Ở nông thôn có một thú vui rất được ưa thích, đó là ra đồng bắt dế để về đá chơi. Em hãy kể lại chuyện bắt dế của em với các bạn em

0

DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG

A. MỞ BÀI:

(Giới thiệu nhân vật, hoàn cảnh)

+ Tháng ba, tháng tư ở đồng ruộng trơ rạ và nứt nẻ có những chú dế ở trong những kẽ đất đó.

+ Chúng tôi thỉnh thoảng tranh thủ buổi chiều nghỉ học đi bắt dế.

B. THÂN BÀI:

(Phát triển câu chuyện).

1. Những con dế oai vệ (càng, đùi, râu…)

2. Phải biết lựa những con đực và phải biết thả những con cái đang có chửa. Bởi chúng không đá được.

3. Nhớ lại lần đi bắt dế đầu tiên với bạn. Do không thèm hỏi nên bắt toàn là dế cái và cả dế cơm.

4. Bạn tôi chỉ cho tôi cách chọn dế. “Tài sản” của tôi là cả một keo dế chỉ có được mấy con đực mà lại gãy càng đứt râu. Tôi rất mắc cỡ về điều đó. Tôi hứa lần sau sẽ khiêm tốn hơn, hỏi han kỹ càng hơn mới đạt được như điều mong muốn.

C. KẾT LUẬN:

+ Đây là một thú vui ở đồng ruộng mà trẻ em thành phố không có được như chúng tôi ở nông thôn.

+ Đó là những kỷ niệm đẹp không quên được.

BÀI LÀM

Mỗi năm cứ vào tháng ba, tháng tư là lòng tôi rộn ràng sung sướng xen lẫn sự hồi hộp vui tươi. Bởi vì lúc đó các cánh đồng chỉ còn trơ lại những gốc rạ cùng với sự nứt nẻ của đồng ruộng. Nhưng bù lại hậu quả của cái nắng chói chang đó có biết bao chú dế mơn mởn oai vệ ẩn nấp dưới những khe đất đang chờ chúng tôi đến bắt.

Vào mùa này, hàng ngày tôi đi học buổi sáng, còn buổi chiều thì hả hê theo anh em đi bắt dế. Ôi chao! Tôi thích thú khi nhảy xuống một mảnh ruộng đã gặt xong và cúi người thò tay vào khe đất để tóm cổ mấy chú dế đen trũi. Mùa này dế đã trưởng thành, con nào cũng mập tròn, đôi càng rắn chắc, bóng nhẵn và sắc nhọn, hai cái đùi to ơi là to cùng với một cặp râu dựng đứng trông rất oai. Dế là anh hùng mà! Nhưng kẹt một nỗi không phải con dế nào cũng là dế trống cả. Mà có những bà dế, cô dế cũng bị chúng tôi tóm cổ. Trước khi bỏ vào keo, chúng tôi phải nhìn thật kỹ, nếu có con nào bụng chửa thật to thì đành thả xuống đất vì đó chính là dế cái, không thể đá được.

Tôi nhớ một lần lúc tôi năm tuổi, lần đầu tiên theo Nam (bạn của tôi và lớn hơn tôi hai tuổi) đi bắt dế. Đây là lần đầu tiên, nhưng tôi nghênh ngang, tỏ vẻ thông thạo không cần ai, thấy con nào tôi cũng chộp, cũng hý hửng cho vào keo. Suốt buổi hôm đó, tôi vui như mở hội vì keo dế của tôi đầy ắp, nhiều hơn của Nam. Gần đến giờ về, tôi chợt bắt gặp một chú dế vàng khè, ngạc nhiên tôi kêu: “Nam ơi! lai đây xem con dế bệnh gan nè mày, mình mẩy nó trông ngộ quá hà!”. Nam chạy lại thấy con dế và nó chộp bỏ ngay vào keo chẳng nói chẳng rằng. Tôi cũng không còn chú ý đến chuyện đó vì tôi đang gặp một ổ dế và phải hì hục lượm các chú dế rất xinh cổ màu trăng trắng trông không dữ tợn bằng các chú dế đen (về sau tôi mới biết đó là dế cơm). Một lát sau, Nam gọi tôi về vì trời sắp tối. Leo lên bờ mẫu rồi, tôi rón rén lại gần Nam để xem nó bắt được nhiều hơn tôi không? Ôi chao, sao mà nó dở thế, chỉ bắt có khoảng phân nửa của tôi thôi! Vừa lúc tôi bắt được nhiều, thế là hay quá rồi, mình phải về khoe với ba mới được.

Đến nhà, tôi vào ngay phòng khách tìm ba, thấy ông đang ngồi đọc báo trên chiếc ghế bố, tôi ngồi xuống bên ông và lấy keo dế trong túi áo ra. Vừa thích thú vừa tự hào, tôi nhoẻn miệng cười đưa cho ba rồi khoe ngay: “Ba ơi! Hôm nay con bắt ba chục con lận, nhiều hơn thằng Nam rồi đó!” Ba tôi mở nắp xem, bỗng nhiên ông cười vỗ vào đầu tôi: “Trời ơi, vậy cũng khoe, con bắt toàn là dế mái không hà. Ủa. Sao có con dế cơm nữa hả?” Tôi trố mắt ngạc nhiên hết nhìn ba lại nhìn keo dế. Bây giờ tôi mới thấy mấy chàng dế của tôi sao cái bụng to phè phè trông yêu ớt quá”. – “Sao con không hỏi thằng Nam nó chỉ cho, nó rành vụ này lắm mà?”. Tôi mắc cỡ, lắp bắp: “Tại… tại con tưởng…” Sau vụ đó, ba chỉ cho tôi con nào là con đực con nào là con cái. Chỉ có con đực mới nên bắt thôi! Cả một keo ba mươi con dế mà chỉ có năm con là đực nhưng khốn nỗi, do tôi hấp tấp bắt vội, bắt vàng nên có mấy chú rụng đùỉ, cụt râu trông rất ngộ nghĩnh. Sau này, tôi có hỏi Nam về con dế màu vàng, nó cười giải thích: “Đó là dế lửa, đá rất hăng và mạnh. Người đi bắt dế mong gặp được nhiều con dế “bệnh gan” ấy!” Như thế đấy, thú vui nơi đồng ruộng là thế! Mỗi năm cứ hễ vào mùa dế, chúng tôi không chỉ bắt dế về nuôi mà còn đem ra chợ bán. Học trò thành thị mua nhiều lắm. Bắt dế, đá dế là một trong những môn giải trí của chúng tôi, đó là những kỉ niệm đẹp, và có lẽ chúng tôi không thể nào quên được.

Leave a comment