Phân tích truyện cười Tam đại con gà và Nhưng nó phải bằng hai mày để làm rõ các đặc trưng của thể loại truyện cười
Trong các thể loại văn học dân gian, có lẽ truyện cười là loại truyện có dáng dấp nhỏ gọn, mini hơn cả. Nhưng không phải vì ít lời, ít chuyện mà sức hấp dẫn của nó kém đi. Bằng những đặc trưng cơ bản của thể loại mình, bao nhiêu năm qua, mỗi câu chuyện cười đã luôn mang đến người nghe, người đọc nhiều điều lí thú.
Vũ khí, sức mạnh của mỗi câu chuyện cười tất nhiên là ở cái cười, nhưng cái cười ấy cất lên từ đâu? Trả lời câu hỏi này, chúng ta phải xuất phát từ đặc trưng của thể loại truyện.
Đặc trưng thứ nhất của thể loại truyện cười nằm trong chính cách xây dựng tình huống truyện. Thực ra, xây dựng tình huống không phải là độc quyền của những người sáng tạo nên truyện cười. Truyền thuyết, truyện cổ tích cũng xây dựng những tình huông nghệ thuật. Tuy nhiên, tình huống trong truyền cười luôn là những tình huống mâu thuẫn. Truyện bao giờ cũng đặt “cái đáng cười” vào một tình huống để nó tự diễn tiến tự nhiên, nhanh chóng đi đến chỗ gay cấn rồi kết thúc bất ngờ.
Trong Tam đại con gà, tác giả dân gian đã xây dựng nên hai tình huống – truyện. Thứ nhất, gặp chữ ‘kꔑtrong sách Tam thiên tự, thầy đồ không đọc được, học trò lại hỏi gấp. Tình huống thứ hai: bố của học trò thấy thầy đọc sai, cũng vào hỏi thầy. Cả hai tình huống này trước tiên thể hiện sự dốt nát của anh thầy đồ. Nhưng quan trọng hơn, người kể chuyện muốn hướng chúng ta tới cách giải quyết vấn đề của thầy đồ. Trước tình huống khó xử, thầy đã suy nghĩ và tìm ra được cách giải quyết cho mình: Nhân trong nhà có bàn thờ thổ công, thầy mới đến khấn thầm xin bát đài âm dương để xem chữ ấy có phải thật là “dù dì” không. Nhưng khi sự đốt nát bị lộ tảy, thầy nghĩ: “Mình đã dốt, thổ công nhà nó cũng dốt nữa”. Điều này chứng tỏ thầy đồ đã nhận thức được sự dốt nát của mình. Tuy nhiên, thói đời “xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ”, thầy đồ trong câu chuyện không “giải nghệ” mà vẫn tiếp tục dạy học trò đọc sai con chữ. Trong tình huống thứ nhất, khi học trò hỏi gấp, thầy đã đọc chữ “kê” là chữ “dù dì”. Và ở tình huống thứ hai, khi bố học trò chạy vào hỏi, thầy đã chống chế: “Dủ dỉ là con dù dì, dù dì là chị con công, con công là ông con gài”. Mục đích mọi sự chống chế của thầy là để giấu dốt. Nó ngược hẳn với sự tự nhận thức của thầy ở trên. Chính mâu thuẫn trái tự nhiên này đã tạo ra tiếng cười cho người đọc, người nghe câu chuyện.
Như Tam đại con gà, truyện Nhưng nó phải bằng hai mày cũng xây dựng tình huống truyện khá độc đáo, đó là tình huống xử kiện. Tình huống của truyện cười này được dựng lên từ hai mâu thuẫn trong truyện: lí trưởng nổi tiếng xử kiện; Ngô và Cải đều đút lót trước cho thấy lí. Người nghe, người đọc bị cuốn vào sự tò mò: Lí trưởng giỏi xử kiện sẽ xử thế nào trong tình huống đã nhận đút lót từ hai phía. Sức hấp dẫn của truyện cũng nằm trong chính điều đó.
Tình huống xử kiện diễn ra hết sức nhanh chóng và bất ngờ. Nhanh chóng vì ngay khi thăng đường, thầy đã tuyên phạt kẻ sai trái và nghị án ngay lập tức. Thầy lí xử thằng Cải thua kiện, phải chịu một chục roi. Bất ngờ vì thầy lí xử án mà không hề tra hỏi, đấu tố, không cần nhân chứng, vật chứng… Cái bất ngờ còn nằm ở việc Cải đã đút lót thầy lí năm đồng mà vẫn bị đánh. Nhưng thầy lí lại có lí khi xử kiện như vậy. Lí do Cải thua cuộc đã được hé mở trong câu nói của thầy ở cuối truyện: “Nhưng nó lại phải… bằng hai mày”. Thì ra thầy lí xử kiện không dựa trên lẽ công bằng mà lại dựa trên số lượng tiền đút lót nhiều hay ít.
Nét đặc trưng thứ hai của thể loại truyện cười là tính kịch, yếu tố kịch. Mỗi truyện như một màn kịch nhỏ xoay quanh mâu thuẫn gây cười. Trong Tam đại con gà, yếu tố kịch nằm ở chi tiết thầy thấy mặt chữ nhiều nét rắc rối, không biết chữ gì, học trò hỏi gấp và chi tiết bố học trò đang cuốc đất ngoài vườn, nghe thầy dạy sai, bỏ cuốc chạy vào. Sự dốt nát của thầy đã bị thử thách bởi học trò và người nông dân. Nếu học trò không hỏi gấp và bố học trò không thắc mắc, có lẽ sự dốt nát ấy còn được trì hoãn và giấu kín. Nhưng chính những kịch tính này đã thúc đẩy câu chuyện phát triển, xúc tác cho tình huống truyện diễn ra nhanh chóng, mang đến tiếng cười cho truyện.
Ở truyện Nhưng nó phải bằng hai mày, kịch tính được thể hiện qua lời nói và động tác giữa hai nhân vật. Cải yên tâm sẽ được kiện, nhưng hành động xử kiện của thầy lí thật bất ngờ, cách giải thích của thầy lí cũng bất ngờ khiến Cải không kịp trở tay, rời vào tình trạng bi hài, “tiền mất, tật mang”.
Chúng ta nhận diện truyện cười không chỉ ở tình huống truyện và yếu tố kịch mà còn ở nét đặc trưng ngắn gọn, gói kín, mở nhanh, không thừa lời, thừa chi tiết, nhân vật. Điều này cũng dễ dàng được nhận thấy qua hai câu chuyện.
Tình huống mâu thuẫn, yếu tố kịch, và hình thức mini đã góp phần thể hiện thành công mục đích phê phán của truyện. Qua mỗi câu chuyện, những vị thầy đáng kính của chúng ta đều đã bị hạ bệ nhanh chóng. Đó cũng chính là những đặc trưng nổi bật mang đến người đọc, người nghe ấn tượng về một thể loại văn học dân gian – truyện cười.