Sơ đồ tư duy bài đi bộ ngao du của Ru-Xô
Để làm tốt một bài văn nghị luận hoặc bài văn thuyết minh các em cần tìm đủ luận điểm và luận cứ, ở bài viết này chúng tôi sẽ chia sẻ với các em vẽ sơ đồ tư duy của tác phẩm đi bộ ngao du của nhà văn Ru-Xô qua đó giúp các em có đầy đủ thông tin để có thể viết một bài văn hoàn chỉnh.
Sơ đồ tư duy bài Đi bộ ngao du
Phân tích bài Đi bộ ngao du
Đi bộ ngao du như một thiên phiếm luận, dưới hình thức “nói chơi”. Thiên phiếm luận ấy đặt trong khuôn khổ một cuốn tiểu thuyết nên có nét đặc thù. Tác dụng của nó không ngoài mục đích làm cho nhân vật có được một chút thư giãn, thảnh thơi cả đầu óc và tâm hồn. Tuy chỉ là nói chơi mà không vô bổ. Đoạn văn chứng minh cho lợi ích của việc đi bộ.
Ở vào thời điểm của thế kỉ XVIII, đây là một phát hiện bất ngờ. Cách đi (đi bộ) của người chân đất, cách đi hành xác nhọc nhằn lại trở thành một thú chơi hơn hẳn các phương tiện của văn minh (đi ngựa) hay bất cứ của các thành tựu khoa học nào (ôtô, tàu hoả, tàu thuỷ,…). Câu hỏi ở đây là cách nhà văn nói thật hay nói chơi, với người đọc cứ lởn vởn trong đầu. Cần tìm ra đáp số, phải theo dõi bài văn. Bài văn ấy lại như một cuộc đàm đạo, nghĩa là đối thoại với người nghe một cách từ tốn, hồn nhiên, không có gì nặng nề, áp đật.
Mở đầu là một phát hiện bất ngờ và khái quát, rồi sau đó là những luận điểm chứng minh, mà chứng minh ấy lại nằm trong một hệ thống nói chơi nửa thực nửa đùa. Chính từ giọng điệu ấy đã tạo ra sức thuyết phục độc đáo không tìm thấy ở một tác phẩm nào trong thứ văn chương được gọi là nghiêm túc cả. Thì không đúng như thế hay sao?
Thứ nhất: đi bộ ngao du là cách mà con người được giải phóng, được tự do. Từ một khái niệm về phương diện thông thường của vật chất, của sinh hoạt hằng ngày mà người viết đã nâng lên một cái đích cao siêu của tinh thần, tư tưởng. Nó là một tiếng reo thú vị biết bao! Nhà văn giống như người tìm ra một chân lý bất ngờ mà không mấy ai quan tâm, để ý. Một chữ “ta” chủ thể, chủ thể của ý thích, chủ thể của hành động, chủ thể của bản thân mình, chẳng phụ thuộc vào ai. Đoạn văn diễn tả được cái hứng khởi tràn đầy trong bối cảnh tự do khi con người được “cởi trói” khỏi những ràng buộc với xung quanh. “Cái tôi” của nhà văn lúc này là cả một thế giới tự do, nó được tháo cũi sổ lồng. Này nhé: về ý thích, ta “ưa”, ta muốn “nhiều ít thế nào thì tuỳ về hành động cũng tha hồ như thế. Nào “Ta quay sang phải, sang trái, ta xem xét tất cả những gì thấy hay hay, ta dừng lại ở tất cả mọi khía cạnh”. Câu văn, rồi cả đoạn vãn say người chính là ở tư thế tự do mà con người ta có được. Nó là nhận thức, nó cũng bay lượn như một nỗi niềm lần đầu được chắp cánh bởi tự do. Cái duy nhất lúc này mà người viết phụ thuộc là chính bản thân, một bản thân không gì còn vướng cản để tha hồ “hưởng thụ tất cả sự tự do mà con người có thể hưởng thụ”.
Cách lập luận của đoạn văn vừa là song hành vừa là móc xích. Song hành trong cách bộc lộ một chủ thể tự do, móc xích dưới hình thức câu hỏi và tự mình giải đáp. Vừa trần thuật giả định trong một câu chưa trọn ý “Nếu tôi mệt…” đã lập tức có một “cái tôi” khác trả lời – trong quan hệ hô, ứng vang lên : “Nhưng Ê-min có mệt gì lắm đâu; em to khoẻ; và sao em có thể mệt được cơ chứ?” Sự phân thân tách mình ra làm hai con người khác kết hợp với sự hội nhập (hỏi và đáp cũng chỉ là con người ấy) đã làm nên sắc thái đa dạng, sinh động của lời văn, không rơi vào tình thế phát ngôn một chiều, đơn điệu. Nó hấp dẫn được người đọc, người nghe. Nó như một tiếng reo thầm khi nhu cầu cần giãi bày, chia sẻ.
Đi bộ ngao du là cách mà con người trau dồi được tri thức một cách hồn nhiên ngoài trường lớp, ngoài sách vở thông thường. Thiên nhiên – qua cách đi bộ ngao du mà người ta tiếp cận – là một trường học lớn. Đó là cả một kho tàng. Những kiến thức về nông nghiệp, về tự nhiên như những ngọn gió ùa vào qua cái cửa sổ trí tuệ mà con người khao khát. Cách học hỏi bằng cách gần gũi với thiên nhiên, hòa mình với thiên nhiên này khác xa, khác hẳn với cách học giáo điều, hình thức. Thiên nhiên sống động, thiên nhiên toàn cảnh hoàn toàn không giống với những mô hình tượng trưng trong các phòng sưu lập của “các ngài tự nhiên học” đã đành, nó một trời một vực cả với các phòng sưu tập của những quý ngài, những đấng bậc quyền uy vào hàng vua chúa. Bởi cái mà họ có tưởng là đủ nhưng chỉ là một nửa của sự thật mà thôi. Còn sự thật của thiên nhiên hùng vĩ phải có linh hồn của nó, nghĩa là nơi “mọi vật đều ở đúng chỗ” như Trái Đất đã an bài tạo nên một tổng thể hài hoà và sinh động, một sự sắp xếp mà không một nhà khoa học tài giỏi nào có thể sắp xếp tốt hơn.
Đi bộ ngao du là cách tốt nhất để tăng cường sức khỏe. Cách trình bày luận điểm này độc đáo ở chỗ: tác giả đặt nó trong ý nghĩa kép của cuộc đi bộ ngao du. Việc tăng cường sức khỏe, do cách đặt vấn đề ấy như một tác dụng phụ, tác dụng bổ sung, một công đôi việc. Câu văn vừa như một chuyển ý vừa như nêu vấn đề: “Biết bao hứng thú khác nhau tạ tập hợp được nhờ cách ngao du thú vị ấy, không kể sức khoẻ được tăng cường, tính tình trở nên vui vẻ”. Câu văn tươi tắn như trạng thái cải lão hoàn đồng. Nhờ đi bộ ngao du mà con người vốn già đi, nay trẻ lại cùng gương mặt tươi cười đến mức chính người trong cuộc không còn nhận ra mình nữa. Đi bộ ngao du là một liều thuốc bổ, một loại tiên dược thần kì mà nào có tốn kém gì đâu ?
Trong việc trình bày luận điểm thứ ba này, nhà văn không tự thể nghiệm mình trong các cuộc đi bộ ngao du mà đứng ở một góc nhìn khách quan, quan sát. Người viết so sánh hai hình thức ngao du: đi xe và đi bộ. Trong thời đại khoa học văn minh, tất nhiên đi xe tốt hơn đi bộ vì nó nhanh hơn, đỡ vất vả hơn. Nhưng rốt cuộc cái giá của thành tựu khoa học kĩ thuật vãn minh cũng chỉ có thế. Còn đi bộ (trong trường hợp ngao du, nghĩa là không cần tốc độ) thì có ích cho tính tình, cơ thể hơn nhiều. Đây là hai thái cực trái ngược nhau : “Tôi thường thấy những kẻ ngồi trong các cỗ xe tốt chạy rất êm nhưng mơ màng, buồn bã, cáu kỉnh hoặc đau khổ; còn những người đi bộ lại luôn luôn vui vẻ, khoan khoái và hài lòng với tất cả”. Hai trạng thái ấy là sự vận động hay không vận động tạo ra, không có gì là lạ lùng khó hiểu cả. Nếu sức thuyết phục của đoạn văn ở góc độ quan sát nói trên được dễ dàng thừa nhận thì đoạn viết tiếp theo bằng một giọng điệu hân hoan, dù là chủ quan, nó cũng có rất nhiều khả năng được chia sẻ, đồng cảm.
Những câu văn ngắn giống như những bước chân đi bộ, bước nọ nối tiếp bước kia thật thanh thản, cởi mở, tươi cười: “Ta hân hoan biết bao khi về gần đến nhà ! Một bữa cơm đạm bạc mà sao có vẻ ngon lành thế ! Ta thích thú biết bao khi lại ngồi vào bàn ăn ! Ta ngủ ngon giấc biết bao trong một cái giường tồi tàn”. Điều kiện ăn ngủ tuy thật đơn sơ, thậm chí còn thiếu thốn của đời sống vật chất bình thường không ngăn cản được những khoan khoái tự thân, ở cơ thể và tâm hồn mà cuộc đi bộ ngao du đem lại. Cuộc đời ta được nối tiếp nhau bằng những cuộc đi bộ ngao du như thế chắc sẽ trẻ mãi không già.
Bài văn khép lại bằng một ý tưởng khiêm nhường tránh cho nó biến thành giọng điệu khoa trương, ồn ào, quảng cáo. Đi bộ ngao du chỉ có giới hạn ở mục đích có chừng mực của nó mà thôi. Không thể tung hô nó trong tất cả các loại hành trình: “Khi ta chỉ muốn đến một nơi nào, ta có thể phóng bằng xe ngựa trạm; nhưng khi ta muốn ngao du, thì cần phải đi bộ”. Kết như thế là khéo, là rất thiết thực, vừa tầm. Kết quả của cuộc đi bộ ngao du được xác định không kém và không hơn như thế.
Thông qua một bài văn được viết theo lối văn nhật dụng đời thường, ta thấy hiện ra một con người có văn hoá. Ây là một Ru-xô giản dị, quý trọng tự do và yêu mến thiên nhiên. Nhưng khi gắn bài văn vào hoàn cảnh đời tư của tác giả không nên chỉ nhấn mạnh một chiểu, chẳng hạn, khi còn thơ ấu, ông thường bị chủ xưởng chửi mắng đánh đập,… nên khao khát tự do, hoặc cũng từ nhỏ vì không được học hành nên ông khao khát kiến thức. Nếu theo cái đà lập luận đó thì ông thích tăng cường thể lực vì từ bé đã bệnh tật, ốm yếu hay sao?