Review sách Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải

0

Thiên Tài Bên Trái, Kẻ Điên Bên Phải
Tác giả: Cao Minh

Review sách:
Cuốn sách “Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là những cuộc đối thoại của tác giả và những bệnh nhân tâm thần tác giả có cơ hội tiếp xúc, tác giả là người dẫn dắt cho bệnh nhân trao đổi, chia sẻ về cách nghĩ, tư duy của họ.

Nếu nghe đến đây mọi người có thể cho rằng, thế thì cuốn sách này tẻ nhạt và không hấp dẫn vì không có tình tiết và diễn biến kịch tính như các tác phẩm tâm lý tội phạm điều tra phá án nhưng không phải thế giá trị của cuốn sách này nó không nằm ở việc câu kéo sự tò mò bằng những tình tiết tượng tượng, hoặc sao chép từ đâu đó, học hỏi từ đâu đó. Cuốn sách là một kho những kiến thức sâu rộng và cực kỳ cuốn hút về tâm lý học và những ai muốn hiểu rõ về phạm trù khó nhằn này.

Một cuốn sách có giá trị thực tiễn sẽ tốn của người đọc nhiều thời gian hơn. Thông qua những câu chuyện trong đó, muốn hiểu, phải đọc đi đọc lại nhiều lần, và phải rất tập trung, vì tác giả kết hợp rất hay ngôn ngữ kể chuyện lồng ghép với kiến thức uyên thâm về tâm lý học. Nhất là những thứ ở đây, những tình huống và những bệnh nhân mà tác giả gặp, bạn sẽ không thể gặp ở bất cứ đâu.

Mỗi một bệnh nhân tâm lý đều có một thế giới duy ngã của riêng mình, đó là một thế giới quan được nhìn dưới lăng kính cảm nhận của người đó. Có thể với những người-bình-thường khác thì họ là những kẻ lập dị, tư tưởng hoang đường và quan niệm khác về cuộc sống. Nhưng sự thật có phải như vậy không? Chỉ khi chúng ta thật sự bước vào thế giới của ai đó, chúng ta mới hiểu vì sao họ có lối sống như vậy, và chỉ khi chúng ta hiểu được cách tiếp nhận khác, chúng ta sẽ nhìn thấy một thế giới khác.

Những câu chuyện được kể ra vô cùng chân thật, nhiều tri thức được nghiên cứu và đưa ra có dẫn chứng cũng như lý lẽ sắc sảo, logic khiến người ta kinh ngạc. Không ai có thể tin rằng những người có suy nghĩ logic như thế lại được gán mác là “kẻ điên”.

Đây là một cuốn sách khó đọc với mình, vì trong cuốn sách này chứa một lượng lớn kiến thức về vật lý lượng tử gì đó, mình đọc mãi mà không hiểu. Nhưng, mình vẫn đọc từng câu từng chữ không sót câu từ nào. Mình phải công nhận một điều rằng, cách tác giả viết, dẫn dắt từng câu chuyện rất cuốn hút.

Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải đã giúp mình mở mang tầm mắt rất nhiều về các sự việc, hiện tượng xung quanh. Mỗi câu chuyện đều thu hút mình đến lạ, đọc hết cuốn sách mình nhận ra, với một mẩu chuyện mình lại tự động reset lại não bộ của mình, là một cái đầu rỗng để tiếp nhận một quan điểm mới, một góc nhìn mới.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” là một cuốn sách đầy sự hack não, xoắn tư duy, vặn logic, nhưng cũng đầy sự cô đơn, dù không phải mỗi người trong mỗi câu truyện đều nói ra lời. Nếu có hứng thú với những điều kỳ lạ, khác với lẽ thường, đừng bỏ qua cuốn sách này, vì họ sẽ đưa bạn đến những thế giới quan vô cùng độc đáo, vô cùng thú vị. Nếu không, cũng đừng vội quay lưng, hãy cho cuốn sách này một cơ hội, cho bản thân một cơ hội, để thấy rằng họ cũng như bao người thôi, cũng có cảm xúc, cũng có hỉ nộ ai lạc. Vì dù là thiên tài hay kẻ điên, họ cũng đều là người.

“Thiên tài bên trái, kẻ điên bên phải” không phải là cuốn sách giải trí, đọc cho vui, càng không phải là cuốn sách màu mè tô vẽ để câu kéo sự chú ý của người đọc. Nó là cuốn sách giống cánh cửa đi vào một thế giới khác, với những góc nhìn khác về tâm lý học, và thực sự đã thuyết phục một người thích tìm hiểu về tâm lý học như mình.

Những đoạn trích hay:
1. “Vấn đề không phải anh ta nghĩ quá nhiều hay những người khác nghĩ quá ít, mà là những điều chúng ta chưa biết quá nhiều. Nếu bắt buộc phải dùng từ “nô dịch”, vậy chúng ta đều bị những điều chưa biết nô dịch, cho đến một ngày chúng ta có thể nhìn rõ tất cả sự vật, sự việc xung quanh. Chỉ là, không biết ngày đó bao xa.”

2. “Hôm đó, tôi đã nói với cô bé: Muốn ra ngoài rất đơn giản, chỉ cần giống như linh hồn quấn đuôi lại, chui vào vỏ rỗng để làm người. Muốn người ta không coi mình là bệnh nhân tâm thần, nhất định phải giấu kĩ một vài suy nghĩ, không được tùy tiện nói cho người khác biết, như vậy mình sẽ được an toàn.”
“Tôi: Ừm…anh có thể nói cho tôi biết đáp án là gì không?
Anh: Được, tôi có thể trả lời câu hỏi này cho bất cứ ai, rất đơn giản, dù bản thân ở thời đại nào, yên ổn cũng được, chiến loại cũng được, thói đời đảo điên cũng được, chỉ cần hai chữ: ẩn nhẫn, khiêm nhường.
….
Anh: Có thể…có thể tôi bị mắc bệnh tâm thần, chỉ là tôi có tiền, không ai cảm thấy tôi điên, những người không có tiền mới thành kẻ điên…”

3. Anh: Cơ thể chúng ta đã thay đổi, ý thức của chúng ta chỉ có thể dựa vào ký ức mà chống đỡ, nhưng bản thân ký ức lại chỉ có giá trị tồn tại thông qua hoàn cảnh và những người xung quanh, nếu không có những điều đó, ký ức và ý thức sản sinh nhờ ký ức sẽ không còn bất cứ ý nghĩa gì… Ý thức về bản chất dựa vào hoàn cảnh, dựa vào những người xung quanh, vì vậy thật ra, anh không phải là anh, tôi cũng không phải là tôi, chúng ta mới là anh.

4. “Tôi: Người trong cùng một thế giới nhìn thấy thế giới khác nhau. Ngược lại, những thế giới không giống nhau này cũng ảnh hưởng đến bản thân người nhìn thấy chúng.
Cô: Gần đây anh thích nói chuyện vòng vo nhỉ, anh có nhận ra không?
Tôi cười: Ý tôi muốn nói là: Nếu một thế giới có thể diễn giải thành nhiều hình dạng, vậy đi xem thế giới của người khác trông như thế nào cũng rất thú vị.”

5. “Còn người khác nhìn nhận thế nào, tôi đều chấp nhận, vì thế giới này chính là như vậy, thừa nhận sự tồn tại của những thứ không giống với bản thân rất quan trọng. Năng lực chịu đựng của tôi không thành vấn đề. Buổi sáng mỗi ngày lúc “sinh ra” tôi đều chuẩn bị tâm lý ổn thỏa, chuẩn bị tiếp nhận những thế giới không giống nhau. Rồi đến tối hôm đó tôi “chết đi”, kết thúc những việc cần quên lãng, lưu trữ những điều cần lưu trữ.

Tôi chinh là như vậy, sáng sinh chiều chết, đối diện với mỗi ngày.”

Leave a comment