Giới thiệu đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật

0

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật là loại phong cách ngôn ngữ dùng trong các văn bản thuộc lĩnh vực văn chương. Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật khác với các phong cách ngôn ngữ khác ở những đặc điểm về tính thẩm mĩ, tính đa nghĩa và những dấu ấn riêng của tác giả.

Về tính thẩm mĩ, cần khẳng định rằng văn chương là nghệ thuật ngôn ngữ, là sự thể hiện giá trị thẩm mĩ của ngôn ngữ. Ngôn ngữ trong văn bản nghệ thuật, với tư cách là chất liệu xây dựng hình tượng, có sự tổng hoà của ngữ âm và ngữ nghĩa, hoà phối để tạo nên hiệu quả thẩm mĩ.

Về tính đa nghĩa: Nghĩa của văn bản nghệ thuật gồm nhiều thằnh phần: thành phần biểu thị thông tin khách quan, thành phần biểu thị tình cảm; thành phần nghĩa tường minh, thành phần nghĩa hàm ẩn. Các thành phần nghĩa này thống nhất với nhau trong những hình tượng nghệ thuật vừa cụ thể, vừa sinh động. Trong đó, thành phần nghĩa hàm ẩn có một vị trí đặc biệt quan trọng trong văn bản nghệ thuật, biểu thị những suy ngẫm, gợi liên tưởng, tưởng tượng… tạo nên những tín hiệu thẩm mĩ, những thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.

Về dấu ấn riêng của tác giả: Mỗi nhà văn, nhà thơ thường có sở thích, sở trường riêng trong diễn đạt. Sở thích và sở trường ấy được bộc lộ ở những tác phẩm có giá trị và tạo thành nét độc đáo, dấu ấn riêng của tác giả.

Với ba đặc điểm trên đây, ta có thể xem xét dựa bài Phú nhà nho vui cảnh nghèo của Nguyễn Công Trứ.

Tính thẩm mĩ thể hiện ở cấu trúc văn bản theo thể loại phú: Văn bản Phú nhà nho vui cảnh nghèo thuộc thể phú, ngôn ngữ được tổ chức theo hình thức biền văn, có sáu mươi tám vế sóng đôi; hai mươi vế đầu miêu tả nơi ở, cách sông và ăn mặc của một nhà nho nghèo.

Tính thẩm mĩ còn được thể hiện ở các yếu tố ngôn ngữ, các biện pháp tu từ tập trung diễn tả nơi ở, cách sống và ăn mặc của một nhà nho nghèo: sự lặp lại, sóng đôi, điệp âm (Chém cha… chém cha, rành rành – ấy ấy, bình bịch – kho kho, chát chát chua chua – nhai nhai nhổ nhổ..), hiệp vần o, ô), đối (Bóng nắng rọi trứng gà bên vách, thằng bé tri trô – Hạt mưa soi hang chuột trong nhà, con mèo ngấp ngó…), lối nói “phô trương” (mọt tạc vẽ sao, nhện giăng màn gió, mối giãi quanh co, giun đùn lố nhố, lợn nằm gặm máng, chuột cậy khua niêu, vỗ bụng rau bình bịch, an giấc ngáy kho kho, áo vải thô nặng trịch, khăn lau giắt đỏ lòm…).

Về tính đa nghĩa của văn bản: Tác giả không dùng chữ nghèo nào mà vẫn miêu tả được cảnh nghèo của hàn nho. Qua việc miêu tả khách quan cảnh sống nghèo (nơi ở, cách sống, ăn mặc), tác giả đã lột tả được cảnh sống nghèo đến cùng cực, đồng thời cho thấy quan niệm, thái độ sống lạc quan của một nhà nho chân chính.

Về dấu ấn riêng của tác giả: Dấu ấn riêng của tác giả thể hiện nổi bật qua giọng điệu mỉa mai, châm biếm (đặc biệt là ở từ phong vị, hay việc sử dụng ngôn ngữ trong cách nói “phô trương”,…). Cũng qua giọng điệu ấy mà hình tượng tác giả hiện ra với một tư thế vừa ngao ngán vừa ngạo nghễ, bất chấp, ngông… Nguyễn Công Trứ thường để lại ấn tượng về một cá tính ngang tàng, đậm chất tài tử.

Không những cần phải hiểu về đặc điểm chung của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật mà còn phải biết cách sử dụng phương tiện ngôn ngữ trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật.

Trong phong cách ngôn ngữ nghệ thuật, các yếu tố ngữ âm được khai thác tốì đa để xây dựng hình tượng; các hình thức khác nhau của chữ viết cũng được tận dụng để gia tăng giá trị biểu hiện của văn bản: viết hoạ, xuống dòng, các loại dấu câu, khoảng trống…

Một mặt, phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng có chọn lọc những yếu tố của tất cả các lớp từ ngữ khác nhau để biểu hiện hình tượng. Mặt khác (nhất là trong văn học cổ, văn học lãng mạn) phong cách ngôn ngữ này còn có lớp từ riêng, đó là lớp từ thi ca: giang sơn, hải hà, thiên thu, lệ, nguyệt, chàng, nàng…

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng rộng rãi mọi kiểu câu, đồng thời còn có cách vận dụng đặc thù các kiểu câu, tạo nên kiểu cú pháp thi ca.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật sử dụng tối đa mọi biện pháp tu từ (ngữ âm, từ ngữ, ngữ pháp…) để xây dựng hình tượng, tổ chức tác phẩm văn chương.

Phong cách ngôn ngữ nghệ thuật hết sức coi trọng vẻ đẹp cân đối, hài hoà trong chiều sâu bố cục, trình bày của tác phẩm.

Ở những đặc điểm này, ta có thể chú ý đến biểu hiện đó trong đoạn thơ sau:

Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm

Heo hút cồn mây súng ngửi trời

Ngàn thước lên cao, ngàn thước xuống

Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi.

(Tây Tiến – Quang Dũng)

Về ngữ âm, trong đoạn thơ có sự cộng hưởng âm thanh rất độc đáo. Năm tiếng vần trắc trong câu đầu Dốc lên khúc khuỷu, dốc thăm thẳm và các tiếng vần bằng trong câu cuối Nhà ai Pha Luông mưa xa khơi có tác dụng gợi tả, khắc hoạ địa thế hiểm trở của Tây Bắc cùng những cảm nhận của người lính Tây Tiến trên đường hành quân.

Về từ ngứ, các từ láy khúc khuỷu, thăm thẳm, heo hút được sử dụng rất có hiệu quả gợi tả hình ảnh và cảm xúc trong những câu thơ của Quang Dũng.

Về biện pháp tu từ, ta có thể tính đến khả năng biểu cảm cao của biện pháp nhân hoá súng ngửi trời.

Hiểu rõ về các đặc điểm của phong cách ngôn ngữ nghệ thuật giúp người đọc tiếp nhận các văn bản nghệ thuật được đầy đủ, sâu sắc và toàn diện hơn. Mặt khác, công việc ấy cũng góp phần không nhỏ vào hoạt động sáng tạo các văn bản văn học nghệ thuật.

Leave a comment