Cảm nhận những câu tục ngữ về con người và xã hội

0

Cảm nhận những câu tục ngữ về con người và xã hội – Bài làm 1 của một học sinh giỏi Văn tỉnh Quảng Bình

Câu 1

Một mặt người bằng mười mặt của.

Câu tục ngữ có hai vế. Một vế là “một mặt người” so sánh (bằng) với một vế là “mười mặt của”. Nhưng “người” với “của” lại là hai thứ khác nhau về bản chất.

Do vậy, để so sánh được với nhau, tác giả dân gian phải sử dụng nghệ thuật nhân hoá (mặt của). Ở đây, tác giả dân gian đã so sánh về số lượng: “một” so với “mười”. “Một” so với “mười” đương nhiên là “một” kém hơn “mười” nhưng ở đây tác giả lại khẳng định bằng nhau. Như vậy, ở đây không có sự so sánh thuần tuý về số lượng mà là sự so sánh về chất lượng. Sự so sánh về chất này cho thấy “người” cao hơn “của”. Nội dung của câu tục ngữ đã rõ: thể hiện sự coi trọng, đề cao con người. Câu tục ngữ đã thể hiện một tư tưởng nhân đạo sâu sắc của cha ông ta. Đó là đạo lí đề cao con người hơn mọi của cải vật chất. Tư tưởng đạo lí của câu tục ngữ còn được thể hiện trong những câu nói dân gian khác như: Người làm ra của chứ của không làm ra người, Người sống đống vàng,… Bài học đạo lí đề cao con người của câu tục ngữ không chỉ là một bài học lớn về cách nhìn nhận, đánh giá con người mà còn có tác dụng to lớn trong việc bồi dưỡng những tình cảm tốt đẹp cho con người.

Câu 2

Cái răng, cái tóc là góc con người

Câu tục ngữ này mang hai hàm nghĩa. Thứ nhất, răng và tóc là biểu hiện của một phần sức khoẻ, thể trạng của con người. Thứ hai, răng và tóc thể hiện (biểu hiện) hình thức, tính cách, tư cách của con người. Trong cuộc sống, câu tục ngữ được tác giả dân gian sử dụng để: khuyên nhủ, nhắc nhở con người phải biết giữ gìn, chăm sóc răng, tóc cho sạch sẽ, đẹp đẽ (nó là hình thức bên ngoài của con người); thể hiện sự đánh giá, nhìn nhận, bình phẩm về con người (nhìn răng, tóc là biết tư cách, tính cách của con người). Như vậy, câu tục ngữ đưa ra cho chúng ta một bài học kinh nghiệm: con người cần phải biết giữ gìn răng, tóc cho sạch sẽ, đẹp đẽ; phải biết sửa sang răng, tóc trước khi giao tiếp với người khác bởi đó là biểu hiện của lòng tự trọng, thể diện của bản thân.

Câu 3.

Đói cho sạch, rách cho thơm.

Câu tục ngữ có hai vế đối nhau rất chỉnh. Hai vế đối nhau này đã góp phần bổ sung, soi sáng cho nhau. Nếu như hai chữ “đói – rách” là những biểu hiện cụ thể bên trong và bên ngoài của sự nghèo khó, thiếu thốn về của cải, vật chất thì hai chữ “sạch – thơm” lại là những biểu hiện cụ thể của nhân cách ngay thẳng, đẹp đẽ. Các từ “đói sạch, rách – thơm” vừa được hiểu tách bạch trong từng vế vừa được hiểu trong sự kết hợp, tương hỗ lẫn nhau giữa hai vế. Chính sự tách bạch và tương hỗ lẫn nhau này đã tạo nên hai lớp ý nghĩa cụ thể. Ở lớp nghĩa hẹp – nghĩa đen, câu tục ngữ nhắc người ta dù đói cũng phải ăn uống sạch sẽ, dù quần áo rách cũng phải giữ gìn thơm tho. Ở lớp nghĩa rộng – nghĩa bóng, câu tục ngữ sử dụng những cặp từ, cặp hình ảnh ẩn dụ để nhắn gửi người đọc về việc giữ phẩm cách: dù nghèo đói, khổ cực đến đâu cũng phải sống cho trong sạch, không vì nghèo đói mà làm những điều xấu xa theo kiểu “đói ăn vụng, túng làm liều” mà đánh mất nhân phẩm, đạo đức con người. Đây cũng chính là ý nghĩa quan trọng mà câu tục ngữ muốn nhắn gửi, thể hiện.

Câu 4.

Học ăn, học nói, học gói, học mở.

Câu tục ngữ có bốn vế, vừa có quan hệ đẳng lập vừa có quan hệ bổ sung cho nhau và lặp đi lặp lại từ “học” ở đầu mỗi vế (điệp ngữ) để nhấn mạnh, nhắc nhở người ta về những điều kiện cần phải có để “nên người”. “Ăn, nói, gói, mở” bốn việc tưởng chừng như rất đơn giản, con người không cần phải học cũng có thể làm được. Ấy vậy mà chẳng đơn giản chút nào. “Học ăn, học nói” có nghĩa là học cách ăn uống, cách nói năng cho lịch sự, trang nhã, đẹp đẽ. Điều nhắc nhở của hai vế này ta còn thấy trong nhiều câu tục ngữ tương tự khác như: ăn trông nồi, ngồi trông hướng (khi ăn cùng với người khác cần quan sát để ngồi cho phù hợp, khỏi bị thất thố), ăn cho nên đọi (bát), nói cho nên lời, Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau; Lời nói gói vàng,… Hai vế sau của câu tục ngữ, “học gói, học mở” nhắc nhở con người phải học cách làm việc để thành thạo công việc. “Gói và mở” tưởng chừng chẳng cần học cũng có thể làm được. Tuy nhiên, để gói cho vuông vức, ngay ngắn, đẹp đẽ, dễ coi, ưa nhìn không phải ai cũng làm được, hay làm một lần là được ngay. Giống như “gói”, động tác mở cũng hết sức quan trọng. Mở phải từ tốn, nhẹ nhàng, mở hết lớp ngoài rồi mở đến lớp trong. Cách mở như vậy không chỉ thể hiện sự nâng niu mà còn thể hiện thái độ trân trọng của người mở đối với người gửi đồ vật. Như vậy việc “gói, mở” cũng là những việc làm thể hiện tâm tính, phong thái của con người. Nhưng nội dung của câu tục ngữ không dừng ở lớp nghĩa cụ thể này mà bao trùm lên cả tổng số nghĩa của bốn vế hợp lại là lớp nghĩa khái quát. Đó là câu tục ngữ khuyên chúng ta phải học nhiều điều trong cuộc sống từ giao tiếp đến hành động để biết cách ứng xử xã hội thể hiện mình là người có nhân cách, có văn hoá.

Câu 5, 6.

Không thầy đố mày làm nên.
Học thầy không tày học bạn.

Hai câu tục ngữ này đề cập tới hai mặt của việc học tập: học thầy và học bạn. Câu Không thầy đố mày làm nên có ý nghĩa thách đố để khẳng định vai trò, công ơn của người thầy giáo trong việc truyền dạy tri thức, cách sống ban đầu cho học trò. Câu tục ngữ dùng lối nói ngoa dụ (nói quá) để khẳng định tất cả sự thành công trong đời của mỗi học trò bao giờ cũng có một phần công sức của người thầy. Do vậy, nội dung ý nghĩa của câu tục ngữ là đề cao vai trò quyết định của người thầy đối với kết quả học tập của học trò. Đồng thời với nội dung khẳng định này, câu tục ngữ nhắc nhở người ta phải biết kính trọng, ghi nhớ công lao của người thầy giáo đã từng dạy dỗ mình; nhắc nhở chúng ta một trong những con đường thành công trong học tập là tìm thầy mà học. Còn câu Học thầy không tày học bạn lại đề cập tới một khía cạnh khác trong việc học tập: học bạn. Câu tục ngữ này có hai vế đặt trong mối quan hệ so sánh. Mới đọc tưởng chừng như nó mâu thuẫn với câu Không thầy đố mày làm nên, nhưng ngẫm kĩ thì không phải vậy. Trái lại, hai câu tục ngữ bổ sung cho nhau tạo thành một phương pháp học tập rất hiệu quả: vừa học thầy vừa học bạn. Trong mối tương quan so sánh học thầy và học bạn thì câu tục ngữ khẳng định học bạn là hơn học thầy. Học bạn rất quan trọng bởi bạn là người gần gũi ta, ta có thể học hỏi nhiều điều của bạn ở mọi nơi, mọi lúc; ta có thể tự nhìn bạn để trau dồi, hoàn thiện mình hơn.

Câu 7

Thương người như thể thương thân.

Câu tục ngữ có cấu tạo hai vế tương đồng, ngang bằng nhau theo công thức [A như B]. Điều thần tình ở đây tác giả dân gian đã đặt hai chữ “thương người” trước hai chữ “thương thân”. Cách sắp đặt này nhằm thực hiện dụng ý lấy việc thương bản thân mình làm chuẩn cho việc thương người, đưa việc thương người ra làm mục tiêu cần hướng tới để nhắc nhở ta phải lấy bản thân mình để soi vào người khác, coi người khác như là bản thân mình, để mà quý trọng, thương yêu. Việc đặt hai tiếng “thương người” lên trước cũng là cách để nhấn mạnh tới đối tượng cần phải đồng cảm, thương yêu. Câu tục ngữ đã thể hiện được truyền thống “Lá lành đùm lá rách” của dân tộc. Đây là một triết lí về cách sống, cách ứng xử giữa người với người trong xã hội. Câu tục ngữ biểu hiện rất cao của lòng nhân ái, là kết tinh của truyền thống nhân văn.

Câu 8

Ăn quả nhớ kẻ trồng cây

Câu tục ngữ này có hai lớp nghĩa. Nghĩa đen là khi được ăn một quả ngon, trái ngọt thì cần phải nhớ tới người đã có công trồng cây để cây sinh quả cho ta ăn. Qua lớp nghĩa đen, tác giả dân gian muốn nói với ta một điều lớn hơn việc biết ơn người trồng cây cho ta hưởng trái cây ngon ngọt. Khi được hưởng bất kì một thành quả nào ta đều phải ghi nhớ công ơn người đã bỏ công sức làm nên thành quả đó. Đây chính là nghĩa bóng của câu tục ngữ, nó có thể được vận dụng trong nhiều hoàn cảnh khác nhau nhờ khả năng mở rộng nghĩa trong việc ứng dụng vào thực tế. Chẳng hạn, như trong quan hệ gia đình, giữa cha mẹ với con cái thì câu tục ngữ là lời khuyên nhủ con cái phải biết ghi nhớ công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ; trong quan hệ thầy trò thì câu tục ngữ nhắc nhở học sinh phải ghi nhớ công ơn dạy dỗ của thầy, cô giáo; được hưởng cuộc sống của người dân một nước độc lập, ấm no, hạnh phúc. Câu tục ngữ nhắc nhở chúng ta phải biết công ơn các liệt sĩ, thương binh,… đã quên mình chiến đấu hi sinh để giải phóng dân tộc.

Câu 9.

Một cây làm chẳng nên non
Ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Tác giả dân gian đã tạo nghĩa câu tục ngữ bằng cách để hình ảnh của “cây” và “núi” trong thế đối lập nhau: một (ít) và ba (nhiều), “chẳng nên non” và “nên hòn núi cao”. Cách tạo nghĩa này gợi lên lớp nghĩa thứ nhất: một cây (ít) sẽ không tạo nên núi nhưng ba cây (nhiều) thì sẽ tạo thành quả núi cao, đây là nghĩa đen. Từ lớp nghĩa này người ta suy ra “cây” và “núi” là biểu thị mối quan hệ giữa con người và công việc. Núi là việc khó khăn hay việc to lớn. Một người sẽ không thể làm được việc khó khăn hay việc to lớn nhưng nhiều người “chụm lại” (cùng chung sức) thì sẽ làm được tất cả những việc dù khó khăn hay to lớn, đây chính là lớp nghĩa thứ hai – nghĩa bóng. Như vậy, câu tục ngữ đã dùng lối nói ẩn dụ để khẳng định, khuyên nhủ chúng ta về sức mạnh của tinh thần đoàn kết. Nếu có tinh thần đoàn kết thì ta có thể làm được mọi việc, dù là việc lớn hay việc khó.

Leave a comment