Hãy phân tích đoạn trích sau đây trong bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu: “Bên giữa dòng chừ buông chèo; Học Tử Trường chừ thú tiêu diêu… Tái tạo công lao; Nghìn thu ca ngợi”
Hãy phân tích đoạn trích sau đây trong bài “Phú sông Bạch Đằng” của Trương Hán Siêu: “Bên giữa dòng chừ buông chèo; Học Tử Trường chừ thú tiêu diêu… Tái tạo công lao; Nghìn thu ca ngợi”
Sông Bạch Đằng, cửa biển Bạch Đằng là một di tích lịch sử được ca ngợi trong văn học nước ta: thơ của Trần Minh Tông, thơ Nguyễn Trãi, phú của Nguyễn Mộng Tuân, thơ trong Hồng Đức quốc âm thi tập… Riêng bài Phú sông Bạch Đằng của Trương Hán Siêu là một tác phẩm được biết nhiều nhất từ trước đến nay.
Ta hãy giải thích đoạn trích của bài phú nói trên:
Bên giữa dòng chừ buồng trèo;
Học Tử Trường chừ thú tiêu diêu.
…….
Tái tạo công lao;
Nghìn thu ca ngợi.
Bài phú nhắc lại những chiến công lừng lẫy trên sông Bạch Đằng. Tác giả xúc động trước cảnh sông nước mênh mông, hồi tưởng về chiến trận giữa ta và địch. Từ đó suy nghĩ về nền độc lập nước nhà, tài trí của các bậc anh hùng và cuối cùng rút ra bài học giữ nước.
Đoạn phú mở đầu bằng câu:
Bên giữa dòng chừ buông trèo!
Học Tử Trường chừ thú tiêu diêu.
Tử Trường tức Tư Mã Thiên, nhà sử học, nhà văn học nổi tiếng đời Hán của Trung Quốc, văn chương được khen là có khí thế hào hùng, đã từng đi khắp đất nước Trung Hoa để du ngoạn, học hỏi. Nhà thơ học Tử Trường, du ngoạn trên sông Bạch Đằng để hưởng thú nhàn dật, di dưỡng tâm hồn. Ông ngắm cảnh vật và xúc động: Cửa đại than, bến Đông Triều đang hẹp nhỏ, đến sông Bạch Đằng bỗng mở rộng mênh mông:
Bát ngát sóng kình muôn dặm;
Bập bềnh đuôi trĩ liền nhau.
Sóng mênh mông, thuyền lướt sóng, nước xanh, trời xanh vào tiết cuối thu. Lau lách đìu hiu, xào xạc. Giáo gãy, xương khô. Đây là chiến trường thuở nọ. Đánh lớn, thắng to. Nhưng hy sinh không nhỏ. Trời nước trong lặng kia lắng nghe chăng? Lau lách nọ thì thầm chuyện cũ chăng? Giáo gươm im lìm, vĩnh viễn. Cảnh vật ấy làm sao không động lòng người! Khách xúc động mà đứng lặng. Tiếc thương bao kẻ anh hùng nay đã khuất. Buồn thay vết tích cũ hãy còn khiến người vãn cảnh không khỏi đau buồn, thương tiếc.
Đó là cảm xúc hoài cổ tức là nhớ xưa, cảm chuyện xưa. Sau này Nguyễn Trãi thăm cảnh Bạch Đằng, cùng bâng khuâng nhớ tìm lại cảnh cũ trên dòng nước trôi:
Kình ngạc băm vằm non mấy khúc
Giáo gươm chìm gãy bãi bao tầng
Tới dòng ngắm cảnh dạ bâng khuâng…
Đáng để ý chăng là giọng điệu của bài phú đang rợn ngợp trước cảnh bao la trời nước thì bỗng chuyển sang điệu cảm khái buồn buồn: Bờ lau san sát, bến lách đìu hiu… Vậy là cảnh và tình của đoạn văn đã phù hợp với cảnh sống lịch sử này:
Bên sông, bô lão hỏi ta sở cẩu…
Đây là chiến địa…
Trên là cảnh sống bình yên, dưới là cảnh chiến trận không còn sóng bát ngát mà thuyền đuổi nhau theo sóng, không phải là lau lách, là giáo gãy xương khô, trời nước một màu mà:
Thuyền bè muôn đội;
Tinh kì phấp phới
Tì hổ ba quân;
Giáo gươm sáng chói.
Hình ảnh miêu tả cảnh chiến trận đều mãnh liệt, hùng dũng, phù hợp với tính chất quyết liệt, to lớn của trận đánh. Chiến thuyền thì thuyền bè muôn đội, mà lại rực rỡ cờ xi, người thì ba quân tì hổ, giáo gươm không phải là giáo gãy, giáo chìm mà là giáo gươm sáng chói. Không phải cảnh nước trời một sắc trong xanh, êm ả, mà nhật nguyệt phải mờ, trời đất sắp đổi.
Lũ giặc kiêu ngạo, khoác lác gánh chịu số phận của kẻ bại trận nhục nhã. Bồ Kiên kiêu căng bảo gieo roi một lần là quét sạch nước Nam. Điển tích đã cho thấy tiếp theo câu nói ấy là sự bại vong tuyệt đối, không có gì thảm hại bằng trận Hợp Phì, giặc Bồ Kiên hoàn toàn chết trụi. Dẫn tích Tào Tháo thua ở Xích Bích cũng là một gương thất bại không kém thảm hại. Bài phú Tiền Xích Bích của Tô Đông Pha thật vắn tắt nhưng đều tả cảnh thuyền bè cháy trụi, hàng vạn binh sĩ đều thành tro bụi. Dẫn tích bên Tàu đấy, nhưng là để nói các trận đánh ở trên sông này từ Ngô Quyền đến Trần Hưng Đạo. Cái còn lại của lũ giặc chỉ là sự nhục nhã, mà thảm hại thay, nước sông tuy chảy hoài mà nhục ấy không rửa nổi. Các bô lão hầu như không nói gì nhiều và trực tiếp về phía quân ta, nhưng sức mạnh có trời giúp, tức sức mạnh có chính nghĩa tự nó bộc lộ thành chiến thắng vang dội. Kết lại chỉ có một lòng biết ơn là tái tạo công lao, nghìn thu ca ngợi.
Ở đây cũng như phần một, mở đầu, thời gian và không gian lẫn lộn với nhau, thâm nhập vào nhau. Không gian xưa kèm với thời gian xưa. Đương khí ấy là xưa trong thời gian, thuyền bè… sắp đổi là xưa trong không gian: Đến nay là nay, nước sông chảy hoài là cả xưa lẫn nay. Trong nghệ thuật viết văn hay điện ảnh ngày nay, người ta gọi cách ấy là đồng hiện, làm cho truyện kể được sinh động, không đơn điệu, nhờ đó tăng phần lôi cuốn.
Đoạn trích thể hiện cảm xúc bồi hồi của Trương Hán Siêu khi đứng trước cảnh sông nước ghi dấu những chiến công oanh liệt của dân tộc ta. Đoạn trích cũng thể hiện lòng tiếc thương, kính phục các bậc anh hùng ngày trước. Đó cũng chính là tấm lòng yêu nước và niềm tự hào dân tộc của tác giả.