Anh (chị) hãy nêu suy nghĩ của mình về ý kiến sau: “Một trong những tổn thất không có gì bù đắp được là tổn thất về thời gian”
Gợi ý làm bài
I. ĐẶT VẤN ĐỂ
Theo quy luật tự nhiên, thời gian đã qua đi thì không bao giờ trở lại. Vấn đề là trong cuộc sống ta làm gì với thời gian của cuộc đời mình. Cũng trong thời gian như nhau, có người đã làm nên bao điều kì diệu, đem lại hoa thơm, mật ngọt cho đời. Nhưng cũng thời gian ấy, có người lại để nó trôi qua một cách vô vị để rồi hối tiếc vì mình đã sống hoài, sống phí.
Thời gian luôn tuần hoàn theo quy luật. Nó không bao giờ dừng lại. Vì vậy, ta hãy tận dụng thời gian của cuộc đời mình để sau này không hối tiếc. Bởi vì “Một trong những tổn thất không có gì bù đắp được là tổn thất về thời gian”.
II. GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ
1. Giải thích khái niệm
– Tổn thất: Chỉ sự mất mát, thiệt hại lớn.
– Thời gian: Là hình thức tồn tại cơ bản của vật chất (cùng với không gian), trong đó vật chất vận động và phát triển không ngừng. Thời gian trong bài còn mang nghĩa chỉ thời gian của một đời người.
– Thế nào là tổn thất về thời gian? Là ta để thời gian của cuộc đời trôi qua một cách vô vị, ta sống hoài sống phí trong thời gian đó.
2. Tại sao tổn thất về thời gian lại là tổn thất không gì bù đắp được
a) Vì khi thời gian đã qua đi thì không bao giờ ta lấy lại được thời gian đã mất
Thời gian cứ trôi đi không chờ đợi bất kì ai. Không ai có thể lấy lại được thời gian khi nó đã trở thành quá khứ. Tổn thất về thời gian chính là sự mất mát về thời gian của mỗi cuộc đời, làm sao ta có thể trở về với quá khứ để mà sống và làm việc có ích cho đời. Nếu không biết trân trọng từng giây, từng phút quý báu trong cuộc đời là ta đã làm tổn thất thời gian. Khi đó chẳng bao giờ ta lấy lại được thời gian cả. Đó chính là sự tổn thất.
b) Vì thời gian có thể giúp mỗi người làm nên bao điều kì diệu
Mất đi thời gian quả thực là một tổn thất to lớn bởi vì thời gian vô cùng quan trọng. Mỗi giây phút của cuộc đời có thể giúp ta làm nên bao điều kì diệu. Một phát minh khoa học, một quyết định lịch sử quan trọng nhiều khi được quyết định trong khoảnh khắc của thời gian. Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975 là một ví dụ. Khi thời cơ chín mùi, Đảng, Chính phủ đã có quyết định thật sáng suốt, đúng đắn để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Nếu để thời cơ qua đi, không biết rồi cục diện sẽ ra sao. Với mỗi cá nhân, thời gian của cuộc đời cứ tuần tự trôi qua. Bao anh hùng trong lịch sử dân tộc đã biết tận dụng thời gian quý báu để đưa ra những quyết định tuyệt vời. Bên sông Như Nguyệt (sông cầu ngày nay), Lí Thường Kiệt đã cho cruyền đi bài thơ Thần đúng lúc, kịp thời khích lệ quân sĩ. Khi anh Nguyễn Văn Trỗi bị đưa ra pháp trường, nhà thơ Tố Hữu đã viết:
Có những phút làm nên lịch sử
Có cái chết hóa thành bất tử
Có những lời hơn mọi bài ca
Có con người như chân lí sinh ra.
“Có những phút làm nên lịch sử” đã giúp ta hiểu thêm tầm quan trọng của thời gian đôì với cuộc đời của mỗi con người. Đánh mất đi thời gian là đánh mất đi những điều giá trị mà ta không thể quay ngược bánh xe thời gian để ta tìm kiếm lại những gì đã mất.
3. Mở rộng vấn đề
– Tổn thất về thời gian là tổn thất không gì có thể bù đắp được. Nhưng điều đó không cho phép ta cứ ngồi và nuối tiếc với điều ta đã đánh mất trong thời gian đã qua. Điều quan trọng không phải ở chỗ ta có thể thay đổi quá khứ (vì không bao giờ xảy ra) mà là ta hãy nhìn thẳng vào quá khứ để rút ra bài học cho bản thân. Chúng ta phải nhìn vào hiện tại và hướng về tương lai để rồi của cuộc đời, ta không phải ân hận, nuối tiếc như bây giờ ta đang ân hận và nuôi tiếc về thời gian của quá khứ trôi qua một cách vô vị. Biết hướng về điều tốt đẹp trong tương lai nghĩa là ta đã nhận ra sự lãng phí thời gian của mình và biết trân trọng thời gian trong quãng đời còn lại.
– Ngày nay cũng còn những người không biết quý trọng thời gian của cuộc đời mình. Họ đã lãng phí quỹ thời gian ngắn ngủi của cuộc đời mình. Họ sổng không lí tưởng, không ước mơ, không hoài bão. Họ nướng thời gian của mình trong những ngày dài triền miên của các tệ nạn xã hội, ma tuý, cờ bạc, rượu chè… Kết cục của sự lãng phí thời gian đó thật thảm hại. Gia đình tan nát, cái chết lúc nào cũng rình rập…
III. KẾT THÚC VẤN ĐỂ
Phê phán lối sống không lí tưởng, không hoài bão, sống vô vị, sống hoài sống phí làm tổn thất thời gian quý giá của cuộc đời.
– Biết trân trọng thời gian để học tập, lao động, góp phần làm cho cuộc đời thêm tươi đẹp, xã hội ngày càng phát triển.
– Phấn đấu sống như nhân vật Pa-ven trong tác phẩm Thép đã tôi thế đấy: “Đời người chỉ sống có một lần. Phải sông sao cho khỏi xót xa ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn vì cái dĩ vãng ti tiện và hèn đớn của mình, để đến khi nhắm mắt xuôi tay, ta có thể nói rằng: tất cả đời ta, tất cả sự ta, ta đã hiến dâng cho sự nghiệp cao cả nhất trên đời, sự nghiệp đấu tranh giải phóng loài người.”