Nguyên tiêu – Cảm nhận từ chữ nghĩa đến câu từ

0

Nguyên tiêu (Rằm tháng giêng) là một trong những tác phẩm thơ chữ Hán được xếp vào loại hay nhất của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đã hơn nửa thế kỉ nhưng chất thơ nồng nàn của nó vẫn luôn có sức lôi cuốn lớn. Theo xuất xứ thì đây là tác phẩm được Hồ Chí Minh ứng tác sau một cuộc họp bàn việc quân giữa “nơi khói sóng” trong đêm rằm và nhà thơ Xuân Thủy dịch ứng khẩu thi nhân trong tứ thơ đã làm nên sự hấp dẫn kì lạ của bài thơ.

Nhan đề của bài thơ – Nguyên tiêu, nghĩa là đêm rằm tháng giêng, đêm rằm mở đầu của mùa xuân đầu tiên, của một năm. Tác giả ở đây không chỉ nhạy cảm nắm bắt cảnh đẹp của đêm trăng rằm tháng giêng mà quan trọng hơn là nắm bắt cái thời điểm đẹp nhất của đêm trăng trong hành trình vận động của nó; để biểu thị cho sức sống của tâm hồn, của con người, của đất trời; tất cả đều tươi mới, đầy sức sống.

Trong thơ văn xưa, thường ta chỉ thấy vầng trăng như là dấu hiệu của cảnh sắc, của không gian vũ trụ, và nhà thơ thường dùng hình ảnh trăng để bộc bạch hoài bão, khát vọng của mình, như Lý Bạch uống rượu, múa kiếm dưới trăng, Đặng Dung mài gươm báu dưới trăng (Cảm hoài). Chúng tôi khảo sát trương Đường thi, trong thơ Nguyễn Trãi, thơ Cao Bá Quát… nhưng không tìm thấy hình ảnh trăng rằm tháng giêng với ý niệm về thời gian mùa xuân, về sức sống viên mãn của con người và tạo vật. Rõ ràng, ở bài thơ này, nhà thơ đã bất ngờ nắm bắt lấy cái đẹp của tạo vật trong quy luật vận động của nó. Cũng như thế, trong bài thơ còn hai từ chỉ thời điểm cụ thể khác, đều là thể hiện nét đặc trưng trong phong cách Hồ Chí Minh: từ kim dạ (đêm nay) – chỉ một thời khắc hết sức cụ thể, mà bản dịch thơ chuyển dịch bằng cụm từ rằm xuân: từ dạ bán (nửa đêm) – thời khắc chính xác, mà bản dịch thơ chuyển dịch bằng cụm từ khuya về. Vậy là người đọc có thể nhận thấy rất rõ thời điểm thi nhân đang thưởng trăng.

Câu thơ đầu: “Kim dạ nguyệt tiêu nguyệt chính viên” (Đêm nay, đêm rằm tháng giêng, trăng vừa đúng độ tròn đầy) có hai từ đáng chú ý: chính viên. Chính có nghĩa là vừa vặn, vừa đúng, đúng lúc, trong câu thơ này nó làm phó từ, biểu đạt ý niệm về vận động trong thời gian; viên là đầy đặn, tròn trịa, biểu thị ý nghĩa viên mãn, sức sống tràn đầy. Câu thơ này và cả bài thơ nói về cảnh trăng mà không có một tính từ chỉ màu sắc, như trăng sáng, trăng trong, trăng thanh… giống nhiều bài thơ tả cảnh khác. Từ viên trong nguyên tác không chỉ có ý nghĩa chỉ hình dáng bên ngoài, tròn vành vạnh của trăng mà còn là biểu đạt một sức sống, một sự chuyển vận ở bên trong. Câu thơ giản dị, không tả cảnh mà cảnh tự hiển hiện, không cố gắng giãi bày tình cảm mà tình chan chứa. Xem thế, câu thơ dịch dẫu hết sức uyển nhã nhưng chưa diễn tả hết cái hay của nguyên tác.

Vẫn tiếp tục hành trình đi tìm và biểu đạt một sức sống căng tràn bên trong tạo vật ở câu thơ đầu, câu thơ thứ hai tiếp nối hết sức bất ngờ để khơi mở một sức sống kì diệu: “Xuân giang xuân thủy tiếp xuân thiên” (Sắc xuân của xuân, vẻ xuân của nước tiếp liền với sức xuân của bầu trời).

Trước hết, ba từ xuân trong một câu thơ bảy chữ được sử dụng một cách hết sức nghệ thuật để diễn tả được khí sắc tươi mới của đất trời. Xuân trong chữ Hán ngoài nghĩa danh từ chỉ mùa xuân còn có nghĩa khác tượng trưng sức sống, tình yêu với ý nghĩa một tính từ. ở đây, ba từ xuân làm định ngữ cho các danh từ giêng, thủy, thiên là muốn biểu đạt cái ý tình tồn tại bên trong sự vật: sắc xuân, vẻ xuân, sức xuân. Có nghĩa là nó không đơn thuần là trạng từ chỉ thời gian: dòng sông mùa xuân, làn nước mùa xuân, bầu trời mùa xuân, nhà thơ không tô điểm cho mùa xuân mà chủ yếu nói đến cái sức sống tiềm ẩn ở bên trong, chỉ có như thế nó mới đủ sức lan tỏa, bao quát một không gian rộng lớn, nối liền đất trời. Cách dùng chữ xuân trong câu thơ dịch đã chuyển tải tinh tế ý vị của nguyên tác: “Sông xuân nước lẫn màu trời đêm xuân”. Chỉ tiếc câu dịch khuyết mất một chữ xuân nên khó diễn tả được cảm xúc về một sức sống căng tràn, từ mặt đất tiếp nối với bầu trời một cách tràn đầy. Cũng như thế, chữ tiếp trong nguyên tác chỉ sự tiếp nối, nối liền, nó chỉ xu hướng vận động. Chữ lẫn không diễn tả được ý thơ này.

Và như vậy, logic ngầm giữa câu thơ thứ nhất và câu thơ thứ hai là một mạch vận động không ngừng, của sinh khí, từ bên trong cảnh vật ra tới vũ trụ, cũng như từ bên trong tâm hồn con người chan chứa thành cảnh sắc tự nhiên. NÓI “thi trung hữu họa” tức trong thơ có đường nét, màu sắc, hình khối. Thể hiện đường nét xuân, sự chuyển vận của sức sống mùa xuân như trong hai câu thơ trên thì có lẽ hội họa bất lực.

Hai câu thơ sau hình ảnh của con người xuất hiện trực tiếp. Khi việc quân bàn xong cũng là lúc con người bất chợt nhận ra: trăng tràn đầy thuyền. Như thế là việc quân vừa xong thì thi tứ đêm trăng, cùng một lúc, cũng vừa vặn hoàn thiện.

Câu thơ thứ ba: “Yên ba thân xứ đàm quân sự” (Nói không gian khói sóng tĩnh lặng, bàn việc quân sự) có hai hình ảnh, sự kiện đáng chú ý: Yên ba là khói sóng, hình ảnh này có tính chất ước lệ cổ điển, thường thấy xuất hiện trong thơ ca (Thôi Hiệu: Nhật mộ hương quan hà xứ thị/Yên ba giang thượng sử nhân sầu…). Tuy nhiên trong thơ cổ, nhìn chung hình ảnh khói sóng thường tượng trưng cho một ý niệm phù du, cho tâm trạng u ẩn, khói sóng nơi thâm sơn tượng trưng cho cuộc sống ẩn dật, cô tịch của kẻ sĩ lánh đời, trốn mình vào thiên nhiên; còn hình ảnh yên ba thâm xứ ở đây lại không hề biểu hiện những cảm xúc ấy, vì, đối với nó, vế sau của câu thơ là một sự kiện đầy tính chất thời sự của thực tại: đàm quân sự. Con thuyền ở đây rõ ràng không phải là con thuyền của thi nhân xưa đi tìm thi hứng. Cả câu thơ, vì thế không chạy theo xu hướng nhàn dật, thưởng ngoạn. Một thi tứ cổ điển và một sự nghiệp lớn lao của con người được đan hòa vào nhau hết sức tự nhiên. Nếu như Lý Bạch múa kiếm dưới trăng thì hình ảnh ấy mới chỉ là biểu hiện của ước mơ công lý, khát vọng tung hoành chưa thực hiện được trong cuộc đời; còn việc bàn quân dưới đêm trăng ở đây là hiện thực hóa khát vọng độc lập của cả một dân tộc.

Câu thơ kết rất giàu thi từ cổ điển nhưng đồng thời cũng hết sức mới mẻ: “Dạ bán quy lai nguyệt mãn thuyền” (Nửa đêm quay trở về, trăng ăm ắp đầy thuyền) gợi người đọc liên tưởng đến thi tứ tuyệt bút của thơ Đường: “Nguyệt lạc ô đề sương mãn thiên… Dạ bán chung thanh đáo khách thuyền” (Trăng lặn, quạ kêu, sương đầy trời… Nửa đêm, tiếng chuông chùa vang đến thuyền của khách) (Phong Kiều dạ bạc – Trương Kế)… Trong chữ Hán, mãn có nghĩa là tràn trề, tràn đầy, âm ắp. Sương mãn thiên là sương trắng giăng phủ đầy trời. Hình ảnh trên trong thơ cổ biểu đạt tư thế trầm ngâm, suy tư của con người trước thế giới, trước hiện thực. Hình ảnh con người ở đó, trong sự vây bọc của sương, dường như bị chìm khuất. Hơn thế, xét về hình ảnh thực, sương giăng đầy trời là logic có thể cảm nhận xác thực bằng thị giác, bằng xúc giác, còn hình ảnh nguyệt mãn thuyền lại cho ta nhận biết một logic khác của xúc cảm, tâm hồn. Rõ ràng, ánh trăng vốn vô hình phải chủ động tìm đến như thế nào đó mới có thể tràn ăm ắp thuyền của thi nhân – chiến sĩ. Chính ánh trăng hữu hồn ấy đã biến con thuyền quân sự thành con thuyền thơ, hay chính con thuyền kháng chiến là chất thơ trong trẻo của đêm trăng? Hóa ra, từ trước, người chiến sĩ bàn việc quân là trong sự chứng kiến của một nhân vật thứ ba im lặng. Nhân vật thứ ba ấy hiểu công việc của con người, vì con người mà tỏa sáng. Cũng vì hiểu ý nghĩa của việc quân, hiểu tâm hồn của con người mà khi việc quân kết thúc, trăng chủ động tìm đến với người, trăng tự nhiên ăm ắp đầy thuyền. Tràn đầy, ăm ắp chính là ngôn ngữ của trăng hiểu người. Từ hình ảnh và sự kiện đối xứng nhau đã ngầm ẩn lí giải cái đẹp của sự nghiệp kháng chiến, cái trong sáng của tâm hồn con người kháng chiến. Trăng vì thế mà có ý nghĩa, thơ vì thế mà sinh ra.

Tóm lại, Nguyên tiêu có thể coi là một bài thơ trăng độc đáo trong thơ kháng chiến nói riêng và trong thơ chữ Hán nói chung của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trăng đã trở thành như một nhân vật, và hơn thế là phân thân của một tâm hồn, để bất cứ lúc nào cũng có thể tự do đi về, gõ cửa căn nhà tâm thức thi nhân. Thơ chữ Hán Hồ Chí Minh, thường thì câu chữ, hình ảnh hết sức giản dị nhưng bao giờ cũng gợi một ý vị, cũng chứa đựng những hàm nghĩa sâu xa.

Leave a comment