10 mẫu mở bài truyện ngắn bên quê của Nguyễn Minh Châu

0

Bến quê là một trong số những tác phẩm xuất sắc của nhà văn Nguyễn Minh Châu. Để có thể làm tốt các bài văn cảm nhận và phân tích thì chắc hẳn điều đầu tiên tạo dấu ấn cho người đọc chính là mở bài đúng không nào. ở bài viết này chúng tôi sẽ gửi đến các bạn một số mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê của nhà văn Nguyễn Minh Châu hay nhất, dành cho chương trình bồi dưỡng học sinh giỏi và đề hsg văn lớp 9 nâng cao. Nội dung chi tiết của bài mời các em xem ở bên dưới nhé.

Mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê số 1

Nguyễn Minh Châu là “người mở đường tinh anh” và tài năng của nền văn học hiện đại, sau chiến tranh, nhà văn là ngòi bút tiên phong trong việc khám phá, tìm hiểu những khía cạnh đa dạng, đa chiều của cuộc sống thời hậu chiến. Bến quê là truyện ngắn xuất sắc, tiêu biểu cho phong cách và quan niệm sáng tác của Nguyễn Minh Châu giai đoạn sau đổi mới. Truyện kể về cuộc sống và bi kịch tinh thần của nhân vật Nhĩ trong những ngày nằm trên giường bệnh, qua đó nhà văn đã gửi gắm những suy nghĩ, những triết lí sâu sắc về cuộc đời và con người, thức tỉnh con người trong việc nhận thức và trân trọng những vẻ đẹp bình dị trong cuộc sống xung quanh, đó là gia đình, quê hương.

Mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê số 2

Khi đánh giá về vai trò và tài năng của Nguyễn Minh Châu trong nền văn học Việt Nam, nhà văn Nguyễn Khải từng khẳng định ” Nguyễn Minh Châu là người kế tục xuất sắc, là một trong những bậc thầy của nền văn xuôi Việt Nam và cũng là người mở đường rực rỡ cho những cây bút trẻ tài năng sau này”, quả thực vậy, theo dõi những sáng tác của Nguyễn Minh Châu ta thấy được cả thế giới nghệ thuật đồ sộ mà trong đó không chỉ có tinh thần dân tộc, chủ nghĩa anh hùng cách mạng được kế tục từ thế hệ nhà văn đi trước mà còn có những màu sắc hoàn toàn mới mẻ của những cách tân nghệ thuật giai đoạn sau đổi mới. Một trong những tác phẩm nổi bật, chứa đựng những cách tân nghệ thuật mới mẻ của Nguyễn Minh Châu sau năm 1975 là truyện ngắn Bến quê, từ câu chuyện về nhân vật Nhĩ, nhà văn đã mở rộng phạm vi phản ánh, chiêm nghiệm đến những vấn đề mang ý nghĩa nhân sinh, đó là nhận thức, thái độ của con người với những vẻ đẹp, giá trị xung quanh.

Mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê số 3

Truyện ngắn Bến quê được sáng tác trong những năm cuối đời của nhà văn Nguyễn Minh Châu, bởi vậy mà truyện không chỉ đơn thuần dựng lên một thế giới nghệ thuật mà còn chứa đựng rất nhiều triết lí nhân sinh về cuộc đời và con người. Qua những dòng suy nghĩ, trăn trở, đau đớn của nhân vật Nhĩ khi nằm trên giường bệnh, nhà văn Nguyễn Minh Châu đã khéo léo gửi gắm vào đó những bài học sâu sắc về tình yêu, về lẽ sống ở đời. Hạnh phúc không chỉ ở nơi chân trời mới, nơi có những ước mơ, hoài bão mà nó còn là những gì bình dị, gần gũi nhất trong cuộc sống, vì vậy mỗi cần cần có tấm lòng gắn bó, thái độ nâng niu, trân trọng đối với những vẻ đẹp bình dị của cuộc sống, của quê hương.

Mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê số 4

Nguyễn Minh Châu là một trong những cây bút xuất sắc nhất của nền văn học Việt Nam hiện đại, nếu trước đổi mới Nguyễn Minh Châu kì công “đi tìm những hạt ngọc ẩn giấu trong bề sâu tâm hồn của con người” thì sau đổi mới, ngòi bút của nhà văn lại hướng đến bề sâu, những góc khuất của cuộc sống con người thời hậu chiến để phát hiện và phản ánh bản chất với tất cả đa diện, phức tạp của cuộc sống ấy. Truyện ngắn “Bến quê” là một trong những tác phẩm kết tinh xuất sắc nhất cho tài năng và phong cách và cả những đổi mới trong quan niệm nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu trong giai đoạn sau đổi mới. Thông qua những nghịch lí, bi kịch trong hoàn cảnh, cuộc sống của nhân vật Nhĩ, nhà văn đã gửi gắm nhiều thông điệp sâu sắc về cuộc sống và con người.

Mẫu mở bài truyện ngắn Bến Quê dành cho học sinh giỏi 1

Nhà thơ Đỗ Trung Quân từng có một định nghĩa bằng thơ rất hay về quê hương:

“Quê hương là chùm khế ngọt

Cho con trèo hái mỗi ngày

Quê hương là đường đi học

Con về rợp bướm vàng bay…”

Thực vậy, trên thế gian này có bao nhiêu con người thì có bấy nhiêu cách định nghĩa khác nhau về quê hương. Nhưng hiểu một cách chung nhất, quê hương là điểm đến của tâm linh, điểm về của mọi xáo trộn tâm hồn và là nơi để ta có thể nương tựa sau những vấp ngã, khó khăn trên đường đời. Bởi đơn giản quê hương chính là nơi lưu giữ những kỉ niệm ngọt ngào và là nơi luôn tồn tại những tấm lòng giàu tình yêu thương, sẵn sàng dang rộng vòng tay để đón chúng ta vào lòng. Cũng nhận ra được điều đó, Nguyễn Minh Châu – một nhà văn luôn có những suy ngẫm, chiêm nghiệm sâu sắc về con người và cuộc đời đã viết lên truyện ngắn “Bến quê” (1985) nhằm thức tỉnh người đọc biết nhận ra và biết trân trọng những vẻ đẹp gần gũi, bình dị, vững bền và quý giá của gia đình, quê hương.

Các mở bài truyện ngắn bến quê ngắn gọn nhất số 1

Nguyễn Minh Châu cây bút tài năng trong làng văn học Việt Nam, ông được mệnh danh là một trong những nhà văn mở đường “tinh anh và tài năng nhất” của Văn học nước ta. Ông trưởng thành trong kháng chiến chống Mĩ, các tác phẩm của ông sáng tác sau 1975 thể hiện những quan niệm mới mẻ về nghệ thuật và nhân sinh. “Bến quê” là một trong những tác phẩm như vậy, tác phẩm được coi là bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu.

Các mở bài truyện ngắn bến quê ngắn gọn nhất số 2

“Bến quê” là truyện ngắn được lấy làm tên chung cho tập truyện của nhà văn quân đội Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989), xuất bản năm 1985. Ở tác phẩm này, ngòi bút của nhà văn hướng vào những sự việc tưởng chừng nhỏ nhặt, tầm thường, để thông qua đó phát hiện ra chiều sâu của đời sống tinh thần với bao nhiêu quy luật và nghịch lí, vượt ra khỏi tầm nhìn, tầm suy nghĩ hạn hẹp trước đây của tác giả nói riêng và mọi người nói chung.

Các mở bài truyện ngắn bến quê ngắn gọn nhất số 3

Không hiểu sao, đã từ lâu, khi đọc “Bến quê”, tôi cứ đinh ninh đây là bản di chúc nghệ thuật của Nguyễn Minh Châu gửi lại cho đời, được ông viết ngay từ hơn bốn năm trước lúc ra đi, và hơn hai năm khi biết mình bị trọng bệnh – bệnh ung thư máu. Trong một dung lượng cho rất kiệm, chỉ khoảng sáu trang sách (“Bến quê” có lẽ thuộc trong số những truyện ngắn hay nhất của Nguyễn Minh Châu), nhà văn đã gửi gắm những chiêm nghiệm sâu sắc, minh triết về cuộc đời con người, chỉ có thể có được khi một người đã đi gần trọn đời mình, nhìn lại và vượt qua mọi ham hố, danh vọng, ảo tưởng, để thấu đạt tới những giá trị đích thực, giản dị và bền vững của cuộc sống.

Các mở bài truyện ngắn bến quê ngắn gọn nhất số 4

Nguyễn Minh Châu là cây bút xuất sắc nhất của văn học Việt Nam trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ. Ông đã để lại cho văn học nước nhà một sự nghiệp thơ văn khá đồ sộ như: “Bức tranh”, “Dấu chân người lính”, “Mảnh trăng cuối rừng”…Đây là thời kỳ nhà văn đang “đi tìm những hạt ngọc ẩn dấu trong bề sâu tâm hồn của con người”, thời kỳ mà con người Việt Nam dường như chỉ sống trong lý tưởng và sống bằng lý tưởng. Nhưng khi đất nước hòa bình, anh đã rất nhạy cảm và nhìn ra được những thay đổi của con người, những cuộc đời trĩu nặng đau thương nhưng nồng nàn khắc khoải với cuộc sống. Đọc “Bến quê” của Nguyễn Minh Châu đã để lại cho người đọc những ấn tượng sâu đậm.

Bến quê là một tác phẩm bình dị nhưng những giá trị nó đam lại cho chúng ta quả là nhiều vô kể, sau 10 mẫu mở bài bến quê, chúng tôi muốn gợi ý cho các bạn một số bài viết tham khảo để các bạn có thể hiểu rõ hơn về truyện ngắn bên quê: Phân tích nhân vật Nhĩ trong truyện ngắn Bến quê, tóm tắt truyện ngắn Bến quê, Phân tích truyện Bến quê, sơ đồ tư duy truyện ngắn bến quê.

Leave a comment