắt đầu mày, nhưng chưa có dịp nào, chưa có cớ gì để bày tỏ lòng yêu của mình. Cái làm cho tình yêu cất lên thành lời, đó là cái cớ. Tình yêu vốn có nhiều sáng kiến cho nên mỗi thời con trai con gái có cớ riêng và mỗi mối tình lại có cớ riêng. Cái cớ Kim Trọng đến với Thuý Kiều là thuê nhà trọ học (cớ xa) rồi bắt được cành kim thoa (cớ gần). Cái cớ của anh con trai trong bài ca dao này là bỏ quên chiếc áo. Đấy là một cái cớ hay. Cái áo tiềm tàng nhiều khả năng rung động người con gái, dễ bày tỏ hoàn cảnh, thể hiện ước muốn. Trong ca dao chúng ta hay nghe phụ nữ nói đến chiếc áo, có lẽ vì hơi hướm chăng?
Chồng ta áo rách ta thương
Chồng người áo gấm xông hương mặc người.
Hay là:
Áo xông hơi hương của chàng vắt mắc
Đêm em nằm em đắp lấy hơi.
Bây giờ hãy xem anh con trai dẫn dắt câu chuyện như thế nào. Anh con trai mở lời:
Hôm qua tát nước đầu đình
Bỏ quên chiếc áo trên cành hoa sen
Em được thì cho anh xin…
Ai mà chả tin có chuyện bỏ quên chiếc áo; có thời gian nhé, có địa điểm nhé, lại gắn với chuyện làm ăn. Nhưng đây là sự bày đặt, bày đặt để dẫn dắt đến lời ướm thử này:
Hay là em để làm tin trong nhà…
Thế là đoạn nhạc chuyển gam, lời ca chuyển điệu. Và với giác quan thứ sáu của tuổi yêu đương, người con gái nào chả nhận ra sự thay đổi “thời tiết” trong không khí của buổi trò chuyện. Còn đang bị chấn động trong cái không khí hư hư thực thực đó thì người cơn gái nghe đụng vào trái tim mình:
Áo anh sứt chỉ đường tà
Vợ anh chưa có …
Lời lẽ nghe mới dễ thương làm sao. Áo anh sứt chỉ thôi, chứ đâu có rách, nghĩa là chỉ đủ gợi tình thương chứ không gợi lòng thương hại, vì từ thương hại đến khinh thị chỉ có một li. Và cũng chỉ tạo ra cái phút rung động của người con gái đó, anh con trai mới nói trôi được cái lời khó nói nhất trong buổi mới lạ lùng này:
Vợ anh chưa có…
Câu trên là gợi tình thương. Câu dưới là mở lối cho tình thương đến tình yêu. Rồi còn gợi lên thêm nữa áo anh sứt chỉ đã lâu… Những sợi dây tình cảm đã rung lên, anh con trai mà biết nhấn thêm cho nó ngân nga trong trái tim người con gái đặng nói đến những lời lẽ thiết tha:
Mai mượn cô ấy về khâu cho cùng
Khâu rồi anh sẽ trả công
Đến khi lấy chống anh sẽ giúp cho.
Từ cô ấy phiếm chỉ có duyên gây một chút kịch tính giữ cho người con gái nghe đến lời cuối:
Giúp em một thúng xôi vò
Một con lợn béo một vò rượu tăm
Giúp em đôi chiếu em nằm
Đôi chăn em đắp đôi trầm em đeo
Giúp em quan tám tiền cheo
Quan năm tiền cưới lại đèo buồng cau.
Nhạc điệu thay đổi rất hay, nghe như rót vào tai:
Một, một, một; rồi đôi, đôi, đôi; một thì một thúng, một con, một vò tròn trịa, đầy đặn, thật là hào phóng; đôi thì đôi chiếu, đôi chăn, đôi trầm, gợi đến lễ vật chiếu chăn thật là nồng nàn; rồi nhảy vọt lên quan tám tiền cheo, quan năm tiền cưới thật là chu tất, lại đèo buồng cau hậu hĩnh quá chừng. Xuân Diệu thì nói rằng lòng anh thôi đã cưới lòng em, còn anh con trai nông dân ở đây thì thay lời đó bằng một lễ cưới. Thế là anh con trai, từ một cái cớ rất hay, biết dẫn dắt đến những điều khó nói và nói được trôi chảy từ đầu chí cuối trong cái phút ban đầu của trăm năm.
Bằng tài hoa nghệ thuật, người nghệ sĩ dân gian đã giữ lại cho chúng ta những tình cảm lành mạnh, trong sáng tế nhị trong cách tỏ tình của những đôi lứa ngày xưa. Đấy là một tình cảm đẹp đẽ trong tình yêu đẹp đẽ của nhân dân ta mà ngày nay chúng ta nên trân