Top 10 Địa điểm du lịch nổi tiếng nhất tại Điện Biên
Contents
Điện Biên là tỉnh miền núi biên giới thuộc vùng Tây Bắc. Đây không còn là cái tên xa lạ với hầu hết mọi người nữa, bởi vùng đất này rất nổi tiếng với những danh lam say đắm lòng người, cảnh vật thiên nhiên thơ mộng khiến bao trái tim thổn thức nếu một lần từng đặt chân đến. Với những bạn chưa có cơ hội tới đây, hãy một lần đến để trải nghiệm! Review.tip.edu.vn sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về những địa điểm du lịch rất nổi tiếng tại đây để các bạn khám phá.
Động Xá Nhè
Di tích danh lam thắng cảnh hang động Xá Nhè thuộc Bản Bằng Dề B, xã Xá Nhè, huyện Tủa Chùa, tỉnh Điện Biên. Nằm cách trung tâm xã Xá Nhè hơn 1km, Hang động Xá Nhè tồn tại cách ngày nay hàng triệu năm ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp và đa dạng sinh học đặc trưng của khu vực Tây Bắc. Vào đầu tháng 3/2014, hang động Xá Nhè đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Động Xá Nhè còn được người dân tộc Mông địa phương gọi là Khó Xo (nghĩa là hang thuốc nổ) vì trước đây ở trong hang có nhiều dơi, người dân địa phương thường lấy phân dơi làm nguyên liệu chế tạo thuốc nổ. Từ những kiến tạo, vận động của tự nhiên qua hàng triệu năm, trong các dãy núi đã hình thành nên hang động. Đến đây du khách có thể khám phá, trải nghiệm hang động với chiều sâu 700m được uốn theo hình vòng cung, cửa hang rộng 5m, cao 17 – 18m, trong hang nơi rộng nhất rộng 20 – 25m, có nhiều ngách, nhiều tầng, với vẻ đẹp riêng, phần lớn nền trong hang động là đất dẻo, lòng hang rộng, cao, trần có nhiều dơi và chim cư trú. Càng vào trong, động càng lộng lẫy bởi những đường nét, hình dáng do thạch nhũ, măng đá tạo nên, tuy đều là những tác phẩm điêu khắc tự nhiên làm từ đá nhưng vẻ đẹp của mỗi khoang động không giống nhau, tạo cho người xem sự thú vị và kích thích trí tò mò, đam mê khám phá.
Hang động chia làm 5 khoang, với các hình thù giống người, loài vật như hình cóc, cá sấu, hàm cá mập, hình rồng… trên trần động những khối nhũ đá rủ xuống lấp lánh với đường nét khi thì mềm mại, uyển chuyển như thác nước, lúc mang dáng vẻ sắc nhọn như san hô biển. Các khối thạch nhũ trong hang như những dòng thác đang tuôn chảy với vô số hạt kết tinh sáng lấp lánh. Dưới nền động là những rừng măng đá, nhũ đá muôn hình muôn vẻ với nhiều hình thù kỳ lạ. Do địa hình núi đá vôi bị chia cắt cùng với các nhũ đá được hình thành do quá trình nước mưa ngấm vào vách núi đá vôi chứa can xi nhỏ xuống, hơi nước bay đi để lại lớp can xi lắng đọng lâu ngày mọc lên những nhũ đá, chông đá, măng đá, trụ đá lấp lánh tinh thể can xi hay còn gọi là tinh thể đá vôi phong hoá đã tạo nên phong cảnh đặc trưng của hang động. Ngoài ra còn có vô số nhũ đá từ trần động rủ xuống thành tầng tầng, lớp lớp, những hình ảnh của ao cá nhỏ, ruộng bậc thang… nền động là hình ảnh ruộng bậc thang xếp tầng tầng, lớp lớp, đặc biệt là tượng bụt ốc màu xám đen xếp lại với nhau thành từng khối nhỏ dầy đặc, nhiều ngăn trong động giống như ô bàn cờ, xung quanh các khối nhũ đá trắng hình chóp xếp lại với nhau như những tòa lâu đài cổ kính…
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé
Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé nằm trên địa phận huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên. Nhìn từ trên cao, phong cảnh núi rừng Mường Nhé giống như một bức tranh rất có hồn: Pha lẫn trong màu xanh của cây rừng, màu vàng rực của hoa cúc quỳ cùng màu vàng đỏ của những đoạn đường đất chưa được trải nhựa, là những nếp nhà sàn, nhà lá với kích cỡ to, nhỏ khác nhau nằm rải rác bên vệ đường, ven suối và xen lẫn trong cả những lùm cây rậm rạp, um tùm; thấp thoáng phía xa xa là những ngọn núi nhấp nhô, lượn sóng, nối tiếp nhau cùng chạy đua dưới ánh nắng mặt trời. Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé có tổng diện tích khoảng 310.262ha, bao gồm: 10 xã biên giới huyện Mường Nhé với sự cư trú của một số dân tộc như Hà Nhì, Khơ Mú, Mông… và gần 118.000 ha đất rừng tự nhiên với độ che phủ 43% – cao nhất tỉnh Điện Biên, trong đó, có rất nhiều cánh rừng nguyên thuỷ như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa đang được bảo tồn nguyên vẹn. Nơi đây còn là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm.
Theo những nghiên cứu khảo sát hiện nay, Khu bảo tồn có khoảng 38 loài động vật quý hiếm như rùa đá, voi, bò tót, gấu chó, hổ, báo, sói đỏ, tê tê, cầy hương, mèo rừng… và một số loài còn được ghi trong sách đỏ Việt Nam. Bên cạnh đó, hệ thực vật rừng ở đây cũng khá đa dạng về chủng loại, có khoảng 308 loài; trong đó, nhiều loài có giá trị đặc biệt về mặt khoa học như chò đãi, dổi xương, chò nước, lát hoa, chò chỉ, pơ mu, trầm hương… Riêng cây lấy gỗ có 112 loài, cây thuốc nam quý hiếm có 68 loài. Với hệ sinh thái rừng phong phú như vậy, khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé được đánh giá là Khu bảo tồn có tính đa dạng sinh học cao và vào loại lớn ở Việt Nam. Trong thời gian tới, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức bảo vệ rừng và bảo tồn đa dạng sinh học cho người dân sống trong vùng đệm. Nếu có cơ hội đến với Điện Biên, bạn không nên bỏ qua địa điểm này nhé!
Động Pa Thơm
Động Pa Thơm thuộc xã Pa Thơm, nằm ở phía Tây huyện Điện Biên, giáp với biên giới Việt – Lào. Nhân dân địa phương gọi động là “Thẩm Nang Lai”. Động được khám phá cách đây khá lâu cùng với những huyền thoại, truyền thuyết đẹp về tình yêu đôi lứa. Ở độ cao trên 1.500m so với mực nước biển, động Pa Thơm được bao bọc giữa khu rừng nguyên sinh rậm rạp, với thảm thực vật và sự đa dạng sinh học phong phú. Để đến được cửa động, du khách phải đi bộ một quãng đường dốc dài hơn 200m mấp mô đá với nhiều loại dây leo. Trên con đường này, du khách được hít thở khí trời trong lành, ngắm cảnh núi non trùng điệp, ngắm những nếp nhà sàn phía xa xa ở lưng chừng núi của người dân tộc thiểu số, nghe tiếng chim hót líu lo, suối chảy róc rách…
Động Pa Thơm nằm ở lưng chừng núi, cửa động hình mái vòm, cao 12m, rộng 17m, mái đá nhô ra 7m. Chính giữa lối vào là một khối đá khổng lồ sừng sững giống như đầu voi đang rũ xuống. Chiều sâu động khoảng hơn 350m chạy theo hướng Nam. Động có 9 vòm lớn nhỏ, chiều ngang có chỗ rộng chừng 20m. Lối vào động giáp cửa hang là ba khối đá lớn chắn ngang nằm uốn lượn như một con trăn khổng lồ ngăn đôi động và tạo thành hai lối vào ra. Ngay từ ngoài cửa hang đã có nhiều nhũ đá mang nhiều hình hài hết sức sống động, nhũ đá óng ánh, màu sắc huyền ảo, lung linh dưới ánh nến. Các vòm động đều cao vút, mỗi vòm tựa như một toà điện nguy nga, lộng lẫy, khối nhũ nhô lên, những măng đá đủ mọi hình tượng mềm mại từ trên mái trần rủ xuống những tua rua óng ánh. Bên vách những khối đá như những dòng thác lớn đang chảy, óng ánh bạc. Bên trong động, du khách như lạc vào một thế giới thần tiên, nơi có những cung điện nguy nga lấp lánh, có tiếng nước chảy tí tách vang lên từ vòm động và từ các nhũ đá… Ngoài ra, động còn được gắn với huyền thoại về một tình yêu đôi lứa, làm cho cảnh quan càng thêm chất thi ca và trở thành địa danh du lịch hấp dẫn của tỉnh Điện Biên.
Đèo Pha Đin
Đèo Pha Đin còn được gọi là Dốc Pha Đin là nơi nối liền biên giới hai tỉnh Sơn La và Điện Biên có độ dài 32km nằm trên quốc lộ 6, một phần thuộc xã Phỏng Lái, huyện Thuận Châu (Sơn La) và một phần thuộc xã Tỏa Tình, huyện Tuần Giáo (Điện Biên). Đèo có điểm cao nhất là 1.648m so với mực nước biển và địa thế rất hiểm trở với một bên là vách núi cheo leo, một bên là vực sâu thăm thẳm, lúc lên dốc lúc xuống dốc. Không chỉ vậy, Pha Đin còn là con đèo có đoạn độ dốc lớn lên đến 19%, con đường đèo ngoằn ngoèo với 8 cung đường cua hết sức nguy hiểm, bán kính đường cong dưới 15m và bên cạnh đó là vô số các khúc cua tay áo, cua chữ A, chữ Z, trong đó có nhiều đoạn chỉ đủ cho một ô tô đi qua. Bởi vậy, nếu bạn muốn chinh phục con đèo này cần phải có một tay lái thật vững và có kinh nghiệm đi đường núi. Dù đèo khá hiểm nguy đến vậy nhưng cũng chẳng ngăn được niềm khát khao chinh phục của các tay phượt thủ bởi vẻ đẹp đầy mê hoặc của Pha Đin.
Nếu quan sát từ xa, cung đường đèo tựa như một sợi dây thừng khổng lồ đang buộc nối những quả núi lại gần với nhau lơ lửng giữa mây trời. Từng khúc quanh co, ngoằn ngoèo, khúc khuỷu lên xuống đầy ngoạn mục, tất cả đều góp phần tạo nên vẻ đẹp riêng biệt cho ngọn đèo Pha Đin. Dưới chân đèo là những bản làng lác đác, còn trên lưng chừng đèo Pha Đin thường mịt mờ mây phủ. Đứng trên dốc đèo phía tỉnh Điện Biên nhìn xuống du khách sẽ được chiêm ngưỡng bao quát sự mênh mông của thung lũng Mường Quài trải rộng với ngút ngàn màu xanh của đồi núi, thấp thoáng những làng bản đầu tiên của huyện Tuần Giáo. Nhìn từ trên cao xuống, trước tầm mắt là cả một đoạn đèo hiện ra nổi bật trên màu xanh mướt, thi thoảng những làng bản nhỏ ẩn hiện thấp thoáng trong mây sương quá đỗi yên bình, thơ mộng, làm tiêu tan bao nhiêu mệt mỏi của lữ khách đường xa. Đèo Pha Đin ấn tượng bởi vị trí của nó rất hiểm trở và chênh vênh, một bên là vách núi và một bên là vực sâu hun hút. Cũng chính vì vậy mà đèo Pha Đin là một trong 4 con đèo được mệnh danh là “tứ đại đỉnh đèo” của vùng Tây Bắc, bên cạnh đèo Ô Quy Hồ, Khau Phạ, Mã Pì Lèng.
Cánh Đồng Mường Thanh
Tây Bắc không chỉ có ruộng bậc thang mà nơi đây còn nổi tiếng với 4 cánh đồng lúa lớn. Đứng đầu danh sách là cánh đồng Mường Thanh với diện tích hơn 140 km2. Từ lâu, câu truyền khẩu “Nhất Thanh, nhì Lò, tam Than, tứ Tấc” đã ăn sâu trong tiềm thức của mỗi người dân Tây Bắc với ngụ ý xếp hạng các cánh đồng. So với cánh đồng Mường Lò, Yên Bái; cánh đồng Mường Than, Lai Châu, cánh đồng Mường Tấc, Sơn La, cánh đồng Mường Thanh, Điện Biên được đánh giá là rộng lớn nhất. Nằm trên độ cao hơn 400 m so với mặt nước biển, cánh đồng Mường Thanh trải dài hơn 20 km với chiều rộng trung bình 6 km. Ngày trước, lên Điện Biên khá khó khăn, vất vả bởi đường dốc ngoằn ngoèo, đèo cao hiểm trở, dù có nhiều con đường dẫn đến nơi đây. Trong đó, đèo Pha Đin – một trong tứ đại đỉnh đèo thực sự là một thử thách cam go không dễ vượt qua. Tuy nhiên, ngày nay với việc mở đường bay Hà Nội – Điện Biên, việc di chuyển trở nên dễ dàng và cơ hội khám phá cánh đồng lớn nhất Tây Bắc mở ra trước mắt.
Từ trên cao nhìn xuống, cánh đồng Mường Thanh chạy dọc theo bờ sông Nậm Rốm xòe ra như cánh hoa ban ôm lấy các di tích lịch sử của trận chiến ngày nào. Dù đi bằng cách nào thì khi đến với Mường Thanh vào thời gian này, bạn sẽ không khỏi ngỡ ngàng vì phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp cùng vẻ trù phú khi nơi đây rực lên một màu vàng bát ngát. Nằm giữa lòng chảo Điện Biên, cánh đồng Mường Thanh được ví như một “cái kho” khổng lồ chứa đầy ngô lúa. Từ cuối tháng 9, lúa mùa khu vực lòng chảo Mường Thanh bắt đầu chín rộ, khiến du khách ghé thăm ngỡ như đi giữa mùa vàng. Một cảm giác thân thuộc của cánh đồng quê Bắc Bộ trải dài ngút mắt, nhưng vẻ đẹp kiêu hùng của cánh đồng lúa bốn bề núi bọc cũng chẳng hề xen lẫn. Không chỉ nổi tiếng về diện tích mênh mông, với điều kiện thâm canh thuận lợi, cánh đồng Mường Thanh còn mang đến cho đời những hạt ngọc thơm ngon đặc biệt với thương hiệu gạo Điện Biên nổi tiếng. Hạt gạo nhỏ, có hương thơm tự nhiên, khi nấu cơm trắng, dẻo ngọt và có vị đậm đà. Hạt gạo từ cánh đồng Mường Thanh đã mang đến vẻ đẹp trù phú cho vùng đất Điện Biên vốn vang danh với những chiến công hiển hách.
Vườn Anh Đào Mường Phăng
Nằm ở cao hơn 1.000m so với mực nước biển, đảo hoa Mường Phăng sở hữu nhiều giống hoa anh đào nổi tiếng của đất nước Nhật Bản xinh đẹp. Vào mùa hoa nở, hàng trăm cây trổ bông rực rỡ, hoa nở rộ từ tháng 1 Dương lịch. Những cánh hoa mảnh mai, màu hồng động lung minh trước gió như kéo cả mùa xuân về. Hoa nở thành chùm đẹp khiến du khách say đắm mãi không thôi. Đứng dưới các gốc đào khẳng khiu, xung quanh là một màu hồng thắm của cánh hòa đào. Du khách có thể chụp hình, check-in tại vườn anh đào Mường Phăng để lưu lại những khoảnh khắc ngọt ngào và lãng mạn này. Giữa bốn về sóng nước, những bông hoa đào thi nhau nở rực giữa đại ngàn Tây Bắc tạo nên bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp. Ngoài những chùm hoa thi nhau khoe sắc, mỗi khi có gió nhẹ thổi hoa, cánh hoa hồng mỏng manh lại rung rinh trước gió, thi thoảng những cánh hoa “nghịch ngợm” rơi xuống mặt đất tạo nên khung cảnh lãng mạn và tràn đầy sức sống.
Không có một nơi nào trên dải đất hình chữ S, du khách có thể ngắm nhìn vườn hoa đẹp mê hồn như vậy. Mảnh đất Mường Phăng chính là thiên đường cho các loài hoa xứ xở ôn đới, nơi hội tụ đầy đủ các thế mạnh về thổ nhưỡng, khí hậu tốt để tạo ra vườn hoa anh đào đẹp say đắm lòng người.Khi gió nhẹ thổi qua, những cánh hoa sẽ bay bay trong gió, chỉ cần đưa bàn tay lên là có thể hứng trọn những cánh hoa bé nhỏ, mềm mại kia. Lúc ấy, du khách có thể thỏa mái quay phim, chụp ảnh “sống ảo” giữa cảnh đẹp hiếm có này. Kinh nghiệm thăm quan vườn anh đào Mường Phăng là du du khách nên chuẩn bị máy ảnh hoặc điện thoại chụp hình đẹp, đừng quên chuẩn bị trang phục thật đẹp để có những bức hình đẹp nhất. Khi đất trời sang xuân, hoa đào sẽ nở đón mùa xuân lớn, khi ấy, du khách từ khắp nơi trên mọi miền đất nước lại tìm về Mường Phăng, tìm về mảnh đất trù phú để được thả thả hồn phiêu lãng cùng vườn đào thơ mộng. Vườn đào rực rỡ hòa cùng cái se lạnh của đất trời, du khách sẽ lắng nghe được những thanh âm ngọt ngào của cuộc sống, thoải mái và an nhiên.
Khu Du Lịch U Va
Khu du lịch UVa thuộc xã Noọng Luống, huyện Điện Biên, cách trung tâm thành phố Điện Biên Phủ khoảng 15km về phía Tây Nam. UVa có địa thế núi non trùng điệp, tổng diện tích trên 73.000m2 với dòng suối khoáng nóng tự nhiên, nhiệt độ trung bình từ 76 – 84 độ C. Đến tham quan khu du lịch UVa, du khách sẽ được thưởng ngoạn, hoà mình với thiên nhiên hùng vĩ và đắm mình trong dòng nước khoáng nóng mà thiên nhiên ban tặng. Bên cạnh đó, du khách còn được hiểu biết về những giá trị, tinh hoa văn hóa vùng văn hóa cổ của đất Mường Thanh trường tồn hàng ngàn năm lịch sử. Khu du lịch UVa có suối khoáng nóng được thực dân Pháp phát hiện và sử dụng từ những năm 1950. Sau này, nhận thấy hữu ích của dòng suối này, tỉnh Điện Biên đã phối hợp với Công ty Xổ số Kiến thiết của tỉnh xây dựng suối khoáng nóng UVa thành khu vực riêng biệt phục vụ du lịch, nghỉ dưỡng.
Suối khoáng nóng có tên là “UVa” được bắt nguồn từ phiên âm chữ “Ú Vá” của người dân địa phương xã Noọng Luống. Trong đó, Ú được dịch là bà; Vá có nghĩa là cái nôi. Theo truyền thuyết, suối khoáng nóng này chính là một bà tiên nằm trên một cái nôi đẹp. Phong cảnh UVa trên là đồi núi, dưới là sông, suối, hồ. Trước năm 2002, toàn bộ khu vực xã Noọng Luống – nơi có dòng suối khoáng nóng UVa chảy qua là một bãi cỏ. Sau khi khảo sát, tỉnh Điện Biên đã tận dụng nguồn suối nước khoáng thiên nhiên, đưa lên khu vực trên đồi cao. Trên đồi UVa có một huyền thoại về bảy cô tiên. Cứ chiều đến, bảy cô tiên giáng trần xuống hồ tắm và sau đó quay trở lại đồi, rồi cùng vui chơi và dạy cho những người dân tộc Thái biết trồng dâu, nuôi tằm, cấy lúa, dệt vải… Khi đến thăm đồi UVa, khách tham quan còn được nghe kể về một huyền thoại liên quan đến sợi dây Hoa Cát, thể hiện ý tưởng của người dân địa phương sau khi chết mong muốn được lên thiên đàng. Sợi dây Hoa Cát cũng là biểu hiện của việc gắn kết giữa đất với trời.
Suối nước nóng Hua Pe
Cách trung tâm thành phố Điện Biên về phía Tây Bắc 5km, suối khoáng nóng Hua Pe thuộc xã Thanh Luông, huyện Điện Biên. Đường đi tới suối khoáng nóng Hua Pe thật ra không hề khó. Nhưng lại có một hạn chế là địa hình Điện Biên khá khó di chuyển. Những con dốc thẳng đứng, những đoạn đổ đèo giống như một thách thức lớn. Nếu đi bằng xe máy, du khách cần phải có tay lái vững để tránh xảy ra nguy hiểm. Thiên nhiên đã ban tặng cho suối khoáng nóng Hua Pe một nguồn nước vô cùng dồi dào. Đặc biệt, nước suối luôn thường xuyên duy trì ở nhiệt độ 60°C bao gồm nhiều khoáng chất quý giá. Bên cạnh suối khoáng, hồ nước nóng nhân tạo Pe Luông gió thổi quanh năm được hình thành. Nơi đây trở thành khu du lịch sinh thái rất hấp dẫn đối với du khách cả trong và ngoài nước. Hơn thế, suối khoáng Hua Pe chưa khai thác giống như các loại hình du lịch chuyên nghiệp.
Bởi vậy, đây là một địa điểm lý tưởng cho những du khách có nhu cầu nghỉ dưỡng. Tắm nước khoáng nóng là một liệu pháp giúp tăng cường sức khỏe, đặc biệt là các bệnh thuộc hệ cơ khớp, thần kinh. Không chỉ vậy, du khách còn được thư giãn, giải tỏa căng thẳng khi tắm khoáng. Nước suối khoáng Hua Pe có độ an toàn cao, rất tốt cho cơ thể con người. Điều này đã được Viện Y học kiểm nghiệm và đánh giá. Chính vì thế, người dân địa phương còn sử dụng nước suối khoáng này trong sinh hoạt hàng ngày. Ngoài ra, suối khoáng Hua Pe còn chứa đựng rất nhiều điều đặc biệt, ví dụ như có thể uống được. Nước suối nóng mang nhiều dưỡng chất giúp thanh lọc cơ thể, bổ sung các khoáng chất. Dân du lịch thường kháo nhau rằng, suối nước nóng thì có nhiều, nhưng uống được thì chỉ có Hua Pe. Vì vậy khi đi du lịch đến đây, du khách đừng quên thử một ngụm nước suối. Tắm suối khoáng nóng xong, du khách có thể khám phá, tham quan cảnh vật xung quanh. Cảm giác được hòa mình vào trong thiên nhiên yên bình thật tuyệt biết bao!
Bảo tàng chiến thắng Điện Biên Phủ
Bảo tàng Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ tọa lạc tại quốc lộ 279, phố 3, phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên. Được khởi công xây dựng từ tháng 10/2012 trên diện tích 22.000m2 và chính thức mở cửa đón khách vào ngày 5/5/2014 sau 19 tháng thi công, Bảo tàng chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là công trình quy mô, hoành tráng và hiện đại nhất tỉnh Điện Biên hiện nay. Công trình này có ý nghĩa vô cùng quan trọng về lịch sử, văn hóa cũng như kiến trúc và phần nội dung trưng bày, đảm bảo các yêu cầu về chất lượng, kỹ thuật, xứng tầm với chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Nhà bảo tàng được thiết kế dạng hình nón cụt, phần trang trí xung quanh được tạo hình quả trám tượng trưng như tấm lưới ngụy trang của chiếc mũ anh bộ đội, gồm 1 tầng hầm và 1 tầng nổi. Trong đó, tầng hầm là nơi đón tiếp khách tham quan, không gian học tập, tương tác và các dịch vụ vui chơi giải trí. Tầng nổi là không gian trưng bày cố định chuyên đề chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, không gian panorama (toàn cảnh) và bộ phận làm việc.
Phần trưng bày được bố trí ở tầng nổi của Bảo tàng với diện tích trưng bày rộng 1.250m2 với gần 1000 tài liệu, hiện vật (nhiều chất liệu), hình ảnh, bản đồ được đánh giá là một trưng bày hiện đại, được tổ chức khoa học và mỹ thuật với sự hỗ trợ của kỹ thuật và công nghệ tiên tiến. Phần trưng bày này được sắp xếp theo trình tự thời gian, có sự đan xen với lối trưng bày theo bộ sưu tập hiện vật, đã thực sự đáp ứng được cấu trúc chung và yêu cầu nội dung của chiến thắng Điện Biên Phủ. Lộ trình tham quan gồm không gian chung với 5 chủ đề: Sơ lược cuộc kháng chiến chống Thực dân Pháp xâm lược; Chiến dịch Điện Biên Phủ (âm mưu của Thực dân Pháp, chủ trương của ta, diễn biến chiến dịch Điện Biên Phủ); Tác động của chiến thắng Điện Biên Phủ đối với trong nước và thế giới; Sự giúp đỡ của nhân dân thế giới trong chiến dịch Điện Biên Phủ và Tôn vinh. Tại mỗi không gian trưng bày, ngoài tài liệu, hiện vật là phối cảnh không gian bằng các mô hình người, vật, đồ vật, cây cối được làm giả. Có thể kể tới những không gian nổi bật như phối cảnh kéo pháo vào trận địa, vận chuyển lương thực, phá đá mở đường tại phần chủ trương của Đảng ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ.
Chợ phiên vùng cao Tả Sìn Thàng
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là nét văn hoá của đồng bào các dân tộc vùng cao Tủa Chùa. Tại đây, cảnh vật, con người hòa quyện vào nhau như để vẽ nên một bức tranh đa sắc màu, phản ánh chân thực cuộc sống của những con người vốn cần cù, chịu khó quanh năm lam lũ. Chợ phiên Tả Sìn Thàng xã Tả Sìn Thàng, huyện Tủa Chùa cũng lưu giữ những đặc trưng riêng. Không chỉ là nơi gặp gỡ giao lưu, trao đổi hàng hóa của các dân tộc trong vùng, chợ phiên Tả Sìn Thàng còn là điểm hẹn lý tưởng của các chàng trai, cô gái người dân tộc giao duyên. Đã thành thông lệ, cứ 6 ngày một lần, đến ngày chợ họp thì không kể là ai, không kể là kẻ giàu sang hay người nghèo khó, ai nấy đều cố gắng có mặt như một lời hẹn ước. Từ khi trời còn tang tảng sáng, từ khắp các nẻo đường, tiếng sáo, tiếng khèn, tiếng chân ngựa, tiếng đàn môi, tiếng cười nói đã xôn xao, náo nức trên khắp các lối mòn. Nhà nào có điều kiện thì đi xe máy, còn nhà không có điều kiện thì đi bộ đến chợ, bất kể xa hay gần. Những chàng trai, cô gái dân tộc Mông trong những bộ váy áo sắc sỡ bên những gùi hàng, kẻ địu con che ô, người dắt ngựa, hàng hóa đa dạng và phong phú. Tất cả đều đổ dồn về chợ phiên như một điểm hẹn.
Chợ phiên Tả Sìn Thàng là hình ảnh sống động náo nhiệt của núi rừng. Nơi đây vẫn còn lưu giữ được nhiều nét độc đáo truyền thống của đồng bào các dân tộc vùng cao ở Tủa Chùa. Hiện nay, trên địa bàn huyện Tủa Chùa vẫn đang được lưu truyền, lưu giữ cơ bản được nét chính của 2 chợ phiên Tả Sìn Thàng và chợ phiên xã Xá Nhè. Đây là một trong những nét văn hóa rất độc đáo của đồng bào các dân tộc vùng cao, đặc biệt đó là người Mông ở trên Tủa Chùa. Tủa Chùa gồm 4 ngành Mông chính (Mông Đu, Mông Đơ, Mông Lềnh và Mông Sua) nhưng khi về đến chợ thì các nét văn hóa được diễn ra ngoài mục tiêu mua bán còn là hoạt động về văn hóa. Rất dễ để có thể nhận ra, ở chợ phiên Tả Sìn Thàng, người bán người mua tấp nập, nhưng vui vẻ, không hề có sự bon chen hay tranh giành giá cả như hoạt động ở các chợ khác. Tại các phiên chợ luôn hiện lên sự hồn nhiên, mộc mạc, ít mánh khóe toan tính trong thói quen mua bán của những cư dân vùng cao này. Nếu ưng một món đồ nào đó, thường họ xem rất kỹ sau đó mới hỏi giá, nếu giá hơi cao so với túi tiền, họ có thể trả thấp hơn một chút, nhưng nếu chất lượng món đồ làm vừa lòng họ, họ cũng không hề mặc cả. Điều đó có thể coi như là một nét đẹp mà không phải ở đâu cũng có.