Hãy chứng minh rằng nội dung chủ yếu của văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lược
Từ khi Ngô Vương Quyền đánh đuổi quân Nam Hán trên sông Bạch Đằng năm 938, giành được nền độc lập, tự chủ, dân tộc ta không ngừng đấu tranh anh dũng để bảo vệ đất nước suốt mấy thế kỉ dài.
Trong bối cảnh lịch sử đó, văn học từ thế kỉ X đến thế kỉ XV đã thể hiện sâu sắc tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lược của dân tộc ta.
Qua một số tác phẩm tiêu biểu của giai đoạn văn học này, ta hãy làm sáng tỏ vấn đề trên.
Thế kỉ X đến thế kỷ XV là thời kì lịch sử có nhiều chiến công hiển hách của dân tộc ta trong sự nghiệp chiến đấu bảo vệ đất nước: phá Tống, bình Nguyên, đuổi Minh qua các trận chiến Như Nguyệt, Bạch Đằng, Chi Lăng, với những tên tuổi chói lọi của các anh hùng Lí Thường Kiệt, Trần Quốc Tuấn, Lê Lợi.
Nội dung văn học thời kì này phản ánh tinh thần yêu nước với những biểu hiện cụ thể.
– Yêu nước là thương dân, vì dân diệt bạo
Trước hết là lòng căm thù giặc sâu sắc.
Hịch tướng sĩ lên án bọn giặc xâm lược với thái độ sôi sục, coi giặc như cú diều, dê chó, hổ đói, trực tiếp bộc lộ nỗi căm hờn qua lời tâm sự của chủ tướng: nửa đêm vỗ gối, ruột đau như cắt, nước mắt đầm đìa, thề rằng sẽ xả thịt lột da, nuốt gan uống máu quân thù.
Bình Ngô đại cáo cũng miêu tả giặc như một bầy dã thú, thằng há miệng, đứa nhe răng để tàn hại nhân dân ta.
Thương dân điêu linh vì giặc đày đoạ, vơ vét, khủng bố tàn sát nên người lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Lam Sơn đã:
Ngẫm thù lớn há đội trời chung;
Câm giặc nước thề không cùng sống.
Để vì dân mà diệt bạo:
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân;
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo.
(Bình Ngô đại cáo)
– Yêu nước là xây dựng đất nước hoà bình
Mong ước giang san bền vững muôn đời:
Thái bình nên gắng sức,
Non nước ấy nghìn thu.
(Phò giá về kinh)
Tự hào khi đất nước sạch bóng quân thù, mở đầu một giai đoạn xây dựng hoà bình:
Giặc tan muôn thuở thanh bình
Bởi đâu đất hiểm, cốt mình đức cao.
(Phú sông Bạch Đàng)
Muôn thuở nền thái bình vững chắc;
Ngàn thu vết nhục nhã sạch làu.
(Bình Ngô đại cáo)
– Ý thức độc lập tự chủ và tinh thần quật khởi chống xâm lược
Thể hiện qua lời cảnh cáo bọn giặc cướp nước:
Cớ sao lũ giặc sang xâm phạm ?
Chúng bay sẽ bị đánh tơi bời.
(Sông núi nước Nam)
Thể hiện qua lời Hịch của Trần Quôc Tuấn quyết bêu đầu Hốt Tất Liệt ở cửa khuyết, làm rữa thịt Vân Nam Vương ở Cảo Nhai, qua chí khí hào hùng của tướng lãnh, hào khí ngất trời của ba quân đời Trần:
Múa giáo non sông trải mấy thư
Ba quân khí mạnh át sao Ngưu.
(Tỏ lòng)
Thể hiện nỗi đau lòng nhức óc, mưu tính việc khôi phục nền độc lập cho nước nhà qua lời Đại cáo bình Ngô:
Những trằn trọc trong cơn mộng mị;
Chỉ băn khoăn một nỗi đồ hồi.
(Bình Ngô đại cáo)
– Ý chí chiến đấu kiên cường, lập chiến công lừng lẫy, đuổi giặc ra khỏi bờ cõi
Chiến thắng rực rỡ trong đời Trần:
Chương Dương cướp giáo giặc.
Hàm Tử bắt quân Hồ.
(Phò giá về Kinh)
Với khí thế oai hùng:
Thuyền bè muôn đội
Tinh kì phấp phới.
Tì hổ ba quân
Giáo gươm sáng chói.
(Phú sông Bạch Đằng)
Ý chí kiên cường hùng mãnh của nghĩa quân Lam Sơn:
Gươm mài đá, đá núi củng mòn!
Voi uống nước, nước sông phải cạn.
Tiến công giặc như vũ bão, chiến thắng oanh liệt:
Đánh một trận sạch không kình ngạc;
Đánh hai trận tan tác chim muông.
Nổi gió to quét sạch lá khô
Thông tổ kiến phá toang đê vỡ.
(Bình Ngô đại cáo)
Từ thế kỉ X đến thế kỉ XV là giai đoạn giành độc lập và bảo vệ nền độc lập của dân tộc ta. Quá trình lịch sử vẻ vang đó chẳng những ghi nhận những chiến công hiển hách của dân tộc mà còn xây dựng được một nền văn học viết rất đáng tự hào.
Nền văn học viết đó, với nội dung chủ yếu là tinh thần yêu nước, tinh thần quật khởi chống xâm lược, đã trở thành truyền thống quý báu của dân tộc ta.