Review sách Trò Chuyện Với Ác Quỷ
Trò Chuyện Với Ác Quỷ
Tác giả: Mitsuro Sato
Review sách:
Nếu bạn là một người vẫn luôn giữ cho mình những niềm tin về “lẽ phải” mà chưa bao giờ nghi ngờ về nó, Trò chuyện với ác quỷ chính là cuốn sách dành cho bạn. Cuốn sách chứa đựng rất nhiều ý tưởng mới lạ, nhưng trong bài viết này mình muốn bàn luận về những “lẽ phải” mà chúng ta vẫn luôn ấp ủ trong lòng.
Các vấn đề cuốn này đưa ra vẫn là những thứ con người thường xuyên thắc mắc, thường xuyên gặp phải như: Chuyện thất bại trong công việc, chuyện cảm thấy bản thân không giỏi giang, chuyện bực bội thất vọng về những mối quan hệ xung quanh, chuyện không tìm thấy ý nghĩa cuộc sống, những nỗi sợ trong mỗi người như sợ mất người thân, mất tiền bạc địa vị……nhưng cách giải quyết các vấn đề đó thì cuốn này sẽ mở mang tầm mắt cho bạn.
Chúng ta luôn nhìn nhận mọi thứ theo một phía từ chính mình, từ những điều được học, từ những thói quen… nhưng không biết rằng, nếu nhìn ở một góc độ khác mọi chuyện lại thay đổi 100% như thế.
Lẽ phải, những “sự thật” mà bạn vẫn luôn được cha mẹ hay nhà trường dạy, rằng làm điều này là tốt, điều kia là xấu; việc này là đúng đắn, việc kia là sai trái. Chắc hẳn cũng có một số người – giống như mình – chưa bao giờ tự đặt ra nghi vấn cho những điều này. Mình không phủ nhận vai trò của giáo dục từ gia đình và nhà trường, chỉ là mình bỗng nhiên nhận ra có vẻ như chúng ta đang tiếp nhận những gì được dạy một cách hơi mù quáng mà không mảy may nghi ngờ.
“Cái gọi là lẽ phải cũng chỉ được quyết định bởi số đông thôi” là điều mà mình học được từ “quý ngài ác quỷ”. Mình từng đọc được ở đâu đó rằng “con người chúng ta là “con người xã hội” theo nghĩa con người sẽ không thể nào tách rời môi trường xã hội mà họ thuộc về. Xã hội với những đặc tính riêng cấu thành nên nó sẽ kiến tạo nên con người và nhận thức của con người về thế giới. Không một ai trong chúng ta thoát khỏi con người xã hội và do đó nhận thức của con người cũng chính là “nhận thức mang tính xã hội”. Mỗi sự vật, sự việc dưới góc nhìn của con người đều là sự kiến tạo xã hội theo nghĩa con người tạo dựng nên ý nghĩa cho nó.”
Chúng ta là con người của xã hội và thế giới quan của ta ban đầu được tạo dựng bởi môi trường xung quanh ta. Đó chưa hẳn đã là một điều xấu, nhưng đã bao giờ bạn thử một lần thắc mắc về những điều mà bản thân vẫn luôn coi trọng và tin tưởng, liệu bao nhiêu phần trăm trong đó là “sự thật” chưa?
Đọc cuốn Trò chuyện với ác quỷ, nhiều khả năng thế giới của bạn sẽ không bao giờ có thể trở lại như nó đã từng trước kia. Nhưng cá nhân mình thấy đó là một điều tốt, mở rộng thế giới quan và học cách sống sót tốt hơn vẫn tốt hơn nhiều so với việc bảo bọc bản thân trong một thế giới đẹp đẽ mà chúng ta tưởng tượng ra (hoặc ít ra là đối với cá nhân mình – để có một cuộc sống nhiều màu sắc và có nhiều trải nghiệm hơn).
Đoạn trích hay:
Ác quỷ: Tại sao con người sợ hãi cái chết
Vì các người đang cho rằng bản thân sở hữu thân xác này. Vì nghĩ rằng mình “đang sở hữu” nên sinh ra nỗi sợ hãi đối với việc “mất đi”.
Tại sao lại khóc vì thất tình?
Vì ngươi vẫn luôn lầm tưởng rằng “người yêu” là vật sở hữu của mình. Thế nhưng, ngay từ đầu giữa “người yêu” và “ngươi” không hề tồn tại mối quan hệ nào mang tính sở hữu cả.
Càng sở hữu nhiều, con người càng trở nên bất an. Những đứa trẻ có thể cười một cách không ưu phiền vì chúng chẳng sở hữu bất cứ cái gì. Nói chính xác hơn, là vì chúng chưa có “ảo tưởng rằng mình sở hữu thứ gì”.
“Cái gọi là lẽ phải, cũng chỉ được quyết định bởi số đông thôi.”
“Những người được sinh ra trong cơ thể trần truồng tại sao lại quá quan trọng chiếc áo khoác lông?”