Bàn về tính thẳng thắn, tính thật thà
Một con người giàu đức độ, tài năng, ắt có nhiều phẩm chất cao quý, bao đức tính tốt đẹp. Muốn trở thành một con người chân chính, ai cũng phải không ngừng tu dưỡng đạo đức. Trong những đức tính cần có, cần tu dưỡng là tính thẳng thắn, tính thật thà.
Thế nào là thẳng thắn, thật thà?
Thẳng thắn có nghĩa là trong lời nói, cử chỉ, hành động, không quanh co, không giấu giếm, có sao nói vậy, làm được bao nhiêu nói bấy nhiêu.
Thật thà là tự bộc lộ mình một cách tự nhiên, không giả dối, không giả tạo. Không tham lam của cải của người khác, không tắt mắt của cải của ai mới là con người thật thà.
Vừa ngay thẳng, thẳng thắn, vừa thật thà thì mới gọi là trung thực. Ngày xưa, người quân tử thể hiện tính trung thực trong lập ngôn, lập đức, lập công. Ngày nay cán bộ sống và làm việc với tinh thần trung thực, để phục vụ nhân dân và phục vụ Tổ quốc.
Tại sao phải tu dưỡng tính thẳng thắn, tính thật thà? Thẳng thắn, thật thà, trung thực là cái gốc đạo đức, ai cũng cần tu dưỡng liên tục, thường xuyên để hoàn thiện nhân cách. Lòng hiếu thảo của. con cháu đối với ông bà, cha mẹ do lòng trung thực mà nên. Kính thầy, thương bạn do lòng trung thực mà có. Bất hiếu, bất đễ, vong ân bội nghĩa, lừa thầy phản bạn,… đều do thiếu tình người, thiếu thật thà trung thực. Làm láo báo cáo hay, che giấu dư luận, bưng bít thông tin… đều bắt nguồn từ thiếu minh bạch, thiếu trung thực của bọn cán bộ, đảng viên sa đọa, biến chất.
Các tệ nạn như quay cóp trong học tập, mua bán bằng cấp, chạy chức, chạy quyền, bán hàng giả… đều do cách sống lèm nhèm, thiếu trung thực của một bộ phận nào đó trong xã hội ta hiện nay.
Có tâm trong sáng mới sống thật thà. Nghĩ một đằng, nói một nẻo, làm một cách, bất nhất, lừa dối sao có thể gọi là trung thực? Có hiện tượng rất đáng – buồn là có một số người nói rất hay về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, nhưng họ lại không làm đúng lời dạy của Người, thậm chí họ đã tham nhũng, ăn hối lộ, hách dịch, cửa quyền,… nên khiến dân mất lòng tin, báo chí lên án.
Có sống thẳng thắn, thật thà, trung thực thì ông bà, cha mẹ mới làm gương sáng cho con cháu; ở trường học, thầy cô giáo mới làm gương sáng cho học sinh noi theo. Xây dựng nền văn hoá mới, con người mới phải coi trọng tính trung thực, thật thà.
Thầy, cô giáo và học sinh phải “nói không” với mọi tiêu cực trong nhà trường. Tuổi trẻ chúng ta phải không ngừng tu dưỡng đạo đức, sống và học tập một cách trung thực, thẳng thắn, thật thà, để xứng đáng là thế hệ mới của dân tộc trong thiên niên kỉ mới.