Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng
Phân tích cảm hứng yêu nước trong bài Phú sông Bạch Đằng
Yêu nước là cảm hứng không bao giờ ngưng trong dòng chảy của văn chương dân tộc suốt bao thế kỉ qua. Có cái âm vang từ thuở Nam quốc sơn hà (Lý Thường Kiệt) cất lên bên bến sông Như Nguyệt. Có cái khí thế của đội quân Sát Thát nhà Trần trong khúc hùng ca Tụng giá hoàn kinh sư(Trần Quang Khải), Thuật hoài (Phạm Ngũ Lão). Có cái ngút ngàn của binh tướng Lam Sơn trong Bình Ngô đại cáo (Nguyễn Trãi). Có cái rung chuyển của trận đánh thần tốc gắn với người anh hùng áo vải Quang Trung trong Hoàng Lê nhất thống chí (Ngô gia văn phái)… Dẫu dừng ở điểm nào cũng vẫn thấy nguồn cảm hứng ấy cuồn cuộn dâng trào. Và Bạch Đằng giang phú của Trương Hán Siêu, một điểm dừng góp vào cho dòng chảy của văn chương yêu nước một khúc hùng ca bất diệt. Bài phú càng khẳng định vị trí đỉnh cao nghệ thuật của mình hơn khi âm hưởng yêu nước hào hùng trở thành nguồn cảm hứng chủ đạo.
Cảm hứng yêu nước là một biểu hiện đa dạng, phong phú trong văn học. Đó là tình yêu thiên nhiên, phong cảnh quê hương, yêu những nét đẹp văn hóa, phong tục của dân tộc. Hay cảm hứng này thể hiện rõ nhất khi đất nước có giặc ngoại xâm. Chính là lòng căm thù giặc, tinh thần xả thân, hi sinh bảo vệ tổ quốc, âm hưởng hào hùng trong những ngày tháng chiến đấu và cả sự ngợi ca, trân trọng, biết ơn đến những bậc anh hùng. Phú sông Bạch Đằng cũng có những biểu hiện không ngoại lệ. Gọi bài phú là khúc trữ tình ca và anh hùng ca về đất nước rất phù hợp. Bởi qua đó, tác giả Trương Hán Siêu đã thổi nguồn cảm hứng yêu nước qua những cảm xúc với thiên nhiên, lịch sử, những giá trị nhân văn trên sông Bạch Đằng – con sông được coi là người chép sử vô ngôn cho hậu thế.
Đến với bài phú, ai cũng thích thú bởi khám phá được vẻ đẹp thiên nhiên tuyệt sắc trên sông Bạch Đằng. Dưới lăng kính tâm hồn của nhân vật “khách”, Trương Hán Siêu đã mang tới một khung cảnh đẹp mê hồn ít ai nghĩ sẽ thấy ở Bạch Đằng giang. Sau giây phút trải cái tráng trí bốn phương theo gió trăng, trời bể, lướt con thuyền tâm hồn qua các địa danh ở xứ Bắc phương, “khách” như thể bị một lực hút từ trường của sông Bạch Đằng mà rảo bơi chèo thật nhanh đến đó để chiêm ngưỡng cảnh sắc thu toàn bích trên sông:
Qua cửa Đại Than, ngược bến Đông Triều
Đến sông Bạch Đằng, thuyền bơi một chiều.
Bát ngát sóng kình muôn dặm
Thướt tha đuôi trĩ một màu
Nước trời: một sắc, phong cảnh: ba thu.
Tuy chỉ gói ghém trong vài ba câu thơ tả cảnh nhưng cái thần trong ngòi bút của Trương Hán Siêu lại vẽ nên một khung cảnh thực sự hút hồn. Mấy nét chấm phá đầy lãng mạn, tinh tế đã làm nên vẻ đẹp của cảnh mùa thu trên dòng sông lịch sử. Có đường nét dữ dội, cuộn trào, bát ngát trong sóng kình muôn dặm. Có đường nét mềm mại, hiền hòa, thướt tha, nên thơ trong những con thuyền bơi một chiều như đuôi trĩ một màu. Có phông nền hòa hợp, nhất thể giữa sóng nước với mây trời. Phải có một lòng say mê với thiên nhiên lắm mới có một bức họa đỉnh cao trong văn chương như thế này. Cảm hứng yêu nước vì thế mà bộc bạch trong tâm hồn của một thi nhân khoáng đạt, lãng mạn không cưỡng lại được vẻ đẹp của thiên nhiên.
Thế nhưng vị khách hải hồ lại khộng chỉ tới sông Bạch Đằng để ngắm cảnh đẹp, mà còn tìm kiếm những dấu vết lịch sử lưu lại của những chiến công lẫy lừng, vang dội khi xưa. Mang trong mình những cảm khái, ưu tư, mặc khách ấy không sao tránh được nỗi niềm hoài cổ trước một cảnh trí đầy tiêu sơ. Cảnh đẹp nhưng nó lại khoác lên mình vẻ đượm buồn, sức mạnh ăn mòn vạn vật của thời gian đã làm phai mờ dấu tích oai hùng một thuở. Những bờ lau san sát, bến lách đìu hiu/ sông chìm giáo gãy, gò đầy xương khô đã chạm đến cảm thức thi nhân khiến mọi thứ trở nên u buồn, thương tiếc, xót xa, ngậm ngùi. Điều ấy đã gợi lên một thái độ mong mỏi, cần phải tiếp tục giữ gìn, trân trọng những gì đã qua, nhất là những giá trị lịch sử linh thiêng của dân tộc. Tinh thần yêu nước vì thế có phần ngời sáng.
Có lẽ bởi vậy mà cả phần còn lại của bài phú, danh sĩ đời Trần đã làm sống dậy những kí ức hào hùng, vẻ vang ấy. Trong cuộc đối thoại với nhân vật các vị bô lão, những chiến công vang dội trên sông Bạch Đằng đã một lần nữa được tái hiện. Không khí chiến trận, những khoảnh khắc cam go, quyết liệt dưới màu sắc cường điệu, ước lệ vốn có của văn chương trung đại đã làm sống dậy cả một truyền thống oai hùng, bất khuất của dân tộc:
Đương khi ấy:
…
Mà nhục quân thù khôn rửa nổi
Chỉ cần thấy sự thất bại thảm hại của kẻ thù tan tác tro bay/ hoàn toàn chết trụi qua cách dùng điển tích Trung Quốc để so sánh là đủ thấy khí thế hào hùng một thuở ngất trời như thế nào. Trận đánh trên sông Bạch Đằng được ví như những trận đánh huyền thoại của Trung Quốc: Xích Bích, Hợp Phì còn ẩn chứa cả một niềm tự hào dân tộc quá đỗi lớn lao. Bởi trong cái nhìn của nước lớn Trung Hoa, nước Nam Việt luôn nhỏ bé, chỉ được coi là phên giậu, chư hầu. Ấy vậy mà những Tất Liệt, Lưu Cung chỉ còn nước ôm theo giấc mộng quét sạch Nam bang bốn cõi chỉ trong một lần gieo roi theo nỗi nhục ngàn năm không rửa sạch như nước sông cứ chảy hoài không ngơi nghỉ.
Tái hiện lịch sử để làm gì khi không phải là mang ý nghĩa để tự hào, để ngợi ca những chiến công oanh liệt và những con người làm nên điều ấy. Trương Hán Siêu tự hào lắm khi gọi tên các bậc anh hùng đầy trang trọng như Trùng Hưng nhị thánh, Ngô chúa, khác hẳn với cách gọi coi thường bằng tên trực tiếp bọn tướng giặc. Ông cũng đầy kiêu hãnh khi nhìn ra thắng lợi vẻ vang của dân tộc là nhờ trời cho nơi đất hiểm, đất nước có những nhân tài đã quy tụ được lòng dân. Trong cảm hứng của khúc tráng ca ngút ngàn ấy, con người – những bậc minh quân, khai tướng đã trở thành những biểu tượng cho lòng yêu nước cháy bỏng bằng tài năng, đức độ. Để ngàn năm tiếng thơm còn mãi, bia miệng không mòn/ nghìn thu chỉ có anh hùng lưu danh. Trong Tỏ lòng, nhà thơ Phạm Ngũ Lão cũng đã thể hiện sắc thái tự hào, ngợi ca con người và thời đại hào khí Đông A như thế, nhưng là ngay thời điểm hiện tại trong khí thế cả vua quân, tướng sĩ nhà Trần đang đánh giặc. Còn ở đây, Trương Hán Siêu chỉ nhìn lại thôi, mà vẫn đong đầy, chan chứa sự mến trọng, nâng niu.
Bởi vậy mà ông mới tiếc, mới thương, mới buồn vì thời gian sao khắc nghiệt, phũ phàng quá. Bao dấu ấn chỉ còn lại những chứng tích bi thương. Nhưng đó không phải là cái bi mang ý nghĩa đau khổ, mà là cái bi của sự trân trọng ngợi ca. Nhân vật các vị bô lão cũng vậy:
Đứng bên sông chừ hổ mặt
Nhớ người xưa chừ lệ chan
Có nỗi bẽ bàng, có giọt nước mắt nhưng không hẳn là những dấu vết đã luống còn lưu. Bởi ở đó có cảm quan trong cái nhìn hai chiều của lịch sử. Nhìn về xưa thì dù nay có lệ chan vẫn thấy sung sướng, tự hào. Nhưng tiếc là nay lại không bằng xưa, vì thời hậu Trần đang có những điềm báo chẳng lành, nên ưu tư trong cảm xúc của tác giả lại chính là nỗi sầu nhân thế chẳng muốn nói ra. Vì thế mà chỉ còn thấy nặng một nỗi lòng với đất nước, non sông. Điều đó lại càng được thể hiện qua niềm khao khát mãnh liệt, mong mỏi sẽ có một đấng anh minh nào đó, giữ lấy chữ đức để đất nước có xuất hiện kẻ thù nào cũng đánh tan, nhân dân bốn cõi được sống trong muôn thuở thăng bình như xưa.Tinh thần ái quốc bỗng vút cao trở thành tư tưởng nhân văn sâu sắc và ý nghĩa.
Nhìn lại khát vọng viễn du của đấng mặc khách, tao nhân trong bài phú thì có thể thấy cảm thức trước thiên nhiên chỉ là một phần, mà điều ông hướng tới chính là khẳng định những giá trị lịch sử, giá trị truyền thống của một đất nước. Đó là biểu hiện sáng ngời của tinh thần yêu nước trong văn chương. Phú sông Bạch Đằng đã góp thêm vào dòng chảy của chủ nghĩa yêu nước trong văn học Việt Nam những giá trị như thế. Tác phẩm đã chạm đến những kí ức không thể quên, khơi dậy về truyền thống lích sử vẻ vang, oai hùng, thức tỉnh những giá trị truyền thống đạo lý của dân tộc và hơn hết để khẳng định tầm quan trọng lớn lao của con người đối với lịch sử mà thời đại nào cũng cần.