Giải thích ý nghĩa câu ca dao: “Ta về ta tắm ao ta / Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Là con người, ai cũng mang trong lòng hình bóng của quê hương, nơi mình sinh ra và lớn lên với biết bao kỉ niệm vui buồn. “Quê hương nếu ai không nhớ, sẽ không lớn nổi thành người”. Lời thơ của Đỗ Trung Quân đã nhắc nhở ta điều ấy. Cho nên yêu quê hương là một tình cảm thiêng liêng cao quý không thể thiếu được ở mỗi con người. Mỗi khi nhắc đến quê hương thì ai cũng cảm thấy tự hào về quê mình. Và một tâm lí rất quen thuộc của con người chúng ta là: Xấu tốt gì cũng là của quê mình thì mình yêu quý. Điều đó thể hiện rất rõ ở câu ca dao:
“Ta về ta tắm ao ta..
Dù trong dù đục ao nhà vẫn hơn”
Lời ca dao gợi trong ta nhiều cảm xúc và biết bao điều suy nghĩ:
“Ao ta”, đó là cái ao thật thân quen và gần gũi, cái ao ở nhà ta, ở quê ta do chính ông bà, cha mẹ đã bỏ công sức để tạo ra, nó thuộc chủ quyền của ta. Cho nên dù cho “ao ta” có “đục” hay “trong”, sâu hay cạn, ta vẫn cảm thấy thoải mái, tự hào khi được tự do lặn ngụp trong nguồn nước mát của cái ao đó. “Ao người” dầu có trong hơn, đẹp hơn nhưng ta vẫn không cảm thấy tự nhiên như khi tắm ở “ao mình”. – Bởi nó đâu phải là của ta, mình đâu có được tự do lặn ngụp, làm sao biết được chỗ sâu, chỗ cạn mà lường mà tránh! Nói đến “cái ao” nhân dân ta muốn đề cập đến những gì thân thuộc của quê hương xứ sở, đến những di sản văn hóa dân tộc, cả những mặt kinh tế, chính trị, xã hội… do chính con người Việt Nam tạo dựng nên. Phải gắn bó và sử dụng, trân trọng và giữ gìn chúng – Đó chính là ý mà câu ca dao muốn đề cập đến.
Tại sao ta phải trân trọng, giữ gìn cái “ao ta” như vậy? Bởi “ao ta” chính là quê hương ta, đất nước ta. Đó là nơi ta sinh ra và lớn lên, từ thuở ấu thơ cho đến lúc trưởng thành. Quê hương đã đi vào lòng ta, thấm vào tim óc ta bằng thứ tình cảm thiêng liêng gắn bó. Trong quê hương ấy có cả một lịch sử oai hùng, có biết bao anh hùng hi sinh vì quê hương. Quê hương ấy có cả một thời vàng son huy hoàng của cha ông mà tổ tiên đã gìn giữ và để lại cho ta. Những di sản ấy được tạo dựng bằng mồ hôi, nước mắt và cả máu xương của cha ông, bằng những tinh hoa của sông núi, của con người Việt Nam. Vì thế nên những di sản ấy quý giá vô ngần, ta phải trân trọng và giữ gìn nó. Do vậy, thái độ đề cao di sản văn hóa dân tộc chính là một thái độ đúng đắn và cần thiết đối với mỗi chúng ta.
“Ao nhà vẫn hơn” ý thơ chan chứa tình yêu quê hương vốn có ở mỗi con người. Cái gì của mình là hơn cả, có xâu, có tốt gì thì cũng của ta, ta làm chủ nó vẫn hơn là của người. Của người có đẹp cách mấy, có sang cách mấy đốì với ta cũng là xa lạ, không tự nhiên, không gần gũi được. Cho nên “ao nhà vẫn hơn” là vậy!
Càng đọc ta càng thấm thía ý nghĩa của lời ca dao. Nó mang một tình cảm có tính chất địa phương cục bộ, chỉ bó buộc ở làng mình, quê mình, không mở rộng ra phía trước, nhưng tình cảm ấy lại rất thiêng liêng cao quý. Nó kêu gọi, nhắc nhở ta nhớ về cội nguồn, nhớ về tổ tiên, về quê cha đất tồ của mình. Lời ca dao còn khơi gợi trong ta trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ tài sản quý giá của ông cha bao đời nay: Đừng để cái mới của người làm mờ đi truyền thống cũ vì ao người đẹp, ao người sang mà chạy theo “ao người”, bỏ lơ “ao mình”.
Trong thời kì mở cửa hiện nay, cái mới, cái đẹp, cái lạ du nhập vào rất nhiều. Đây là điều kiện tốt giúp ta học hỏi nhiều điều hay của người để cải tạo cái thiếu sót của mình. Nghĩa là ta biết tiếp thu có chọn lọc, phải biết gạn đục khơi trong để “ao mình” mãi mãi đẹp hơn. Đây chính là bổn phận của mỗi chúng ta trong việc giữ gìn, bảo vệ và phát huy truyền thống của dân tộc.
Nói tóm lại, câu ca dao trên là lời khuyên, là ý thức để đưa ta trở về cội nguồn của mình, để thúc đây tinh thần tự lực tự cường của nhân dân ta. Mỗi chúng ta cần cố gắng phát huy ngày càng cao tinh thần ây!