Qua hai đoạn trích “Trao duyên” và “Những nỗi lòng tê tái”, hãy làm sáng tỏ nhận định sau: “Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm nhân vật Thuý Kiều”

0

Qua hai đoạn trích “Trao duyên” và “Những nỗi lòng tê tái”, hãy làm sáng tỏ nhận định sau: “Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật như Nguyễn Du, nhất là nội tâm nhân vật Thuý Kiều”

Trong dòng văn học cổ, hầu như bất kì một tác phẩm nào khi được sáng tác ra cũng mang trong đó những nỗi lòng u uất, những tâm trạng thổn thức đến bất an. Vâng, việc miêu tả nội tâm nhân vật chính là hơi thở, giá trị của tác phẩm, là hiện thực của cuộc sống và của xã hội, là những trắc ẩn dường như đến mênh mông… Và mỗi một tác giả có những nghệ thuật khác nhau để xây dựng thế giới nội tâm ấy, nhưng hãy dừng lại một chút ở Truyện Kiều, lắng nghe tiếng nói tâm trạng ta sẽ thấy được những nét chấm phá rất nghệ thuật, rất Nguyễn Du. Nhà thơ đã từng viết:

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!

Và có lẽ đó là chân lí nghệ thuật thơ của Nguyễn Du. Một thế giới nội tâm trong thơ ông là những buồn vui trước thiên nhiên và cuộc sống phức tạp xung quanh, là con người, là câu nói và là hiện thực xã hội trong thơ. Chính vì vậy không phải ngẫu nhiên mà một nhà soạn sách văn học nào đó đã nhận xét: Có thể nói trong văn học cổ không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật như Nguyễn Du, nhất là… Kiều.

Ở đây, tác giả đã viết rằng có thể nói, thật ra có thể nói chỉ là một sự mở đầu uyển chuyển. Cái tài của Nguyễn Du không là có thể mà phải là khẳng định. Truyện Kiều là một tác phẩm văn học vĩ đại, và cái sâu sắc nhất ở đây là nội tâm của Kiều. Một nhân vật, một tác phẩm không thể tuyệt vời được nếu như nhân vật đó không có nội tâm, tác phẩm ấy không tạo cho nhân vật cái nội tâm, cái hồn. Bởi nội tâm là thế giới tâm hồn phức tạp đem lại sức sống của nhân vật, nội tâm cũng chính là cái hồn của tác phẩm, cái hồn lắng đọng của thơ. Những nội tâm chồng chất đan chéo mâu thuẫn lên nhau chính là cái hay trong ngòi bút của Nguyễn Du khi viết truyện thơ.

Xem thêm: Cảm nhận đoạn Trao duyên (Trích Truyện Kiều – Nguyễn Du)

Thật vậy, khi tả đoạn Kiều trao duyên cho Thuý Vân, Nguyễn Du đã không mở đầu bằng một nàng Kiều u uất, mà ông viết về một Thuý Vân vô tư:

Thuý Vân chợt tỉnh giấc xuân

Dưới đèn ghé đến ân cần hỏi han:

“Cơ trời dâu bể đa đoan,

Một nhà để chị riêng oan một mình

Cớ chi ngồi nhẫn tàn canh

Nỗi riêng còn mắc mối tình chi đây?”.

Thế đấy, tâm trạng của Kiều được bộc bạch qua hành động của Thuý Vân, được bắt đầu bằng những lời nói của Thuý Vân. Thuý Vân đang say giấc xuân thế sao Kiều lại ngồi nhẫn tàn canh? Thuý Vân đang cùng chị chuẩn bị mừng duyên mới, cớ sao Kiều lại ngồi khóc. Tiếng khóc ấy không bật ra, truyện chỉ qua lời nói của Thuý Vân, nhưng ta vẫn cảm nhận, vẫn nhìn thấy cái thẫn thờ, dằn vặt, ray rứt, bối rối, băn khoăn, xót xa và đau đớn qua cái vô tư, bình thản của Thuý Vân. Thế đấy, ngay cả cái hoàn cảnh mở đầu cho một bài thơ, chúng ta vẫn có thể nhận thấy cái vô tình rất nghệ thuật của Nguyễn Du. Cái vô tình ấy là một vô tình có dụng ý, nó càng chứng tỏ sự tinh tế trong cách diễn tả nội tâm của nhân vật. Vân càng vô tâm để rồi sau mới thắc mắc, hỏi han, càng làm bật lên nỗi âm thầm đau xót của Kiều. Chính vì thế không vô tình khi bắt đầu đoạn đời gái lầu xanh, bắt đầu phải tiếp khách làng chơi của Kiều. Nguyễn Du đã xây dựng tâm trạng nhân vật trong khung cảnh: Khi tỉnh rượu, lúc tàn canh. Ngay sau cơn say, ngay giữa lúc canh tàn, khi cuộc vui đã chấm dứt, khi thời gian đã tàn lụi, tác giả nói về nội tâm của nàng Kiều. Nội tâm Kiều được thể hiện ngay ở những dòng đầu tiên của đêm trao duyên và đêm truy hoan. Hai giai đoạn là hai nội tâm khác nhau và cũng là hai hoàn cảnh khác. Nếu như lúc trao duyên, Kiều day dứt, băn khoăn được thể hiện qua cô em Thuý Vân, thì ở đây, trong cái cảnh phải tiếp khách làng chơi, Nguyễn Du lại đặt nội tâm của Kiều vào đêm khuya, vào mặt trái của những cuộc vui để thấy được cái chua chát, đau đớn của Kiều. Cái hay chính là ở đó, chính là những khoảnh khắc mà con người trải qua để rồi từng từ, từng ngữ, từng ý thơ, Nguyễn Du có thể hiện nó thành những nội tâm chồng chất một cách khéo léo và tài tình. Nhà thơ đã viết:

Cậy em, em có chịu lời

Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa

Kể từ khi gặp chàng Kim

Khi ngày quạt ước, khi đêm chén thề

Sự đâu sóng gió bất kì

Hiếu tình khôn dễ hai bề vẹn hai.

Một lời mở đầu rất dịu dàng, dường như năn nỉ, dường như nài ép của Kiều. Cậy, Kiều cậy em, Kiều nhờ em chịu lời, Kiều xin, Kiều lạy rồi Kiều thưa. Từng từ, từng từ được thốt ra là đều cân nhắc và chọn lọc. Cái hay, cái sắc của từ ngữ cũng chính là cái tinh tế trong thế giới nội tâm mà Nguyễn Du diễn tả. Sự chọn lọc chính xác ấy cho ta thấy Kiều đã suy nghĩ rất chín, Kiều đã quyết định trao duyên mình cho Thuý Vân. Cái băn khoăn của Kiều là băn khoăn cho Kim Trọng sẽ phải lỡ làng, cái ray rứt của nàng là ray rứt của Thuý Vân phải chắp nối tơ thừa. Nhưng khi ngỏ lời nàng còn biết cách nói cho dịu lòng Vân, để ép Vân nhưng tại sao, tại sao nàng lại kể về mối tình đầu thơ mộng, tuyệt đẹp của mình. Đáng lẽ ra trao duyên cho Vân, nàng phải kể về những cái đẹp cái tốt, cái đáng thương của Kim Trọng; đằng này nàng lại khẳng định mối tình của mình. Khi đọc đoạn: Kể từ khi gặp chàng Kim…, ta bỗng thấy dường như câu thơ ấy bị khựng so với ý của câu trên. Đó chính là tâm lý của cô gái, đó chính là nghệ thuật trong ngòi bút của Nguyễn Du. Sự xúc động, niềm thương cảm đã làm bật dậy tình cảm, tâm trạng của nàng Kiều. Suy nghĩ, đắn đo để quyết định trao duyên, những khi thực sự mở lời, nàng không thể kìm được sự xúc động của chính mình. Đó là một tâm lí rất bình thường, một diễn biến tâm trạng rất hiển nhiên của con người. Đem trao một mối tình ai chẳng xót xa. Nếu như lúc đầu lời lẽ nàng cân nhắc, sắc sảo bao nhiêu thì giờ đây, khi nghĩ về mối tình của mình, nàng chợt lộ một tâm trạng mâu thuẫn đáng thương:

Chị dù thịt nát xương mòn

Ngậm cười chín suốt hãy còn thơm lây

Chiếc thoa với bức tờ mây

Duyên này thì giữ, vật này của chung,

Dù em nên vợ nên chồng

Xót người mệnh bạc, ắt lòng chẳng quên.

Kiều trao duyên cho em, thì chiếc thoa với bức tờ mây là của Vân và Trọng. Thế mà nàng nghẹn ngào: Duyên này thì giữ, vật này của chung. Ngay cả nhịp thơ bốn – bốn ở câu thơ này cũng bộc lộ nỗi niềm sâu kín trong Kiều. Như nghẹn ngào thổn thức bật lên lời vật này của chung, nàng luyến tiếc đau khổ xót xa cho những kỉ vật xưa. Và rồi những tình cảm chân thực ấy, tâm trạng đau khổ tuyệt vọng của Kiều được Nguyễn Du thể hiện bằng một từ duy nhất dù {Dù em nên vợ nên chồng). Khi đã quyết định trao duyên cho Vân, lẽ ra Kiều phải nói nên vợ nên chồng nhưng ở đây lại là dù em nên vợ nên chồng. Kiều không còn bình tĩnh nữa, một sự lúng túng trong từng lời nói rất nhỏ nhặt này đã bộc lộ tài năng của Nguyễn Du. Trong Kiều lúc ấy sự lưu luyến tiếc thương, một nỗi lòng xúc động đau đớn, một diễn biến tâm lí rất dễ hiểu, rất đáng thương ấy được Nguyễn Du cân nhắc bằng từng lời, từng chữ và đặc biệt là bằng sự cảm thông sâu sắc lạ lùng của nhà thơ. Bởi thế mới thấy được cái hay xác thực trong nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của tác giả Truyện Kiều. Trong thơ ông, nghệ thuật ấy chính là sức cảm thông lạ lùng mà thi hào dành cho tâm trạng những con người đang yêu, nó ánh lên sự hi sinh cao đẹp và bật lên cái ích kỉ đáng yêu trong tình yêu. Kiều trao duyên cho em nhưng nàng vẫn mong mình được nhớ đến. Cái mâu thuẫn ấy, những tâm trạng mong manh ấy đã là một minh chứng hùng hồn cho sự tài tình có một không hai ở ngòi bút của Nguyễn Du, và cái tài tình ấy còn là tâm trạng phức tạp, sự khác biệt nội tâm của nhân vật. Nhà thơ viết:

Giật mình, mình lại thương mình xót xa

Khi sao phong gấm rủ là

Giờ sao tan tác như hoa giữa đường

Mặt sao dày gió dạn sương

Thân sao bướm chán ong chường bấy thân?

Cũng là một nàng Kiều với nội tâm đầy sóng gió của mình, nhưng ở hai giai đoạn đời người là hai sự đúc kết khác nhau, là hai cách diễn đạt khác nhau. Nếu như ở đoạn trao duyên cô gái trong trắng Thuý Kiều rất bình tĩnh, bình tĩnh đến lạnh lùng và đáng sợ. Bởi tâm trạng nàng giờ đây không còn là sự mong manh đau khổ của người con gái lần đầu tiên đối mặt với cuộc đời, nó trở thành cái đau đớn lạnh giá trong lòng một người phụ nữ ô nhục sao, sao, và lại sao (khi sao, giờ sao, mặt sao…), điệp từ ấy như một khúc điệp, đập vào lòng người một tâm trạng tủi nhục đến ê chề của Kiều.

Xem thêm: 10 Bài Văn Phân Tích Tác Phẩm “Trao Duyên” Trích “Truyện Kiều”

Nàng không còn là sự lưu luyến ngây thơ đau khổ, mà nàng đang chán chường oán hận. Cũng là đau khổ đấy, cũng là tiếc thương cho những gì đã có đã qua, một mối tình, một cuộc sống phong gấm rủ là, nhưng ở cô gái Thuý Kiều còn trướng rủ màn che nó khác với người phụ nữ đã dày gió dạn sương, đã bướm chán ong chường. Hai tâm trạng đời người với hai nét bút, hai nét vẽ. Cái khổ nào cũng là tột cùng, cái khổ nào của nàng cũng là sự tan vỡ tâm hồn. Nhưng khi nghĩ về chính mình ở đoạn trao duyên, sự đau đớn của nàng được bật lên thành lời, một tiếng kêu khẩn thiết của nỗi lòng đau khổ của một cô gái yếu đuối:

Ôi Kim lang! Hỡi Kim lang

Thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây

Sự đau khổ, sự ức chế được thốt ra thì khi nghĩ về phận mình, về đời mình ở chốn lầu xanh, Nguyễn Du để cho nàng đắm chìm trong suy nghĩ, không cho nàng một tiếng kêu khóc xót xa, có chăng thì đó chỉ là những câu hỏi thầm oán hận không câu trả lời. Để rồi chính nhà thơ bằng ngòi bút của mình đã nói lên nỗi đau khổ, tuyệt vọng tột đỉnh của nhân vật:

Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng

Lần lần thỏ bạc ác vàng

Xót người trong hội đoạn tràng đòi cơn…

Đã cho lấy chữ hồng nhan

Làm cho, cho hại, cho tàn, cho cân.

Thế đấy, nội tâm của Kiều thể hiện qua tiếng lòng xót thương của Nguyễn Du: Song sa, vò võ rồi lại phương trời, từng từ, từng từ như luyến như quyện vào nhau để bật lên cái cô đơn ê chề trong hoàn cảnh của Kiều, cho cái kiếp hồng nhan bạc mệnh của nàng. Không chỉ là một sức cảm thông lạ lùng của Nguyễn Du dành cho Kiều, mà còn là tình thương to lớn, thương cho tâm trạng tan nát của nàng. Nguyễn Du đã thốt lên rằng: Làm cho, cho hại, cho tàn, cho căn. Thật sự nghệ thuật miêu tả nội tâm nhân vật của Nguyễn Du đã lên đến cái đỉnh cao trong dòng văn học cổ. Bất kì một chi tiết, một hoàn cảnh nào, Nguyễn Du cũng mượn nó để chứa đựng, để phơi bày thế giới nội tâm của nhân vật. Thật vậy, trong đau khổ, con người ta hay tự tìm cho mình một chỗ dựa để vươn lên, và để sống. Ở Kiều, chỗ dựa vững chắc cho tâm hồn nàng chính là tình gia đình và người tình. Nhưng nếu như trong những ngày bị giam lỏng ở lầu Ngưng Bích, nàng đã sớm nghĩ về Kim Trọng trong sự lo lắng cho người yêu và có chút gì đó hi vọng thì ở đây nàng lại nghĩ về gia đình trước:

Nhớ ơn chín chữ cao sâu

Một ngày một ngả bóng dâu tà tà

Dặm nghìn nước thẳm non xa,

Nghĩ đâu thân phận con ra thế này.

Nàng nghĩ về chữ hiếu, rồi mới nhớ đến chữ tình:

Nhớ lời nguyện ước ba sinh

Xa xôi ai có thấu tình chăng ai?

Khi về hỏi liễu Chương Đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay!

Tình sâu mong trả nghĩa dày,

Hoa kia đã chắp cành này cho chưa?

Tại sao trong đoạn đời tủi nhục này, nàng lại nghĩ trước hết về chữ hiếu, về cha mẹ? Đó là một khía cạnh trong nội tâm của Kiều mà Nguyễn Du khéo diễn tả. Nếu như trước đây, Kim Trọng là sự đau đớn vô vọng. Nàng chỉ mong được trả nghĩa, nàng tự hỏi hoa kia đã chắp cành này cho chưa? Nàng đã chấp nhận số mạng, Kim Trọng chỉ còn là những kỉ niệm bởi nàng đã là người phụ nữ ê chề chốn lầu xanh. Và cha mẹ, chữ hiếu giờ đây chính là điểm tựa để nàng sống, để nàng vượt lên những đau khổ hiện tại. Và những nét đẹp tâm hồn ấy, những biểu hiện trong nội tâm của Kiều đã được Nguyễn Du khai thác triệt để, nó càng chứng tỏ tài năng vượt trội của thi hào. Nếu như ở Hồ Xuân Hương hay ở Nguyễn Khuyến thế giới nội tâm cũng được bộc lộ trong từng từ, từng câu, từng hoàn cảnh với những dụng ý viết rất nghệ thuật thì ở Nguyễn Du, cao hơn một bước, thế giới nội tâm trong ngòi bút của ông không bó trong một không gian hẹp, không giới hạn trong cái nhìn về những bức xúc của người phụ nữ như trong thơ Hồ Xuân Hương rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn; cũng như không chỉ là những trăn trở về thời cuộc như Nguyễn Khuyến. Thế giới nội tâm của Nguyễn Du trải dài, xuyên suốt một tác phẩm lớn, đi từ những cái nhỏ nhất, bình dị nhất của cuộc sống đến những khái quát cao sâu. Trong dòng văn học cổ, thế giới nội tâm thường là những khái quát về một bức xúc trong xã hội, thì ở Nguyễn Du là nội tâm của con người trong từng giai đoạn đời người, đó là những tâm lí đời thường dung dị.

Và không dừng ở lại đó, ngòi bút của Tố Như là một ngòi bút thiên phú, thế giới nội tâm trong thơ Nguyễn Du còn được nguy trang bằng thiên nhiên, bằng những nghệ thuật ước lệ tài tình:

Đòi phen gió tựa hoa kề

Nửa rèm tuyết ngậm, bốn bề trăng thâu

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ!

Đòi phen nét vẽ câu thơ

Cung cầm trong nguyệt, nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo là,

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

Tám câu thơ là hai đoạn đối nhau, đối về hình thức, nghệ thuật và nội dung. Tám câu thơ là rất nhiều khung cảnh thiên nhiên. Với bút pháp ước lệ quen thuộc của mình, Nguyễn Du đã bộc lộ tâm trạng nàng Kiều rất sâu sắc. Có thể nói Nguyễn Du là bậc thầy trong nghệ thuật tả cảnh ngụ tình. Cảnh vật trong thơ ông bao giờ cũng mang cái tình, cũng in đậm một thế giới nội tâm. Ông, thi hào Nguyễn Du, đã mượn thiên nhiên để ước lệ cho cuộc sống lầu xanh, một cuộc sống có hoa, có gió, có trăng, có những cảnh đẹp nên thơ; một cuộc sống cũng có cái vẻ thanh thản thưởng thức tiếng đàn dưới trăng, chơi cờ ngâm thơ trong cái ngạt ngào của hương hoa. Và những cái đẹp đó còn đẹp hơn trên nền tảng nghệ thuật ước lệ tượng trưng mà Nguyễn Du thường sử dụng. Nhưng cũng chính những mặt phải tưởng như tao nhã ấy đã đẩy bật cái nội tâm sâu sắc, cái tâm hồn tinh thiết của Thuý Kiều. Nếu như Nguyễn Trãi mượn thiên nhiên để gửi vào đó cái u ám của xã hội thì Nguyễn Du sử dụng thiên nhiên để làm đẹp cho cuộc sống ở lầu xanh, một xã hội phong kiến thu nhỏ bởi cả hai đều đẩy con người vào con đường cùng. Để rồi chính những nét đẹp đó bị nội tâm, trăn trở u uất của Kiều đè bẹp. Chính nội tâm sâu sắc của Kiều: Vui là vui gượng kẻo là – Ai tri âm đó mặn mà với ai? Chính sự bức xúc đau đớn, chính cái ai bế tắc, chính vui gượng toả trong nội tâm của Kiều đã công kích, đối nghịch với những nét tao nhã chốn lầu xanh. Mặt trái cuốc sống được phơi bày, cái tao nhã ấy, những nét đẹp ấy chỉ là sự giả tạo dối trá gió chỉ tựa và hoa chỉ kề. Nghe cung đàn, thưởng thức câu thơ, không được xuất phát từ tiếng nói của tình yêu, mà được cất lên từ tiếng đàn vui gượng, mới thấy được những tiếng vỗ tay tán thưởng cho tài năng của nàng hoàn toàn vô nghĩa. Đó chỉ là cuộc sống bạc bẽo, nhầy nhụa ở chốn lầu xanh. Nội tâm cô đơn u uất của Kiều là lời tố cáo cuộc sống mà nàng đang phải sống. Nó bóp nghẹt tiếng đàn, câu thơ của nàng. Nhưng tâm trạng, nội tâm của nàng không bị vùi lấp bởi sự đau khổ ấy, nó vẫn vươn lên.

Thế đấy, không thể lẫn, càng không thể so được tài năng của Nguyễn Du. Sự chán chường, đau khổ, tuyệt vọng của Kiều được Nguyễn Du diễn tả bằng những bút pháp khác nhau. Để rồi từ những diễn biến tâm lí rất hợp lí, tinh vi trong cuộc sống trong tình yêu, Nguyễn Du khái quát thành một thế giới nội tâm phong phú đầy ray rứt băn khoăn khắc khoải. Chính qua cái thế giới nội tâm ấy, thi hào Nguyễn Du làm bật lên một đặc điểm cố hữu: mượn cái đau đớn của nội tâm để tố cáo xã hội, tố cáo những kẻ đã đẩy con người, đã trút lên con người những tủi nhục ê chề đó.

Thơ Nguyễn Du khi diễn tả thế giới nội tâm có vài cái chung trong thơ văn cổ, và cũng có những nét riêng sáng tạo. Đó chính là một nghệ thuật diệu kì, và đó cũng chính là lời minh chứng hùng hồn: Không có một nhà thơ thứ hai nào thành công trong việc miêu tả nội tâm nhân vật như Nguyễn Du. Và Kiều, thế giới nội tâm của nàng là cơ sở nền tảng cho lời nhận xét ấy.

Leave a comment