Anh (chị) hãy bình luận câu nói sau: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất”

0

Hai hạt giống nọ nằm cạnh nhau trong một mảnh vườn. Hạt thứ nhất tự tin vươn mầm, đón nhận ánh nắng ấm áp và đã trở thành cái cây mạnh. Hạt thứ hai rụt rè ngóc đầu dậy, sau đó lại sợ sệt rúc sâu vào đất bởi nó lo rằng nắng gió dữ dội sẽ quật ngã cơ thể yếu ớt của mình. Rồi một ngày, có con gà vào vườn tìm mồi, vô tình mổ trúng hạt cây kia. Vậy là chỉ vì sự yếu mềm, hạt cây đã thất bại thảm hại. Câu chuyện ấy khiên tôi nhớ đến bài học về sự thất bại của con người như một câu danh ngôn từng đề cập: “Trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần, nhưng với bản thân bạn không được phép trở nên mềm yếu, vì đấy là sự thất bại thảm hại nhất” (Trích Lời cỏ cây – Bàn về thân phận con người trong cuộc đời, Márai Sádor).

Thất bại – đó là khi ta không làm được điều ta mong muốn, không đạt được đích ta đề ra. Trong cuộc sống, mỗi người đều có những ước muốn, những cái đích để vươn tới. Nhưng không phải lúc nào đường đến đích cũng dễ dàng. Những mấp mô trên đường đời đâu phải khi nào con người cũng thấy để tránh khỏi vấp ngã. Những mấp mô ấy có thể được tạo nên từ những yếu tố khác nhau: có khi là sự chủ quan như suy nghĩ còn nông cạn, năng lực còn hạn chế, thể lực vốn yếu ớt – có khi lại là do khách quan như hoàn cảnh khó khăn, sự cản trở của người khác… Bởi vậy, thất bại với mỗi người là điều không thể tránh khỏi. Có ai lại dám vỗ ngực khẳng định mình chưa thất bại bao giờ? Có chăng, điều đó chỉ xảy ra với những kẻ không có ước mong gì, chẳng dám thực hiện điều gì, cho dù là điều nhỏ nhất. Những kẻ đó đầu biết rằng đấy lại là thất bại tồi tệ của đời mình. Bởi vậy, như câu nói của Márai Sádor đã khẳng định “trong mắt người khác bạn có thể thất bại vài ba lần…”

Cùng quan điểm với Márai Sádor, nhà thơ Tố Hữu đã từng viết:

Ai chiến thắng mà chưa từng chiến bại

Ai nên khôn mà chẳng dại đôi lần

Bạn có bao giờ thi trượt hay bị điểm kém? Bạn có khi nào bị cấp trên phê bình vì làm hỏng việc?… Bạn cũng đừng băn khoăn bởi không chỉ riêng bạn thất bại đâu mà ngay cả những chính khách, danh nhân, những con người thành công vượt bậc như Walt Disney, Vangôc, Banzắc, Bác Hồ của chúng ta., cũng từng trải qua nhiều thất bại. Điều quan trọng là chúng ta đã làm gì trước những thất bại ấy mà thôi.

Vâng, điều quan trọng không phải tìm ở đâu mà là ở chính chúng ta. Ta có thể “độ lượng” với vài ba that bại của mình nhưng thật khó chấp nhận khi chúng ta trở nên mềm yếu. Thất bại hay thành công, tất nhiên không phải do ta hết cả nhưng trên hết bản thân mỗi người vẫn đóng vai trò quyết định đến hoàn cảnh của mình. “Thiên đường ở chính ta, địa ngục cũng ở lòng ta cả” (Chúa Giêsu) bởi không ai hiểu ta như chính chúng ta. Đứng trước thất bại, đôi khi con người không tránh khỏi sự yếu mềm. Đó là những lúc con người thây lo lắng, thất vọng, chán nản, dễ dãi với bản thân và phó mặc tất cả cho hoàn cảnh hay sô’ phận. Nhưng ta có biết rằng sự yếu mềm sẽ khiến mình trở nên đớn hèn, sự tự ti chi phối sẽ khiến ta thêm mụ mị, bế tắc. Cứ nghĩ mình không thay đổi được sự thất bại, thử hỏi con người còn làm được diều gì? Cứ buồn mãi, khóc mãi chỉ càng khiến thời gian trôi đi vô ích. Và rồi không những thất bại còn đó mà những thất bại tiếp theo sẽ đến với chúng ta. Sự mềm yếu, vì thê’ là “thất bại thảm hại nhất”. Ta hãy để ý, những người lầm lỗi, sa ngã hầu hết đều do mềm yếu. Một kẻ ăn chơi sa đọa đâu phải nguyên nhân chính là sự dụ dỗ của bạn bè, mà là vì anh ta không làm chủ được mình, đã mềm lòng trước lời dụ dỗ đó. Một kẻ suốt đời nghiện ngập có thể thoát khỏi cảnh ấy chứ, nếu như anh ta không chặc lưỡi “một lần này thôi” khi đưa kim tiêm lên tay. Thực tế, cũng có những cán bộ cấp cao sa vào tham ô vì không cưỡng được sức mạnh của đồng tiền. Có những nhân viên suốt đời lận đận trên con đường danh vọng bởi không dám vượt qua những thử thách của công việc.

Những con người mềm yếu sao không nghĩ rằng nếu cứng rắn, can đảm vượt qua mọi thất bại, mọi thử thách, cám dỗ thì sẽ có lợi như thế nào? Khi đó con người sẽ thấy thất bại lại là mẹ của thành công. Thất bại cho ta những bài học kinh nghiêm, giúp ta từng trải và chủ động hơn trong cuộc sống. Có nhiều người thất bại nhưng do có ý chí phi thường, lòng quyết tâm cao độ mà đạt tới thành công. Tôi nhớ tới Tổng thông Mĩ A. Lincôn – một tấm gương lớn về nghị lực, niềm tin đã từng tâm sự: “Hai chân tôi không thể bám trên con đường mòn trơn trợt, nên cũng có lúc tôi chao đảo trên cuộc đua của cuộc đời. Nhưng tôi gượng dậy và tự nhủ rằng đó chỉ là một cú trượt và nó không thể làm tôi gục ngã”. Cũng như A. Lincôn, bao nhiêu người khác cũng đã đứng lên từ những “cú trượt” của đời mình như Êđixơn, như Nguyễn Ngọc Ký… Thành công lớn nhất của họ – sự chiến thắng bản thân đã giúp ta nhận ra thất bại thảm hại nhất của con người ấy là sự mềm yếu.

Câu nói của Márai Sádor chứa đựng những bài học thật sâu sắc. Nó giúp ta hiểu hơn về sự thất bại, cho ta một lời khuyên: đừng sợ thất bại, hãy dũng cảm đương đầu với chúng! Qua đó, ta còn thây được tầm quan trọng của bản thân mình. Ta nghiệm ra rằng: “Đỉnh núi chẳng phải là nơi chinh phục của ta mà điều ta cần vượt qua là chính bản thân mình”. (S. Hillary). Muôn thế, con người cần nghiêm khắc với chính mình, đặc biệt là trong những phút giây lòng mềm yếu. Đó chính là yếu tố giúp chúng ta thành công.

Cũng như mọi người, tôi đã từng thất bại nhiều lần và đã có đôi lần tôi tỏ ra mềm yếu. Một trong những lần đáng nhớ ấy là một bài văn bị điểm sáu, đôi chỗ còn ướt nhòe nước mắt. Nhưng rồi tôi nhận ra những giọt nước mắt càng khiến tôi bị nhiều điểm kém hơn và tôi đã thử cách khác: tôi nhìn lại mình trong gương, lau khô nước mắt, mỉm cười với chính minh và tự nhủ sẽ làm lại từ đầu. Vượt qua sự mềm yếu của mình thật chẳng dễ dàng gì. Nhưng chúng ta đều hiểu rằng đó là lúc ta tránh được thất bại thảm hại nhất của bản thân để chờ đón một ngày mai tươi sáng hơn.

Leave a comment