Thuyết minh một kinh nghiệm làm văn

0

Các bạn đã từng bao giờ đặt ra câu hỏi : Làm thế nào để có một bài văn hay ? Làm thế nào để đạt điểm cao trong một văn. Tôi xin chia sẻ với các bạn cách làm một bài phân tích thơ hay và hiệu quả nhất.

Thường thì các bạn sẽ thích phân tích một tác phẩm văn xuôi hơn là một tác phẩm thơ, bởi tác phẩm thơ thường giàu hình ảnh biểu tượng, đôi khi có những đứt gãy trong từng khổ, từng đoạn mà cần phải có sự tinh tế trong cảm nhận và kinh nghiệm làm văn mới có thể kết nối các phần trong bài với nhau, để làm nổi bật tinh thần chung của tác phẩm. Nhưng phân tích tác phẩm thơ sẽ không còn khó khăn nữa khi các bạn nắm được phương pháp để phân tích chúng.

Trước hết, cũng giống như khi phân tích tác phẩm văn xuôi, đối với tác phẩm thơ các bạn cần đọc đi đọc lại nhiều lần, từ 5 đến 7 lần để cảm nhận những cái hay cái đẹp của tác phẩm. Trong quá trình đọc hãy phân chia bố cục tác phẩm: (Bài Đồng chí chia làm ba phần rõ ràng), hoặc bạn có thể phân tích theo nhân vật (Bài Đêm nay Bác không ngủ có thể chia để phân tích Bác và anh đội viên). Đồng thời trong quá trình đọc bạn cảm thấy câu thơ nào hay, hình ảnh thơ nào ý nghĩa, giàu giá trị hãy gạch chân và viết cách hiểu, cách cảm nhận của mình về câu thơ, khổ thơ đó.

Tiếp đến hãy đọc đến chú thích, để nắm được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Thời đại bài thơ ra đời sẽ chi phối rất lớn đến nội dung mà nó thể hiện. Ví như bài thơ Bài thơ về tiểu đội xe không kính viết trong những năm tháng chống Mỹ hào hùng nên hình tượng trung tâm sẽ là người lính. Hay tác phẩm Tỏ lòng của Phạm Ngũ Lão viết trong thời đại hào khí Đông A hừng hực nên tinh thần bài thơ cũng thể hiện những con người mang trong mình vẻ đẹp sức mạnh và lí tưởng.

Sau khi đã thực hiện những thao tác trên chúng ta cùng bắt tay đi phân tích nội dung của tác phẩm thơ. Các bạn có thể lựa chọn các hình thức phân tích khác nhau, điều này còn tùy thuộc vào thể thơ. Thơ thất ngôn bát cú có thể phân tích theo kiểu đề – thực – luận – kết, hoặc bốn câu đầu, bốn câu cuối, có những trường hợp đặc biệt phải phân tích bảy câu đầu rồi mới phân tích một câu cuối (Bạn đến chơi nhà của Nguyễn Khuyến). Thơ thất ngôn tứ tuyệt phân tích từng câu hoặc phân tích hai câu một. Thơ chia khổ có thể phân tích theo từng khổ. Hoặc có thể phân tích theo nhân vật như đã dẫn ở phía trên. Như vậy phân tích tác phẩm thơ rất linh hoạt trong sự phân chia bố cục, các bạn phải dựa vào từng bài để đưa ra cách phân tích hợp lí. Các bạn cũng cần lưu ý về đặc trưng thể loại thơ, bởi mỗi thể loại thơ sẽ chi phối đến người viết về nội dung về hình thức biểu hiện.

Phần mở bài, cách đơn giản nhất hãy giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm và nội dung chính mà bài thơ đề cập đến – đây là cách dẫn trực tiếp, đơn giản, cho những bạn chưa thực sự thuần thục. Còn với những bạn đã thuần thục có thể dẫn một câu thơ, một nhận định để vào bài, cách này sẽ gây ấn tượng với người đọc và bao giờ cũng hấp dẫn hơn.

Khi phân tích hãy viết đoạn văn theo kiểu diễn dịch hoặc quy nạp. Các ý được triển khai phải mạch lạc, rõ ràng, tránh phân tích chồng lấn ở phần này rồi lại tiếp tục phân tích ở phần khác. Lưu ý khi phân tích bao giờ cũng phải đi kèm với dẫn chứng. Nếu bạn chỉ phân tích không bài văn sẽ trở nên kém thuyết phục, không có căn cứ. Đồng thời, phân tích cũng cần phát hiện những nét nghệ thuật tiêu biểu tạo nên cái hay các đẹp cho câu thơ, đoạn thơ đó. Ví dụ khi phân tích câu thơ :

Chỉ cần trong xe có một trái tim

(Bài thơ về tiểu đội xe không kính – Phạm Tiến Duật)

Về nội dung ta thấy được tinh thần nhiệt huyết, sẵn sàng tiến lên vì miền Nam ruột thịt. Nhưng bên cạnh đó tác giả cũng đã rất thành công về nghệ thuật khi sử dụng biện pháp hoán dụ tài tình : trái tim – là nhiệt huyết, là lí tưởng tuổi trẻ sẵn sàng hi sinh để dành độc lập, thống nhất cho dân tộc.

Để bài văn thêm phần hấp dẫn, hãy lấy thêm các dẫn chứng, những bài thơ có nét tương đồng để làm nổi bật cái hay, cái đẹp của bài thơ được yêu cầu phân tích. Phần lấy dẫn chứng liên hệ chỉ cần lấy từ một đến hai dẫn chứng, các bạn không nên lấy quá nhiều, sẽ khiến bài văn bị loãng và biến thành bài văn so sánh thay vì bài văn phân tích như đề đã yêu cầu. Khi phân tích đoạn trích Cảnh ngày xuân của Nguyễn Du, với câu thơ: Cỏ non xanh tận chân trời/ Cành lê trắng điểm một vài bông hoa có thể liên hệ với câu thơ Trung Quốc: Phương thảo liên thiên bích/ Lê chi sổ điểm hoa để thấy cái hay, cái đẹp, cái thần thái, hồn cốt trong cách tả cảnh của Nguyễn Du.

Ngoài ra khi phân tích các bạn rất hay bỏ quên phần tổng kết về những nét nghệ thuật đặc sắc của bài thơ. Một văn bản thơ bao giờ cũng gồm hai phần là nội dung và nghệ thuật. Bởi vậy sau khi phân tích nội dung chắc chắn sẽ phải phân tích đến giá trị nghệ thuật của tác phẩm đó. Đối với tác phẩm thơ cần chú ý về: các biện pháp tu từ được sử dụng nhiều (so sánh, ẩn dụ, hoán dụ,…), giọng điệu thơ, nhịp thơ, … Đây là những yếu tố cơ bản cần phân tích trong nghệ thuật của mỗi bài.

Phần kết bài cần đánh giá được giá trị trên cả phương diện nội dung và nghệ thuật của tác phẩm. Kết bài tưởng dễ mà đôi khi rất khó, đó không chỉ là sự đánh giá chung mà còn là phần khái quát, nâng cao thể hiện tư duy logic của người viết.

Qua những chia sẻ ngắn ngủi này hi vọng các bạn sẽ có thêm một bí kíp phân tích một tác phẩm thơ hữu ích cho bản thân. Khởi đầu bao giờ cũng rất khó khăn, nhưng nếu chúng ta không thử cố gắng nỗ lực hết sức một lần thì sao có thể biết khả năng của mình đến đâu. Tôi làm được chắc chắn các bạn cũng có thể làm được.

Leave a comment