Review sách Dấu Chân Trên Cát

0

Dấu Chân Trên Cát
Tác giả: Nguyên Phong

Review sách:
“Dấu chân trên cát” là một cuốn sách hư cấu, không dựa trên sự thật cũng như không kể về cuộc đời của tác giả, tuy nhiên khi một lần đến Hy Lạp và được người dân ở đó kể về một giai thoại về nhân vật Sinuhe, Sinuhe được những người dân trong đó đồn đại và kể rằng người này là thầy của những triết gia vĩ đại nhất của Hy Lạp.

Những triết gia đó là Socrates, Plato, Aristole, Pythagore, Thales, Solo, v.v… họ đều là những triết gia vĩ đại tạo ra nền móng triết học hiện đại ngày nay. Chính vì vậy nên tác giả rất tò mò về cuộc đời của người tên là Sinuhe này, tác giả đã tìm tới những người bô lão, những người già để mà nghe họ kể lại những câu chuyện trong dân gian cũng như sử dụng những di khảo cổ, thông tin từ cổ vật sau đó lần lại trong quá khứ và viết nên cuốn sách này.

“Dấu Chân Trên Cát” cho chúng ta cái nhìn sâu sắc hơn vấn đề nhân sinh, thấu hiểu phần nào tư duy của một bậc minh quân, về quan điểm giáo dục mà vẫn còn giá trị đến hôm nay, cả về tình yêu hay lòng thù hận, sự tranh đoạt, háo sát của một bộ phận và cái nhìn của những người tư duy đi trước thời đại cũng như bi kịch mà thứ tầm nhìn đó mang đến với họ.

Tuy là một cuốn sách về lịch sử nhưng đây lại là một cuốn sách rất hấp dẫn, lôi cuốn, có kịch tính và còn truyền cảm hứng nữa, tại vì nó là một cuộc đời xuyên suốt từ lúc nhỏ cho đến lúc trưởng thành, những thành công thất bại trong cuộc sống, cuối cùng đi tới Hy Lạp xây dựng nên một ngôi trường tạo ra những triết gia vĩ đại nhất trên thế giới.

1. SINUHE – VỊ Y SĨ CÔ ĐỘC VÀ CÂU CHUYÊN ĐỜI DÀI NHƯ DÒNG SÔNG NILE.

Sinuhe- một nhân vật bí ẩn trong lịch sử của Hy Lạp. Ông là người mang văn minh Ai Cập đến cho Hy Lạp mà sau này Hy Lạp trở nên nổi danh với các triết gia như Socrates, Plato hay Aristote…
Truyện được kể ngôi thứ nhất với lời nhân vật Sinuhe. Ông mồ côi từ nhỏ được mang về nuôi dạy bởi cặp vợ chồng y sĩ. Cha nuôi ông là một y sĩ phụng sự cho người nghèo. Sau này ông cũng lấy đó làm gương mà nối nghiệp cha mình.
Nhưng đời nhiều va vấp, trong một lần đi săn sư tử với người bạn thân ( đúng hơn là người bạn thân ấy có ý định tự tử và lôi kéo Sinuhe đi cùng) ông đã có “duyên” cứu sống vị Pharaoh “lập dị” Akhenaten đang tọa thiền ngoài sa mạc.
Ông được Akhenaten để mắt đến và tin dùng. Vị vua Pharaoh anh minh ấy đã hướng cho ông một con đường thể nghiệm tâm linh để gởi gắm một sứ mạng cao cả. Nhưng Sinuhe đã bị mê đắm bởi sắc đẹp của một kỉ nữ thành Babylon đến nỗi đời ông tiêu tán, bố mẹ nuôi phải chết vì sự nông nổi của ông.
Sau cùng, với việc học tập tinh tiến và được thỉnh giáo thêm ” khoa học của sự chết”. Sinuhe tự ông nhìn lại đời mình, những thứ đam mê, danh vọng hay dục vọng có chăng còn mãi? Điều đó cứ nhắc gợi tôi về quy luật vô thường ( impermanent) trong nhà Phật.
Sinuhe nhận ra bản thân ông trước giờ là một thầy thuốc chữa bệnh cho người sống, cho vết thương của thân thể nhưng ông không ngờ rằng “bên kia cửa tử” còn có những sinh linh cũng cần được chữa trị. Thậm chí cái tinh thần người sống cũng cần được chữa chạy. Liều thuốc tinh thần bị bỏ quên, con người ta chú trọng đến vấn đề vật chất, danh lợi và sắc dục mà cứ hễ có vấn đề là dẫn đến chém giết, chiến tranh. Tinh thần tự tôn dân tộc “cực đoan” để lên hàng đầu và dẫn đến mối dây nhợ của hủy diệt.

Tinh thần ấy là thứ tinh thần bệnh hoạn. Chỉ có giáo dục là cách tốt nhất, là liều thuốc để chữa bệnh tinh thần hữu hiệu lúc bấy giờ. Nhưng khó để thay đổi những con người đã in hằn thứ tư tưởng bảo thủ, thậm chí là không thể thay đổi khi “chiến tranh” là thứ sục sôi trong óc, trong từng tế bào cơ thể họ. Như vua Akhenaten nói là phải cần một vùng đất mới để gieo hạt. Hạt giống ấy, sức sống dù mạnh đến đâu nhưng vùng đất đã chết mòn đi sinh khoáng thì gieo xuống khác nào như con ” Giã tràng se cát”.

Cuộc đời Sinuhe bí ẩn, thân thế hoàng tộc cũng bí ẩn nhưng ông không ham đến danh lợi. Đọc Sinuhe, tôi thấy ông giống “phần nào” cái tinh thần Lão – Trang của Trung Hoa.

2. VỊ MINH QUÂN AKHENATEN – TINH THẦN VƯƠNG ĐẠO VÀ TRIẾT LÝ GIÁO DỤC VƯỢT THỜI.

Cá nhân tôi dành cho vị Pharaoh này một sự kính ngưỡng đặc biệt. Từ nhỏ tôi đã xem các tư liệu về Ai Cập cổ, phim hoạt hình về Ai Cập. Đọng trong trí nhớ non nớt ấy là những Pharaoh bạo chúa, những thần chết của nhân dân. Những kẻ nhân danh thiên thượng để chiếm thứ đặc ân đồi bại, nắm quyền sinh sát và tư tưởng BÁ ĐẠO thẳng tay tàn hại.

Những tên bạo chúa vì sợ cái ác tâm đã thấu trời xanh và lòng người. Nên khi sống mới lo đắp lăng mộ thật lớn, dồn kho báu, nô lệ xuống để hòng hưởng thứ “ân phước nhơ bẩn” ở một cõi nào đó sau khi chết. Riêng vị Pharaoh Akhenaten này lại sống một đời sống rất ” phạm hạnh”, không lễ nghi cầu kì, thậm chí còn thẳng thừng bài trừ những kẻ mê tín, những giáo sĩ lợi dụng thần linh để che mờ sự thật, dụng “xảo ngôn” để che lấp chân lí.

Cái tư duy của ông nếu bàn ở đây, thời đại này có lẽ đa số mọi người chấp nhận. Nhưng vào thời đó, người nô lệ bị đè đầu cưỡi cổ không tiếng nói, những quan tướng, giáo sĩ đụng chạm đến quyền lợi của mình sao có thể chấp nhận?

Thương thay! Cái bi kịch của những kẻ tư tưởng đi trước thời đại. Chúa Jesus bị đóng đinh trên thập giá, Socarates bị đầu độc bằng thuốc hay Galileo bị bức bách bởi Giáo hội bấy giờ.

Cái tư tưởng vượt thời đại của vị Pharaoh này phải nhắc đến ở mảng GIÁO DỤC. Phương châm của ông hướng con người ta đến sự ” TỰ BIẾT MÌNH”. Nếu cứ vẩn vơ với hàng vạn câu hỏi về vũ trụ mà quên đi bản thể con người thì chúng ta cũng chỉ mãi hoang tưởng trong mớ câu hỏi vô nghĩa.

Giáo lý của Phật Thích Ca hướng đến giải thoát con người, đến sự thấu đạt chân tâm. Lão Tử thì nói :” Tri nhân giả trí, tự tri giả minh” ( Hiểu người là có trí, hiểu chính mình mới là giác ngộ). Thế mới thấy trong thời nào, cũng có những cá nhân xuất sắc mang tư tưởng như vậy nhưng phải khôn khéo, nếu chỉ vạch ra cái “vết nhơ” mà không có ” dụng cụ tẩy rửa” thì thà đừng vạch ra.

Đến cùng, vị vua Akhenaten cũng biết mình đã quá nóng vội muốn cải cách nhưng chẳng đến đâu, thậm chí người đời không hiểu quy cho ngài những điều không hay. Ngài biết trong tay đã có hạt giống Chân – Thiện – Mĩ nhưng mảnh đất Ai Cập lúc ấy đã quá suy đồi mặc dầu vàng bạc, mĩ nữ, công trình quy mô to lớn, vĩ đại. Nhưng cái sự cực thịnh ấy âu cũng là dấu hiệu cho sự suy bại nhãn tiền. “Đỉnh cao cũng là đáy, trong đáy sẽ vùng dậy đỉnh cao. ”

Có một con đường khác để gieo trồng hạt giống ấy chính khi con người ta vượt ra khỏi những hẹp hòi của tự tôn dân tộc “cực đoan” . Cho mình là dân tộc thượng đẳng hay xem người là hạ đẳng thì mãi chỉ cứ hướng sự tranh đấu mãi cho đến khi sự tuyệt chủng dáng xuống. Tỉnh ngộ đồng nghĩa dấu chấm hết.

Vì thế mà Akhenaten giao trọng trách cho Sinuhe đi thật xa đến vùng đất khác, nơi “thổ nhưỡng” có thể thích hợp để khởi đầu cho một tư duy mới hướng thượng, hướng thiện hơn.

Một vài điểm đáng chú ý trong cuốn sách:

Cái số một đó là khái niệm khoa học của sự chết, các bạn đều biết đến khoa học của sự sống hiểu đơn giản là học nghiên cứu về cơ thể và cứu người để làm sao cho con người sống tốt hơn, sống khỏe mạnh hơn, tuy nhiên khoa học về sự chết lại là khái niệm vô cùng lạ lẫm cuốn hút. Ai cũng chết đi, vậy khi chết đi rõ ràng là chúng ta phải có sự chuẩn bị, chuyển qua một giai đoạn mới đó là “bên kia” nếu chúng ta không chuẩn bị gì hết thì chúng ta cũng sẽ bị te tua ở bên kia. Chính vì vậy khoa học của sự chết là cách chúng ta chuẩn bị khi mà chúng ta chết đi.

Cái số hai thì ở phần đề tựa cuốn sách có viết rằng chuyện về người Ai Cập khai sáng văn minh Hy Lạp, mình nghĩ là nó sẽ nói về Hy Lạp vĩ đại hay ho ra sao lịch sử hoàng tráng thế nào nhưng cuối cùng toàn bộ trong cuốn sách này chỉ nói về cuộc đời của Sinuhe ở Ai Cập, 99% là ở Ai Cập. Nó hay ở chỗ mà chúng ta sẽ thấy được cuộc đời của một con người từ nhỏ lớn lên học từ cha mẹ, thất bại trong tình yêu, học từ bạn bè vươn lên những vị trí cao trên xã hội rồi học từ Pharaoh, một con người rất kì lạ trong lịch sử Hy Lạp, học từ thất bại và quá là nhiều điều hay ho trong cuộc đời. Để từ đó chúng ta có thể học hỏi từ người này. Xuyên suốt cuộc đời một con người thì nó như một cái lăng kính để đôi khi chúng ta soi lại, nhiều lúc mình đi quá nhanh hoặc là mình đi quá chậm thì mình xem lại để biết mình nên như thế nào với cuộc sống của mình.

Cái thứ ba làm cho mình cảm thấy rất là thích cuốn sách này tại vì những quan điểm, suy nghĩ, quyết định của Pharaoh rất đặc biệt, khác người. Trong suốt chiều dài lịch sử của Ai Cập thì những vị Pharaoh khi mà họ lên ngôi thì họ sẽ chiến tranh, đi xâm lược nước này nước kia, lấy tài sản để mà họ mua nô lệ để làm giàu cho đất nước của họ; xây lăng tẩm to nhất có thể để biểu trưng cho sức mạnh, sự ảnh hưởng và quyền thế của mình; họ thờ cúng rất nhiều các loại thần: thần cây, thần rắn, thần lá, thần cành. Tuy nhiên, vị Pharaoh này thì có ba cái không: không chiến tranh, không lăng tẩm, không mê tín dị đoan để mà dành thời gian cho giáo dục, tình thương yêu, cơ mà ông này có thờ duy nhất vị thần ánh sáng. Thần ánh sáng là, à mà thôi mọi người mua sách nó đọc đi nha.

Leave a comment