Phát biểu ý kiến về Đôn-ki-hô-tê
DÀN Ý ĐẠI CƯƠNG
A. MỞ BÀI:
(Phát biểu cảm nghĩ chung)
+ Buổi sinh hoạt câu lạc bộ văn học có hai nhóm trái ngược nhau đánh giá về chàng kỵ sĩ Đôn-ki-hô-tê.
+ Đối với em thì Đôn-ki-hô-tê: vừa gàn dở vừa mê muội nhưng cũng đáng yêu.
B. THÂN BÀI:
(Phát biểu cảm xúc và suy nghĩ)
1. Đặc điểm nổi bật là Đôn-ki-hô-tê mê đọc sách kiếm hiệp.
+ Đánh giá – Đọc sách tốt, nhưng say sưa quá là có hại.
– Tai hại hơn là muốn biến thành hiệp sĩ.
– Mất trí khôn từ những trang sách vô bổ.
2. + Đánh nhau với cối xay gió. Ngỡ chúng là phù thủy.
+ Mê muội như vậy thật đáng chê.
3. + Đôn-ki-hô-tê chiến đấu có mục đích – bênh kẻ hèn yếu.
– Không ngại khó khăn – xả thân cứu người.
– Căm thù bọn súc sinh, “lũ” phù thủy…
+ Đánh giá: Suy nghĩ của chàng rất cao cả, có bản lĩnh, chỉ có điều đáng tiêc là nó ảo tưởng và không thực tế.
C. KẾT LUẬN
(Khẳng định lại cảm nghĩ)
+ Đôn-ki-hô-tê có điều đáng trách lẫn điều đáng khen.
+ Chúng ta hãy học tập nhiều điều tốt ở nhân vật này.
+ Nhân vật Đôn-ki-hô-tê rất đặc biệt gây nên ấn tượng lâu bền cho người đọc.
BÀI LÀM
Cuộc tranh luận kéo dài đã khá lâu mà vẫn chưa ngã ngũ. Ai cũng hăng hái phát biểu ý kiến của mình về Đôn-ki-hô-tê qua hai chương đã học. Các bạn tự phân thành hai nhóm ý kiến đối lập nhau: một nhóm bênh vực còn nhóm kia lại chê trách “chàng hiệp sĩ”. Em lắng nghe ý kiến các bạn và cảm thấy thật thú vị. Đối với em Đôn-ki-hô-tê tuy mê muội, gàn dở nhung vẫn đáng yêu.
Đặc điểm nổi bật ở Đôn-ki-hô-tê mà người đọc nào cũng nhận ra là sự say mê đọc sách của chàng mà chỉ toàn là truyện kiếm hiệp. Để có sách đọc, chàng không ngần ngại bán cả phần ruộng đất đang cày để mua sách. Đôn-ki-hô-tê đọc đến nỗi quên đi săn và công việc nhà, đọc từ “tối đến sáng, rồi lại từ sáng đến tối”, đến nỗi đầu óc teo mất đi cả trí khôn. Ham đọc sách là một đức tính tốt nhưng quá say mê như Đôn-ki-hô-tê thì thật là tai hại. Chính vì vậy trong đầu chàng lúc nào cũng có hình bóng của những chàng hiệp sĩ, những trận chiến đấu hiển hách. Thế rồi tai hại hơn, chàng nảy ra ý nghĩ vô cùng kỳ quái là trở thành hiệp sĩ. Việc chàng bỏ cả tuần lễ để làm cái mũ, mất tám ngày để đặt tên cho mình chứng tỏ sự mê muội kì lạ của chàng vào tiểu thuyết. Chàng hoàn toàn mất cả trí khôn, trở thành con người lúc nào cũng sống trong mộng mị từ những trang sách vô bổ kia. Nhìn mấy cái cối xay gió, chàng lại nghĩ là bọn khổng lồ, liều chết xông vào chiến đấu. Trông mấy vị thầy tu, Đôn-ki-hô-tê cứ ngỡ là phù thủy, ra tay nghĩa hiệp để cứu nàng “công chúa”. Chàng mê sách đến nỗi những vật bình thường nhất xung quanh mình cũng không nhận ra. Thái độ như thế rõ ràng thật đáng chê.
Thế nhưng, Đôn-ki-hô-tê chiến đấu chỉ vì mục đích “bênh vực kẻ hèn yếu, đạp bằng mọi gian khổ, nguy hiểm để tiếng thơm lưu truyền mãi mãi”. Chàng rất yêu thương những kẻ gặp nạn, gặp nguy hiểm, liều xả thân mình để cứu họ. Cùng như bao hiệp sĩ khác. Chàng căm thù “lũ súc sinh, bọn phù thủy độc ác”, và thẳng tay trừng trị, chàng làm tất cả để vừa lòng “người yêu”, rạng rỡ tên mình và tên tố quốc. Suy nghĩ của chàng rất cao cả. Đề chứng tỏ mình là hiệp sĩ, chàng cắn răng chịu đau không một lời rên rỉ; chàng không thèm ăn sáng vì “các hiệp sĩ chỉ nghĩ đến người yêu cũng đã no rồi”. Tất cả những việc trên chứng tỏ một bản lãnh cao độ ở con người chàng, nếu không có cái ảo tưởng, cái vô ích trong tiểu thuyết thì những đức tính đó sẽ đáng quý, thiết thực biết chừng nào.
Nói tóm lại, ở Đôn-ki-hô-tê có cả điều đáng trách lẫn đáng khen. Nếu ta bỏ đi cái đáng trách thì chàng là một tấm gương cho chúng ta học tập. Trong chàng có hai nửa người đối lập góp phần tạo nên một Đôn-ki-hô-tê đặc biệt sống mãi trong lòng người với bao ấn tượng và tình cảm khó quên.